Thế giới nghiêng mình cảm kích người phụ nữ đã sáng chế và biến AstraZeneca thành vaccine Covid-19 rẻ nhất thế giới

10/09/2021 | 450

Một mai khi Covid-19 rời xa, nhân loại sẽ nhìn về Sarah Gilbert với một thái độ đầy biết ơn. Bởi lẽ, bà là một nhà khoa học với trái tim nhân hậu, hy sinh lợi ích của bản thân để tạo ra một loại vaccine mà cả thế giới có thể tiếp cận.

Thế giới nghiêng mình cảm kích người phụ nữ đã sáng chế và biến AstraZeneca thành vaccine Covid-19 rẻ nhất thế giới

Bạn đã bao giờ thắc mắc giá tiền của mỗi mũi vaccine chúng ta được nhận hiện nay là bao nhiêu không?

Thực ra con số ấy sẽ khác biệt theo từng thị trường và khu vực. Nhưng theo một bản thống kê đăng tải trên trang BioSpace về giá các loại vaccine phổ biến nhất hiện nay, một liều Pfizer/BioNTech sẽ có giá 19,50 USD (giá cho 100 triệu liều đầu tiên); Moderna là 25 - 37 USD; Sputnik V là 10 USD; Novavax (Mỹ) là 12 USD; Sinovac (Trung Quốc) là 60 USD.

AstraZeneca - vaccine từ ĐH Oxford (Anh Quốc), bằng một cách nào đó, duy trì mức giá chỉ 2 - 5 USD cho mỗi liều (tương đương 46 đến hơn 120 ngàn đồng tiền Việt) tùy thị trường. Tại sao lại rẻ đến như vậy?

Ngày 28/6, khán giả tại sân quần vợt Wimbledon của Anh đồng loạt đứng dậy vỗ tay tri ân một nhân vật có mặt trên khán đài hôm ấy. Đó là Sarah Gilbert - mẹ đẻ của vaccine AstraZeneca, người phụ nữ có trái tim nhân hậu đã hy sinh lợi ích cá nhân để giúp nhân loại có một loại vaccine mà cả thế giới đều có thể tiếp cận được.

Toàn bộ sân vận động giải Wimbledon đứng dậy để tri ân nữ Giáo sư Sarah Gilbert - mẹ đẻ của vaccine AstraZeneca

Người phụ nữ hy sinh vì nhân loại bất chấp khó khăn

Sarah Gilbert sinh ra tại Northamptonshire vào tháng 4/1962. Cha của bà làm việc trong ngành giày dép, còn mẹ là một giáo viên dạy tiếng Anh.

Hoàn thành học vị tiến sĩ, Gilbert có được việc làm tại một trung tâm nghiên cứu men bia trước khi chuyển sang hoạt động trong ngành y tế. Bà vốn chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một chuyên gia về vaccine, cho đến giữa thập niên 1990 khi đang công tác tại ĐH Oxford để nghiên cứu về bộ gene của virus gây bệnh sốt rét, và tìm cách phát triển vaccine phòng căn bệnh này.

Cuộc sống của bà trở nên phức tạp hơn kể từ khi mang thai và sinh 3. Nuôi dạy 3 đứa trẻ một lúc là một trải nghiệm rất khó khăn, cả về thể chất, tinh thần lẫn vấn đề tài chính. Dẫu vậy, sự nghiệp khoa học của bà cũng dần phát triển khi trở thành một giáo sư tại ĐH Oxford danh giá chuyên về lĩnh vực vaccine. Khởi đầu là một đội ngũ nghiên cứu bà thành lập để tạo ra một loại vaccine cúm diện rộng - chống được tất cả các chủng cúm. Sau đó là Ebola, rồi MERS, và gần nhất chính là Covid-19 - dịch bệnh đang đày đọa cả thế giới suốt gần 2 năm qua.

Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 - thời điểm vaccine MERS đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Nhưng Gilbert nhanh chóng hiểu ra rằng họ có thể áp dụng cách tiếp cận của các dịch bệnh trước với đại dịch lần này.

