“Tiền điện tử đã huỷ hoại cuộc đời tôi”

16/05/2022 | 282

Với sự tăng giá "lên tận mây xanh" của Bitcoin, kéo theo đó là lợi nhuận khổng lồ đến từ thị trường Cryptocurrency hay như người Việt gọi là "tiền ảo", người người nhà nhà đặc biệt là giới trẻ có hiểu biết về công nghệ đều tìm cách để chen một chân vào thị trường với hy vọng sớm thành triệu phú đô la, nhưng phần lớn người chơi không thể lường hết được mọi rủi ro dẫn tới tình trạng "vỡ mộng", "dốc ví" hay "trắng tay"...

Bản chất, tầm quan trọng của Bitcoin (BTC) trên thị trường. Sức mạnh của  cộng đồng
1. Bitcoin là gì?

Bitcoin (ký hiệu: BTC hay XBT) là một đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới được tạo ra bởi Satoshi Nakamoto – bút danh của cha đẻ Bitcoin, danh tính của ông đến nay vẫn là một bí ẩn, Bitcoin sử dụng giao thức ngang hàng (peer-to-peer) trên nền tảng công nghệ Blockchain cho tất cả các giao dịch, tức là nó loại bỏ hoàn toàn bên thứ ba trung gian, tiền sẽ được gửi trực tiếp từ người này sang người kia, vì vậy, phí giao dịch gần như bằng 0, không có bất cứ quốc gia, tổ chức nào kiểm soát các giao dịch này.

Bitcoin là đồng tiền điện tử đại diện cho loại tiền tệ ẩn danh của internet mà chúng ta gọi chung là Cryptocurrency (tiền điện tử, tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa), đặc điểm khác biệt của loại tiền tệ này với nhiều người là nó ẩn danh, không bị kiểm soát bởi chính chủ và chi phí giao dịch cực kỳ thấp.

Tại Việt Nam, Bitcoin và các đồng coin khác không bị cấm nhưng cũng không ủng hộ các vấn đề liên quan đến Bitcoin và chính phủ cũng nhiều lần cảnh báo người dân nên cẩn trọng khi giao dịch, đầu tư Bitcoin.

Việt Nam nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Việt -  Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

2. Bản chất của thị trường Cryptocurrency

Mặc dù từ "Bitcoin" hay được đi cùng với "Blockchain" nhằm thể hiện sự phi tập trung, không như các đồng tiền pháp định thường bị kiểm soát bởi chính phủ hoặc các ngân hàng trung ương. Đó là chưa kể đến các tính chất "tốt đẹp" khác của Bitcoin mà báo chí hay các hội nhóm ra rả suốt ngày. Trớ trêu thay, ẩn dưới phần nổi của tảng băng là một thực tế hoàn toàn khác, thị trường tiền số hoàn toàn bị thao túng bởi những thế lực tài phiệt mà chúng ta thường hay gọi là "cá mập", "cá voi". Vậy những con cá mập này là ai??? Họ có thể là một người, hoặc một sàn giao dịch, trại đào coin, quỹ đầu tư hay thậm chí là các quan chức chính phủ các nước lớn rửa tiền. Nắm trong tay rất nhiều tiền, quyền lực và trí tuệ, họ có thể thao túng điều khiển cả thị trường này theo ý muốn. 

Mặc dù cá mập cũng hiện diện ở các thị trường tài chính khác, nhưng với tính chất quy mô nhỏ và không phải tuân thủ các quy định pháp lý của nhà nước thì thị trường tiền số là nơi cực kì lí tưởng để các thế lực tài phiệt tự thiết kế luật chơi, tạo sức ảnh hưởng và kiếm lợi nhuận. Đây là một vài số liệu cho thấy sự hiện diện của các cá mập Bitcoin từ website Bitinfocharts.

img_1
Số liệu thống kê về các ví Bitcoin

Có khoảng 100 ví chứa 10,000 Bitcoin đổ lên, tương ứng vs hàng trăm triệu hay thậm chí hàng tỷ đô, thấp hơn chút là 2,300 ví chứa 1,000 - 10,000 Bitcoin tương đương với vài trăm triệu đô mỗi ví. Thậm chí một cá mập có thể sở hữu nhiều ví để tránh bị dòm ngó đồng thời tăng tính bảo mật. Và đây là còn chưa tính đến nhiều coin lớn khác như ETH, BNB, BCH,...

