Người đàn ông Sài Gòn tặng cơ ngơi 100 tỷ và xây thêm nhà nuôi trẻ mồ côi
Khi có nhiều tiền người ta thường sẽ làm gì? Có lẽ phần lớn sẽ tiều xài hoang phí những vật phẩm xa xỉ và hưởng thụ tối đa? Trong khi có số rất ít người sẽ dành hầu hết số tiền mình kiếm được để cho đi, giúp người, giúp đời. Ông Bùi Công Hiệp giám đốc cơ sở bảo trợ trẻ em thiên thần (Tp. HCM) là một trong những người như vậy khi ông đã dành tặng cơ ngơi 100 tỷ và hiện đã xây thêm nhà để nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi.
Tặng cả cơ ngơi trăm tỷ cho trẻ mồ côi
Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần là một ngôi nhà 3 tầng rộng rãi khang trang được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 2500m2 của gia đình ông Hiệp (P. Long Trường, Q.9, TP.HCM). Nơi đây là mái ấm của những em nhỏ cơ nhỡ, bất hạnh thiếu tình thương của cha lẫn mẹ. Bằng nhiều cách, các bé được tập trung về đây và đã được ông Hiệp đứng ra lo toan mọi việc từ nhiều năm nay.
Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa |
Ông Bùi Công Hiệp - chủ một xưởng cơ khí, là giám đốc cơ sở bảo trợ. Năm nay ông đã ngoài 60 tuổi. Mới đây, chúng tôi trở lại thăm ông, các cháu nhỏ và được biết, ông đang xây thêm nhà cho các cháu mồ côi, cơ nhỡ.Trò chuyện với ông Hiệp chúng tôi được biết bước khởi nghiệp của ông cũng khá gian nan. Ông đi thanh niên xung phong năm 18 tuổi, năm 19 tuổi, ông nhập ngũ.
Phục vụ trong quân đội vài năm, ông xuất ngũ trở về cuộc sống dân sự với 2 bàn tay trắng. Có lúc ông phải đạp xích lô để mưu sinh. Mãi đến năm 1985 ông được nhận vào Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh với chân bảo vệ. Từ đó ông vươn lên làm cửa hàng phó rồi phó giám đốc kinh doanh.
Năm 1991 ông chuyển qua ngành xây dựng. Cũng từ điểm xuất phát thấp nhất, ông làm phụ hồ lên thợ rồi mở tổ hợp xây dựng. Công việc làm ăn phát triển tốt đẹp cho đến năm 1998 ông chuyển tổ hợp xây dựng cho người em để mở xưởng cơ khí phát triển đến nay.
Ông lập gia đình năm 1987. Hai con ông nay đã lớn, đã có cơ ngơi và công việc ổn định. Nguồn lợi từ xưởng cơ khí ông dành cho cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần.
Để giúp ông điều hành công việc, ngoài vợ ông còn có hơn 10 bảo mẫu được ông trả lương theo thỏa thuận.
Sau bữa trưa, các bé sẽ ngoan ngoãn đi ngủ để 2 giờ chiều dậy học và vui chơi. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Tâm sự với chúng tôi, ông Hiệp cho biết, những đứa trẻ bị bỏ rơi là những mảnh đời bị thiệt thòi nhất. Ông muốn chúng là con của ông để ông tạo thành một thế hệ mới trong gia đình.
Chính vì điều này, toàn bộ thửa đất và ngôi nhà 3 tầng có trị giá trên 100 tỷ đã được ông chuyển sở hữu cho tất cả các bé. Toàn bộ những việc làm của ông nhằm lo cho các bé đều nhận được sự đồng thuận cao của vợ con.
Cho chúng tôi xem hợp đồng tặng quyền sở hữu đã ra công chứng, ông nói, 'Mình phải nghĩ đến lúc chúng lớn, ra đời lỡ sa cơ thất thế chúng còn nơi để mà về'.
Ngôi nhà ấm áp và tràn niềm vui cho các bé thơ
Ông Bùi Công Hiệp cho biết những bé sơ sinh khi vào đây đều có cân nặng dưới 2,5kg, đặc biệt có bé dưới 2kg. Chỉ có 3 trường hợp được trên 3kg.Tầng 1 của ngôi nhà được bố trí cho trẻ sơ sinh đến dưới 2 tuổi. Ở đây có 23 bé. Ngoài các bé lớn chạy nhảy tung tăng, nơi đây có 3 bé còn đỏ hỏn.
