Chúng ta cứ tưởng rằng, Công nghiệp 4.0 là thứ gì đó mới, mang lại may mắn cho người Việt Nam, vì chúng ta không có công nghiệp chế tạo nên tìm cách và cổ vũ đón đầu bằng cách nhảy vào công nghiệp số. Nhưng không phải như vậy, mà là nền tảng vẫn giống như trước đây, chỉ có điều thay vì dùng động cơ máy nổ thì bây giờ dùng động cơ điện. Bây giờ dùng động cơ điện rồi thì từ điều khiển bằng tay chuyển sang điều khiển tự động. Còn nền tảng vẫn phải là động cơ, kỹ sư, chế tạo…
- Câu chuyện nguồn vốn giá rẻ phải giải quyết như thế nào thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Vingroup đang vay được nguồn vốn của một số tổ chức tài chính quốc tế, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu. Nếu Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì doanh nghiệp có thể vay được nhiều hơn, với giá rẻ hơn. Giờ thì Chính phủ cũng có sự dè dặt nhất định trong việc bảo lãnh. Nhưng phải lựa chọn một số ngành và doanh nghiệp để đứng ra bảo lãnh thôi, không thể khác được. Làm gì có chuyện cứ ngồi đó mơ mà đến một ngày sẽ có được nền công nghiệp hiện đại. Đừng có… mơ (cười).
- Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, một doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, phải đối mặt với rất nhiều thách thức, thậm chí là vấp ngã, sai sót. Đây cũng là điều hoàn toàn bình thường và khó tránh khỏi.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Chúng ta có thể dễ dàng liệt kê ra một loạt các tập đoàn ô tô đến giờ vẫn phải thu hồi xe. Kể cả Ford, Toyota, Mercedes... Đầu năm 2023, Ford đã thu hồi 462.000 xe ô tô trên toàn thế giới vì đầu phát video bị lỗi, khiến hình ảnh camera chiếu hậu không thể hiển thị. Điều này xuất phát từ việc hãng nhận báo cáo về 17 vụ tai nạn nhỏ liên quan đến vấn đề camera lùi không hiển thị và hơn 2.100 trường hợp yêu cầu bảo hành cũng liên quan đến lỗi kỹ thuật này. Dẫn chứng như vậy để thấy, vấp ngã hay sai sót là điều hoàn toàn bình thường. Tâm lý này ở các quốc gia phương Tây rất cởi mở. Chúng ta cũng nên nhìn nhận theo hướng tích cực như vậy.
- Nhìn lại con đường mà doanh nhân Phạm Nhật Vượng đi, ông có suy nghĩ gì về sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam trong thời đại ngày nay?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Vingroup được thành lập năm 1993 với sứ mệnh tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người và tạo ra giá trị mới khi thực hiện điều đó. Với mục tiêu như vậy, Vingroup đã được thúc đẩy để thành công, được thúc đẩy bởi tính cấp bách và nỗ lực trở thành người giỏi nhất có thể, bất kể ngành họ theo đuổi là gì, dù là công nghệ, đổi mới, công nghiệp hay doanh nghiệp xã hội.
Hiện nay, Vingroup xác định 3 trụ cột Công nghệ - Công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ, Thiện nguyện xã hội; điều đó sẽ tạo thế “kiềng ba chân” cho tập đoàn. Ở Việt Nam và trên thế giới, có mấy doanh nhân dám đưa “Thiện nguyện xã hội” (Vinmec, Vinschool, VinUni, VinBus, VinFuture…) trở thành “chân kiềng” trong định hướng hoạt động của mình? Từ nhiều năm nay, Vingroup đã thành lập Quỹ Thiện Tâm để triển khai các hoạt động từ thiện. Học bổng Vingroup là một trong những chương trình hỗ trợ cho thế hệ tương lai của đất nước. Với mong muốn giúp cho những tấm gương nghèo vượt khó học giỏi có cơ hội tiếp tục đến trường và theo đuổi giấc mơ, bắt đầu từ năm 2012, Quỹ Thiện Tâm chính thức triển khai chương trình học bổng này trên cả nước.
