Việt Nam thu hàng triệu USD từ xuất khẩu lá tre

05/01/2022 | 328

Lá tre là thứ lá mọc trong rừng núi hay các làng quê. Từ bao đời nay, nó được xem là loại lá ít giá trị, thường bị bỏ phí. Nhưng hiện nay thì khác, lá tre đã trở thành mặt hàng xuất khẩu, được thị trường nước ngoài ưa chuộng, mang về triệu đô.

Thứ lá bỏ đi bao lâu nay giờ đây trở thành vật quý giá được săn lùng

Với nhiều người, tre là loại cây khá quen thuộc. Thân của nó có thể dùng làm nhà, đan lát hoặc lấy măng chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, ít người biết các loại tre có lá to bản (lá tre bát độ) lại được bán với giá đắt đỏ để làm bánh, gói thực phẩm.

Trên chợ mạng và các group bán hàng online, rất nhiều tiểu thương công khai thu mua loại lá tre bát độ, hay còn gọi là lá bương, với số lượng không giới hạn. Loại cây này được trồng rất nhiều ở vùng cao và cả đồng bằng.

Anh Trần Văn Hải ở Lạng Sơn cho biết, mấy năm nay, nhà anh chuyên thu mua, sơ chế, tinh chế các loại lá gói bánh. Trước đây, người dân chỉ lấy cây tre về làm nhà, làm bếp, làm củi, làm lạt gói bánh còn lá bỏ đi. Nhưng vài năm lại đây, lá tre tươi được nhiều người đi lấy về và thu mua rồi bán lại cho các thương lái xuất khẩu sang Đài Loan với giá 10.000 đồng/kg lá tre tươi và 40.000 đồng/kg lá tre khô.

Thứ lá bỏ đi rụng đầy bờ rào quê, xuất bán nước ngoài thu bộn tiền
Lá tre bát độ được thu mua xuất khẩu sang Đài Loan

“Bản thân mình và người nhà cũng chẳng bao giờ nghĩ lá tre lại có thể bán được ra nước ngoài. Cho đến khi một đầu mối mua lá tre về gói bánh cổ truyền ở Đài Loan liên hệ thì mình mới biết lá tre có thể bán và xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đó, nhà mình đi lấy lá tre về bán. Khi gom không đủ thì thuê thêm nhân công và rao lên mạng để thu mua lá tre ở các địa phương khác với số lượng bất kỳ”, anh Hải chia sẻ.

Theo anh Hải, với lá tre tươi, anh thu mua với giá từ 7.000-10.000 đồng/kg. Còn lá tre khô, anh thu mua với giá 35.000-40.000 đồng/kg. Tất cả phải là lá tre bát độ (hay còn gọi là bương). Những cân lá tre được thu mua đều đảm bảo tiêu chí chất lượng, lá phải to, không bị rách, còn xanh màu và tuyệt đối không úa vàng. Mỗi lá có chiều dài khoảng 38-40cm, rộng từ 8cm trở lên. 

“Tre bát độ rất khác với lá tre thường. Chúng có kích cỡ to hơn hẳn. Khi mua về, lá tre tươi sẽ được phơi nắng khoảng 2 nắng. Sau đó, lá được đếm rồi kẹp vào thanh nứa. Lúc này mới lau khô sạch sẽ, đem lá tre vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao”, anh Hải kể.

Những chiếc lá tre được làm sạch hoàn toàn bằng biện pháp tự nhiên, không hóa chất sẽ được xuất khẩu sang Đài Loan để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm... và được người dân nước này rất yêu thích do mùi vị thơm ngon và để được lâu.

Thứ lá bỏ đi rụng đầy bờ rào quê, xuất bán nước ngoài thu bộn tiềnThứ lá bỏ đi rụng đầy bờ rào quê, xuất bán nước ngoài thu bộn tiền

“Loại bánh mà bên Đài Loan hay gói bằng lá tre bát độ giống như bánh chưng Việt Nam. Tuy nhiên, do được gói bằng lá tre nên bánh có mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, loại bánh gói từ loại lá này rất dễ bóc, lại để được lâu và không nhanh thiu như lá rong, lá chuối”.

Từ cuối tháng 4 đến tháng 10 Dương lịch hàng năm là mùa thu mua lá tre bát độ. Do đó, rất nhiều facebook cá nhân lên các group rao bán, thu mua lá tre tươi và khô với số lượng không hạn chế. Ở đó, không khí rôm rả bởi nhiều người trồng tre, nứa ở các nơi hỏi giá thu mua cũng như quy cách hướng dẫn thu hái, vận chuyển lá tre tươi, khô.

