Nhà hát Hồ Gươm biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô Hà Nội
Không chỉ sở hữu trang thiết bị tiên tiến ứng dụng công nghệ hàng đầu, Nhà hát Hồ Gươm còn gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế vô cùng độc đáo. Công trình chạm đến trái tim người trẻ bằng lối kiến trúc vừa hiện đại, vừa gắn kết tinh hoa văn hoá nước nhà.
Công trình biểu tượng
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm hôm qua 9.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một trong những công trình kiến trúc văn hóa mang tính biểu tượng của lực lượng công an nhân dân. "Đây là một thiết chế văn hóa với không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống, có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có kết nối với công trình văn hóa lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hóa của thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hòa bình"
Nhà hát Hồ Gươm được kỳ vọng thúc đẩy công nghiệp biểu diễn Việt Nam
Các thiết bị âm thanh của Nhà hát Hồ Gươm đều được đặt hàng riêng tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại bậc nhất thế giới. Nhà hát có chung đơn vị thi công âm thanh, ánh sáng với nhà hát Metropolitan Opera (New York, Mỹ), một trong 10 nhà hát nổi tiếng nhất thế giới. Nhà hát cũng có cùng nhà cung cấp thiết bị âm thanh với các sân khấu Broadway.
Hệ thống âm thanh Constellation với loa sử dụng micro cảm biến cho phép điều chỉnh các đặc tính vang, thời gian vang tại một địa điểm và phân phối âm thanh đều khắp khán phòng, tạo ra trải nghiệm âm thanh tự nhiên ở mọi chỗ ngồi. Đây cũng là công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay. "Nhà hát Hồ Gươm là nhà hát đầu tiên tại Việt Nam cung cấp loại máy móc thiết bị rạp hát đạt tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng cao cho cả âm học tự nhiên và khuếch đại", đại diện đơn vị tư vấn thiết kế Delhom Acoustic cho biết.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: "Sau Nhà hát Lớn, 100 năm qua, chúng ta mới thấy một nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, lại vừa kể được câu chuyện của hiện tại. Giống như một gạch nối từ quá khứ tới hiện tại và tới tương lai, chúng ta có quyền hy vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà thánh đường nghệ thuật Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội".
Là một nhà hát đa năng, Nhà hát Hồ Gươm có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ khắt khe nhất như opera, nhạc giao hưởng, nhạc kịch, ba lê - múa, cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình... Trong ngày khánh thành, các ý kiến đánh giá về công trình chủ yếu tập trung vào việc nhà hát sẽ là một mốc son thúc đẩy công nghiệp biểu diễn.
Nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời nói: "Đây là một thời điểm ấn tượng của nghệ thuật biểu diễn cũng như biểu diễn giao hưởng tại Hà Nội và Việt Nam với nhà hát có điều kiện âm thanh tốt nhất hiện nay".
Đây là một thiết chế văn hóa với không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống, có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có kết nối với công trình văn hóa lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hóa của thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hòa bình. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
NSND Trần Thị Mơ, người 50 năm chơi violoncelle, cho biết trước đây muốn biểu diễn nhạc cổ điển gần như có mỗi Nhà hát Lớn. Vì thế, mỗi một chương trình biểu diễn, dàn nhạc của bà lại phải xếp hàng, đăng ký trước hàng năm. "Nhiều nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam cũng sẽ có trung tâm biểu diễn chất lượng cao. Các dàn nhạc cũng sẽ làm được nhiều điều cho nền âm nhạc nước nhà. Nhà hát chất lượng cao thế này đỏ đèn là việc bình thường. Tôi nghĩ rồi các đoàn lại xếp hàng biểu diễn ở đây như Nhà hát Lớn", bà Mơ nói.
NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đánh giá đây là một thiết chế văn hóa có được sự nghiên cứu kỹ lưỡng khi xây dựng, để có thể đáp ứng được các yêu cầu truyền thống và cả hiện đại ngày hôm nay. "Bên cạnh những thiết chế cổ kính thì vẫn cần những thiết chế hiện đại. Có các loại hình nghệ thuật như giao hưởng thính phòng opera, những loại hình khác cũng được biểu diễn tại đây. Đó là việc vô cùng cần thiết. Việc sáng đèn như thế nào để tạo được sự liên kết với Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là một bước để tiến tới công nghiệp văn hóa", bà Ly nói.
Tuy nhiên, NSƯT Trần Ly Ly cũng cho rằng một việc quan trọng không kém là thiết chế này được vận hành ra sao. Thiếu tướng - NSND Nguyễn Công Bẩy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm, cho biết đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, các chương trình nghệ thuật đặc biệt. "Tại sao dùng từ đặc biệt, vì là các chương trình cần điều kiện chất lượng cao. Các đoàn quốc tế chẳng hạn, họ cần chất lượng rất cao, thì chúng tôi đáp ứng đầy đủ", NSND Nguyễn Công Bẩy nói.
Theo lịch diễn dự kiến, tới đây nhà hát sẽ có chương trình nghệ thuật kỷ niệm 78 năm Quốc khánh, kỷ niệm thành lập ngành công an. Trong đợt biểu diễn tháng 8 đó, mỗi tối sẽ có một chương trình nghệ thuật khác nhau, cho đối tượng khán giả khác nhau.
Cũng theo ông Bẩy, đơn vị của ông muốn thu hút các nhà hát châu Âu và thế giới đến với mình. Ngay trong ngày khai mạc, Nhà hát Hồ Gươm có ký kết hợp tác với Nhà hát opera hoàng gia Versailles (Pháp). "Chúng tôi ký trao đổi chương trình 2 nhà hát, thứ nữa là các vở diễn hàn lâm của Pháp và chúng tôi là đồng sản xuất. Đây là nhà hát chính thống và lâu đời của Pháp, họ cũng chưa từng ký với nhà hát nào trên thế giới. Họ mang những tinh hoa nhất của nhà hát sang diễn tại đây, chúng tôi cũng có chương trình sang biểu diễn ở Versailles… Chúng tôi sẽ đưa các nhà hát lớn trên thế giới về đây biểu diễn với chúng tôi", Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm cho biết.
Nguồn: thanhnien.vn
Xem thêm