Đến nay, sau hơn 10 năm, quỹ đã hỗ trợ khoảng 42.000 suất học bổng thường xuyên cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đạt thành tích tốt trong học tập. Trong 2 năm đại dịch Covid-19, Vingroup tài trợ hơn 2.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Điểm qua một chút để thấy rằng, đóng góp vật chất trong công tác thiện nguyện xã hội của Vingroup lớn đến nhường nào trong những ngày tháng khó khăn nhất của đất nước. Nhưng tôi muốn nhìn ở một khía cạnh khác. Trách nhiệm và sứ mệnh lớn nhất của một doanh nhân là gì? Đó là cách mà họ lựa chọn sản phẩm và khẳng định mình trên thương trường - sự khẳng định không chỉ của doanh nghiệp hay cá nhân mà là sự khẳng định vị thế và tầm vóc của quốc gia. Tôi nghĩ, doanh nhân Việt Nam trong ngành công nghiệp chế tạo có 2 cái tên: Phạm Nhật Vượng của Vingroup và Trần Bá Dương của Thaco. Vingroup có nền tảng tài chính tốt nên có thể mạnh dạn đi tắt, đón đầu. Thực tế, dù mới thành lập năm 2017, sau 6 năm, bước đầu, Vingroup đã đi tắt, đón đầu và thành công với VinFast. Khoảng thời gian ngắn nhưng sản xuất được như vậy là rất đáng khích lệ.
Như Thaco phải đi từ từ theo hướng lắp ráp, nội địa hóa dần. Hiệu quả và lợi nhuận thấp nhưng an toàn.
Thành công của VinFast tại Mỹ, dù mới chỉ là bước đầu nhưng đã mang lại cho người Việt Nam một niềm tự hào to lớn. Đấy là điều mà vài chục năm trước, thực sự không ai dám nghĩ tới. Không những thế, VinFast còn là hình mẫu để các doanh nghiệp Việt khác mạnh mẽ vươn lên và tự tin bước ra thế giới, làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu.
Quan trọng nhất của công nghiệp chế tạo là đội ngũ kỹ sư. Đào tạo nên đội ngũ này khó khăn vô cùng. Có khi phải mất đến mấy chục năm. Ngoài việc tạo ra những thương hiệu đẳng cấp, chất lượng cao của quốc gia thì tôi cho rằng, sứ mệnh lớn nhất của doanh nhân Phạm Nhật Vượng là tạo ra được đội ngũ nhân sự hùng hậu, chất lượng cho quốc gia đó.
Vingroup có mục tiêu là tập hợp những con người tinh hoa để làm nên những sản phẩm, dịch vụ tinh hoa; mọi thành viên được thụ hưởng cuộc sống tinh hoa và góp phần xây dựng một xã hội tinh hoa.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, ông Phạm Nhật Vượng là tấm gương điển hình nhất cho tinh thần yêu nước và phụng sự dân tộc trong thời đại mới. Đó là thông điệp: Đừng để cuộc sống của bạn trôi qua một cách vô nghĩa. Đừng để đến cuối cuộc đời, bạn không có gì đáng nhớ để kể lại. Sẽ thật buồn khi thấy rằng cuộc sống của bạn đã không tạo thêm bất kỳ giá trị nào.
- Tức là hành trình mà ông Phạm Nhật Vượng đang đi không chỉ góp phần khai mở để tạo ra một ngành công nghiệp chế tạo mà còn tạo ra một đội ngũ kỹ sư cho những đời sau.
