Từ nô tì thấp hèn bị khinh bạc trở thành mẹ vua

24/02/2022 | 303

Cung đình vốn là chốn minh tranh ám đấu, bao số phận bị dập vùi chỉ để cho vài người đắc thủ; bao tiếng khóc oán thán chỉ để đổi lại tiếng cầm tiêu sênh ca cho kẻ thắng sau cùng. Bên cạnh những bà phi có thế lực nhà mẹ đẻ hậu thuẫn, cũng có những bà phi xuất thân bình phàm. Mà chính những bà phi xuất thân bình phàm đó, và cả đứa con của bà sẽ trở thành đối tượng công kích cho những kẻ khác.


Chớ nói mẫu bằng tử quý, tránh được kiếp hương tan ngọc nát đã là vạn hạnh rồi. Bà Chiêu Nhân Thái hậu, mẹ ruột vua Uy Mục chính là người mang số phận bi đát trong chốn thâm cung như thế.

Chiêu Nhân Thái hậu Nguyễn thị, tên huý kị là Cẩn (瑾), hay bị đọc thành Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Lúc nhỏ mồ côi cha, nhà lại nghèo, mẹ bà tần tảo sớm hôm để nuôi con khôn lớn. Bà thương mẹ vất vả, nên từ nhỏ đã biết phụ giúp việc đồng áng, ai thuê làm công việc nặng nhọc gì cũng đều ưng thuận.

Một hôm, người mẹ bắt được con cá to. Bà quyết định để lại cho con ăn chứ không bán cho lý trưởng nên bị lý trưởng thù ghét. Y tìm cách hãm hại khiến người mẹ cùng quẫn phải bán con gái đi làm người ở cho một gia đình giàu ở kinh thành Thăng Long. Sau nhà ấy phải tội, Nguyễn Thị Cận bị sung làm quan tỳ, rồi vào hầu Vĩnh Ninh cung, nơi ở của Huy Gia Hoàng thái hậu, khi ấy đang là Nguyễn Quý phi đứng đầu hậu cung.

Thái tử Lê Tranh (tức Lê Hiến Tông sau này) trong một lần đi thỉnh an Nguyễn Quý phi, tình cờ thấy nô tì Nguyễn Thị Cận xinh đẹp liền đem lòng yêu mến, xin Quý phi cho lấy về làm thiếp. Lúc đó Thái tử đã có Chính thê là bà Nguyễn Thị Hoàn, Thứ phi là bà Mai Ngọc Đỉnh và cuối cùng là Nguyễn thị người xã Hoa Lăng. Bà Cận vì tự ti với xuất thân hèn kém nên trong số các phi tần của Lê Hiến Tông, bà chỉ thân thiết với Hoa Lăng Nguyễn thị. Cũng vì xuất thân như thế nên Nguyễn Quý phi rất không thích bà, thường tỏ ra lạnh nhạt. Thái tử tuy biết nhưng cũng không thể can thiệp được.

Ngày mồng 5 tháng 5 năm 1488, Nguyễn Thị Cận sinh được một Hoàng nam, đặt tên là Lê Tuấn. Nhưng xót xa thay bà bị bệnh hậu sản, băng huyết dẫn đến qua đời ngay sau đó. Trước khi lâm chung, bà đã nhờ Hoa Lăng Nguyễn thị (sau nay là Kính phi của vua Hiến Tông) chăm sóc con mình. Bà Kính phi thương xót cho số phận mẹ con bà, đồng ý cưu mang Hoàng tử Tuấn.

Ngày vui chóng tàn, sau khi Hiến Tông băng hà đột ngột, Túc Tông – con trai của bà Chính thê Nguyễn Thị Hoàn được đưa lên đế vị. Nhưng rồi buồn thay thiên tử yểu mệnh, ngày 8 tháng 12 năm 1504, Lê Túc Tông cũng băng hà mà không có con nối dõi. Trước khi băng, Lê Túc Tông đã chỉ định anh trai mình là Lê Tuấn (con trai bà Nguyễn Thị Cận) làm người kế vị. Nhưng Huy Gia Thái Hoàng Thái hậu cho rằng bà Cận là người thấp hèn nên con trai cũng không ra gì, quyết không đồng ý với di chiếu. Các đại thần giúp đỡ Lê Tuấn cùng bà Nguyễn Kính phi quyết định lập mưu lừa Thái hoàng Thái hậu, lập Lê Tuấn lên kế vị, tức vua Lê Uy Mục. Bất mãn vì hành động ngăn cản của Thái hoàng Thái hậu, cùng với những sự ghẻ lạnh dành cho mẹ con Lê Tuấn trước đấy, bà bị Tân đế giết hại. Không còn ai cản trở, năm Đoan Khánh thứ 1 (1505), ngày 18 tháng 2 âm lịch, Uy Mục Đế truy tôn mẹ mình là Nguyễn Thị Cận làm Chiêu Nhân Hoằng Ý Hoàng Thái hậu (昭仁弘懿皇太后).

Chốn cung đình lãnh bạc, đạo lý người chết ta sống chính là lý do để trở nên cường ngạnh. Không có hậu thuẫn to lớn sau lưng thì phải nhẫn nhịn cùng tâm cơ ẩn nhẫn. Bà Cận cuộc đời kham khổ, bởi vì số phận đưa đẩy mà bước vào cung đình “ăn người không nhả xương” rồi kết thúc cuộc đời mình bên bốn bức tường lạnh lẽo. Đối mặt với những sự chán ghét, khắc bạc, bà vẫn cố gắng vượt qua và lưu lại người con có số mệnh làm vua trăm họ. Thiết nghĩ việc bà bị băng huyết mà mất, một phần do chính sự ghẻ lạnh mà dẫn đến không được chăm lo kĩ lưỡng lúc lâm bồn. Không thể nuôi con, bảo vệ con, lại phải liều mình cầu xin bà Kính phi vốn từ lâu không màng đến hậu cung chính sự, ấy là bực nào vì con mà phải lo lắng đến lúc trút hơi tàn? Một đời khổ đau, chịu mọi lời sỉ vả; cuối cùng lại có thể trở thành Thái hậu một nước, cũng là khổ tận cam lai vậy. Tiếc là cái kết tốt đẹp này, bà không thể tận mắt nhìn thấy, cũng không thể hưởng được dù chỉ một ngày.

Nguồn: Chuyện Hậu Cung


(*) Xem thêm

Bình luận