Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan

29/07/2022 | 362

Lễ Vu Lan trở thành một ngày lễ lớn và mang ý nghĩa quan trọng trong năm. Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Lễ Vu Lan nhắc nhở mỗi người con hồi tưởng và tri ân công sinh thành, nuôi dưỡng vô cùng lớn lao của cha và mẹ, chính vì thế Lễ Vu Lan còn có tên gọi khác là 'Mùa hiếu hạnh'.

Báo hiếu Vu Lan bằng lọ lộc bình Phúc – Đức

Lễ Vu Lan là gì?

Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo (Đại thừa Bắc tông) và dần dần trở thành ngày lễ của người Việt Nam. Chính ngày này cũng phù hợp với văn hoá truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đây là dịp để những người con báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ.

Theo quyền "Đại Việt sử Ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, lễ Vu Lan bồn du nhập vào Việt Nam rất sớm từ năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Qua thời gian, lễ Vu Lan không chỉ là một ngày lễ dành riêng cho Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Chữ "Vu Lan" là cách gọi ngắn của từ "Vu Lan Bồn" (盂蘭盆), được chuyển tự thành từ “ullambhana” trong tiếng Phạn với nghĩa là “sự giải thoát”, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở địa ngục.

Lễ Vu Lan diễn ra cố định vào rằm tháng 7 (tức ngày 15/7) âm lịch hàng năm. Nếu tính theo dương lịch, lễ Vu Lan thường rơi vào giữa đến cuối tháng 8, hoặc đầu tháng 9 hàng năm, cụ thể:

  • Lễ Vu Lan 2022 rơi vào thứ 6, ngày 12/08 dương lịch.

  • Lễ Vu Lan 2023 rơi vào thứ 4, ngày 30/08 dương lịch.

  • Lễ Vu Lan 2024 rơi vào Chủ nhật, ngày 18/08 dương lịch.

  • Lễ Vu Lan 2025 rơi vào thứ 7, ngày 06/09 dương lịch.

Lễ Vu Lan trùng với ngày Xá tội vong nhân, còn được hiểu là ngày Cúng cô hồn tháng 7 theo phong tục người Á Đông.  

Lễ Vu Lan là ngày nào? Vu Lan nên làm gì, tặng gì cho bố mẹ?

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Để nói về nguồn gốc ra đời của ngày lễ Vu Lan, mời các bạn theo dõi câu chuyện sau kể về Đại Đức Mục Kiền Liên với sự tích dùng lòng hiếu thảo của bản thân cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Chuyện kể rằng:

Khi Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) đã tu luyện thành công, ngài nhớ tới người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên dùng mắt phép để tìm kiếm khắp đất trời xem bà đã đi đâu, về đâu.

Không ngờ, kết quả đau lòng, ngài thấy mẹ mình đang bị đài thành Ngạ Quỷ (quỷ đói), đi lang thang khắp nơi, đói khát cực khổ vì những việc ác mà bà đã thực hiện. Quá đau lòng khi thấy cảnh đó, Đại Đức Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông để biến cơm dâng tận địa ngục cho mẹ, tiếc rằng tất cả những thức ăn đều hoá lửa.

Không cầm lòng được trước cảnh người mẹ mình lang thang cơ cực dưới địa ngục, ngài liền cầu cứu lên Phật Tổ, Phật liền dạy rằng dù thần thông quảng đại tới đâu thì ông cũng chẳng đủ sức để cứu mẹ đâu.

Cách duy nhất chính là nhờ sức mạnh hợp lực của chư tăng khắp mười phương. Và ngày rằm tháng bảy (15/07) chính là ngày thích hợp để thỉnh chư tăng, sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để cứu lấy phước cho mẹ.

Phật cũng nói thêm là “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng dùng cách này". Từ đó, ngày lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Lễ Vu lan là gì và ngày lễ Vu lan báo hiếu là ngày mấy 2022

Lễ Vu Lan được tổ chức trong chùa vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm

Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Nhắc tới Vu Lan nhiều người biết ngay đến ý lễ của ngày lễ này chính là dùng để báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ (của kiếp này và cả kiếp trước). Ai cũng biết cha mẹ vì con cái mà hy sinh rất nhiều, bỏ ra bao công sức nuôi dưỡng ta nên người mà không mong đổi lại gì cả.

Với người Việt đạo hiếu luôn đi đầu, nhắc nhở chúng ta về những hy sinh to lớn ấy. Những câu tục ngữ, thành ngữ của người xưa luôn luôn dạy chúng ta rằng:

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

"Chim có tổ người có tông".

"Uống nước nhớ nguồn".

...

Ngày lễ Vu Lan ra đời chính là dịp gợi nhắc các thế hệ con cháu nhớ về những công ơn như trời biển ấy. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là: “TỪ - BI - HỶ - XẢ”, “Vô ngã, vị tha”.

Mùa Vu lan đến, Phật tử chúng ta nên làm gì?

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Vì sao phải cài hoa hồng lên áo trong ngày lễ Vu Lan?

Vào ngày lễ Vu Lan, người ta sẽ cài lên ngực một bông hoa hồng để bày tỏ lòng thành với cha mẹ tổ tiên.  Nhiều người có câu hỏi rằng vào ngày Vu Lan nên cài hoa gì?