TS. Lê Xuân Nghĩa: VinFast mở ra một không gian sáng tạo và trải nghiệm cho đội ngũ kỹ sư của Việt Nam, là vườn ươm cho các kỹ sư Việt Nam có thể tự tin hơn, rèn luyện tay nghề và đương đầu với những thử thách. Không chỉ có đội ngũ kỹ sư cơ khí chế tạo mà còn cả kỹ sư phần mềm, hệ thống điều khiển ô tô, điện…
- Ông Vượng nói với cổ đông rằng: “Trước đây, kế hoạch lỗ của VinFast dài hạn hơn. Nhưng nhờ sự chia sẻ chi phí trong quá trình phát triển của cổ đông thì các cổ đông đã gánh hộ một phần chi phí. Cho nên, năm 2024, 2025 có thể đạt được điểm hòa vốn. Việc thu hồi vốn không phải là quá khó. Chúng ta phải đợi đến khi có “gió Đông”, nghĩa là đợi đến khi thanh khoản của thị trường tốt hơn và đầy đủ các sản phẩm. VinFast sẽ sớm mang lại niềm vui tài chính cho mọi người”.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nói tóm lại là dòng tiền phải dương. Có thể đến thời điểm đó, thị trường bất động sản phục hồi. Thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế cao hơn. Công ăn việc làm phục hồi trở lại.
- Vậy còn “gió Đông” nghĩa là gì?
TS. Lê Xuân Nghĩa: “Gió Đông” ở đây hiểu là dòng tiền của tập đoàn, dòng tiền của nền kinh tế mạnh hơn, kinh tế phục hồi nhanh hơn. Làm gì cũng cần phải có “gió Đông”. Trên thế giới, trong lịch sử có 2 người sử dụng “gió Đông” để chiến thắng kẻ thù. Đó là Gia Cát Lượng và Khuất Nguyên.
Trong kinh doanh, ngoài các yếu tố về tài chính, kinh tế thì còn có yếu tố may mắn. Nhưng, may mắn chỉ đến được với những ai hiểu biết sâu sắc, tiên đoán được thiên thời, địa lợi, nhân hòa như Khuất Nguyên nhà Sở, Gia Cát Lượng nhà Hán tiên đoán được “gió Đông” để chiến thắng kẻ thù.
Ông Phạm Nhật Vượng tiên đoán rằng, dòng tiền thanh khoản sẽ phục hồi trong những năm 2024, 2025, giống như Gia Cát Lượng và Khuất Nguyên tiên đoán rằng, vào giờ Ngọ sẽ có gió Đông và họ đã chiến thắng (cười).
- Có những cổ đông của VinFast lo ngại, họ không biết tương lai sẽ như thế nào bởi đã dồn vào đó rất nhiều tiền. Có ý kiến đặt ra là: Một doanh nhân có trách nhiệm với đất nước và Tổ quốc thì trước tiên phải có trách nhiệm với số vốn của cổ đông đóng góp. Ông nghĩ sao?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tất nhiên rồi. Nhưng phải nhìn thấy rằng, cổ đông lớn nhất của VinFast vẫn là ông Phạm Nhật Vượng. Ông ấy phải có trách nhiệm với chính bản thân mình chứ.
Nhưng vì nhà đầu tư nào cũng thế, đều mong muốn họ không đầu tư suốt đời mà chỉ đầu tư trong một thời hạn nhất định. Kể cả đầu tư trong nước và quốc tế, đầu tư vào bất động sản hay công nghiệp...
Vậy thì, câu hỏi của họ đặt ra là sau khi tôi đầu tư rồi, nếu không muốn tiếp tục nữa thì có bán được cổ phần và có lãi ngay hay không. Đó là tâm lý chung của tất cả các nhà đầu tư từ Việt Nam đến quốc tế. Đầu tư gì cũng phải có thanh khoản. Vào rồi thì phải có đường ra.
Chúng ta không thể bắt cổ đông là những người trung thành được. Không có các nhà đầu tư trung thành vĩnh viễn. Và đừng nghĩ rằng, họ muốn bán có nghĩa là họ không trung thành.
