Học trực tiếp mùa dịch: Giáo viên lên lớp dạy một học sinh

24/02/2022 | 457

Covid tác động tiêu cực lên toàn bộ hoạt động trong xã hội trong đó có giáo dục. Từ sau tết, học sinh các cấp trên khắp cả nước được trở lại trường học sau gần một năm ở nhà vì dịch bệnh. Nhưng thật không may khi các em đi học trực tiếp chưa được mấy ngày thì đã phải quay lại nếp học online như trước do số ca mắc mới không ngừng tăng lên cao. Các trường học đang đối diện với áp lực chưa từng có, có lớp chỉ còn một em đi học trực tiếp :(

Giáo viên, học sinh lần lượt là F0

7h05, cô Đặng Lê Phương Anh, giáo viên một trường THCS quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, ngỡ ngàng khi bước vào lớp chỉ thấy một học sinh. Mới hôm qua lớp còn 5 em thì hôm nay 4 bạn phải nghỉ do mắc COVID-19. Vậy là sau 3 tuần đến trường, từ sĩ số 45 em thì đến nay chỉ còn một học sinh.

Học trực tiếp mùa dịch: Giáo viên lên lớp dạy một học sinh  - 1

Học sinh duy nhất đến học trực tiếp. (Ảnh minh hoạ: N.T)

Cô Phương Anh cho biết, số lượng học mỗi ngày một giảm rõ rệt khiến tinh thần dạy và học cũng bị giảm sút. Để ứng phó với tình hình này, nhà trường buộc phải ghép lớp học sinh đến trường học trực tiếp, những em học trực tuyến ở nhà thành lớp riêng.

Tuy nhiên, mỗi lớp học lại có tiến độ bài giảng và năng lực tiếp thu của học sinh khác nhau. Ví dụ, học sinh lớp A1, A2, A3 học lực thường giỏi hơn các lớp A7, A8. Do đó, khi ghép chung lớp thì giáo viên phải dạy chậm lại, giải thích kỹ hơn và thường xuyên dừng bài giảng để xem học sinh có theo kịp tiến độ hay không. Hay nhiều khi các lớp A1, A2 học đến bài thứ 37 nhưng các lớp khác mới học đến bài 35, giáo viên vừa dạy phải vừa hệ thống lại kiến thức, giao thêm bài tập, thậm chí dành thêm thời gian sau tiết dạy để hướng dẫn các em theo kịp tiến độ của nhau.

"Đây chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch hiện nay, nhưng về lâu dài, chất lượng và tinh thần học sinh sẽ bị giảm sút", cô nói và cho rằng nên điều chỉnh lại phương án dạy học chuyển sang 100% trực tuyến sẽ hợp lý hơn, giáo viên vừa không mệt mỏi mà học sinh đảm bảo thống nhất, không bị động thay đổi liên tục phương thức học.

Trở lại trường chưa đầy 1 tuần sau khi hết cách ly F1, ngày 21/2, cô Trần Thanh Hoa, giáo viên một trường tiểu học tại Nam Định lại tiếp tục nhận kết quả dương tính với COVID-19. Do nhiều giáo viên F0 nên nhà trường động viên thầy cô nào không có triệu chứng nặng, cố gắng duy trì dạy online. Trên lớp, những giáo viên còn lại cũng phải “gồng gánh” thêm khối lượng công việc của các đồng nghiệp đang cách ly.

Thậm chí nhiều thầy cô dạy âm nhạc, thể dục, mỹ thuật cũng được điều động lên “trông lớp" thay giáo viên chủ nhiệm, cả hiệu trưởng hiệu phó cũng vào đứng lớp.

Số học sinh F0 tăng “chóng mặt” theo cấp số nhân, nhiều buổi dạy học, 1 - 2h đồng hồ giáo viên lại phát hiện thêm 1 học sinh F0 và kéo theo hàng loạt các em khác F1.

Cô giáo Trần Thanh Hoa cho biết, toàn trường hiện có 12/27 giáo viên và hơn 100/600 học sinh mắc COVID-19. Đáng lo ngại, số học sinh F0 tăng “chóng mặt” theo cấp số nhân, nhiều buổi dạy học, 1 - 2h đồng hồ giáo viên lại phát hiện thêm 1 học sinh F0 và kéo theo hàng loạt các em khác F1.

