Những khu rừng Lim cổ thụ - Báu vật của đất trời!

09/10/2021 | 491

Rừng xanh luôn mang đến cho con người bầu không khí trong lành, những cơn gió mát, nhiều sản vật quý, màu xanh sự sống... Rừng giữ đất, bao bọc làng. Nên từ lâu Rừng xanh đã gắn bó và trở thành một phần cuộc sống thân thương với người dân nơi đây, trong đó có cả sự kết nối tâm linh nhiệm màu. Họ biết ơn rừng và nương theo rừng để sống, quyết tâm bảo vệ rừng như báu vật ngàn đời từ xưa đến nay và cho đến mãi mãi mai sau.

1. Rừng lim quý ở Đá Húc

Thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có một khu rừng lim xanh cổ thụ quý hiếm (khoảng 4 ha) với khoảng 200 cây, do đồng bào Cao Lan (thuộc dân tộc Sán Chay) quản lý. Rừng có những cây lim từ 100 đến 200 năm tuổi, cao vài chục mét, có thân cây vài người ôm không xuể. Hàng trăm năm qua, đồng bào luôn xem rừng lim là báu vật của làng nên ra sức bảo vệ nghiêm ngặt.

Rừng lim cổ trăm tuổi và chuyện huyền bí khiến lâm tặc tởn tới già

Trong rừng có nhiều cây lim xanh cổ thụ.

Men theo con đường rừng khúc khuỷu, gập ghềnh, mãi gần trưa chúng tôi mới tìm được khu rừng lim cổ thụ Đá Húc. Đây được xem là khu rừng thiêng, vì có đình thờ trong rừng. Nhiều đời nay, rừng lim được người dân nơi đây bảo vệ, gìn giữ nghiêm ngặt, được xem như biểu tượng của bản làng.

Bao quanh khu vực rừng lim xanh là đồng bào người Cao Lan sinh sống. Anh Tơ Văn Thành, một người dân trong thôn Nghè Mản cho biết, từ xa xưa, người Cao Lan đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ khu rừng như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong khu rừng. Rừng có nhiều cây gỗ dù để khô nhưng không ai dám lấy về. Trẻ em cũng được ông bà, bố mẹ khuyên dạy rất kỹ, tuyệt đối không vi phạm những điều cấm kỵ để bảo vệ rừng xanh. Người dân trước khi vào rừng phải đến đình làm lễ thông báo với thần rừng. Đặc biệt là khi vào rừng không được đốt lửa. Nhười dân có thể khai thác lấy mật ong rừng nhưng không được bắt ong già, ong chúa để chúng sinh sôi phát triển...

Lim xanh là loài gỗ quý nên luôn là mục tiêu nhòm ngó của bọn lâm tặc. Nhưng nhờ có sự đoàn kết canh giữ, bảo vệ khu rừng của đồng bào Cao Lan nên khu rừng không bị lâm tặc xâm hại.

Đình Đá Húc nằm bên rừng lim cổ thụ
Đình Đá Húc nằm bên rừng lim cổ thụ

Những người cao tuổi trong thôn kể rằng: Rừng lim thiêng lắm, vì nó gắn liền với ngôi đình cổ nơi thờ thần Cao Sơn, thờ Thần Rừng và thờ Cô Bé cửa rừng. Đồng bào còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về khu rừng này và từng có một số cá nhân đã vi phạm vào điều cấm kỵ, bị Thần Rừng trừng phạt.

Rừng lim cổ trăm tuổi và chuyện huyền bí khiến lâm tặc tởn tới già

Cây lim cổ thụ có tán rộng vươn cao giữa rừng.

Rừng là cuộc sống, rừng che chở, đùm bọc biết bao thế hệ người dân trong vùng. Đồng bào vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện vào năm 2003, bọn lâm tặc sau nhiều lần ngã giá với Trưởng bản để mua rừng lim nhưng không được, chúng bày mưu đi cưa rễ những cây lim xanh để những cây lim sẽ bị chết. Giữa đêm 30 Tết, lâm tặc cho một nhóm người vào cưa rễ cây lim to nhất. Trong lúc đang hành sự thì bị đồng bào phát hiện, kẻ gian liền bỏ trốn. Địa phương báo cho chính quyền xã và cho dân quân tự vệ vào canh giữ rừng lim. Nhóm lâm tặc kia cũng là những người ở gần bản, sau này cuộc sống gia đình họ gặp nhiều điều đen đủi nên tự họ phải lên đình Đá Húc làm lễ sám hối. 

Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, mỗi một bản làng đều có các vị thần ngày đêm che chở, bảo vệ cuộc sống của họ. Khu rừng thiêng không chỉ là nơi các vị thần trú ngụ, mà còn là nơi hội tụ linh khí của làng. Bao đời nay, vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm là ngày lễ hội truyền thống của làng, đồng bào Cao Lan ở Nghè Mản đều lên quét dọn đình, phát cây cỏ dại để chăm sóc cho rừng lim mãi mãi xanh tươi. Mỗi khi có việc đại sự của gia đình, dòng họ, đồng bào thường mang lễ vật đến làm lễ ở đình để cầu Thần Rừng cho may mắn, bình an.

Những cây lim cổ thụ ở Đá Húc.
Những cây lim cổ thụ ở Đá Húc.

Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, rừng lim đang bị loài sâu róm gây hại tàn phá nghiêm trọng. Cụ thể thể là vào tháng 3 vừa qua, sâu hại đã ăn trụi hết lá các cây lim. Trước sự việc sâu gây hại trên, người dân đã báo cáo đến các cấp chính quyền đề nghị hỗ trợ diệt sâu bảo vệ rừng. Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên người dân chứng kiến rừng lim bị sâu róm ăn trụi lá. Rất may là không lâu sau đó các mầm lá cây lim đã bật xanh trở lại, trả lại nét đẹp sinh thái vốn có cho khu rừng. 