Nguyên lý của đầu tư là không có nhà đầu tư trung thành mà chỉ có nhà đầu tư thay thế. Nhà đầu tư nào cũng nghĩ khi cần họ có thể rút vốn được và IPO là cơ sở để họ tin tưởng rằng, khi muốn rút vốn thì họ sẽ bán được trên thị trường. Việc VinFast IPO được ở Mỹ sẽ là lời giải cho bài toán này.
- Ông hay nhắc đến Hàn Quốc như một sự ngưỡng mộ. Ông muốn nói điều gì khi nhìn vào sự phát triển của quốc gia này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Dường như chủ trương bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho các doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự cởi mở. Tôi cho rằng, riêng ngành công nghiệp cơ khí chế tạo thì nhất định phải làm điều đó. Bởi nó phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước và xu thế thời đại. Mong muốn lớn nhất của chúng ta là hình hành một nền công nghiệp lưỡng dụng.
Có thể có một số trường hợp thất bại thì chí ít cũng tạo ra một đội ngũ kỹ sư có ích cho các tập đoàn khác. Nhất là sau này, chúng ta còn phải phát triển công nghiệp đóng tàu. Công nghiệp biển của ta cũng chưa mạnh về đóng tàu mà chủ yếu là lắp ráp. Đóng tàu, đầu máy toa xe… đều là những ngành công nghiệp then chốt.
Có thể chỉ cần lựa chọn một vài đơn vị như Trường Hải, VinFast... để tạo cơ hội bảo lãnh cho họ vay vốn nước ngoài với giá rẻ.
Chúng ta nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, chưa có một khoản nợ xấu nào trong việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp nội địa. Họ đều trả được hết.
Posco là hãng sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc và có phần lớn thu nhập từ mảng kinh doanh thép tấm ô tô. Hyundai Steel là hãng sản xuất thép lớn thứ hai của nước này, với sản lượng 5,5 triệu tấn thép tấm ô tô mỗi năm và cung cấp 90% sản lượng cho các công ty anh em là Hyundai Motor và KIA.
Posco vừa được ưu ái đất đai, vừa được ưu ái tiền bù đắp chiến tranh của Nhật Bản, vừa được ưu ái về thuế, vốn vay. Bây giờ, họ đã trở thành lò luyện thép đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ thôi, đứng trên cả Trung Quốc.
Sau này, đóng xe tăng, tàu thủy, sản xuất pháo… thì đều phải từ thép. Trung Quốc giờ còn có tham vọng luyện đươc thép trên mặt trăng.
- Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Ở Việt Nam, những doanh nhân như ông Phạm Nhật Vượng, bà Mai Kiều Liên, bà Thái Hương, ông Lê Viết Lam, ông Trương Gia Bình… đều đã có những giấc mơ lớn, nhưng số lượng doanh nhân có những giấc mơ lớn chưa nhiều. Như ở Israel, với 1.000 doanh nhân thì ai cũng có khát vọng toàn cầu. Để doanh nghiệp có giấc mơ lớn thì trước tiên, Nhà nước phải có giấc mơ lớn. Nghĩa là, phải có giấc mơ lớn của quốc gia. Một khi đất nước có một giấc mơ lớn thì doanh nghiệp sẽ nhìn vào đó và thấy được những giấc mơ của mình. Như vậy, khi có giấc mơ lớn của một dân tộc sẽ tạo ra hàng ngàn giấc mơ cho những cá nhân của dân tộc đó. Việt Nam đã có giấc mơ lớn của quốc gia chưa? Chúng ta đã khẳng định giấc mơ đó trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng dưới tên gọi: Khát vọng phồn vinh hạnh phúc. Đó là khát vọng hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045. Vậy, một quốc gia thịnh vượng phải được bắt đầu từ đâu, hay nói cách khác là lựa chọn điểm tựa gì, rường cột gì để xây dựng quốc gia thịnh vượng?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Có lẽ, không có đáp án nào khác ngoài công nghiệp chế tạo, cơ khí. Nếu không có một ngành công nghiệp chế tạo lưỡng dụng làm trụ cột thì giấc mơ về một Việt Nam phát triển hiện đại vào năm 2045 sẽ chỉ là giấc mơ.