Học sinh tiểu học còn nhỏ, các con học cả ngày 8 tiếng đồng hồ, dù đeo khẩu trang nhưng vẫn khó tránh những lúc mải chơi đùa với bạn bè mà quên đi lời cô dặn về khoảng cách hay đeo khẩu trang. Vào lớp cô giáo quan sát thấy có con đang mệt mỏi, ngồi gật gù, đưa xuống phòng y tế test nhanh đã dương tính, những trường hợp như thế liên tục xảy ra.

"Thứ 6 tuần trước, có lớp tổng sĩ số 38 học sinh, chỉ còn 12 em trên lớp, số còn lại nghỉ học do F0, F1, nhưng đến chủ nhật, phụ huynh lại báo thêm 3 em dương tính. Vậy là cả lớp chỉ còn lại 9 học sinh tạm an toàn. Nhà trường chỉ đạo 9 học sinh này vẫn đến lớp học bình thường", cô nói.

Theo cô Hoa, mở cửa trường học là điều cần thiết, song quá trình thực hiện cần linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương. Từ quá trình giảng dạy, cô cho rằng, khi đa số học sinh trong lớp mắc COVID, chỉ còn lại vài em nhưng vẫn yêu cầu đến trường học trực tiếp không thực sự hiệu quả.

“Các con đang ốm mệt cũng không thể chú tâm học. Hơn nữa, ở nông thôn, đa số phụ huynh đều phải đi làm, trẻ tự học ở nhà, nên việc học trực tuyến chỉ mang tính chất “gọi là’, “cho có” chứ không thực sự hiệu quả, nhất là với những học sinh nhỏ từ lớp 1 - 3. Với những em đi học trực tiếp, không khí học tập cũng không vui vẻ, hào hứng như trước. Việc đến trường trong hoàn cảnh này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cả cô và trò”, cô giáo nói.

Trường học "gồng mình" ứng phó

Học trực tiếp mùa dịch: Giáo viên lên lớp dạy một học sinh  - 2

Giờ học trực tiếp môn Hoá lớp 11A2 THPT Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: Lê Thống Nhất)

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cho biết, hiện trường ghi nhận hơn 200 học sinh F0 và trên 600 học sinh là F1 (chiếm trên 43%), trong đó 22 lớp trên 50% học sinh trong diện F0, F1.

"Trường ra quy định lớp có trên 50% học sinh là F0 và F1 thì sẽ chuyển sang học trực tuyến 100% với lớp đó. Các lớp còn lại học "2 trong 1" (kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp). Có trường hợp giáo viên vì ngại dạy "2 trong 1" đã nâng số lượng học sinh F1 lên để chuyển sang trực tuyến 100% nhưng khi phụ huynh phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu giáo viên phải đảm bảo số liệu chính xác. Tình trạng như thế nào, áp dụng hình thức dạy học tương ứng thế đó, đảm bảo quyền lợi của học sinh", bà Nhiếp nói.

Cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, khi học sinh lớp 7 - 12 đến trường, toàn trường ghi nhận 270 em là F0 và nhiều học sinh khác thuộc diện F1, một số thầy cô cũng đang cách ly do mắc COVID-19. Hiện trường có 3 lớp học online hoàn toàn, trong đó ghi nhận lớp chỉ còn 5 học sinh học trực tiếp.

Việc quyết định học trực tiếp hay trực tuyến với từng lớp học cần sự linh hoạt, ứng biến phù hợp của lãnh đạo các trường.

Ngay khi xây dựng kịch bản đưa học sinh đến trường, ban giám hiệu đã dự trù tình huống khi ghi nhận rất nhiều học sinh trong lớp là F0, F1 thì sẽ xử lý ra sao, cũng như tính đến việc còn bao nhiêu học sinh âm tính một lớp thì có thể dạy học trực tiếp. Nếu lớp học có 40 em, chỉ vài em có thể đến lớp thì không khí lớp học rất buồn tẻ. Việc tổ chức dạy học trực tiếp để học sinh có cơ hội giao lưu, trao đổi nhiều hơn với thầy cô, bạn bè, nhưng cuối cùng chỉ còn vài em học trực tiếp thì không còn thực sự hiệu quả”, cô Văn Thùy Dương cho biết.