Một ví dụ của cá mập trong thị trường này là BNB (Binance Coin) được hậu thuẫn bởi một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới là sàn Binance của Trung Quốc. Không khó hiểu khi đây là một trong những đồng tiền số có mức tăng trưởng cực kì kinh khủng trong suốt 4 năm qua từ lúc ra mắt thị trường tiền số vào tháng 7 - 2017 (từ 4 đô cuối năm 2018 tăng 85 lần lên 340 đô tuần này) bởi giá trị của nó gắn liền với lợi ích của sàn, thậm chí 90% nhân viên của sàn chấp nhận được trả lương bằng BNB coin (1). Riêng giá trị tài sản của CEO Binance là Changpeng “CZ” Zhao đã đạt đến con số 2.6 tỷ đô vào đúng 1 năm về trước (2).

Một ví dụ khác nữa dễ nhận thấy hơn là lão Elon Musk khi mà dạo gần đây suốt ngày lên mạng chém gió về Bitcoin. Đây đều là những chiêu trò được các cá mập sử dụng trong giai đoạn bơm thổi giá trị.

img_2
Elon Musk chém gió về Bitcoin

Các giai đoạn chính của một chu kì thị trường

Các giai đoạn này áp dụng cho thị trường tiền số nói chung (thể hiện qua Bitcoin) và hầu hết các coin nói riêng kể cả những coin đa cấp không chính thống (không được list trên Coinmarketcap) như Pi Network - đồng tiền đang tạo cơn sốt ở Việt Nam thời điểm gần đây.

Giai đoạn 1: Gom hàng

Cách đầu tiên áp dụng với các cá mập thuộc các tổ chức mining hoặc đầu tư sớm vào dự án. Thông qua 2 hình thức đào coin từ sớm, hoặc mua coin từ những vòng đầu khi mà đồng coin đó còn chưa nổi tiếng, cá mập sẽ kiểm soát lượng lớn coin giá rẻ từ giai đoạn này. Tuy nhiên, đây là một phương pháp mạo hiểm và khó nhằn do không phải lúc nào cũng có những dự án tiềm năng để gom. Vậy nên những cá mập nào sử dụng phương pháp này thường đa phần phải có 1 tiềm lực tài chính cũng như giàu kinh nghiệm về thị trường Crypto. Ví dụ cho phương pháp gom hàng này là làn sóng ICO và đào coin rác thời kì bong bóng năm 2017. 

Cách thứ hai là gom coin trực tiếp trên sàn. Trên thực tế, đây là phương pháp được cá mập sử dụng nhiều nhất, người chơi cũng biết, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Giai đoạn này các tin tức được tung ra để tạo hiệu ứng FUD (Fear, uncertainty, and doubt) nhằm khiến nhà đầu tư hoảng sợ mà cắt lỗ. Cá mập sẽ mua tại vùng có nhiều người sợ hãi và muốn bán nhất, mà mình sẽ phân tích bằng dữ liệu ở phần sau.

img_3
Các bạn thử đoán xem cá mập sẽ gom hàng ở vị trí nào :))

Giai đoạn 2: Đẩy và giữ giá

Đây là bước đơn giản nhất, tuy nhiên cũng là bước tốn nhiều tiền nhất. Muốn bước đẩy giá này thành công, cá mập phải thu hút được số lượng vừa phải Trader có kiến thức. Và cách nhanh nhất để thu hút họ, đó là vẽ 1 chart với xu hướng lên mạnh và bền vững.

Tại bước đẩy giá này, phương pháp chính cá mập hay sử dụng đó chính là liên tục tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Đây là dấu hiệu điển hình cho xu hướng tăng, và giới đầu cơ thì thường chỉ vào tiền sau khi xu hướng tăng được xác định.

img_4
Cấu trúc liên tục tạo đáy sau cao hơn đáy trước của Bitcoin

Giai đoạn 3: Marketing

Đây là bước quan trọng nhất theo đánh giá của mình, là một trong những bước mà trader bình thường ít ai để ý tới, nhưng lại chiếm vai trò quan trọng trong toàn bộ quy trình này.