Để hợp tác làm ăn lâu dài, tất cả những cơ sở đăng ký bán lá tre tươi, khô anh Hải đều tìm đến tận nơi thu gom, kiểm tra. “Mình phải xuống tận nơi hướng dẫn các cơ sở là cá nhân thu hái lá tre phải đảm bảo những chiếc lá không rách, màu xanh đẹp và đặc biệt phải to. Đến tận nơi để xem cụ thể mặt hàng một lần. Lần sau, họ cứ làm như vậy thì tôi mới quyết định thu mua, tránh mất thời gian của hai bên”, anh nói.

Hiện ở Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Sóc Sơn - Hà Nội... có rất nhiều người dân trồng tre bát độ, cây bương. Họ chỉ dùng cây còn lá thì bỏ không. Vì thế, anh đến hướng dẫn cách thu hái lá và hiện họ trở thành những đại lý, giúp cơ sở anh thu mua lá tre tươi, khô đến vài tạ/ngày ở địa phương.

Anh Tuấn một thương lái thu mua lá tre ở miền Bắc cho biết, năm nay dịch bệnh phức tạp nhưng nhu cầu sử dụng lá tre của người tiêu dùng ở Đài Loan vẫn khá cao. Do đó, giá thu mua không giảm mà thậm chí tăng so với mọi năm. Hiện, lá tre tươi xuất khẩu được bán với giá 10.000 đồng một kg, lá khô bán giá 40.000 đồng.

Lá tre ngày càng được rao bán khắp chợ mạng. Ảnh: Hoàng Nhất

Lá tre ngày càng được rao bán khắp chợ mạng. Ảnh: Hoàng Nhất

"Thông thường, tôi mua lá tre tươi về rửa sạch, nẹp thành nẹp dài cho đỡ cong, vênh rồi hong nắng. Sau đó cho vào lò sấy, sau đó lấy ra phân loại, bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu", anh Tuấn nói.

Anh cho biết, lá tre vốn được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng vì chúng dùng để gói bánh, gói thực phẩm hay trang trí thức ăn. Hiện giá của lá tre Việt Nam cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, Nhật Bản.

Trên các trang thương mại điện tử nước ngoài như Alibaba, lá tre của Việt Nam bán sỉ với số lượng từ 100 kg có giá 3-5 USD một kg, (khoảng 70.000-120.000 đồng một kg), tuỳ số lượng đặt mua. Còn giá bán lẻ từ 7-10 USD một kg, tức lên tới 230.000 đồng.

Năm nay dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng lá tre xuất ngoại vẫn tăng so với 2020. Số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu lá tre đạt 2,02 triệu USD, tăng gần 1% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm mặt hàng lá cây xuất khẩu đi các thị trường thế giới năm 2021.

Một ngôi làng giàu lên từ lá tre

Người dân kiếm tiền triệu, đổi đời từ loại lá dài nửa mét
Lá tre Bát Độ 

Theo người dân xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, những chiếc lá tre to, được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất nên được xuất khẩu ra nước ngoài để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm…

Những ngày này, người dân Đồng Chiêm (xã An Phú) đang vào vụ thu mua lá tre để xuất sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Mùa thu mua bắt đầu từ tháng 5, 6 âm lịch đến tháng 10 hàng năm.

Lá tre phát triển tự nhiên, không cần phải chăm sóc ở các vùng núi (như Hòa Bình) sẽ được người dân thu hái, sau đó bán cho các cơ sở thu mua.

Một trong những cơ sở thu mua lá tre lớn nhất ở làng Đồng Chiêm (xã An Phú) là của gia đình bà Đặng Thị Triệu. Bà là người đi nhặt lá tre từ những năm 1993. Nhờ nghề này, từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà Triệu đã mở cơ sở kinh doanh riêng. Không chỉ có thu nhập cao và ổn định, bà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người ở địa phương.

Người dân kiếm tiền triệu, đổi đời từ loại lá dài nửa mét
Lá được thu gom sau đó phân loại theo kích cỡ.

Tại cơ sở thu mua của bà Triệu, mùi thơm của lá tre bốc lên ngào ngạt. Giữa khoảng sân nhỏ, khoảng 10 người phụ nữ cao tuổi đang làm công việc phân loại lá tre.

Trên tay họ là chiếc thước đo bằng gỗ, có các vạch chia theo cm. Những người làm sẽ bỏ đi các lá rách, lá sâu. Những chiếc lá lành sẽ được phân ra 3 loại là A, B và C. Lá loại A có độ dài từ 45cm trở lên. Lá loại B có độ dài từ 40-45cm, lá loại C là những lá còn lại.

Lá được chọn phải có chiều ngang khoảng 8,5cm và có màu xanh đều. Nếu lá to, màu vàng cũng phải bỏ đi. Lá càng to dài, màu đẹp giá bán càng cao và ngược lại.

Sau đó, người làm kẹp từng xấp (5 lá) với nhau giữa hai thanh nứa. Làm như vậy, khi lá tre khô sẽ không bị quăn, lại có mùi thơm đặc trưng.

Sau khi phân loại, lá tre sẽ được cho vào lò sấy công suất lớn. Trong vòng 6 tiếng, 2 tạ lá tre có thể được sấy khô.

