Giá xăng trong nước tăng lần thứ 5 liên tiếp lên mức cao kỷ lục trong vòng 7 năm qua

11/11/2021 | 428

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên giá xăng dầu thế giới liên tục tăng với tốc độ phi mã trong nhiều tuần qua kể từ đầu tháng 9 đến nay đã đang gây sức ép lên nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam. 

HN: Cấm xe máy thì dân đi bằng phương tiện gì? - VietNamNet

Xăng dầu nguyên liệu đầu vào không thể thiếu cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Giá xăng dầu trong nước đã tăng 5 lần liên tiếp tính từ đầu tháng 9 đến cho đến ngày hôm qua (10/11). Lần tăng giá mới nhất có biên độ là 559 - 658 đồng lên gần chạm mốc 25.000 đồng/lít, trong khi dầu hoả và diesel giữ nguyên và dầu mazut giảm. Đây là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 7 năm qua từ 9/2014.

Mới đây, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Cụ thể, từ 15h - ngày 10/11, giá xăng RON 95 tăng 658 đồng/lít lên 24.996 đồng/lít và xăng E5 RON 92 tăng 559 đồng/lít lên 23.669 đồng/lít.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng/dầu Thay đổi Giá không cao hơn

Xăng E5 RON 92

+559 đồng/lít

23.669 đồng/lít 

Xăng RON95-III

+658 đồng/lít

24.996 đồng/lít

Dầu diesel 0.05S

không thay đổi

18.716 đồng/lít 

Dầu hỏa

không thay đổi

17.637 đồng/lít 

Dầu mazut 180CST 3.5S

-389 đồng/kg

16.821 đồng/kg

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, tại kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON 95 thì giá các mặt hàng xăng này sẽ tăng từ 758 đồng/lít đến 1.359 đồng/lít.

Nghịch lý: Lượng xăng dầu nhập khẩu tăng đều trong khi nguồn cung trong nước đang bị tồn kho cao.

Theo tập đoàn xăng dầu Việt Nam, hiện nay các nhà máy lọc dầu trong nước chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế cả nước, 30% còn lại phải nhập khẩu và các nguồn cung cấp đến từ các thị trường truyền thống là Hàn Quốc, Malaysia và Singapore.

Nguồn xăng dầu ngoại vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam và tăng liên tục bất chấp tồn kho hai nhà máy lọc dầu trong nước đang tăng ở mức báo động. 

Số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho hay, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 7 đạt gần 584.500 tấn với tổng giá trị 387 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 21% về giá trị so với tháng 6. Đặc biệt, giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 7 đạt 662 USD/tấn, tăng 12% so với tháng 6 và tăng 71% với tháng 7.2020.

Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu cả nước đạt gần 4,5 triệu tấn, trị giá hơn 2,52 tỉ USD, giảm 15% về lượng, song kim ngạch xuất khẩu tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu xăng dầu trung bình của 7 tháng đạt 555 USD/tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Với trị giá nhập khẩu xăng dầu luỹ kế đến hết 7 tháng đầu năm đạt 2,52 tỉ USD, Việt Nam chi hơn 57.200 tỉ đồng để nhập khẩu xăng dầu, tính trung bình mỗi tháng hơn 8.170 tỉ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, tồn kho của hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn đang rất cao.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhà máy Dung Quất đang tồn kho trên 200.000 m 3 sản phẩm xăng dầu (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000 m dầu thô (tương đương 2,4 triệu thùng). Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trung bình mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 20 triệu tấn xăng dầu trong khi sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 70%, số còn lại phải nhập khẩu. Thế nhưng, do ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhu cầu trong nước giảm mạnh, song các doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải tuân theo luật lệ của quốc tế, các hợp đồng đã ký mua trước đó vẫn phải tiến hành. Chỉ có thể giãn hoặc hoãn nhận một thời gian ngắn.

Nguyên nhân tăng giá xăng dầu trong nước

Giá xăng dầu hôm nay 6/11: Tăng như vũ bão khi đón loạt tin tốt

Sự tăng mạnh của giá xăng trong nước do chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới.

Ngày 25/10, giá dầu thô đã ghi nhận phiên tăng lịch sử, khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn có thời điểm chạm mức 85,41 USD một thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014, trước khi giảm về 83,76 USD một thùng ở cuối phiên. Dầu thô Brent cùng lúc cũng tăng lên 86,43 USD một thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 9. 