Chiến lược phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam được đặt ra từ năm 1993 nhưng thực hiện chưa được như kỳ vọng, chưa đạt được mục tiêu đề ra bởi vì không hình thành được ngành công nghiệp chế tạo mạnh. Như Thụy Sĩ, với 7 - 8 triệu dân, diện tích đất nước chỉ bằng mấy tỉnh của Việt Nam, nhưng họ đi từ ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ và giờ đã làm được cả tên lửa và xe tăng. Điều đó tạo ra cảm hứng cho đội ngũ các kỹ sư sáng tạo.
Hay nói cách khác, họ có một môi trường để sáng tạo. Giờ như các trường đại học của ta, các kỹ sư cần có chỗ đi thực tập, xưởng thực nghiệm thì mới có kỹ sư thật, chứ không chỉ là kỹ sư trên giấy.
- Thực tế, chúng ta đã phải đối diện với vấn nạn “chảy máu” chất xám khi các kỹ sư đổ xô ra nước ngoài. Nếu không làm khác đi thì thật lo rằng Việt Nam dường như chỉ đào tạo các kỹ sư cho nước ngoài thôi?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nước ngoài họ cũng không dùng kỹ sư trên giấy. Trước đây, có 3 nhóm sinh viên là Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên sang học về công nghiệp hạt nhân của Nga. Nhưng cuối cùng, nhóm của Việt Nam phải bỏ dở. Giờ Trung Quốc và Triều Tiên đã làm được. Vì sao vậy? Vì chúng ta không có môi trường thử nghiệm, không có thực tiễn phát triển.
- Có quan điểm tranh luận: Hàn Quốc có nền công nghiệp ô tô cũng như ngành công nghiệp điện tử là họ tranh thủ được 2 thứ: Một là dây chuyền sản xuất của Nhật Bản; hai là lòng tự tôn dân tộc. Ông nghĩ sao?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi không cho là như vậy. Nhật Bản thực tế không để lại gì đáng kể cho Hàn Quốc. Hãng Hyundai mua lại công nghệ của Mitsubishi. Khi đó, đây là công ty rất bé của Nhật Bản, gần như phá sản. Và Busan của Hàn Quốc học tập kinh nghiệm của Đức.
- Đồng thời có quan điểm thứ hai là: Sở dĩ ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc phát triển nhanh chóng không chỉ là nhờ lòng yêu nước mà còn là vì họ sản xuất được ô tô giá rẻ nên người dân có thể sử dụng được. Góc nhìn của ông thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Trong cuốn “Châu Á vận hành như thế nào?” đã chỉ ra 4 yếu tố cốt lõi:
(1) Nguồn vốn giá rẻ. Muốn có vốn giá rẻ thì không vội vàng tư nhân hoá hệ thống ngân hàng. Bởi như vậy nghĩa là cứ mỗi một tập đoàn bất động sản lớn thì rất có thể sẽ có một ngân hàng đi kèm và người ta sẽ lao vào kinh doanh bất động sản để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Như vậy thì dần dần, nền lãi suất của nền kinh tế sẽ là nền lãi suất của kinh doanh bất động sản. Điều đó sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.
Khi đã tư nhân hóa rồi thì sẽ xé nhỏ hệ thống ngân hàng ra thành nhiều ngân hàng nhỏ và không tập trung được nguồn lực lớn để cho vay một dự án công nghiệp ô tô hoặc luyện kim hàng tỷ USD. Khó có một ngân hàng nào cho vay cả tỷ đô được. Đó gần như là điều không thể.
(2) Bảo hộ của Chính phủ. Một giáo sư người Mỹ từng nói rằng: “Tất cả các tập đoàn công nghiệp ô tô đi từ thấp lên đến đỉnh cao đều có thang bảo hộ của Chính phủ. Khi đã đứng trên đỉnh cao rồi đạp đổ thang bảo hộ đó đi và quay trở lại nói với các nước kém phát triển là chúng ta phải cạnh tranh tự do”.
