"Mẹ vắng nhà ngày bão" - Bài thơ hay nói lên vai trò thiêng liêng của người mẹ trong gia đình

09/09/2024 | 342

Người phụ nữ Việt Nam mang trong mình những đức tính quý báu từ ngàn xưa đó là: trung hậu, đảm đang, thủy chung, yêu thương và chăm sóc chu đáo cho chồng con hết mực,... Do đó khi mẹ vắng nhà, các bố con sẽ cảm nhận rõ ràng nhất sự thiếu thốn, sự vất vả, sự hi sinh, tận tâm, tận lực của mẹ. Từ đó các thành viên gia đình càng thêm thấu cảm, gắn bó, yêu thương, cũng như biết chia sẻ, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, để càng thêm trân quý nhau hơn trong những "ngày chưa giông bão"...

Bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão" là một bài thơ tuyệt hay về tình cảm gia đình, đã khắc họa nên hình ảnh một người mẹ mẫu mực, tuyệt vời và tình cảm gia đình luôn dạt dào yêu thương ngay cả trong gian khó...

Nhà thơ Đặng Hiển sinh năm 1939 tại Nam Định, nhưng ông sống chủ yếu ở Hà Nội. Vốn xuất thân là một nhà giáo nên thơ Đặng Hiển phần nhiều dung dị và gần gũi, được đưa vào giảng dạy ở nhiều lớp thuộc bậc tiểu học. Mẹ vắng nhà ngày bão là bài thơ hay, có tình huống độc đáo, qua đó thể hiện sâu sắc tình cảm yêu thương, gắn bó giữa các thành viên trong một gia đình. Tác phẩm đã thực sự khơi gợi nhiều cảm xúc sâu lắng trong lòng bạn đọc suốt nhiều thập niên qua.

Khổ thơ đầu tiên mở ra một tình huống đầy ấn tượng và giàu kịch tính. Mẹ về thăm quê, không ngờ cũng là lúc cơn bão ập đến. Thế là mấy ngày mẹ ở quê cũng là mấy ngày triền miên mưa bão, mẹ muốn về nhà nhưng "cơn mưa dài chặn lối" mất rồi. Mẹ vắng nhà đã là một thiếu thốn, hụt hẫng tình cảm cho bố con, vậy mà trời lại thêm mưa bão thì sự thiếu hụt ấy càng lớn biết chừng nào. Chính cái ý tứ được tác giả cài sẵn ấy mới thấm thía và cảm động làm sao. Người đọc như cũng lắng lòng rưng rưng một niềm xúc động:

Mấy ngày mẹ về quê
Là mấy ngày bão nổi
Con đường mẹ đi về
Cơn mưa dài chặn lối.


Tình huống ngặt nghèo là thế, song cái hay của mạch thơ phát triển tiếp theo cho đến hết bài chính là tình cảm yêu thương, chia sẻ mà mọi người trong gia đình dành cho nhau qua suy nghĩ và hành động mới thật cao đẹp và đáng trân trọng. Nhà nghèo (chắc là chỉ tranh tre, vách đất của một thời gian khó ở nước ta mấy mươi năm trước), "hai chiếc giường ướt một", ba bố con đành nằm chung một giường, ấm áp nhưng vẫn thao thức không sao ngủ được vì thấy phía trong vẫn còn một khoảng trống. Nhà thơ Đặng Hiển quả thật đã rất giỏi khơi gợi ở hình ảnh này, nhờ đó khổ thơ thứ hai dù vẫn nằm trong mạch thơ tự sự song lại chứa chan cảm xúc, khiến ta khó cầm được nước mắt:

Hai chiếc giường ướt một
Ba bố con nằm chung
Vẫn thấy trống phía trong
Nằm ấm mà thao thức.