Rừng lim Đá Húc

2. Rừng lim xanh cổ thụ - “Báu vật” ở Đèo Gia

Đã hàng trăm năm qua, đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) coi rừng Thó - nơi có hàng chục cây lim xanh cổ thụ là “báu vật” của quê hương. Họ cùng nhau bảo vệ, gìn giữ rừng lim xanh quý hiếm và trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Dẫn chúng tôi theo lối mòn, len lỏi dưới tán rừng lim xanh cổ thụ, ông Chung Văn Thảo (75 tuổi, người có uy tín trong thôn Đèo Gia) cho biết: “Theo gia phả của dòng họ, tôi là đời thứ 6 sống ở thôn Đèo Gia. Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy rừng lim xanh cổ thụ này. Theo các cụ cao niên trong thôn, khi mới thành lập thôn Đèo Gia chỉ có 12 gia đình với vài chục nhân khẩu, đều là người Cao Lan.

Nơi đồng bào Cao Lan tại thôn Đèo Gia tổ chức các lễ cúng truyền thống.

Nơi đồng bào Cao Lan tại thôn Đèo Gia tổ chức các lễ cúng truyền thống.

Khu rừng Thó này, nhờ có vị trí, phong thủy đẹp nên các cụ đã chọn là nơi thờ cúng thần linh, thổ công và gia tiên của các dòng họ trong làng. Trải qua nhiều đời, khu rừng trở thành linh thiêng, được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt, không ai chặt phá, hay lấy gỗ về làm nhà. Nhờ vậy, cánh rừng ngày một xanh tốt, những cây lim xanh mới được to lớn như ngày hôm nay”.

Khu rừng có diện tích khoảng 2 ha. Đây là rừng tự nhiên khá đặc trưng của vùng Đông Bắc Việt Nam. Cây dây leo mọc chằng chịt trên các thân cây gỗ lớn, chúng quấn lấy thân cây to mà vươn lên. Cây bụi, thảm thực vật phủ dày cả lối đi. Dọc đường đi, chúng tôi gặp hàng chục cây lim xanh cổ thụ. 

Có những gốc cây sừng sững hai người lớn ôm không xuể, có chiều cao vút ngọn từ 25 - 30 m. Ngoài lim xanh còn có một số cây thân gỗ to khác như sến, táu, dẻ... Dưới tán rừng rậm rạp, chúng tôi nghe thấy tiếng ve sầu kêu râm ran gọi hè về; tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu tạo nên một bản hợp âm du dương.

Đi sâu vào rừng lim xanh, không gian hoang sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ như ở chốn rừng thiêng sâu thẳm. Với khung cảnh thơ mộng của núi rừng nơi đây, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết, trong lòng ta lại dấy lên niềm vui và tình yêu cuộc sống. Thôn Đèo Gia thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Ngạn, hiện có hơn 300 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu. 

Đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây rất coi trọng việc cúng thần linh, thổ công ở khu rừng thiêng này. Hằng năm, có 3 lễ cúng quan trọng được tổ chức tại đây, đó là lễ khai xuân vào ngày mùng 2/1, lễ đầu năm vào 2/2 và lễ cầu mưa vào mùng 2/6 Âm lịch.

 Một cây lim xanh cổ thụ tại khu rừng Thó.

 Một cây lim xanh cổ thụ tại khu rừng Thó.

Theo đó, cả 3 lễ cúng trên đều có một quy định chung, vào các ngày làm lễ cúng, mỗi gia đình đều phải góp với làng vài lạng thịt lợn hoặc thịt gà đã luộc chín và nửa lít rượu trắng. Mỗi gia đình cử một người đại diện, tập trung lên khu rừng thiêng của làng để làm lễ cúng. Khi đi, mỗi người mang theo 1 cái bát và 1 đôi đũa. Nơi làm lễ cúng là trung tâm của khu rừng thiêng. Dưới tán rừng tương đối bằng phẳng, được dọn dẹp cây bụi, thảm tươi. 

Thầy cúng mặc trang phục của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nghi lễ cúng có tới 23 ban lễ; mỗi ban lễ gồm 1 con gà luộc, 1 bát cơm và một chén rượu. Bắt đầu lễ cúng là 23 con gà còn sống. Sau chừng 1 giờ, được thầy cúng làm lễ mới được mang gà đi cắt tiết. Tiết gà được bôi vào tiền vàng đặc trưng của đồng bào Cao Lan để cúng tiếp. Sau khi cúng, cả làng sẽ cùng thụ lộc dưới tán rừng thiêng.

“Vào các ngày đại lễ, đồng bào dân tộc Cao Lan chúng tôi lên khu rừng thiêng này làm lễ cúng Thổ Công, các vị thần linh, cùng gia tiên của các dòng họ sinh sống nhiều đời nay tại thôn Đèo Gia. Họ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc, may mắn, bình an và cùng nhau tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên đã khai hoang, lập làng để con cháu có được như ngày hôm nay”, ông Tống Văn Việt, Bí thư Chi bộ thôn Đèo Gia nói.

Rừng tự nhiên Thó phân bố loài lim xanh tại thôn Đèo Gia được đánh giá là một trong số rất ít cánh rừng tự nhiên có quần thể cây lim xanh cổ thụ quý hiếm, hiện còn sót lại tại vùng rừng núi Bắc Giang nói riêng và phía Bắc Việt Nam nói chung. Với người dân thôn Đèo Gia, khu rừng Thó với những cây lim xanh cổ thụ quý hiếm đã trở thành linh thiêng, niềm tự hào, không chỉ có nét đẹp về cảnh quan môi trường, thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào Cao Lan nơi đây.

3. Rừng lim cổ thụ giữa vựa lúa Yên Thành

"Báu vật" giữa đồng bằng

Vừa thấy người lạ đỗ xe, nhìn ngó rừng lim thuộc xóm 1, xã Lăng Thành, (huyện Yên Thành, Nghệ An), trong làng đã có nhiều người theo dõi, ánh mắt dò xét. Đang định bước chân vào trong khu rừng nằm sát con đường lớn để chụp hình, chiêm ngưỡng rừng cây quý đứng sừng sững giữa vùng đồng bằng rộng lớn, thì có mấy ông đứng tuổi ở gần nhà văn hóa xóm chạy nhanh ra hô lớn: “Cô vào rừng mần chi đó? Khéo mang lửa vô cháy rừng. Không được tùy tiện vô những cánh rừng lim mô!”, giọng của một cụ ông khoảng trên 80 tuổi nói như ra lệnh.