'Trong thời gian mang thai, mẹ các bé gặp nhiều chuyện không hay hoặc phải sống trong điều kiện thiếu thốn, các bé chào đời không đủ tháng nên thường bị các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
Cứ gặp người lạ là các em đưa tay xin được bế. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Việc nuôi các bé trong điều kiện như thế không dễ. Có bé phải đi bệnh viện và cơ sở phải cắt 2 bảo mẫu để chăm lo. Hằng ngày các bé sơ sinh đều được cho bú bằng sữa mẹ từ thiện', ông Hiệp nói.
Theo lời ông, nhiều bà mẹ sinh con dư sữa nên vắt cất đi. Có vài người đi quyên số sữa đó, dồn lại đem tặng cho cơ sở để các bé được bú đủ dinh dưỡng, nhờ vậy mà sức khỏe các bé tiến triển rõ rệt.
Rời các bé sơ sinh, chúng tôi lên tầng 2. Một không gian tĩnh lặng đến lạ kỳ. Hóa ra các bé đang ngủ say.
24 bé, mỗi bé một khung giường riêng biệt. Bé nằm ngửa, có bé nằm nghiêng. Ở góc phòng, chị bảo mẫu ngồi theo dõi giấc ngủ từng bé.
Chúng tôi xuống phòng ăn. Một chiếc bàn dài kê giữa phòng. Gần 40 đứa trẻ từ 4 - 7 tuổi đang ăn. Mỗi đứa một tô cơm với đầy đủ thức ăn. Chúng ăn một cách ngon lành. Đứa nào cũng vét sạch tô trước khi rời khỏi bàn.
Chị Hạnh cho chúng tôi biết đầu bếp của cơ sở không ai khác mà chính là ông Hiệp. Chị nói, trước đây cũng có người nấu nhưng sau một thời gian thấy không như ý nên ông Hiệp tự mình làm. Hàng ngày, cứ 4 giờ sáng, ông đỏ lửa, nấu 3 bữa cho cả cơ sở.
Nhìn ông Hiệp trong bộ quần áo đơn giản, đi chân đất, đầu hớt nhẵn và lúc nào cũng xăm xắn lo cho lũ trẻ, chúng tôi thấy vô cùng khâm phục.
Các em tự xúc ăn, tắm rửa, chăm sóc và chơi đùa với nhau. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Ngoài nấu ăn, đưa các bé đi học rồi đón về, ông còn làm cả công việc của các bảo mẫu, chăm cho các bé từng chút một. Tâm nguyện xây dựng một gia đình với những điều tốt đẹp theo đúng ý nguyện của ông đã dần hình thành.
Ông Hiệp mặc áo cho con gái khi bé đi học võ. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa. |
Ông Hiệp cho biết, ông rất quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân cách cho các con. Ông cố gắng để các bé có cách đối xử với nhau thật tốt thật đẹp để khi lớn lên, có cuộc sống mới, chúng sẽ là bạn bè, anh em thương yêu nhau. 'Tôi chỉ mong lớn lên chúng tự sống được và trở thành người hữu ích cho xã hội là tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi không đòi hỏi chúng phải báo đáp. Chúng cứ sống tốt và cố gắng tránh vết xe đổ của cha mẹ chúng là một cách báo đáp đầy ân tình nhất', ông bày tỏ với chúng tôi.
Những thiên thần nhỏ và phương pháp giáo dục mới
Đứa trẻ ngơ ngác khi không được ông bế. |
Các bé được chia ra thành nhiều lứa tuổi và được chăm sóc đặc biệt. Từ miếng ăn đến giấc ngủ, từ tiếng cười đến lời nói, tất cả được các bảo mẫu chăm chút từng li từng tí. Nguồn kinh phí để điều hành cơ sở ông Hiệp lấy từ nguồn thu nhập của gia đình. Điều rất vui là trong gia đình ông gồm vợ và 2 con đều nhất trí với công việc thiện nguyện ông làm và cũng đã chung tay với ông đến từng chi tiết nhỏ.
Lớp học theo phương pháp Montessori. |
Chúng tôi cùng ông bước lên tầng trên nơi các bé từ 2 - 5 tuổi đang sinh hoạt. Cửa mở. Trước mắt chúng tôi, các bé mỗi đứa một chiếc chiếu nhỏ ngồi ngay ngắn thành 3 hàng. Trước mặt chúng là những dụng cụ học tập khác nhau. Đứa thì loay hoay tay cầm chày giã vào chiếc cối. Đứa mò mẫm với từng con chữ. Đứa say sưa với những món đồ lạ mắt ...