Case study cho giai đoạn này thì quá nhiều, dễ hình dung nhất là các tin tức hay sự kiện về Bitcoin trong giai đoạn gần đây bởi những nhân vật cực kì nổi tiếng như là Elon Musk (Tesla sẽ chấp nhận cho mua xe điện bằng Bitcoin - 1 ví dụ về các sự kiện được dùng để bơm thổi giá). Đặc biệt các báo từ lá cải đến chính thống thì liên tục cập nhật những bài viết về Bitcoin, đọc nhiều đến phát ngán, nhất là phần comment gây war từ 2 phe, 1 bên là nhất quyết không muốn dính đến tiền số, bên còn lại thì tự nhận mình là người thức thời biết nắm bắt xu hướng công nghệ và đầu tư tài chính.

img_5
Elon Musk - 1 con cá mập cỡ siêu bự lộ mặt trong thị trường tiền số

Một ví dụ khác là đồng coin IndaHash (IDH) - 1 ICO được đánh giá là tiềm năng vào năm 2017 thậm chí còn được VTV quảng cáo trên sóng truyền hình VTV1. Sau khi được bơm thổi thì đồng này cũng chết hẳn kéo theo bao nhiêu nhà đầu tư mất trắng.

Nhiều bạn trẻ bây giờ rất chăm chỉ ngồi đọc các tin tức để phân tích và tranh luận trên khắp các diễn đàn hội nhóm về giá trị nội tại và tiềm năng đầu tư dài hạn của các đồng coin mà không hề hay biết rằng, những tin tức hay bài viết PR cho coin đều là chiêu trò Marketing của cánh truyền thông và giới tài phiệt. Giá trị nội tại của một đồng coin không nằm ở tiến bộ công nghệ vượt bậc, ứng dụng thực tế, cộng đồng tin tưởng hay định hướng lộ trình phát triển đúng đắn mà nằm ở việc cá mập có sở hữu nhiều đồng coin đó hay không. Đó là lí do vì sao Bitcoin là đồng coin sở hữu công nghệ cổ lỗ sĩ nhất trong số các coin hiện tại nhưng lại là coin dẫn đầu và có tính chất quyết định đối với toàn thị trường.

Khi một đồng coin bắt đầu đi vào giai đoạn Marketing thì đó cũng là lúc mà chu kỳ bơm của nó chuẩn bị đi đến hồi kết. Trong giai đoạn này, cá mập Marketing chủ yếu để dụ những nhà đầu tư thiếu kiến thức vào FOMO ở mức giá cao. Đây cũng là bắt đầu của sóng 5 Elliot, sóng “lợn gà” FOMO, khi mà giá được đẩy lên cực kì cao.

Đặc điểm chung của giai đoạn này, đó là tất cả mọi người đều có quan điểm lạc quan về tương lai của đồng tiền số đến mức phi lý. Đây cũng là giai đoạn mà nhiều nhà đầu tư nghĩ đến việc đầu tư dài hạn nhất. Nhưng buồn ở chỗ, sau khi cá mập Marketing xong, thường thì họ sẽ áp dụng luôn bước tiếp theo, đó là bước xả và thoát hàng.

Bước 4: Xả và thoát hàng.

Nhìn vào hình dưới đây chúng ta có thể thấy, sau khi chu trình bơm của Cá mập đã hoàn thành, NEO coin - một đồng coin được đánh giá rất tốt vào năm 2017, ngay lập tức bị xả một cách không thương tiếc. Cú giảm của đồng coin từ đỉnh xuống đáy tương ứng với mất 97.5% giá trị. Trên thực tế, thị trường thời điểm đó khoảng 95% coin chết hẳn, số còn lại giảm từ 85-99% giá trị tùy vào đồng coin. Kết thúc giai đoạn này, thị trường lại bắt đầu bước vào một chu kì mới với giai đoạn 1 - cá mập gom hàng. Còn hiện tại thì khả năng cao thị trường đang ở giai đoạn 3 - marketing, khi mà những bài viết hay tin tức về Bitcoin và đầu tư tràn ngập trên khắp các mặt báo.