Sau khi biết mục đích của tôi, cụ ông thay đổi thái độ, vội trấn an: “Cháu thông cảm, bao đời nay đối với người dân chúng tôi, những rừng lim này được xem như báu vật của làng, không ai dám đụng đến. Vì thế, chúng tôi sợ kẻ xấu vào rừng chẳng may có chuyện gì thì không biết xử lý thế nào”. Rồi cụ giới thiệu tên là Lê Mão.

Cụ Mão tuy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những bước chân vẫn còn vững chắc lắm. Dẫn tôi vào cánh rừng lim quý giá của làng, chỉ tay về phía những gốc lim cổ thụ san sát, cụ ông nói: “Đã trên 7 chục năm (70 năm) nay rồi đấy, mình già đi, chứ những “cụ” lim này không thay đổi gì nhiều”. Rồi cụ tiếp tục cho hay, giống lim chậm lớn lắm. Lúc còn nhỏ, ông đã thấy những cây lim to như thế này, giờ đã lên lão rồi mà vẫn thấy như thế.

Theo các bậc cao niên kể lại, rừng lim tại xã Lăng Thành có tuổi đời khoảng 200 năm. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho hay, khu rừng lim này được trồng khi ông Nguyễn Hữu Đạo, một người dân ở xóm đỗ đạt cao tại Hội nguyên Hoàng Giáp khoa Tân Vỵ năm Chính Hòa 12, vua Lê Hy Tông (tức năm 1691). Tức là nếu giả thuyết này đúng thì rừng lim cổ thụ ở Lăng Thành bắt đầu được trồng từ những năm 90 của thế kỷ thứ 17, tức khoảng trên 300 năm tuổi. Tuy không biết chính xác số tuổi những rừng lim trong làng, nhưng điều đặc biệt là không ai dám tự ý chặt phá, hay chỉ là bẻ một nhành nhỏ. Với họ, đó giống như báu vật của làng.

Một điểm nữa khiến khu rừng lim này quý giá đó là sự trường tồn mãnh liệt với sự phát triển của dân làng. Dù có hạn hán, mua bão, lụt lội thì rừng lim vẫn cứ sừng sững xanh tươi. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù nhiều điểm của huyện Yên Thành bị bom địch đánh phá ác liệt nhưng lạ thay khu rừng lim không hề bị “dính” một trái bom nào, viên đạn nào cả. “Khu rừng khi đó cùng với Rú Gám ở xã Xuân Thành như là những “chiến hào”, là “lô cốt” để bảo vệ chính quyền, bảo vệ người dân quê lúa trong chiến tranh ác liệt”, cụ Mão tâm sự.

Tại ngôi làng này, người dân vẫn gọi lim bằng “cụ”. Có những “cụ” lim độc thân, bơ vơ một mình ven sườn dốc; có những “cụ” lim đã “thượng thọ” đến hai, ba trăm năm tuổi, con đàn cháu đống, kết thành những cánh rừng sum xuê, xanh ngắt. “Cụ” lớn nhất có đường kính khoảng 0,8-0,9m; còn lại là các cây xen kẽ dao động từ đường kính 40, 50, 60 đến 70cm.

bi an rung lim co thu anh 7

Ông Đậu Văn Nam, cán bộ lâm nghiệp, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lăng Thành cho biết, rừng lim của xã trải dài từ thôn 1 đến thôn 8, tạo thành một quần thể rộng lớn, với 106 ha lim. Hiện nay, ước tính số cây lim khoảng trên 2.000 cây.

Cũng theo chia sẻ của người đàn ông nay, lim ở đây là giống lim sâu róm và lim xanh, thân cây không lớn nhưng lõi chắc, hoa văn đẹp, dùng để làm nhà, hoặc đóng đồ gỗ dân dụng rất tốt, nhưng không ai dám tự ý chặt hạ.

Trong khu rừng này có đền Thượng Sơn, ngôi đền được dựng bằng chính gỗ lim trong khu rừng. Trước đây, có một ông thầy lang sống dựa vào khu rừng, hàng ngày thường lên rừng hái thuốc về chữa trị cho người dân. Sau khi ông mất, người dân họp bàn và quyết định lấy một cây lim dựng trong ngôi đền thờ cúng ông ấy. Đó là một trong những lần hiếm hoi, người dân nơi đây quyết định chặt cây lim vì mục đích chung.

Những cây lim có đường kính từ 60 - 80 cm, cao trên 30m. Ảnh: Văn Trường

Bão tố, cây nào đổ, không ai dám tự động vào “xẻ thịt” mang về làm của riêng, mà đợi họp dân, họp xã, định giá, đem ra bán công khai. Tiền thu được, sung quỹ. Đối với người dân nơi đây này, giữ rừng lim như giữ báu vật. Với họ, rừng lim và người như đã là duyên nợ!.

Ghi từng cây lim vào sổ sách

Ông Nam cho hay, vì rừng cây này thuộc nhóm gỗ quý lại phân bố gần khu vực giáp ranh các xã Tiến Thành, Mã Thành, nên trước đây việc bảo vệ rất căng thẳng. Chỉ cần lơ là thì chắc chắn khu rừng có thể bị người ngoài xẻ thịt, cạo trọc. Nhưng với sự bảo vệ nghiêm ngặt, ý thức của từng người dân nên rừng lim này vẫn được giữ nguyên.

Điều đặc biệt, tại ngôi làng này là nhiều gia đình sống ngay dưới những gốc cây lim có giá trị kinh tế cao, nhưng tuyệt nhiên không ai dám đụng đến. Chỉ tay vào một gốc cây nằm phía sau khu vườn của gia đình mình, bà Trần Thị Lợi bảo: “Cụ” lim này hiện nay bán giá thị trường cũng được hơn 30 triệu bạc, nhưng không ai dám chặt nó cả. Phần vì sợ chính quyền, phần vì nó như là báu vật của làng rồi”.