(3) Thành công của Hàn Quốc gắn với yêu cầu phải xuất khẩu. Xuất khẩu để chứng minh rằng đấy là công nghệ hiện đại. Nếu không chỉ ngồi cãi nhau về công nghệ của tôi hiện đại hơn với những người trong nước thì không được. Xuất khẩu được là chứng chỉ cho công nghệ tiên tiến. Vì xuất khẩu tức là phải gia nhập thực sự vào thị trường công nghiệp thế giới. Thị trường đó luôn thay đổi, buộc ta cũng phải thay đổi. Vì vậy, nhu cầu đổi mới và sáng tạo phải theo nhịp của thế giới thì mới xuất khẩu và phát triển bền vững được.
(4) Có bảo hộ của Chính phủ không đồng nghĩa với việc mở toang thị trường. Còn những khái niệm khác thì cuốn sách đó không đề cập đến.
- Tôi cảm nhận được điều ông đang lo sợ nhất là Việt Nam có thể phạm phải “cái bẫy” thu nhập trung bình?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Chắc chắn. Nếu những doanh nhân như ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Bá Dương, ông Vũ Văn Tiền, bà Thái Hương,… không “cất cánh” mạnh mẽ được để cạnh tranh quốc tế thì chúng ta không thể thoát được “cái bẫy” thu nhập trung bình.
Ngành công nghiệp chế tạo khó ở chỗ, như Tổng Thống Malaysia Mahathir Mohamad đã sang Hàn Quốc học trên 3 tháng về kinh nghiệm công nghiệp hóa của Hàn Quốc, trong đó có phát triển công nghiệp ô tô. Lúc bấy giờ, ở Malaysia, đi vào công nghiệp ô tô là lựa chọn hoàn toàn đúng và có nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, Mahathir Mohamad đã giao toàn bộ ngành sản xuất ô tô cho một công ty quốc doanh. Trong khi nền tảng vốn đã bị phân tán, không huy động được vốn giá rẻ. Khi Chính phủ không đứng ra bảo lãnh được, thị trường đã mở toang, mà lại giao chiến lược đó cho một đơn vị quốc doanh thì đương nhiên sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Mahathir Mohamad không nghĩ giao cho doanh nghiệp tư nhân mà lại giao tới 4 lần cho các đời tổng giám đốc của công ty quốc doanh.
Thế nên, phải có cả yếu tố động lực thị trường thực sự. Trong khi đó, Park Chung-hee đặt ra cho doanh nghiệp Hàn Quốc là: Xuất khẩu là kỷ luật. Nếu không xuất khẩu được sẽ không đứng ra bảo lãnh vay vốn cho. Đó là một nhiệm vụ quốc gia.
Chính phủ đứng ra bảo lãnh khi hội tụ đủ 3 điều kiện: Ngành đó thuộc ngành cơ khí chế tạo; Công nghiệp này là công nghiệp lưỡng dụng; Xuất khẩu được.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Park Chung-hee đặt ra yêu cầu phải xuất khẩu được mới bảo lãnh. Mà ông đi vận động để xuất khẩu được ghê gớm lắm. Park Chung-hee gặp Tổng thống Pháp và nói rằng: Tôi xây dựng mấy nghìn ki-lô-mét đường sắt. Mà Pháp là quốc gia rất mạnh về đường sắt. Tôi sẽ ký với Pháp hợp đồng làm đường sắt với điều kiện Pháp đồng ý mua của chúng tôi 35.000 xe Hyundai.
Đến Tổng thống Hàn Quốc cũng đi bán xe ô tô cơ mà (cười).