img_6
Một khi lên nó sẽ lên đến tận trời, và một khi xuống nó sẽ xuống dưới tận vực

Phân tích dữ liệu hành vi cá mập

Một thị trường tài chính "đậm chất" công nghệ như Crypto sẽ luôn để lại rất nhiều dữ liệu. Và nếu biết cách phân tích khai thác thì có thể sẽ ra được những insight giúp chúng ta có những quyết định đầu tư đúng đắn. Ở phần này, mình sẽ phân tích dữ liệu nhập xuất Bitcoin của 10,000 ví Bitcoin lớn nhất thế giới thời điểm hiện tại (cá mập của thời điểm hiện tại có thể khác với thời điểm trong quá khứ) từ năm 2010 đến giờ. Đầu tiên, hãy phân tích thêm một chút về bức ảnh thống kê các ví Bitcoin đầu bài.

img_7
Số liệu thống kê về các ví Bitcoin

Sự bất bình đẳng trong thị trường tiền số thực sự rất kinh khủng khi mà 2,500 ví lớn nhất đã chiếm đến 42% toàn bộ Bitcoin lưu thông trong thị trường tương ứng với gần 300 tỷ USD. Nếu thêm cả các coin lớn khác thì ước tính giá trị coin liên quan đến cá mập có thể lên đến hơn 500 tỷ đô, nhiều hơn cả GDP của Việt Nam vào năm 2020. Điều này có thể rút ra một kết luận là giá trị của Bitcoin có mối quan hệ sâu sắc với lợi ích của giới tài phiệt trong thị trường này. Thế nên luận điểm "Bitcoin sẽ chết hoặc giảm giá trị về 0" của nhiều người là hoàn toàn không chính xác. Sẽ chả có con cá mập nào tự dưng vứt đi đống tài sản của mình lẫn hàng trăm con cá mập khác bằng cách xả hàng sập thị trường. Nên về ngắn hạn thì chu kì thị trường vẫn tuân theo các quy luật và giai đoạn mình nói ở trên nhưng về dài hạn thì thị trường vẫn sẽ ở trong xu hướng tăng, nhất là những coin gắn bó mật thiết với lợi ích giới tài phiệt như là Bitcoin, Binance Coin, Ethereum. 

img_8
Net bitcoin import theo quý

Trên đây là dữ liệu về số Bitcoin ròng (nhập - xuất) của tất cả 10,000 ví theo quý. Có một sự đột biến ở quý 4 - 2018 so với các thanh bên cạnh, đây chính là dấu hiệu của giai đoạn gom hàng với quy mô lớn. Và chúng ta có thể thấy, sau khi Bitcoin giảm từ 20,000$ xuống 3,000$, mặc dù phần lớn giới đầu tư đã chán nản bỏ rơi thị trường thì lượng Bitcoin nhập vào ví các cá mập vẫn rất là đều đặn, chứng minh rằng đây là giai đoạn 1 - giai đoạn gom hàng trong 4 giai đoạn mình đã trình bày ở trên. Và theo như sự tăng giá kinh khủng lẫn tin tức tràn ngập trên các mặt báo ở thời điểm hiện tại thì khả năng cao thị trường đang ở giai đoạn 3 - marketing. Nếu bạn nào có ý định tham gia thị trường giai đoạn này thì hãy cực kì cẩn thận và chỉ dùng số vốn mà bạn sẵn sàng để mất.

Thậm chí 2 quý gần nhất có lượng Bitcoin nhập vào ví các cá mập lớn hơn cả. Nhưng đây không phải là sự gom hàng mà khả năng cao là dấu hiệu cho việc cá mập luân chuyển Bitcoin định kì để tăng bảo mật lẫn tránh bị chú ý hoặc cá mập đang chuyển Bitcoin lên các ví trên sàn để chuẩn bị cho giai đoạn xả hàng sắp tới.

img_9
Giai đoạn có sự đột biến về lượng Bitcoin nhập vào ví các cá mập được khoanh đỏ