Năm 1995, thực hiện chủ trương giao đất khoán rừng, 106 ha rừng lim đã được giao cho 178 hộ dân quản lý. Mỗi gia đình được giao bao nhiêu cây lim, cây tạp đều được ghi vào sổ sách để theo dõi. Nhà nào để mất dù một cây lim sẽ bị phạt 2 tạ lúa và bồi thường giá trị của cây đó, mất một cây tạp cũng sẽ bị phạt một tạ lúa. Do vậy, từ nhiều năm nay, rừng lim của xã được giữ nguyên vẹn.

Ông Đặng Ngọc Hà, Đội trưởng bảo vệ rừng lim cho biết, Rú Chùa là khu rừng còn giữ được những nét hoang sơ nhất trong toàn bộ rừng lim của xã Lăng Thành. Bây giờ quy định đã có sự thay đổi, người dân có thể chặt bỏ cây dại để trồng dứa, trồng keo xen lẫn phía trong rừng lim.

Nhưng cây lim là tài sản chung nên tuyệt đối không ai được đụng vào. Nhiều năm trở lại đây, để bảo vệ rừng lim, xã còn thuê 8 người làm nhiệm vụ túc trực, tuần tra rừng. Dù rằng, công bảo vệ cả năm chỉ vỏn vẹn dăm triệu đồng, chỉ đủ để...uống rượu!. “Người dân nơi đây xem những cây lim không chỉ là tài sản chung mà còn như một biểu tượng tâm linh nên anh em không vất vả lắm.

Nhiệm cụ chủ yếu của đội bảo vệ lại là phát dọn thực bì chống cháy rừng”, ông Hà tâm sự.

Khám phá rừng lim nghìn tuổi độc nhất xứ Nghệ | Báo Dân trí

Là một trong số hơn 100 hộ gia đình được giao quản lý rừng, ông Cao Xuân Hiển (SN 1957), trú xóm 8 cho hay, gia đình ông nhận khoán 10,2 ha.

Hàng ngày, ông cùng người còn trai lên rừng làm việc, vừa để tuần tra, bảo vệ những cây lim của làng. 20 năm trôi qua, hầu như ngày nào người đàn ông đó cũng có mặt tại rừng, nhiều khi cũng chỉ đế ngắm những cụ lim cổ thụ mà gia đình mình được quản lý. “Ở trên miền núi cao tít tắp biên giới Việt - Lào còn hiếm khi tồn tại được những cây lim cổ thụ như thế này chứ chưa nói đến cả khu rừng lim bạt ngàn như vậy.

Là người dân nơi đây, tôi cảm thấy rất tự hào về điều này. Gia đình nhận thầu khoán chăm sóc một phần cũng vì muốn góp chút gì đó để gìn giữ, bảo vệ những giá trị lớn lao mà ông cha đã để lại”, ông Hiển nói với giọng đầy tự hào.

Theo ông Hoàng Danh Thọ, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, khu rừng lim thuộc loại nhóm gỗ quý hiếm, lại phân bổ rộng nên có những giai đoạn cả chính quyền lẫn người dân phải rất căng thẳng trong việc bảo vệ. Hiện rừng có 2.104 cây lim đã được ghi vào sổ sách, giao cho người dân quản lý.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cũng rất tự hào về “báu vật” của huyện nhà: “Giá trị của rừng lim cổ thụ ở xã Lăng Thành không thể nói đơn thuần về giá trị kinh tế của gỗ quý được.

Điều đặc biệt là một khu rừng quý hiếm như thế mà vẫn giữ gìn, bảo vệ được đến ngày hôm nay thì thật là điều hiếm có.

Hiện nay, rừng nhiều nơi bị san phẳng, giữa thâm sơn cùng cốc căng mắt mà chẳng thấy bóng dáng cây lim nào. Nhưng giữa “vựa lúa” Yên Thành cách quốc lộ 1A chưa đầy vài chục km, lại giữ được rừng lim nguyên sinh, chuyện thật mà như mơ.

4. Rừng lim 800 năm của 12 dòng họ

Làng Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh (Hải Dương) nằm bên bờ sông Nguyệt Giang chảy từ Kiếp Bạc đến sông Kinh Thầy. Người ta bảo đây là đất của thánh thần. Cũng phải, bởi làng Đại có quá nhiều câu chuyện lạ kỳ.

Cây tổ của 12 dòng họ

Làng Đại không giàu nhưng cũng chẳng nghèo. 504 hộ với 1.515 khẩu sống dựa vào 230 mẫu ruộng. Không có khu công nghiệp, không tệ nạn, ngôi làng cứ như một ốc đảo xanh giữa bốn bề đồng ruộng. Trưởng thôn Đại Dương Văn Đông (57 tuổi) nói rằng, báu vật của làng thì nhiều, nhưng quan trọng nhất, thiêng liêng nhất là rừng lim cổ thụ 800 năm tuổi nằm trong quần thể di tích đền Cao ở trên núi Thiên Bồng. Tương truyền, đây chính là cụ tổ của thập nhị gia tiên, 12 dòng họ hiện nay ở làng. Dẫn tôi leo lên đồi lim, ông Đông tự hào: Bao đời nay, dù có bất cứ chuyện gì thì người dân làng Đại vẫn bảo vệ rừng lim còn hơn cả tính mạng của mình.

Rừng lim nằm ở phía Tây của đền Cao bây giờ còn 54 cây lim cổ thụ và 400 cây lim trưởng thành. Cây có tuổi đời cao nhất khoảng hơn 800 năm vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam năm ngoái, người làng gọi là cây tổ, nguồn gốc của 12 dòng họ trong làng.


Cây lim tổ của làng Đại

Ngọc phả làng kể lại rằng: Từ thuở người Tàu còn đô hộ nước ta, chúng giết hết đàn ông chỉ để lại 12 cô gái xinh đẹp. May mắn trong số trai tráng làng có một người đàn ông trốn thoát và nấp vào bụi dứa. Con chó của giặc đánh hơi được, chúng chọc giáo xuyên phải tay ông. Giữa lúc nguy cấp thì một con cáo nhảy từ bụi dứa ra đánh lừa được giặc, nhờ đó ông thoát chết. Giặc Tàu lấy cớ ép 12 cô gái làm vợ bằng cách bắt họ trồng 12 cây sanh với điều kiện, khi nào cây lên xanh tốt thì phải theo hầu. Người đàn ông nọ đã bày mưu để 12 cô gái đuổi giặc đi bằng cách lấy nước sôi tưới từ ngoài vào gốc để cây dần dần chết. Người Tàu coi trọng phong thủy, sợ chạm đến long mạch nên phải bỏ đi.