Phiên giao dịch năng lượng cuối tháng 10 tại châu Âu ghi nhận giá các hợp đồng giao hàng vào tháng 11-2021 ở khoảng 83,75 euro/MWh, tăng gấp đôi so với hồi tháng 8-2021.

Mức giá kỷ lục được thiết lập do nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới không ngừng tăng, sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, thiếu nguồn cung khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu trong khi mức dự trữ dầu thô của Mỹ giảm... cũng khiến giá dầu đi lên. Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent khả năng vượt mức 90 USD một thùng.

Trong bối cảnh như trên, các nhà sản xuất dầu mỏ lại vẫn rất e dè trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, càng khiến nỗ lực “lấp đầy các kho dự trữ xăng dầu” trở nên xa vời.

Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, lượng dầu thô tồn kho của Xứ Cờ hoa đã giảm 400.000 thùng trong tuần qua, thay vì dự báo tăng 2-3,3 triệu thùng. Cùng với đó, lượng xăng tồn kho hằng tuần của quốc gia này giảm 5,4 triệu thùng, sản phẩm chưng cất giảm 3,9 triệu thùng. Như vậy, lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ đã ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Giá xăng tăng tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam như thế nào?

Giá dầu thế giới tăng với tốc độ phi mã do nhu cầu tiêu thụ cao trong khi nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt đã tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia. Thực trạng này đòi hỏi các quốc gia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cần tăng cường tính dự báo để ứng phó một cách linh hoạt. Giá xăng dầu tăng cao khiến người dân ở nhiều nước gặp áp lực về tài chính.

Nhu cầu xăng dầu tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã dẫn tới những tác động tiêu cực về kinh tế, đặc biệt là thị trường tiêu dùng trên toàn cầu. Tại Mỹ, giá xăng tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, khoảng 3,39 USD/gallon (3,79 lít). Tại Anh, nhiên liệu này cũng chạm mức cao kỷ lục vào cuối tuần qua, lên tới 142,94 xu/lít, vượt qua kỷ lục trước đó là 142,48 xu/lít. Với một chiếc xe ô tô phổ thông, để đổ đầy bình xăng dung tích 55 lít, người tiêu dùng sẽ mất thêm khoảng 15 bảng Anh (tương đương 500 nghìn đồng Việt Nam). Điều này cho thấy áp lực tài chính đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Anh gia tăng chưa từng có. Ở Ấn Độ, giá xăng và dầu diesel hiện là 107,24 rupee/lít và 95,97 rupee/lít, đây là mức cao kỷ lục so với hồi tháng 5-2021.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tính đến tháng 10 là 6.2% là mức tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm qua kể từ 1990, điều đó đang "bào mòn" túi tiền của người dân ở cường quốc số 1 thế giới này.

Theo Ngân hàng Bank of America (Mỹ), khó khăn về nhiên liệu sẽ tiếp diễn khi mùa đông đang tới gần. Điều này có thể khiến giá dầu Brent chạm mốc 100 USD/thùng. Trước khó khăn về nguồn cung nhiên liệu, nhiều quốc gia đã chủ động lên phương án ứng phó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã đề nghị các tập đoàn dầu khí tăng cường năng lực dự trữ, nhấn mạnh đây là thời điểm cần tập trung tối đa để nâng sản lượng chứ không phải vấn đề lợi nhuận từ dầu mỏ. Tương tự, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp tục gây sức ép để các thành viên OPEC gia tăng lượng cung.

Theo giới phân tích, việc giá dầu liên tục tăng cho thấy cuộc khủng hoảng về năng lượng toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này đòi hỏi các nền kinh tế cần tăng tính dự báo để ứng phó một cách linh hoạt trong việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là các quốc gia châu Á, khu vực đang trên đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Nhân viên cây xăng trên đường Hai Bà Trưng (Quận 1, TP HCM) bơm xăng cho khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên cây xăng trên đường Hai Bà Trưng (Quận 1, TP HCM) bơm xăng cho khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trần

Giá dầu thế giới tăng tác động đến kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh. Giá dầu tăng giúp tăng thu ngân sách từ dầu thô; tăng thu gián tiếp từ các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dầu tăng khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo, tác động tới các ngành sản xuất trong nước do đây là nhiên liệu đầu vào.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và thu nhập, chi tiêu của người dân.