Nghi thức bông hồng cài áo này bắt nguồn từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Kể rằng, trước năm 1962, trong một lần thiền sư vào nhà sách ở Nhật Bản vào đúng Ngày của Mẹ (Mother’s Day - Ngày lễ truyền thống của nhiều nước Âu, Mỹ), thiền sư đã được một cô gái cài lên áo tràng một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, ai mất mẹ thì cài hoa trắng.

Năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nên quyển sách mang tên “Bông hồng cài áo”. Chính câu chuyện trên của thiền sư đã là khởi điểm cho nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan và làm đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật về sau, điển hình là bài hát "Bông hồng cài áo" của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ viết vào năm 1967.

10+ Quà tặng bố mẹ nhân ngày lễ vu lan báo hiếu ý nghĩa nhất

Vào ngày lễ Vu Lan, đừng quên cài lên ngực áo bông hoa hồng để bày tỏ lòng thành, biết ơn cha mẹ

Vào ngày lễ Vu Lan, khi đến chùa, bạn không nên quên dừng lại để cài cho mình một bông hồng trên ngực áo. Bông hồng được coi là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý, do đó, khi cài bông hồng lên ngực áo chính là tình cảm đẹp nhất, chữ Hiếu mà con cái gửi đến đấng sinh thành.

Khi được cài bông hồng đỏ, bạn phải biết trân trọng điều đó, vì đó chính là điều khẳng định “Tôi thật may mắn khi còn cả cha và mẹ trên đời”. Nếu còn mẹ mất cha, bông hồng màu hồng sẽ dành cho bạn. Còn nếu không may không còn ba, mẹ trên đời nữa thì bạn sẽ nhận bông hoa hồng màu trắng.

Khi nhận được bông hoa trên ngực áo, bạn sẽ cảm thấy mình nên sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, và trân quý, đền đáp báo hiếu nếu mình còn may mắn còn cả ba và mẹ sống trên đời. 

Chúng ta nên làm gì mỗi khi đến dịp lễ Vu Lan?

Trước tiên, mỗi người con hãy luôn yêu thương, kính trọng, biết ơn cha mẹ. Chúng ta hãy thường xuyên về thăm, động viên cha mẹ luôn sống khoẻ mạnh, vui vầy bên con cháu. Người già đơn giản lắm, nhiều khi chỉ cần được nghe con cháu hỏi han là thấy an tâm rồi.

Nếu sống cùng hãy chăm sóc cha mẹ cho chu đáo. Nếu gia đình có điều kiện thì thi thoảng nên cho cha mẹ đi chơi, nghỉ dưỡng hoặc mua tặng ba mẹ những món quà ý nghĩa. 

Ý nghĩa mâm cỗ chay mùa Vu Lan báo hiếu

Một việc quan trọng nên làm trong dịp lễ Vu Lan đó là làm cỗ chay dâng hương lên để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với gia tiên, hay ông bà, cha mẹ (đã qua đời). Bạn không nên đặt nặng "mâm cao cỗ đầy" mà nên sửa soạn tuỳ duyên miễn sao "lễ bạc nhưng lòng thành" là được rồi. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tích cực làm nhiều việc thiện hơn trong dịp quan trọng này như đi chùa lễ Phật, cúng dường Tam Bảo, bố thí người khốn khó, phóng sinh... để tích phước báu và hồi hướng công đức cho gia tiên, ông bà, cha mẹ và tất cả chúng sinh muôn loài vạn vật trong vũ trụ bao la... Đây cũng là những cách tri ân tuyệt vời.

Bạn hãy nhớ những việc trên không chỉ làm trong dịp Vu Lan mà nên làm bất cứ khi nào có thể nhé. Nếu làm được vậy thì công đức thật vô lượng, vô biên...

Nói chung, tất cả mọi người con đều nên cố gắng báo đáp công ơn biển trời của mẹ cha khi còn có thể, sống sao cho chữ "HIẾU" vuông tròn để cha mẹ được an vui lúc tuổi già và cũng là để con cháu chắt mình ngày sau học tập noi theo. Chứ ai ơi đừng phụ công ơn, đừng để đến khi cha mẹ đi xa mãi mãi rồi mới day dứt khôn nguôi.

"...Hãy yêu khi mẹ vẫn còn ở trên dương thế

Vắng xa mẹ hiền bây giờ con phải mồ côi..."

(Trích bài hát 'Vu Lan nhớ mẹ')

Trọn chữ “HIẾU” mùa Vu Lan

& Chúng ta cũng nên nhớ câu này:

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con"

---

Thắm Lê tổng hợp

---

*Có thể bạn quan tâm 👉

Câu chuyện suy ngẫm: Cậu bé và cây đại thụ

Hai bài thơ đẫm nước mắt về lòng mẹ

Những câu chuyện cảm động về tình mẹ

Những bài hát hay nhất về Cha Mẹ

Bữa tiệc và mẹ: một câu chuyện đậm tình người và đầy ý nghĩa nhân văn

Mẹ chồng tôi

Những gợi ý làm mâm cỗ chay đủ hương sắc vị để cúng Rằm tháng 7 tỏ rõ lòng thành

 

 

 


(*) Xem thêm

Bình luận