Khi đất nước thanh bình trở lại, người đàn ông đi lại với cả mười hai cô và 12 đứa trẻ được sinh ra mang 12 dòng họ của dân làng Đại bây giờ: Họ Dương, họ Nguyễn, họ Cao, họ Mạc, họ Phạm, họ Hoàng, họ Tạ, họ Bùi, họ Đào, họ Đỗ, họ Lỗ và họ Lê. Khi người đàn ông kia mất, cây lim cổ thụ nhất bỗng nhiên xuất hiện chiếc bướu lồi ra hình con cáo đang cuộn tròn nằm ngủ.

Không ai nhớ hình con cáo xuất hiện từ bao giờ nhưng dân làng Đại truyền đời những câu chuyện linh thiêng về cụ tổ và cho rằng cái bướu hình con cáo chính là hiện thân của ông. Dưới gốc cây, làng Đại lập bàn thờ tổ do ban đầu họ thờ ông tổ gồm 12 người, đại diện cho 12 dòng họ trong làng trông nom. Họ làm việc không công nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành tối đa vì niềm tự hào dòng họ nhà mình. Bất cứ việc to, việc nhỏ trong làng đều phải thắp nhang xin phép cụ tổ cả. Lẽ đương nhiên, chẳng ai dám xâm phạm dù chỉ là chiếc lá.


Trưởng thôn Đông kể những chuyện ly kỳ bên rừng lim cổ thụ

Việc bảo vệ cây lim tổ và rừng lim cổ thụ cũng hết sức ly kỳ. Trưởng thôn Đông khẳng định rằng, ban đầu có 60 cây lim cổ thụ, nhưng đợt cải cách văn hóa, chính quyền đòi chặt hết. Nhưng mới cưa được 6 cây thì 108 cụ già làng Đại cứ hai người ôm một gốc tuyên bố: Nếu cưa cây thì hãy cưa luôn cả chúng tôi. Chính quyền tạm thời nhượng bộ chờ lệnh cấp trên. Người làng Đại cơm đùm cơm nắm đi bộ cả ngày đường lên Hà Nội xin Thủ tướng Phạm Văn Đồng giữ lại cho làng, bởi rừng lim là cụ tổ của họ. Nếu chặt đi dân làng sẽ không một ai thiết sống nữa.

Thời chiến tranh chống Pháp, đất An Lạc chịu nhiều trận càn của giặc, hàng trăm quả đại bác, hàng chục tấn bom quân thù phá tan hoang làng xóm nhưng không quả nào rơi trúng ngôi đền và đồi lim. Rồi đến thời máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, có 8 quả bom trút xuống gần khu vực đền, tưởng đền chùa, rừng lim sẽ hóa thành tro, nhưng lạ ở chỗ, bao nhiêu bom đạn rơi ra đồng, ra bãi cả.

Vì những chuyện lạ kỳ như thế mà rừng lim cổ thụ trường tồn. Nhưng theo trưởng thôn Đông, lý do chính vẫn là ý thức bảo vệ của người dân. “Từng cành cây, chiếc lá rụng xuống cũng được dân làng bảo vệ. Loài cây quý nhưng không ai dám đụng đến cả. Không chỉ là quan niệm về tâm linh, rừng lim còn có giá trị di sản, văn hóa và môi trường. Gọi là báu vật làng Đại cũng chẳng ngoa đâu”, ông Đông bày tỏ.

Đất của thánh thần

Người ta gọi làng Đại là đất của thánh thần. Có lẽ vì vùng quê này có tới 5 ngôi đền thờ trong quần thể di tích đền Cao. Bốn ngôi đền thờ những bậc thánh nhân của làng, ngôi còn lại thờ vua Lê Đại Hành. Có cảm tưởng, hầu hết dân làng Đại đều là con cháu của thánh thần cả. Dương Văn Đức, một người con của làng Đại hiện làm cán bộ văn hóa thị xã Chí Linh, khoe với tôi: Làng Đại là đất thiêng, có những phong tục, những nét văn hóa không nơi nào có được.

Thiêng nhất là đền Cao, nơi thờ 5 anh em họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lược Tống năm 981. Đó chính là những bậc thánh nhân mà mộ của họ bây giờ vẫn vẹn nguyên để dân làng ngày ngày hương khói.


Ban thờ tổ của 12 dòng họ làng Đại

Anh Đức kể: Vào thời Đinh, làng Đại có đôi vợ chồng ông Vương Đức Tĩnh và bà Đào Thị Thanh sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con. Một đêm bà đang tắm bên bến sông bỗng gặp gió lớn sóng to, ầm ầm như rồng hút nước. Rồi bà thụ thai. Đủ 9 tháng 10 ngày thì sinh một lúc được 5 người con gồm hai gái 3 trai, đặt tên là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu, Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng. Năm 981 quân Tống xâm lấn bờ cõi nước ta. Vua Lê Đại Hành truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra phò vua giúp nước. Năm người con họ Vương đang có tang cha mẹ nên không dám về triều ứng thí. Đến khi nhà vua hành quân đi đánh giặc đến núi Chí Linh, nhận thấy ở đây địa thế hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân. Hàng ngày thấy những người con họ Vương đi ngang qua cửa trại, nhà vua nhận thấy họ đều là người tài năng liền cho thử tài và chiêu dụng, phong chức. 

Không giàu có nhưng làng Đại yên bình. Một phần là vì đất làng rất thiêng. Hàng năm khách thập phương khắp cả nước, những người có họ trong 12 dòng họ làng Đại đều kéo về thắp hương lên bàn thờ Tổ ở gốc cây lim cổ thụ bằng tất cả sự thành kính. Ông Đông bảo rằng, bất cứ việc lớn việc nhỏ của dân làng nếu thành khẩn khấn cầu trước cụ Tổ đều thành công cả.