Cô Dương cho rằng, việc quyết định học trực tiếp hay trực tuyến với từng lớp học cần sự linh hoạt, ứng biến phù hợp của lãnh đạo các trường. Trong đó, kể áp dụng bất cứ hình thức nào, thì chủ thể là học trò cũng cần được quan tâm, chăm sóc đầu tiên.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, tuần qua, số học sinh đi học trực tiếp giảm. Cụ thể, học sinh khối THPT những ngày đầu đi học với tỷ lệ trên 90%, tuần qua còn trên 75%; khối THCS còn hơn 77% đến trường; học sinh tiểu học ở ngoại thành còn 79% đến trường.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh; hỗ trợ các nhà trường về y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Những ngày qua, bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng Tiểu học Kim Nỗ (huyện Đông Anh), quay cuồng xử lý công việc, dù đang là F0 điều trị tại nhà.

Số lượng nhân viên mắc Covid-19 hoặc F1 phải cách ly tăng chóng mặt trong khoảng một tuần nay khiến ban giám hiệu và giáo viên Tiểu học Kim Nỗ đối diện "áp lực chưa từng có".

Đến 23/2, trường Kim Nỗ có 21 giáo viên và nhân viên F0 trong tổng số 70 người. Trong 1.934 học sinh, gần 200 em F0, trên 400 F1, rải rác khắp các khối lớp. Trường thực hiện phương án, lớp nào có giáo viên là F0 và tỷ lệ học sinh F0, F1 trên 60% sẽ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Hôm qua, chỉ bảy trên 39 lớp đủ điều kiện học trực tiếp.

Trong tình trạng phần lớn các lớp đều có F0, F1, trường còn gặp khó khăn vì thiếu thiết bị để dạy song song hai phương thức. Bà Sinh cho biết trong giờ học, cô giáo sẽ sử dụng một máy tính cá nhân để trình chiếu slide bài giảng, thiết bị còn lại dùng để livestream cho những em ở nhà.

Học sinh lớp 1 mới đến trường nên ban phụ huynh dù đã kêu gọi vẫn chưa kịp hỗ trợ, đầu tư thiết bị tại lớp. "Chúng tôi mượn tạm máy tính hoặc điện thoại còn dùng được của lớp 5 đã chuyển cấp. Lớp nào vẫn thiếu thì giáo viên đành dạy trực tuyến vào chiều hoặc tối cho những em ở nhà, nghĩa là khối lượng công việc tăng lên nhiều lần", bà Sinh cho hay.

Trường Tiểu học Kim Nỗ trong ngày đầu đón học sinh trở lại trường hôm 10/2. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trường Tiểu học Kim Nỗ trong ngày đầu đón học sinh trở lại trường, hôm 10/2. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Hàng ngày, bà Sinh nhận nhiều cuộc gọi, kiến nghị của phụ huynh các lớp về việc cho các em trở lại học trực tuyến hoàn toàn để tránh dịch. Nhiều người khai báo con mình là F1 để không phải đến trường, dù thực tế con không thuộc diện F. Hiệu trưởng trường Kim Nỗ bày tỏ sự thông cảm trước lo lắng của các bố mẹ, nhất là khi số ca nhiễm tại Hà Nội có lúc đã gần 7.000 ca một ngày. Tuy nhiên, việc đi học trực tiếp được thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, trường chỉ có thể ghi nhận ý kiến và báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Đang là F0 điều trị tại nhà, nhưng bà Sinh "không dám ngơi việc". Hàng ngày, ngoài dạy và học, trường phải thống kê số lượng học sinh, giáo viên F0, F1, liên tục điều chỉnh hình thức học cho những lớp có tỷ lệ lây nhiễm cao. Một số đầu việc được hai hiệu phó hỗ trợ, nhưng đa số bà Sinh vẫn phải trực tiếp chỉ đạo và báo cáo cấp trên.

Hiệu trưởng một trường THCS ở sát khu vực nội thành cũng chia sẻ "mệt mỏi kinh khủng" khi số ca nhiễm trong trường liên tục tăng. Lượng học sinh diện F0, F1 tăng từng ngày, một phần ba số giáo viên đã nhiễm virus. Văn phòng trường tê liệt do không còn ai đủ điều kiện đi làm, khiến hiệu trưởng vừa phải quản lý, vừa giảng dạy và còn phải kiêm thêm cả công việc văn thư.

Dù đã trang bị camera chuyên dụng ở một số phòng học để dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến, giúp học sinh F0, F1 ở nhà vẫn có thể theo dõi bài giảng, hiệu trưởng này không ngờ số học sinh phải ở nhà hiện quá nhiều. Mô hình dạy kết hợp khó đảm bảo được chất lượng.

"Nếu học trực tuyến 100%, giáo viên còn theo dõi được các em đầy đủ thông qua yêu cầu bật camera, mic. Còn học như hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của các em, giáo viên khó lòng đảm bảo", vị này nói.