'Anh biết phương pháp giáo dục này không?'. Ông Hiệp hỏi không đợi chúng tôi trả lời, ông nói tiếp, đây là phương pháp mới có tên là Montessori.
Đặc điểm nổi trội của phương pháp này là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do trong khuôn khổ cho phép - trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại.
Để có những buổi học như thế này - ông nói tiếp - 'chúng tôi đã đầu tư rất nhiều. Có 4 cô giáo chuyên trách về phương pháp giáo dục này trực tiếp chăm các cháu và chúng tôi cũng đã tốn một khoản tiền khá lớn để có dụng cụ học tập'.
Dự án nhà sinh hoạt, học tập, lưu trú
Bữa ăn của các bé. |
'Điều quan trọng với chúng tôi là kết quả học tập của các bé. Nuôi chúng, không phải chỉ nuôi chúng lớn mà phải nuôi chúng thành người. Chúng tôi đã xác định, chúng là những đứa con thân yêu nên chúng tôi không ngần ngại gì khi đầu tư để chúng có tương lai tươi sáng hơn', ông Hiệp cho biết.
Nhìn các bé vùi đầu vào những điều học hỏi mới, trong thâm tâm chúng tôi liên tưởng đến lúc chúng trưởng thành, một ngày mai nhiều triển vọng.
Tiếp tục theo chân ông, chúng tôi đến nhà ăn. Bên trong, một đám bé gái đang vây quanh một phụ nữ. Chị mải mê buộc từng lọn tóc cho các bé.
Nhìn thoáng qua người ta tưởng chị là ruột thịt của những đứa trẻ. Từng cử chỉ, từng lời nói toát lên sự yêu thương như một người mẹ dành cho đứa con ngoan.
'Xong rồi, các con dọn bàn ghế ra đi'. Tiếng hô vang của chị bảo mẫu. Các bé lớn xúm xít xếp bàn ghế thành hàng dài. Bên trong bếp, một cô gái trẻ đang múc từng vá nui cho vào tô. Một chị đứng bên cạnh cho nước lèo vào. Hàng chục tô nui đã xong. Những bé lớn bưng từng tô để vào bàn theo vị trí ghế ngồi.
Dự án nhà sinh hoạt, học tập, lưu trú được ông thai nghén đã lâu mãi đến hôm nay mới thực hiện. Ông cho biết từ khi có dự án 3 mạnh thường quân ngỏ ý muốn tham gia đóng góp khoảng 70 - 80% kinh phí nhưng đến khi thực hiện thì không một ai lên tiếng cả.
Ông Hiệp và người phụ nữ buộc tóc cho các bé đến bên chúng tôi. 'Giới thiệu với anh, bà xã tôi đó'. Ông vừa cười vừa nói rồi sau đó chỉ vào cô bé trong bếp, 'con gái tôi Bùi Lan Oanh hôm nay cùng mẹ tham gia với các bé. Thôi, bây giờ mời anh cùng gia đình làm lễ động thổ dự án'.
Kinh phí của dự án này được dự trù khoảng 5 tỉ cho phần xây dựng. Sau khi hoàn tất với diện tích sàn khoảng 800 m2 thì đủ cho tiêu chuẩn của nhà nước qui định 6m2/người. Toàn bộ kinh phí sẽ được ông thế chấp tài sản vay ngân hàng. Sau đó, con gái ông sẽ là người lo trang trải cả lãi và vốn cho ngân hàng.
Nghi thức cúng động thổ đã chuẩn bị xong. Ông, con gái và nhóm thi công trang nghiêm dâng hương. Chúng tôi tin rằng với tấm lòng của ông, rồi đây, hơn 90 đứa trẻ không nơi nương tựa sẽ có được một mái nhà chung và một tương lai thật tươi sáng.
Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó chủ tịch UBND quận 9 xác nhận, cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần của ông Bùi Công Hiệp được quận cấp giấy phép hoạt động từ năm 2010. Đây là nơi nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Quận rất quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở các điều kiện về pháp lý để các cháu được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo qui định.
Cuộc đời sẽ bớt đi nhiều đau khổ, sẽ đẹp hơn khi trong xã hội có những tấm lòng "bồ tát" như ông Hiệp. Mong ông luôn có nhiều sức khoẻ và bình an để nuôi dạy tất cả các con nên người có ích cho đất nước mai sau.
Theo vietnamnet.vn
Xem thêm