Năm vị tướng ra trận cầm quân tiến đánh giặc chạy tan tành. Vua cho mở tiệc khao thưởng quân sĩ và dân làng rồi kéo về kinh thành Hoa Lư. 5 ngài xin ở lại  mãn tang cha mẹ sẽ về triều bái yết. Không ngờ ý trời linh hoá, đêm hôm đó trời đất tối tăm mờ mịt, mưa gió ầm ầm, 5 ngài đều thăng hoá về trời (đêm 24 tháng Giêng).

Nhà vua thương xót liền phong mĩ tự cho 5 ngài: Vương Thị Đào là “Đào hoa trinh thuận công chúa”. Vương Thị Liễu là “Liễu hoa linh ứng công chúa”. Vương Đức Minh là “Thiên Bồng Đại tướng quân đại Vương”. Vương Đức Xuân là “Dực thánh linh ứng đại vương”. Vương Đức Hồng là “Anh vũ dũng lược đại vương”. Năm vị được nhân dân tôn làm “Thượng đẳng phúc thần” và đã xây dựng đền thờ phụng.

Đời đời kiếp kiếp dân làng Đại thờ phụng những bậc thánh nhân của làng bằng cách lựa chọn những người uy tín nhất trong làng để hương khói, truyền đạt ý chỉ của những bậc thánh nhân. Những người có trách nhiệm mỗi tháng hai lần vào hậu cung để dọn dẹp và kiểm tra những báu vật của làng gọi là cụ trùm và quan đám. Những báu vật ấy chỉ có họ mới biết, “sống để dạ chết mang theo” không bao giờ được tiết lộ ra ngoài.

Trong những ngày lễ hội, dù có giỗ chạp thì ông trùm, quan đám cũng không được thắp hương lên ban thờ gia tiên, thậm chí không được… ăn các món trên ban thờ nhà mình. Họ đều phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ, khi làm lễ phải  đội khăn, che miệng, vào hậu cung thì bước chân phải trước, ra khỏi cung bước chân trái trước. Hết “nhiệm kỳ” làm quan đám sẽ được thăng chức cụ Lềnh. Làng Đại bây giờ có khoảng 30 cụ Lềnh như thế. Khắt khe, khổ cực nhưng lại là niềm tự hào của cả dòng họ nên ai cũng cố gắng phấn đấu để làm. Mỗi năm dân làng tổ chức 24 sự lệ lớn nhỏ. 24 sự lệ này, tỉnh Hải Dương đang làm hồ sơ xin công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

5. Rừng lim cổ thụ hơn nghìn năm tuổi tại Hà Nội

Có lẽ ít người biết đến có một rừng lim cổ thụ không ở nơi rừng sâu núi cao lại hiện diện ngay gần Hà Nội, nơi đồng bằng sông Hồng rộng lớn.

Cánh rừng lim xanh độc đáo này nằm trên quả đồi thấp, bao quanh đền Và tại phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội. Đền Và thờ Thần núi Tản viên Sơn Thánh, là ngôi đền thờ vị thần trong Tứ Bất Tử trong truyền thuyết của Việt Nam.

Rừng lim cổ thụ hơn nghìn năm tuổi tại Hà Nội.

Rừng lim cổ thụ hơn nghìn năm tuổi tại Hà Nội.

Cánh rừng lim cổ thụ ước tính hơn nghìn năm tuổi tọa lạc trên vùng đồi rộng 5,7 hecta, có 242 cây lim xanh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vô cùng độc đáo.

Có những gốc lim to, đường kính 1,5 m phải 2 đến 3 người ôm mới xuể. Người dân trong vùng cũng như khách thập phương khi tới chiêm bái, lễ Thánh tại Đền Và luôn có ý thức gìn giữ rừng lim.

Có 242 cây lim xanh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vô cùng độc đáo.

Có 242 cây lim xanh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vô cùng độc đáo.

Với những giá trị của mình, 85 cây lim cổ thụ cùng 2 cây ngọc lan và 2 cây đại tại khu di tích lịch sử Đền Và được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Lim là giống gỗ quý thuộc hàng tứ thiết, theo Lê Quý Đôn, giống cây lim: "Cây to đến mười người ôm, sắc tía đen, rắn chắc như đá, dùng làm nhà cửa, chùa, quán, thuyền bè, đồ đạc".

Không một ai xâm phạm cánh rừng này dù chỉ là một cành củi.

Không một ai xâm phạm cánh rừng này dù chỉ là một cành củi.

Với người dân Sơn Tây, khu rừng lim còn có ý nghĩa tâm linh, họ coi đây là khu rừng thiêng với nhiều câu chuyện kỳ lạ. Không một ai xâm phạm cánh rừng này dù chỉ là một cành củi.

Vào những buổi trưa hè nắng nóng, đám trẻ chăn trâu hay những người dân làm lụng vất vả ngoài đồng thường vào nghỉ ngơi bên những gốc lim, tránh nắng dưới những tán lá xum xuê.

Những cây lim nhỏ ở tầm thấp.

Những cây lim nhỏ ở tầm thấp.

Tạm thời để cứu chữa rừng lim cổ, cơ quan chức năng đã đổ thêm đất màu, phun thuốc trừ sâu bệnh, trồng một số cây mới tại vị trí cây đã chết... Song các cách làm này đều chưa hiệu quả, nhiều cây vẫn đang đứng trước nguy cơ chết dần do sự tác động của thời gian và các loại sâu bệnh.

Rừng lim xanh cổ thụ hơn nghìn năm tuổi ngay tại Hà Nội - 9

Trong khi đó, những cây mới trồng không thể lớn được vì bị tán cây to che khuất ánh sáng. Do vậy, để bảo tồn và phát triển rừng lim Đền Và cần phải có một giải pháp tổng thể kết hợp giữa các yếu tố khoa học, sinh thái, quản lý, đầu tư việc "cứu chữa" những cây cổ thụ bị bệnh không phải vấn đề đơn giản. Trước thực tế này, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND thị xã Sơn Tây kiểm tra và đưa ra biện pháp gìn giữ 242 cây lim cổ thụ này.