Mở nắp lò kiểm tra, thấy lá đã đạt đến độ khô cần thiết, người chủ lò sẽ chuyển ra. Những chiếc lá tre tiếp tục được cặp theo từng dãy và ép thành kiện.

Tất cả các công đoạn đều phải đáp ứng yêu cầu lá tre lành lặn, không bị hỏng, mốc. Hoàn thành các công đoạn, lá tre sẽ được chuyển cho thương lái và xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 40 nghìn đồng/kg, lá tre tươi là 10 -11 nghìn đồng/kg.

“Hàng xuất đi yêu cầu đẹp, không bị rách và đặc biệt phải có mùi hương đặc trưng. Các doanh nghiệp họ rất ưa chuộng lá tre của Việt Nam do chất lượng tốt và có mùi thơm", bà Triệu nói.

Bà Triệu cho biết, những năm trước việc thu mua rất thuận lợi. Khởi đầu từ 2 bàn tay trắng, bà thành lập cơ sở với 20 người làm thuê, lá tre chất kín nhà. Tuy nhiên năm nay, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

“Năm nay chúng tôi làm chỉ để giữ nghề và duy trì công việc kinh doanh. Giá lá tre sau khi sấy khô thường là 40 nghìn/kg, năm nay chỉ khoảng 30 nghìn/kg. Các năm trước, gia đình tôi xuất hàng trăm tấn nhưng năm nay chỉ khoảng 50 tấn”, bà nói.

Người dân kiếm tiền triệu, đổi đời từ loại lá dài nửa mét
Anh Nguyễn Văn Quỳnh

Anh Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1992), con trai của một chủ cơ sở thu mua lá tre khác ở làng Đồng Chiêm cũng thừa nhận, năm nay, công việc gặp nhiều khó khăn hơn.

“Do nắng nóng kéo dài nên số lượng lá tre ít hơn, việc thu mua cũng khó khăn hơn. Mọi năm thời điểm này, nhà tôi ngập trong lá tre. Ngoài ra, người dân chuộng các công việc khác, họ không đi hái lá nữa nên việc thu mua cũng hạn chế”, anh nói.

Bắt đầu từ 3-4h chiều, gia đình anh Quỳnh tiến hành thu mua lá từ những người đi hái lá tre ở trong làng, đây cũng là thời điểm người hái lá trở về. Ngoài ra, anh cũng đánh xe tải vào các vùng ở tỉnh Hòa Bình để thu mua lá.

“Vào chiều chiều, người dân mới từ rừng mang lá ra. Tôi đến đặt điểm thu mua ở các làng. Sau đó, tôi bốc hàng cho lên xe. Có hôm tôi về đến nhà cũng 12h, 1h sáng, rất vất vả”, anh cho biết.

“Thu nhập từ công việc này không đều, tùy từng thời điểm. Thời điểm làm ăn thuận lợi nhất, chúng tôi thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Năm nay ít hơn, thu nhập trung bình 20 triệu/tháng. Chúng tôi vừa xuất đi 3 tấn lá sấy khô”, anh nói thêm.

Người dân kiếm tiền triệu, đổi đời từ loại lá dài nửa mét
Bà Tươi, người làm nghề phân loại lá tre

Ngoài giúp các chủ cơ sở làm giàu, công việc còn đem thu nhập đến cho những người già trong làng. Họ đến các cơ sở thu mua để phân loại lá tre. Công việc của họ chỉ đơn giản là đếm lá tre kẹp vào thanh nứa đem vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao.

Với 1 tạ lá tre được phân loại, người làm thuê sẽ được trả 50 nghìn đồng.  

“Mỗi ngày có người làm được 2 tạ, nhiều hơn thì khoảng 3 tạ. Như vậy, nếu làm đều việc chúng tôi sẽ có khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, kiếm thêm thu nhập ở tuổi già”, bà Tươi, một người làm nghề phân loại lá tre cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Mỹ Đức, chia sẻ: “Thu mua lá tre là nghề có từ gần 30 năm nay ở khu vực Đồng Chiêm, xã An Phú. Lá tre Bát Độ được gom về, sấy khô sau đó nhập chủ yếu cho phía Đài Loan (Trung Quốc).

Hiện, chỉ còn một số hộ đứng ra thu mua, còn lại là người dân đi hái lá tre tại vùng rừng núi. Đa số các chủ cơ sở thu mua đều có kinh tế khá giả, có thể nói họ đổi đời nhờ nghề này.

Người làm nghề đầu tiên là bà Triệu. Bà đi làm ăn các nơi, nắm bắt được nhu cầu thu mua loại lá này nên đã vào rừng gom về phơi khô sau đó cung cấp cho thương lái. Nhưng năm nay, công việc này khá khó khăn”.

Theo vietnamnet.vn & vnexpress.vn


(*) Xem thêm

Bình luận