- Trong lịch sử tư vấn của ông cho các đời Thủ tướng và các nhà lãnh đạo của Việt Nam, những người lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nghĩ đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế tạo như thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Có những nhiệm kỳ Chính phủ đã có chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, với sự hỗ trợ của Nhật Bản và những ngân hàng lớn của Việt Nam tham gia tài trợ vốn, như Vinaxuki Vietcombank… Nhưng rồi, không hiểu sao chiến lược đó không được thực hiện đến nơi đến chốn và doanh nghiêp tiên phong cũng “chết yểu”.
- Cách của Vingroup là làm gì cũng hướng đến chuẩn mực quốc tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Vingroup cũng không ỷ lại vào Chính phủ. Đó là cái hay. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, xây dựng một thương hiệu Việt đạt đẳng cấp thế giới, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tạo, không phải nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp nào mà là của cả quốc gia. Cũng không doanh nghiệp riêng lẻ nào, dù tiềm lực tài chính mạnh đến đâu, có thể tự mình làm được nếu thiếu đi sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước.
Thương hiệu VinFast giờ đây đã trở thành một tài sản quốc gia mà cả Chính phủ và người dân Việt Nam cần phải tìm mọi cách để gìn giữ, phát huy. Thương hiệu đó còn vô cùng non trẻ.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chập chững những bước đầu tiên, cần phải được bảo vệ cẩn trọng trong cuộc “so găng” với những “tay chơi” toàn cầu mới có thể tồn tại và phát triển được.
- Ông Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ: “Thành công hay thất bại là câu chuyện của dài hạn. Cái mà chúng ta cần là tư duy đường dài”. Đất nước không làm chủ công nghệ, dân số già đi thì cái “cái bẫy” thu nhập trung bình sẽ treo lơ lửng trên đầu.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tất nhiên rồi. Nếu chúng ta già đi mà chúng ra chưa giàu thì con cháu chắc chắn sẽ đi làm thuê cho nước ngoài thôi. Không có đội ngũ kỹ sư, chỉ còn lại dịch vụ. Một nền kinh tế không thể chỉ dựa vào dịch vụ. Nếu không có đội ngũ kỹ sư vững mạnh thì nền kinh tế của Việt Nam chỉ còn là nền kinh tế dịch vụ.
Không có ngành công nghiệp chế tạo làm điểm tựa cho nền kinh tế thì các ngành khác, từ y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… sẽ ngày càng lệ thuộc vào bên ngoài.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Bốn năm về trước, trong cuộc trò chuyện với TS. Lê Xuân Nghĩa, tôi có dẫn một câu nói của Thủ tướng Anh Winston Churchill: “Thành công không phải là điểm dừng, thất bại cũng không phải là hồi kết. Lòng can đảm để bước tiếp mới là quan trọng nhất”. Khi đó, tôi chỉ hiểu câu nói này theo nghĩa, một doanh nhân khi đã bước vào thương trường thì luôn cần tiến lên phía trước nhờ vào lòng can đảm của chính họ để có thể trường tồn.
Nhưng có lẽ cách hiểu đó là chưa đủ, thậm chí còn khá ngây thơ. Nhìn vào câu chuyện của Vingroup, nếu dừng lại, có nghĩa là sẽ bị cả một “đàn sói” nuốt chửng.
Điều đó trùng với cách lý giải của TS. Lê Xuân Nghĩa, rằng khi ông Phạm Nhật Vượng “trần trụi giữa bầy sói”, nhờ lòng dũng cảm cộng với hoài bão lớn, mang trong mình tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc thì ông Phạm Nhật Vượng không sợ bị “làm thịt” đâu. Còn thương trường thì luôn hiểm ác. Vậy thì, Vingroup đâu còn đang loay hoay đi khởi nghiệp nữa như nhiều người vẫn nghĩ?
Ở phương diện rộng hơn của quốc gia - dân tộc, nếu như không đồng hành cùng những doanh nghiệp như Vingroup, những doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, thì 20 năm nữa, đất nước lấy gì để hùng cường, thịnh vượng đây?
Tác giả: Nguyễn Thành Công
Nguồn: realtime.vn
Xem thêm