Rừng lim xanh cổ thụ hơn nghìn năm tuổi ngay tại Hà Nội - 14

Rừng lim xanh cổ thụ hơn nghìn năm tuổi ngay tại Hà Nội - 6

"Báu vật lộ thiên" rừng lim xanh hàng trăm năm tuổi ở Hà Nội - 1

"Báu vật lộ thiên" rừng lim xanh hàng trăm năm tuổi ở Hà Nội - 5

Rừng lim cổ Đền Và hàm chứa giá trị to lớn về văn hóa tâm linh. Hãy cùng chung tay chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ rừng lim là góp phần tích cực vào việc bảo vệ cảnh quan môi trường, gìn giữ những di sản xanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững.

6. Rừng Lim quý từ thời pháp thuộc ở xứ Thanh

Lim xanh Thanh Hóa là loài bản địa quý, cho chất lượng gỗ nổi tiếng cả nước nhưng bị khai thác quá mức nên hiện nay số lượng còn rất ít. Tuy nhiên, tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy), một rừng lim xanh được trồng từ thời Pháp thuộc vẫn được người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành "báu vật".

Cả làng bảo vệ rừng lim quý từ thời Pháp thuộc

Người dân các thôn: Thái Học và Bắc Sơn, xã Cẩm Tú coi những cây lim như báu vật, cùng nhau chăm sóc, bảo vệ.

Trên con đường liên huyện từ xã Cẩm Tú đi huyện Bá Thước, người đi đường không khỏi ngỡ ngàng và ấn tượng với những bóng cây cổ thụ vươn cành che rợp cả lối đi. Màu xanh thẫm của từng thảm lá, những cành cây vững chãi vươn rộng đang cho thấy sự trường tồn của từng “lão mộc”.

Cả làng bảo vệ rừng lim quý từ thời Pháp thuộc

Chỉ cách mặt đường nhựa chưa đầy 10m, những gốc lim xù xì lớn nhỏ khác nhau ở triền dốc đang nói lên rằng, sự tiếp nối của các thế hệ cây ở đây vẫn liên tục như vòng quay của trời đất.

Xa xa trên các triền đồi, những “cụ” cây vươn mình hướng sáng, cao tới hàng chục mét, vượt hẳn màu xanh của thảm thực vật hỗn giao phía dưới. Những cây lim này có tuổi đời cả trăm năm, đường kính từ 1 đến 1,5m. Những cây còn lại cũng thuộc hàng cổ thụ, phần gốc từ 1 đến 2 người ôm.

Cả làng bảo vệ rừng lim quý từ thời Pháp thuộc

Điều đáng nói, hầu như tất cả những rừng lim bản địa xứ Thanh trên địa bàn tỉnh đã bị đào tận gốc, trốc tận rễ từ hàng chục năm trước, họa hoằn mới sót lại một số cá thể cổ thụ. Các quần thể lim cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bến En trên địa bàn huyện Như Thanh cũng chỉ còn một số cá thể. Ngược lại, rừng lim cổ thụ tại xã Cẩm Tú này lại được bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều năm qua số lượng cá thể cây không hề giảm, trong khi đó cây nhỏ vẫn lớn lên.

Thông tin từ UBND xã Cẩm Tú cho biết, rừng lim trải dài trên địa bàn 2 thôn Thái Học và Bắc Sơn, với tổng diện tích 42,5 ha, hiện có hơn 1.200 cá thể lim xanh, xen lẫn là hệ thống thực vật hỗn tạp tầng thấp.

Với một vài cá thể lim bị chết, chính quyền và người dân địa phương thống nhất vẫn phải giữ nguyên trạng chứ không cho khai thác tận thu. Đã bảo vệ là phải nghiêm, nếu cứ chết mà cho khai thác sẽ thành tiền lệ xấu.

Hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Thủy cùng với UBND xã Cẩm Tú đều tiến hành kiểm đếm, đánh dấu, nhất là những cây lớn phân bổ ngay gần ven đường. Nhiều năm qua, Chi bộ thôn Thái Học còn đưa việc bảo vệ rừng lim thành nhiệm vụ xuyên suốt, liên tục được quan tâm.

Ông Cao Văn Đường, người dân thôn Thái Học cho biết: Rừng được chia thành 9 khoảnh nhỏ để giao cho từng hộ và nhóm hộ nhận bảo vệ, chăm sóc. Gần như tuần nào chúng tôi cũng men theo lối mòn, tuần tra kiểm đếm số cây. Nếu thấy người lạ lân la gần khu đồi lim, người dân địa phương gọi điện báo lên xã và kiểm lâm địa bàn ngay. Trước đây, nhiều trường hợp khả nghi đến khu rừng nhưng vì người dân phát hiện nên bỏ đi. Nhiều năm qua các cá thể lim trong rừng vẫn được gìn giữ.

7. Báu vật rừng lim trên dãy Trường Sơn

Khu rừng lim độc nhất vô nhị còn sót lại trên dãy Trường Sơn này nằm gọn trong địa phận xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Muốn vào được đây, người ta phải đi từ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam - bởi khu rừng được những ngọn núi đá dựng đứng và dòng sông Bung uốn lượn bao bọc.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Vượt hơn 80 km từ trung tâm huyện Nam Giang đến thôn Pà Đhí, xã Zuôih bằng xe máy, chúng tôi đến bờ sông Bung. Các cán bộ kiểm lâm Trạm Bảo vệ rừng lim Lăng - Zuôih đã đón sẵn. Trạm trưởng Nguyễn Thành Long, người có hàng chục năm bám rừng ở những khu vực được xem là "điểm nóng" của Quảng Nam, cùng 2 kiểm lâm viên giục chúng tôi nhanh chóng lên phà để kịp chuyến tuần tra.

Mùa này, thủy điện Sông Bung 4 xả nước phòng lũ về nên nước lòng hồ khá cạn. Sau khoảng 20 phút, chiếc phà tuần tra chậm rãi đưa chúng tôi vượt sông Bung đến đầu suối Lăng, nơi đặt lán trại của lực lượng bảo vệ rừng. Từ chốt điểm này, lực lượng kiểm lâm có thể kiểm soát cả đường bộ lẫn đường thủy dẫn vào rừng lim.