Tóm lại, hãy luôn tuân thủ các quy tắc cơ bản của thị trường tài chính từ bao đời nay: "Follow the Whale" (bơi theo cá voi), "Fearful when others are greedy, and greedy when others are fearful" và "Never invest money that you can't afford to lose". Nếu bạn, không am hiểu nhiều về thị trường, không phân tích rõ ràng và nắm bắt được nguyên lý, xu hướng hoạt động của nó thì tốt nhất bạn đừng nên "sa chân" vào. Đây không phải là sân chơi dành cho những ai chỉ theo cảm xúc và cầu may. Có thể bạn đã may vài lần nhưng không thể hên mãi mãi. Bạn là cá bé nên đừng dại mà "lang thang" khắp "biển khơi" kẻo bị "cá mập" nuốt chửng lúc nào không hay, cũng như đừng dại mà đánh cược cả cuộc đời vào một canh bạc, nếu không bạn sẽ phải hối hận cả đời.

Mặt trái của Bitcoin

“Tôi đang đứng trên bờ vực kết liễu đời mình”, một nhà đầu tư tâm sự. Nhiều người cũng đối mặt với áp lực tinh thần trước thị trường tiền điện tử đầy rủi ro.

“Nếu có bạn bè tham gia giao dịch coin, hãy hỏi thăm liệu họ có đang ổn không”, nữ phóng viên Ruchira Sharma tại VICE đưa ra lời khuyên.

Cuối tháng 1 vừa qua, thị trường tiền số đột ngột chứng kiến đợt lao dốc. Từ Bitcoin, Ethereum tới các loại memecoin như Dogecoin đều bị bán tháo, giảm giá mạnh. Hàng triệu người giao dịch tiền mã hóa nhận về khoản thua lỗ lớn. Có những thời điểm, trong 24 giờ thị trường “bốc hơi” đến gần 1 tỷ USD từ các lệnh đòn bẩy.

Giá Bitcoin vượt 69.000 USD vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng sau, con số này đã sụt giảm đến 40%. Tổng giá trị thị trường tiền mã hóa giảm hơn 1.000 tỷ USD kể từ đỉnh.

Tiền ảo nhưng rủi ro thật

Nhiều chuyên gia nhận định tiền điện tử là một hình thức đầu tư được dân chủ hóa từ Phố Wall, kích thích các nhà đầu tư mạo hiểm. Nhưng trên thực tế, trào lưu tiền số này chỉ có lợi với một số ít tham gia. Nhiều người là nhà đầu tư cá nhân, đổ vào thị trường chính số tiền tiết kiệm của bản thân.

Do đó, những “cá voi” trong thị trường hoàn toàn có thể nuốt chửng số tiền của những đối tượng này. Một khảo sát trên 750 nhà đầu tư tiền số do CNBC thực hiện đã chỉ ra 1/3 trong số họ không hiểu rõ thực sự mình đang đổ tiền vào điều gì. Câu hỏi đặt ra là chuyện gì sẽ xảy ra với nhóm người này khi họ bị thua lỗ lớn.

Peter Klein, nhà tâm lý trị liệu về nhận thức hành vi, từng đề xuất nhiều liệu pháp can thiệp tâm lý cho những vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến thị trường tiền mã hóa. Ông cảnh báo rằng một khi thị trường này sụp đổ, “hàng loạt hội chứng nghiện crypto sẽ gia tăng”. Điều này cho thấy chính xu hướng đầu tư mạo hiểm này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần của nhà đầu tư, tác giả Ruchira Sharma kết luận.

Là nhà đầu tư tiền mã hóa và sáng lập một dự án NFT, Hashim Yasir (19 tuổi), đã mất một số tiền lớn sau cú sụt giảm gần đây. Trả lời phỏng vấn của VICE, chàng trai cho biết việc đầu tư tiền điện tử đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của anh.

“Những tưởng tôi đã thành thục kỹ năng mới này, nhưng mọi thứ dường như quay về con số 0”, Hashim Yasir bộc bạch.

Vì dành thời gian cho tiền số và NFT nên chàng trai trẻ “liên tục mất ngủ và đối diện với áp lực và lo âu”. Anh chia sẻ xu hướng đầu tư đã thay đổi cách anh ứng xử và giao tiếp với những người xung quanh, đồng thời làm anh trở nên “nóng tính hơn trước đây”.