Lời thơ ngắn gọn, giọng thơ nhẹ nhàng nhưng tình cảm ba bố con dành cho người mẹ thật lớn lao không gì so sánh được. Khổ thơ thứ ba vẫn là điểm nhìn từ tâm trạng của ba bố con, nhưng nhà thơ đã rất khéo dẫn dắt nên hình ảnh người mẹ vắng nhà hiện ra thật sống động, cụ thể. Mẹ có khác gì bố và các con, mẹ cũng không sao ngủ được. Mẹ vừa thương bố con vụng về, vừa lo củi mùn mưa gió ướt át làm sao nấu được bữa cơm ngon như có mẹ ở nhà. Người mẹ không xuất hiện, chỉ qua mạch cảm xúc của ba bố con, song người đọc vẫn nhận ra vẻ đẹp tảo tần, tình yêu thương chồng con hết mực của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt ở khổ thơ này, nhà thơ Đặng Hiển đã gieo vần trắc qua các từ "được - ướt" ở câu 2 và 4 càng làm cho giọng thơ rưng rức, nghẹn ngào như tiếng lòng nấc nghẹn của mọi người trong gia đình đang hướng về nhau.

Không chỉ dành tình cảm yêu thương cho mẹ trong những ngày mưa bão, ba bố con đã thay nhau làm công việc hằng ngày mà mẹ vẫn hay làm. Mỗi người một việc, chị hái lá cho thỏ mẹ, thỏ con ăn; em cũng giỏi giang không kém khi chăm đàn ngan ăn no đủ ngày hai bữa. Thương nhất là bố, bố đã thay mẹ đội nón đi chợ trong mưa bão để về nấu món canh chua mà hai chị em yêu thích. Trong khổ thơ này, nhà thơ viết đến sáu dòng thơ để liệt kê một loạt hành động của ba bố con thật nhịp nhàng và đầy trách nhiệm. Vì thế, mẹ vắng nhà ngày bão mà vẫn như có mẹ ở cùng, tất cả cứ nhẹ nhàng trong hành động và ứng xử. Nhờ đó, khổ thơ không chỉ thuần túy miêu tả việc làm của ba bố con mà đó còn là tình cảm yêu thương, nỗi niềm sẻ chia trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Chính cơn bão thiên nhiên đã làm cho mái ấm gia đình sáng lên vẻ đẹp của tình yêu và trách nhiệm từ những tấm lòng biết nghĩ về nhau trong lúc cách xa:

Nhưng chị vẫn hái lá
Cho thỏ mẹ, thỏ con
Em thì chăm đàn ngan
Sáng lại chiều no bữa
Bố đội nón đi chợ
Mua cá về nấu chua...


Bài thơ kết đọng bằng hình ảnh "bầu trời xanh trở lại", nắng mới bừng lên khi cơn bão đi qua. Vẻ đẹp thiên nhiên lúc này thật phù hợp với lòng người, tình người nên tất cả cứ sáng bừng lên một cách lạ thường. Niềm vui thật không sao tả xiết khi bóng dáng mẹ về như mang cả muôn ngàn tia nắng ấm áp từ trời cao rọi xuống. Hình tượng thơ thật đẹp và đầy dụng ý nghệ thuật đã làm nổi bật tứ thơ tuy bình dị mà lắng sâu, nhẹ nhàng mà tha thiết, khắc họa đậm nét một tình cảm gia đình thật hạnh phúc và tràn ngập yêu thương:

Thế rồi cơn bão qua
Bầu trời xanh trở lại.
Mẹ về như nắng mới
Sáng ấm cả gian nhà.

Bài Thơ Mẹ Vắng Nhà Ngày Bão [Nội Dung + Cảm Nhận + Phân Tích]

Viết về đề tài gia đình, văn học Việt Nam đã có nhiều bài thơ hay và lưu dấu trong lòng bạn đọc. Nhưng đặc sắc trong tình huống, cảm động qua cách kể chuyện và khơi gợi cảm xúc yêu thương đong đầy mãnh liệt giữa tình cảm vợ chồng, mẹ con phải kể đến Mẹ vắng nhà ngày bão của nhà thơ Đặng Hiển. Bài thơ là một gam màu sáng đẹp, lấp lánh chiếu qua mỗi hồn người, như đóa hoa bình dị nơi vườn nhà mà hương sắc không bao giờ nhạt phai, hay là bức tranh quê sống động,chất chứa yêu thương...

Lê Thành Văn


(*) Xem thêm

Bình luận