Trạm Lăng - Zuôih khá đặc biệt, được thành lập với nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ nguyên vẹn khu rừng lim quý hiếm và 13.000 ha rừng giáp ranh giữa 2 xã Zuôih - Lăng. Thực tế, khu rừng lim ở xã Lăng đã được phát hiện từ rất lâu nhưng lãnh đạo huyện Tây Giang cho "đóng dấu mật" - phương châm đặt ra là càng ít người biết càng tốt.

Đóng dấu mật rừng lim quý - Ảnh 1.

Một gốc lim cổ thụ 3-4 người ôm không xuể

"Năm 2014, khi thủy điện Sông Bung 4 chuẩn bị tích nước, dự báo trước sau gì rừng lim cũng bị lâm tặc nhòm ngó nên huyện Tây Giang tiến hành khảo sát, đánh số cây và thành lập ngay trạm bảo vệ trực thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung" - anh Long cho biết.

Xác định nhiệm vụ được giao cực kỳ quan trọng, cán bộ, nhân viên trạm Lăng - Zuôih hầu như không ngày nào vắng mặt, kể cả dịp lễ, Tết. Biên chế chỉ có 9 người, mỗi kíp trực đã phải huy động 7 thành viên, kéo dài suốt 1 tuần. Sau mỗi kíp trực, 2 người được thay để lo việc giấy tờ, tiếp tế xăng dầu, thực phẩm.

"Luân phiên như thế, ngày này nối tháng khác, kiểm lâm viên ở đây thầm lặng bảo vệ rừng lim theo phương châm nội bất xuất, ngoại bất nhập. Anh em của trạm đa phần ở xa, mỗi lần về thăm nhà phải vượt hàng trăm cây số. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao" - anh Long bộc bạch.

Khu rừng "triệu đô"

Sau khi dùng vội bữa cơm trưa, chúng tôi bắt đầu ngược dòng suối Lăng tiến vào rừng lim. Dù được các kiểm lâm viên "làm công tác tư tưởng" từ trước nhưng hành trình theo đoàn tuần tra tiến vào rừng lim thật gian nan ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Hôm ấy, trời vừa mưa lớn khiến nước suối Lăng dâng đầy và chảy xiết. Có những đoạn nước sâu đến tận thắt lưng, kiểm lâm viên và chúng tôi phải đi theo hàng để hỗ trợ nhau vượt suối. Kiểm lâm viên Bùi Ngọc Thạch nhớ lại: "Những đợt tuần tra gặp mưa lớn, anh em phải ở lại trong rừng vài ngày là chuyện thường".

Đúng 3 giờ vượt suối, luồn qua những cung đường mòn lau lách rậm rịt và hàng chục con dốc dựng đứng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu rừng lim quý hiếm. Trải qua chặng đường gian nan, có lúc ngỡ như không bước chân nổi nên khi đến đích, niềm vui của chúng tôi thật khó tả.

Cây dây leo bám vào thân gỗ lim, kiểm lâm chặt bỏ cưởi trói cho cây phát triển. Ảnh: Đắc Thành.

Dây leo bám vào thân gỗ lim, kiểm lâm phải chặt bỏ cho cây phát triển. Ảnh: Đắc Thành.

Cây lim đầu tiên chúng tôi chạm mặt nằm ở lưng chừng đồi, thẳng đứng, gốc to 4 người ôm không xuể. Đoạn đồi này lim mọc dày, hàng chục cây khổng lồ chỉ cách nhau chừng vài chục mét. Hiếm hoi mới thấy một vài sợi nắng xuyên qua tán lá dày trên đầu.

Có thể dễ dàng nhận thấy khu rừng lim này còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ. Ngoài con đường tuần tra do các kiểm lâm viên mở, cả cánh rừng lim bạt ngàn này rất ít dấu vết của con người. Cảm giác đứng trong rừng lim hít thở không khí trong lành thật khoan khoái.

Theo trạm trưởng Long, những gốc lim chúng tôi gặp chưa phải là to nhất, càng tiến sâu vào sẽ thấy những gốc lim lớn hơn nhiều. Trong đợt kiểm đếm trước đây, lực lượng chức năng chỉ ghi nhận những cây lim có gốc từ 3 người ôm trở lên - khoảng 400 cây, còn nhỏ hơn thì tính không xuể. Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu để xác dịnh lim cổ thụ ở khu rừng này có tuổi đời bao nhiêu năm.

"Có những cây lim tồn tại đã hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Lim là loại cây quý hiếm, thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi cây lim ở đây ít nhất cũng được hơn 10 m3 gỗ. Hiện nay, gỗ lim có giá 20-30 triệu đồng/m3. Tính ra, mỗi cây lim có giá ít nhất 200 triệu đồng, rừng lim hàng trăm gốc này trị giá hàng triệu đô" - anh Long khẳng định.

Rừng lim giá trị là thế, lại nằm khá gần suối Lăng nên rất nguy hiểm. Nếu lực lượng kiểm lâm lơ là thì chỉ trong vòng 1 tuần, lâm tặc có thể chặt trụi cả rừng lim rồi dựa theo dòng nước đưa gỗ về xuôi.

Rừng lim: Rừng Lim cổ thụ Tây Giang - "báu vật" của Quảng Nam | VTV.VN

Trưởng trạm Lăng - Zuôih tâm sự: "Chỉ cần phát hiện một bếp lửa, một vết phát dọn - dấu tích sự hiện diện của con người - trong cánh rừng này là anh em phải căng mình rà soát. Chỉ đến khi biết chắc đó chỉ là người địa phương đi bứt mây, hái nấm hoặc đánh bắt cá thì căng thẳng mới giảm đi phần nào. Đã có nhiều đối tượng xấu đến tìm cách mua chuộc để phá rừng lim nhưng chúng tôi nhất quyết không tiếp tay, thế là bọn xấu trở mặt đe dọa. Chúng tôi đã hứa với lãnh đạo tỉnh, huyện là không bao giờ để mất cây lim nào. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ từ năm 2014, chúng tôi chưa bao giờ để mất một cây rừng".

Thắm Lê tổng hợp

Nguồn: baodantoc.vn, nongnghiep.vn, baobacgiang.com.vn, baothanhhoa.com.vn & vnexpress.net


(*) Xem thêm

Bình luận