Bitcoin sẽ tiếp tục giảm sâu?

Hủy hoại cả thể chất và tinh thần

Trái lại với những lời khẳng định chắc nịch rằng đầu tư là con đường dẫn đến hạnh phúc và thịnh vượng, những người được Ruchira Sharma phỏng vấn lại cho rằng tiền số đã hủy hoại cuộc đời họ.

Sandip Das (27 tuổi), tuy kiếm tiền từ thị trường nhưng lại lên tiếng phản đối trào lưu đầu tư này. Chàng trai vẫn kiếm lời trong suốt “mùa đông” tiền mã hóa vừa qua, nhưng anh cho rằng 1 năm qua anh cũng đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại.

“Vì chỉ ngủ được 3-4 giờ/ngày nên tôi mắc hàng loạt những sai lầm lúc giao dịch trên thị trường. Thậm chí, tôi gần đây còn bị đau vùng vai gáy do áp lực quá mức”, anh chia sẻ với phóng viên Vice.

Das còn mắc chứng rối loạn lưỡng cực và cho rằng tiền điện tử đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của mình.

“Tiền số sẽ phá hủy cả thể chất và tinh thần của những người tham gia. Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi cả đời”, Sandip Das cảnh báo.

Một nhà đầu tư 33 tuổi giấu tên sống tại Nga cũng thừa nhận mình nghiện giao dịch tiền mã hóa. Anh đang bị mắc kẹt trong một vòng lặp: cố kiếm lại những gì mình đã mất, nhưng hóa ra lại mất nhiều hơn được.

Anh bắt đầu đổ tiền vào Bitcoin từ tháng 11/2017, đỉnh điểm của đồng tiền số này, và nhận được kha khá lợi nhuận. Nhưng giờ đây người đàn ông đã mất trắng 125.000 USD tiền tiết kiệm. Anh cho biết mình còn chẳng thể tâm sự với vợ, và những lần thua lỗ đẩy anh tới giới hạn về tinh thần.

“Tôi đang phải đối mặt với cảnh nghèo túng mà mình không hề mong muốn. Tiền kỹ thuật số đã phá hủy thế giới và tinh thần tôi. Tôi đang đứng trên bờ vực kết liễu đời mình”, nhà đầu tư giấu tên tâm sự.

Tôi bất tài vô dụng khiến vợ đi tìm người đàn ông khác - VnExpress

Khó tìm được sự đồng cảm

Mặc dù các nhà đầu tư tiền số đang phải gánh chịu khối lượng áp lực khổng lồ, việc tìm một không gian thích hợp để mở lòng lại quá khó khăn với họ. Ghé các cuộc trò chuyện về tiền mã hóa trên Reddit và Twitter, tác giả Ruchira Sharma nhận ra một phản ứng chung giữa những người này: “Đừng có căng thẳng nữa, giữ đống coin đó mà sống tiếp đi (HODL)”. Nhiều người cũng chế ảnh hay đùa cợt về căng thẳng và nỗi thống khổ của người giữ Bitcoin.

Nhà đầu tư luôn phải đeo một chiếc mặt nạ luôn tỏ ra bình tĩnh và mạnh mẽ, khiến ngay cả việc thể hiện nỗi áp lực của cũng trở nên khó khăn. Giao dịch trong thị trường tiền số rất căng thẳng, nhưng việc nhận thức được những hệ quả sẽ chẳng mang lợi gì. Chỉ khi thoát khỏi vòng xoáy đó, họ mới nhận ra sự độc hại của tiền số.

Chuyên gia Peter Klein bắt đầu tổ chức những buổi tham vấn tâm lý cho chứng nghiện tiền điện tử từ năm 2017. Bệnh nhân của ông thường là phái nam và đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo chuyên gia, họ đến gặp ông bởi nhu cầu giúp đỡ về mặt tinh thần trong giới tiền số ngày càng cao, trong khi đó thị trường này cũng đang thiếu hụt sự hỗ trợ này.

“Đa số những người giao dịch với cường độ cao đều mắc phải những vấn đề về lo lắng quá độ”, ông cho biết.

