Điều bất ngờ ẩn sau hành động 'gây sốc' của hồng hạc

13/03/2022 | 321

Khoảnh khắc đáng kinh ngạc ghi lại cảnh chim hồng hạc như đang bị mổ chảy máu đầu, nhưng thực ra đây không phải cách chúng đả thương nhau.

Điều bất ngờ ẩn sau hành động gây sốc của hồng hạc - 1

Trong tự nhiên không thiếu những câu chuyện hết sức kỳ quái - nhất là khi đứng dưới thế giới quan của loài người.

Cảnh tượng chim hồng hạc nuôi con do trang Facebook Science Channel chia sẻ cách đây không lâu là một trong số đó, đã thực sự khiến người xem cảm thấy "sốc" khi lần đầu được chứng kiến. 

Thoạt nhìn, có vẻ như hồng hạc đã mổ rách đầu một con hồng hạc trưởng thành khác. Trong khi đó, con non ở phía dưới đang dùng mỏ quặp chặt lấy chim hồng hạc "bị thương", hứng trọn dòng chất lỏng đỏ như máu chảy xuống.

Nhưng sự thật không đáng sợ như vậy. Trên thực tế, đây lại là một hành động vô cùng ý nghĩa, với 3 con hồng hạc chính là một gia đình, gồm hồng hạc bố, mẹ, và con của chúng.

Thứ chất lỏng màu đỏ mà hồng hạc con đang uống không phải máu, mà là một loại chất dinh dưỡng rất giàu protein và chất béo được gọi là sữa diều (sữa chảy ra từ diều). Chúng tiết ra từ một tuyến đặc biệt, gọi là tuyến lót, nằm ở phần trên bộ máy tiêu hóa của cả hồng hạc đực và cái. 

"Hồng hạc có thể sản sinh ra sữa diều trong hệ tiêu hóa, sau đó phun ngược trở ra để mớm cho con ăn", chú thích trên Science Channel cho biết. "Hồng hạc là loài chim duy nhất có thể làm điều này".

Điều bất ngờ ẩn sau hành động gây sốc của hồng hạc - 2

Cảnh tượng hồng hạc nuôi con bằng sữa diều đỏ như máu.

Như vậy, trong ảnh chính là hồng hạc bố (trên) đang nhỏ sữa lên đầu chim mẹ, để dịch lỏng chảy dần vào miệng con non, chứ hề có hành động mổ. Được biết, hồng hạc con sẽ sống dựa vào sữa diều trong khoảng 2 tháng sau khi nở.

Theo lý giải của các chuyên gia về điểu học, một số loài chim khác như bồ câu hay cánh cụt cũng nuôi con bằng sữa. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, chim non sẽ rúc mỏ trực tiếp vào mỏ chim mẹ để ăn sữa. Còn chim hồng hạc do cấu trúc mỏ dài, to nên phải ăn theo kiểu đặc biệt như vậy.

Cũng có người cho rằng do cấu trúc sinh học đặc biệt, nên chim bố phải ghì mạnh mỏ xuống thì sữa diều mới chảy ra được. Trong khi đó chim con yếu ớt sẽ không thể chịu được lực tác động này. Chính vì vậy, chim mẹ đã đưa đầu ra để "hứng" dòng sữa, rồi nhẹ nhàng dẫn vào mỏ chim con.

Như vậy, chỉ riêng hành động này đã cho thấy sự tinh tế và cẩn thận của loài chim hồng hạc, chứ không hề "kinh khủng" như nhiều người đã lầm tưởng khi nhìn qua bức ảnh.

Điều bất ngờ ẩn sau hành động gây sốc của hồng hạc - 3

Hồng hạc là tên chỉ các loài chim lội nước thuộc họ Phoenicopteridae, bộ Phoenicopteriformes. Loài chim này có đặc điểm là bộ lông màu hồng nổi bật.

Tuy nhiên, do mức độ sắc tố hữu cơ trong thức ăn của chúng khác nhau, ở những khu vực khác nhau, nên chim hồng hạc ở Mỹ có màu đỏ tươi hoặc cam, trong khi những con chim ở miền Trung Kenya lại có màu hồng nhạt.

Theo các bằng chứng hóa thạch chỉ ra rằng nhóm chim này đã tiến hóa từ rất lâu đời, và tồn tại từ khoảng 30 triệu năm về trước. Chúng có sở thích đứng bằng một chân và điều này đã khiến các nhà khoa học đau đầu để đi tìm câu trả lời.

Nhiều giả thuyết cho rằng việc giữ một chân nhằm giúp chúng giữ nhiệt cho cơ thể, vì vốn dĩ là loài chim nhiệt đới nhưng đã thích nghi với môi trường lạnh để tiếp cận được thức ăn và nguồn nước.

Một số nghiên cứu lại cho rằng hồng hạc đứng một chân để giữ sức và lưu thông máu tốt hơn.

Chim Hồng Hạc - Loài Chim Của Gia Đình

Đời sống văn hóa, tình cảm của những cặp đôi chim hồng hạc cũng là điều thú vị, và được cho là hiếm có trong thế giới tự nhiên.

Thậm chí có giả thuyết cho rằng chúng có quy tắc như con người trong việc chọn bạn đời và cực kỳ chung thủy.

Theo đó, các mối quan hệ của chim hồng hạc duy trì liên kết chặt chẽ, gắn bó keo sơn trong nhiều thập kỷ, bao gồm những cặp "vợ chồng" hồng hạc đã kết hôn, tình bạn đồng giới và thậm chí là nhóm 3 hoặc 4 bạn thân.

Trong tự nhiên, dễ thấy những cặp đôi chim hồng hạc thân thiết vì chúng luôn đứng gần nhau, khăng khít không rời.

Theo Dân trí

Người Tp. HCM lập 'căn cứ' huấn luyện bồ câu bay đua ngàn km

'Cụ' nho gần 500 tuổi vẫn còn xanh tươi và cho ra trái lúc lỉu


(*) Xem thêm

Bình luận