Ông Nguyển Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê ước tính, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, nhưng lại làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Ở khía cạnh này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng sẽ ảnh hưởng tới phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian ngưng trệ. Ông Long nói, nhà điều hành cần sử dụng linh hoạt hơn các công cụ điều hành, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, giữ mức tăng giá trong nước không đột biến để giảm bớt gánh nặng, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Biện pháp hạn chế tác động của giá xăng dầu lên nền kinh tế Việt Nam:

Quỹ bình ổn xăng dầu trong trường hợp giá thế giới liên tục leo thang được coi là công cụ giúp giá trong nước giữ nhịp tăng chậm hơn giá thế giới. Nhưng theo nguồn tin chính thống, hiện số dư quỹ này tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu không còn nhiều, thậm chí nhiều đơn vị ghi nhận mức âm quỹ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo số liệu từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đến trước 16h ngày 26/10, quỹ bình ổn xăng dầu tại tập đoàn này đang âm 262 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ bình ổn giá tại PVOil cũng âm hơn 697 tỷ đồng (đến trước ngày 11/10). Con số này giảm đáng kể so với mức âm hơn 710 tỷ đồng hồi đầu tháng 9 của doanh nghiệp này.

Tới cuối tháng 8, có 15 trong số 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu ghi nhận âm Quỹ bình ổn giá với tổng mức âm hơn 1.470 tỷ đồng. 20 thương nhân kinh doanh xăng dầu chưa bị âm quỹ. Cân đối giữa số doanh nghiệp bị âm quỹ và số quỹ dương của các doanh nghiệp đầu mối, số quỹ bình ổn còn lại dư không nhiều, khoảng 600 tỷ đồng.

Với mức này, các chuyên gia cho rằng chỉ một vài đợt điều chỉnh giá mạnh, nếu không sử dụng công cụ điều hành khác, toàn bộ số quỹ bình ổn xăng dầu tích luỹ được sẽ không còn, thậm chí là âm quỹ. Hồi giữa năm 2019, quỹ bình ổn giá xăng dầu từng âm hơn 620 tỷ đồng do các đợt chi quỹ mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019.

Công cụ điều hành khác được giới chuyên gia nhắc tới để "kìm" giá xăng dầu trong nước là giảm thuế. Hiện trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm hơn 60% với mỗi lít xăng, tuỳ loại. Đáng kể nhất là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, dầu diesel 2.000 đồng...

"Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính tính toán, cân nhắc việc giảm thuế với xăng, có thể là thuế bảo vệ môi trường, để giữ bình ổn giá trong nước", bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói tại họp báo của cơ quan này tháng trước. Theo đó, phương án đang được nghiên cứu là giảm một phần thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON 92.

Cũng cho rằng nhà điều hành nên cân nhắc giảm thuế môi trường với xăng, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội nói, mức giảm có thể là 1.000 đồng mỗi lít với xăng E5 RON 92.

Ông phân tích, khi quỹ bình ổn dư địa không còn nhiều và khả năng âm quỹ là rất lớn trước biến động giá hiện nay, giảm thuế, phí trong xăng dầu là công cụ điều hành giúp "kìm" giá mặt hàng này. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp, người dân tránh chịu tác động lớn từ việc tăng giá nhiên liệu đầu vào tới sản xuất kinh doanh, đời sống khi kinh tế trở lại trạng thái phục hồi.

"Giá xăng cao thế này, người dân sẽ cân nhắc chuyển sang dùng E5 RON 92 nhiều hơn, thì tỷ trọng tiêu thụ loại xăng này sẽ tăng. Giảm thuế môi trường với loại xăng này sẽ bớt áp lực cho doanh nghiệp sản xuất, người dân", ông nói.

Thu phí ô tô vào nội đô: Sức thuyết phục khi đưa đề xuất mới

Dù vậy, việc giảm loại thuế này theo các chuyên gia phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, và ảnh hưởng đến thu ngân sách nên giải pháp trên sẽ khó quyết trong ngắn hạn. Trước mắt, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, thì việc "cân đo đong đếm" dùng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, hợp lý khi "vốn còn rất mỏng" là việc nhà điều hành cân nhắc, tính toán.

Về phía Bộ Công Thương, đại diện cơ quan này khẳng định vẫn luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phối hợp với Bộ Tài chính điều hành mặt hàng này nhằm phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Thắm Lê tổng hợp

Theo vnexpress.net, vietnambiz.vn, hanoimoi.com


(*) Xem thêm

Bình luận