“Khi mắc chứng lo âu, họ sẽ nhìn đời bằng con mắt tiêu cực hơn người bình thường. Những căng thẳng họ phải đối mặt trong thị trường tiền mã hóa càng cao, thì mức độ tiêu cực trong cuộc sống thường nhật của họ sẽ càng lớn”, nhà trị liệu khẳng định.

Giống như những hội chứng nghiện khác, tiền số sẽ đưa người tham gia thoát khỏi thế giới thực và kích thích tinh thần của họ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, hậu quả để lại là thương tổn về mọi mặt trong cuộc sống, theo VICE.

Klein cố gắng giúp đỡ những bệnh nhân bằng cách khuyên họ đừng trốn tránh những trải nghiệm trong cuộc sống thực như diện đồ ra đường hay giao tiếp với những người xung quanh. Chuyên gia sử dụng các liệu pháp tâm lý từ liệu pháp hành vi, nhận thức hành vi đến thiền định để giúp bệnh nhân bình tĩnh hơn.

Doanh nhân, nhà đầu tư đến từ London với biệt danh BritishHodl cho biết việc trị liệu tâm lý đã giúp anh nhìn nhận được căng thẳng của mình và cách giải quyết với biến động cảm xúc của mình khi đầu tư.

Trải nghiệm này đã giúp nhà đầu tư nhận ra khi một người quá tập trung vào thị trường tiền mã hóa, những cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống như công việc và các mối quan hệ xã hội. “Người chơi phải cảnh giác với điều này để không bị hủy hoại cuộc đời”, anh cho biết.

Top 10 Thói quen khiến cuộc đời đàn ông thất bại ít ai ngờ tới - Toplist.vn

Còn những người gặp khó khăn chỉ bởi vì thua lỗ quá nhiều thì sao? Lời khuyên đến từ Adam Smith, nhà đầu tư tiền số và sáng lập diễn đàn The Crypto Advisor là “hít thở thật sâu, chắp tay lại và giữ đống coin đó mà sống tiếp (HODL)”. “Trong tương lai gần, Bitcoin nói riêng và thị trường tiền số nói chung sẽ còn tiếp tục hỗn loạn”, anh nhận định.

Smith cũng cho rằng những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục làm chao đảo thị trường chứng khoán lẫn tiền số. “Nếu đổ tiền vào thị trường tiền kỹ thuật số và nhìn thấy những số liệu liên tục lao dốc, nhà đầu tư hẳn sẽ cảm thấy căng thẳng tột độ, đặc biệt là vào những lúc cần chi tiền cho việc riêng”, Smith nhận định.

Thuật ngữ HODL, câu đùa cách viết sai của hold (nắm giữ) là một trò đùa phổ biến trong giới blockchain. Tuy vậy, HODL thực sự là những gì mà những nhà đầu tư đang làm. Ruchira Sharma khẳng định việc cố giữ chờ coin tăng sẽ hủy hoại sức khỏe tinh thần của họ. Các chuyên gia luôn trấn an rằng thị trường tiền số rồi sẽ phục hồi, nhưng những gì nhà đầu tư cần quan tâm là nó sẽ để lại những hệ quả tiêu cực gì lên đời sống thực của con người.

Bản chất của Bitcoin chỉ là bỏ tiền thật mua tiền ảo, giao dịch thắng hoặc thua giữa những người chơi, không tạo thêm giá trị mới cho xã hội, tất cả chỉ là sự dịch chuyển tiền từ ví người này sang ví người khác thôi. Người này thắng ắt có có kẻ khác thua, người này cười giòn rã sẽ có người khóc ròng, người này cảm giác lên mây thì coi chừng có kẻ nhảy cầu tự tử... Hơn nữa luật Việt Nam chưa cho phép hoạt động hợp pháp. Do vậy, việc "lướt sóng B" có lẽ thật tội lỗi và nguy hiểm. 

Chúng ta nên cố gắng kiếm tiền từ việc tạo ra giá trị thực trong đời sống thực mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, đó mới là con đường chính đáng nhất, đúng đắn nhất, và an toàn nhất.

Tổng hợp theo toiyeubitcoin.com & spiderum.com


(*) Xem thêm

Bình luận