Tăng ca để sống tối thiểu
Theo khoản 1 Điều 91 Bộ luật lao động năm 2019, “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội”. Nhưng thực tế, lương tối thiểu từ lâu đã không thể thực hiện tốt vai trò đó.
Cách đây vài năm, khi được mời về làm việc tại một cơ quan Nhà nước, tôi được “chốt” bậc lương 2,34 - bậc lương tối thiểu dành cho lao động trình độ Đại học.
Ảnh minh hoạ từ internet.
Được đánh giá là nhân sự "có kinh nghiệm lâu năm" do lãnh đạo cơ quan mời về làm việc, nhưng bậc lương của tôi không thể vượt qua "quy định". Cơ quan giải thích, kinh nghiệm công tác của tôi chủ yếu ở doanh nghiệp tư nhân, hoặc nước ngoài nên không được tính. Tôi chấp nhận lời giải thích đó, vì thu nhập tôi nhận về chủ yếu phụ thuộc kết quả công việc và vẫn thuộc nhóm cao tại cơ quan.
Nhưng mức lương tối thiểu 2,34 thực ra mang đến cho tôi nhiều thiệt thòi hơn tôi đã nghĩ. Các khoản tiền thưởng theo chế độ Nhà nước của tôi ít hơn hẳn những đồng nghiệp lâu năm. Với cơ quan tôi hồi đó, các khoản thu nhập như vậy là không nhỏ.
Bậc lương của tôi thậm chí được nêu ra trong một cuộc họp giữa cơ quan với Bộ chủ quản. Vấn đề không được giải quyết, vì đó là quy định. Tôi hiểu những khó khăn của lãnh đạo cơ quan, và rất xúc động khi họ luôn nỗ lực để tạo thêm các khoản thu nhập ngoài lương cho tôi. 2,34 là bậc lương tôi không thể trang trải cuộc sống, ngay cả khi chưa có gánh nặng con cái.
Lương tối thiểu hiện nay hầu như không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động tại các vùng, miền và cũng "chưa có cơ quan độc lập xác định mức sống tối thiểu". Nhưng lương tối thiểu đang là cơ sở để các doanh nghiệp tính các khoản chi phí khác theo lương, ví dụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí công đoàn...
Ảnh minh hoạ mức lương tối thiểu theo vùng từ internet.
Về mặt lợi ích, người lao động luôn muốn nhận ngay tối đa số tiền mà doanh nghiệp chi trả, thay vì phải bớt lương để đóng góp vào các quỹ bảo hiểm. Dù về mặt nguyên tắc là trong tương lai, số tiền đóng các quỹ nói trên cũng thuộc về người lao động.
Có tới 11-16% thu nhập của người lao động đến từ việc làm thêm giờ - theo một khảo sát năm 2019 của Oxfam. Tại các nhà máy với dây chuyền hoạt động không ngừng (do chi phí khởi động hệ thống máy móc rất cao) - công nhân phải làm ca để đảm bảo hoạt động 24/24, thu nhập từ việc làm thêm giờ còn cao hơn nữa. Công nhân tại một nhà máy sản xuất giày da tại Trà Vinh chia sẻ với tôi cảm xúc buồn bã khi không được tăng ca, do một khách hàng lớn tại Mỹ phá sản. Không làm thêm giờ, thu nhập của họ bị giảm đáng kể, dù vẫn đạt mức "tối thiểu" mà Nhà nước đặt ra.
Lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất do Nhà nước quy định mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm công việc đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường, bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất sức lao động mở rộng. Lương tối thiểu được đặt ra với giả thuyết người lao động không phải làm thêm giờ mà vẫn đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Nhưng thực tế, mức lương tối thiểu tại Việt Nam chưa đủ để duy trì mức sống đó.
Một xã hội sẽ không thể phát triển bình thường khi phần lớn lao động là công nhân tại các nhà máy, đang ngày đêm phải làm tăng ca, không có cơ hội giải trí, chăm sóc bản thân, giáo dục con cái... Sự kiệt quệ về thể xác và tinh thần của lực lượng lao động chính trong một đất nước có thể mang lại hệ lụy lớn hơn chúng ta có thể hình dung. Đó là lý do Luật Lao động có quy định về số giờ làm thêm tối đa của mỗi công nhân.
Trong tình hình mới, Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết nới trần giờ làm thêm từ 40 giờ lên tối đa 60 giờ. Đây dường như là giải pháp tình thế hơn là kế sách lâu dài. Tăng giờ làm thêm sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong ngắn hạn. Doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất với các đơn hàng mới mà không phải thuê thêm công nhân, tiết kiệm tiền đóng bảo hiểm và các quỹ. Với người lao động, việc tăng giờ làm thêm có thể giúp họ tăng thu nhập.
Ảnh từ internet minh hoạ công nhân làm tăng ca.
Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm có thể khiến doanh nghiệp không có nhu cầu thuê thêm công nhân ngay cả khi cần mở rộng sản xuất, từ đó dẫn đến thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, thời gian làm thêm kéo dài có thể khiến năng suất lao động giảm sút. Về lâu dài, Việt Nam sẽ ngày càng khó thoát khỏi hình ảnh của một đất nước có năng suất lao động và trình độ lao động thấp. Việc thu hút đầu tư khó tránh bị ảnh hưởng.
Nếu lấy lý do dịch bệnh để thay đổi một điều luật vô cùng quan trọng, các nhà làm luật có thể sẽ phải trù tính lộ trình điều chỉnh. Bởi dịch bệnh suy cho cùng cũng sẽ chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong khoảng thời gian ba năm, hoặc lâu hơn một chút. Trong khi hệ lụy từ việc vắt kiệt sức lao động có thể tác động lâu dài hơn thế.
Điều cơ bản cần tính khi nền kinh tế đang bắt đầu vận hành trở lại, là nếu buộc phải dùng đến lương tối thiểu như một tham chiếu thì cần đảm bảo nó thực hiện được đúng sứ mệnh ít ỏi vốn có: đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động mà không phải tăng ca.
Minh Thư - vnexpress.net
Xem thêm