Tại Tiểu học, THCS, THPT Kinh Đô (huyện Đông Anh), từ thứ sáu tuần trước, nhà trường phải thống nhất với phụ huynh cho toàn bộ hơn 100 học sinh khối Tiểu học và THCS chuyển sang trực tuyến do rét đậm cộng với số em diện F0, F1 tăng cao, có lớp chỉ còn vài học sinh đủ điều kiện học trực tiếp.

Với khối THPT, trường cũng gặp khó khăn khi một phần ba giáo viên thành F0, F1; hai lớp có tới 50% sĩ số phải cách ly y tế; lớp nào cũng có em phải học online. Trường phải cho các lớp có 50% học sinh là F0, F1 chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn sau khi được sự thống nhất của ban đại diện phụ huynh. Các lớp còn lại học trực tiếp kết hợp trực tuyến.Học sinh trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh) đeo khẩu trang trong lớp học. Ảnh: Thanh Hằng

Học sinh trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh) đeo khẩu trang trong lớp học. Ảnh: Thanh Hằng

Khi số ca F0, F1 trong trường tăng cao, nhiều hiệu trưởng cho rằng chủ trương "bình thường hoá" hoạt động dạy và học là cần thiết nhưng cần linh hoạt ở thời điểm này.

Ông Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng trường Kinh Đô, huyện Đông Anh, cho biết ngay cả khi biết phụ huynh báo con là F1 sai thực tế, trường vẫn chấp nhận tôn trọng ý kiến của họ, vì thấu hiểu sự lo lắng của các bậc cha mẹ. Mặt khác, trường cũng không thể làm cách nào khác bởi rất khó xác minh từng trường hợp.

"Tôi chỉ đạo thầy cô trong trường không đánh giá ý thức học sinh mà chỉ động viên các em đi học trực tiếp và đẩy mạnh tuyên truyền, làm công tác tư tưởng với phụ huynh rằng học tập trực tiếp hiệu quả hơn học online kéo dài", ông Niềm nói và cho biết trong thời gian tới, dựa trên tình hình thực tế, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch bù đắp kiến thức giai đoạn này cho học sinh.

Trả lời câu hỏi có nên trở về học trực tuyến hoàn toàn như những tháng đầu năm học không, Hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội cho rằng nên linh hoạt, tùy vào điều kiện, tình hình cụ thể của từng trường. Có thể không quay lại học trực tuyến 100% nhưng thành phố cần có quy định cụ thể.

Ví dụ ở thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá), UBND thành phố đưa ra tiêu chí để nhà trường quyết định có chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến không. Với bậc mầm non và tiểu học, nếu mỗi lớp có dưới 10 học sinh là F0 thì vẫn học trực tiếp, từ 10 F0 trở lên sẽ chuyển sang trực tuyến. Với THCS và THPT, lớp học chỉ chuyển sang trực tuyến khi một phần ba số học sinh trong lớp là F0.

"Nếu Hà Nội cũng có những quy định rõ ràng như vậy, chúng tôi sẽ dễ dàng ra quyết định hơn", cô hiệu trưởng nói.

Hơn 2,5 triệu học sinh nghỉ học

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính hết ngày 22/2, cả nước có 2.534.824 học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải dừng học trực tiếp do COVID-19.

Cụ thể, khối mầm non, 49 địa phương cho trẻ đến trường học trực tiếp. Còn hơn 1,45 triệu trẻ ở 14 tỉnh, thành phố phải dừng đến trường (chiếm 44,69%). Các địa phương dừng dạy trực tiếp bậc mầm non: Hà Nội, Đà Nẵng (trừ 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ dưới 5 tuổi chưa đến trường), Bạc Liêu (trẻ dưới 5 chưa đến trường), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Đắk Lắk (TP Buôn Mê Thuột).

Khối tiểu học, 11 tỉnh, thành phố tạm đang đóng cửa trường học tương đương hơn 784.000 học sinh phải dừng học trực tiếp. Các địa phương gồm: An Giang (khối lớp 1, 2), Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Khối THCS, 4 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp (Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội khối lớp 6 của 12 quận nội thành) tương đương hơn 507.000 học sinh nghỉ ở nhà (chiếm 12,94%).

Khối THPT, 2 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp: (Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Lào Cai) tương đương hơn 244.000 học sinh nghỉ.

Theo vtc.vn & vnexpress.net


(*) Xem thêm

Bình luận