"Chúng tôi đã làm rất nhanh," - Giáo sư Teresa Lambe, đồng nghiệp của Gilbert tại ĐH Oxford cho biết. "Chỉ sau một tuần, thiết kế cơ bản của vaccine đã được hoàn tất." Vài tuần sau, một loại vaccine có hiệu quả trước Covid-19 trong phòng thí nghiệm đã được tạo ra, rồi đi vào sản xuất vào đầu tháng 4/2020 với các đợt kiểm tra nghiêm ngặt.

Nhưng điều quan trọng nhất, Gilbert và đội của họ làm vậy không phải vì tiền! Họ hợp tác cùng AstraZeneca chỉ với một điều kiện duy nhất: Vaccine phải được phân phối và bán với mục đích "phi lợi nhuận".

 Thế giới nghiêng mình cảm kích người phụ nữ đã sáng chế và biến AstraZeneca thành vaccine Covid-19 rẻ nhất thế giới - Ảnh 3.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem đây là cuộc đua với virus chứ không phải với các nhà sản xuất vaccine khác. Chúng tôi là một trường đại học, và không làm vậy để kiếm tiền" - Gilbert từng chia sẻ như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020.

 Thế giới nghiêng mình cảm kích người phụ nữ đã sáng chế và biến AstraZeneca thành vaccine Covid-19 rẻ nhất thế giới - Ảnh 4.

Đội nghiên cứu làm việc ngày đêm, và Gilbert nằm trong số những người chăm chỉ cống hiến nhất. Mỗi ngày, bà dậy từ 4h sáng, kết thúc công việc khi tối muộn. Sự vất vả dành cho một điều thực sự ý nghĩa, bởi họ muốn tạo ra một loại vaccine có giá rẻ, dễ phân phối và có khả năng chống lại bệnh một cách hiệu quả.

Để tạo ra nó, đội ngũ nghiên cứu đã đi từ các chủng virus cúm thông thường vốn chỉ gây bệnh cho tinh tinh, rồi cải tạo nó để không còn lây bệnh cho con người. Tiếp theo, họ tiếp tục thay đổi thành phần gene bên trong, đưa một mảnh gene thu được từ virus corona vào. Với cách này, họ sẽ đưa được tế bào virus gây bệnh Covid-19 vào trong cơ thể, dạy cho hệ miễn dịch cách để chống lại nó. Cùng sự hậu thuẫn của hãng dược AstraZeneca, các liều vaccine đầu tiên được sản xuất và bắt đầu đưa đi thử nghiệm.

Công sức của họ đã được đền đáp. AstraZeneca hiện tại là một trong những loại vaccine phổ biến nhất, được Tổ chức Y tế thế giới WHO chứng nhận về hiệu quả và độ an toàn, lại duy trì mức giá "phi lợi nhuận" chỉ khoảng 3 USD mỗi liều nhằm đảm bảo cho tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể tiếp cận.

 Thế giới nghiêng mình cảm kích người phụ nữ đã sáng chế và biến AstraZeneca thành vaccine Covid-19 rẻ nhất thế giới - Ảnh 5.

Năm 2021, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã trao tặng tước hiệu Nữ hiệp sĩ Vương quốc Anh (DME - Dame) cho Giáo sư Gilbert để tri ân thành tựu của bà đối với sự an toàn của nhân loại trong đại dịch. Hãng sản xuất đồ chơi Mattel Inc. cũng vừa ra mắt phiên bản búp bê Barbie lấy tạo hình của giáo sư, nhằm vinh danh những gì bà đã làm được.

 Thế giới nghiêng mình cảm kích người phụ nữ đã sáng chế và biến AstraZeneca thành vaccine Covid-19 rẻ nhất thế giới - Ảnh 6.

Sarah Gilbert bên con búp bê Barbie được tạo hình theo hình mẫu của mình.

Và có lẽ sau này, thời điểm Covid-19 đã rời xa, chúng ta vẫn sẽ nhìn về và cảm thấy biết ơn Sarah Gilbert, nhà khoa học có trái tim nhân hậu, hy sinh lợi ích của bản thân vì sự sống còn của cả nhân loại.

Nguồn thứ cấp: cafebiz.vn

Nguồn gốc: BBC, The Guardian, Bio Space


(*) Xem thêm

Bình luận