Những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh

26/12/2021 | 318

Vui chơi, học hành là những hoạt động chính của tuổi thơ. Vậy mà, thực tế không phải đứa bé nào cũng được hưởng cái phước đó. Chúng đã phải trải qua một cuộc sống đầy khó khăn, nhiều nỗi buồn, mất mát... có lẽ vì thế nên chúng không còn vô tư như bạn bè cùng trang lứa, mà đã sớm biết lo lắng cho cuộc sống của cha mẹ hay anh chị em trong nhà. Số phận nghiệt ngã đã sớm đặt lên đôi vai gầy nhỏ bé "gánh nặng mưu sinh"...

1. Cha mẹ ly hôn, con trai 8 tuổi ở với cha, ngày ngày đẩy xe lăn đưa cha đi chạy thận

Ở tuổi lên 8, đối với nhiều đứa trẻ là khoảng thời gian vô tư được làm nũng trong vòng tay của bố mẹ, nhưng với cậu bé XiXi thì em lại chọn cách vào bệnh viện để chăm sóc người cha bị suy thận

Tại khu khám bệnh của Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán, hình ảnh cậu bé 8 tuổi ngày ngày đẩy xe lăn của cha đi khám bệnh dần trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Ít ai biết rằng, trước khi có mặt ở đây, cậu bé đã phải trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ năm lên 2 tuổi và sống với cha mình kể từ đó đến nay.

Năm 2015, anh Wu được chẩn đoán mắc chứng nhiễm độc niệu khi Xixi mới 2 tuổi. Trước đó, anh Wu làm việc trong nhà máy điện tử và kiếm được khoảng 4.000 nhân dân tệ một tháng, nhưng sau khi phát hiện bệnh tình, anh không thể tiếp tục làm việc. Trước đó sau khi ly hôn với vợ, anh Wu sống với Xixi một mình. Khi anh làm việc bán thời gian, Xixi được bà ngoại chăm sóc, nhưng sau đó người bà của Xixi cũng qua đời, từ đây mọi gánh nặng được đặt lên vai của người cha bệnh tật.

Thấy Xixi ở nhà một mình không người trông coi, anh Wu chỉ có thể đưa Xixi theo mỗi khi đến bệnh viện. Mỗi lần Wu chạy thận tại nhà, Xixi sẽ giúp bố hoàn thành quá trình lọc má.u. Vào mùa hè năm 6 tuổi, Xixi bắt đầu học nấu ăn, trước khi đến trường, cậu bé cẩn thận bày sẵn bữa sáng trên bàn cho cha  ăn và không quên dặn dò: "Bố, bữa sáng đã chuẩn bị xong, bố ăn ngon nhé".

Vào tháng 11 năm nay, anh Wu được chẩn đoán mắc bệnh cường cận giáp thứ phát. Nghĩ đến việc phải đến Vũ Hán phẫu thuật khoảng nửa tháng, Xixi ở nhà một mình, anh không yên tâm nên đã đến trường xin cho Xixi nghỉ phép, quyết định mang theo con đến Vũ Hán.

Vào ngày 27/11, sau khi nhận được giấy nhập viện do bác sĩ ở phòng khám ngoại trú cấp, Xixi đẩy cha trên chiếc xe lăn được bệnh viện cấp rồi tự mình đi làm hết mọi thủ tục nhập viện cho cha. Dáng vẻ nhỏ nhắn, lọt thỏm của cậu bé bên chiếc xe lăn cồng kềnh khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa.

hình ảnh

Nguồn hình: sohu

Sự xuất hiện của Xixi trong bệnh viện ngay lập tức thu hút sự chú ý của y tá trực, ban đầu ai cũng nghĩ cậu bé là bệnh nhân nhỏ trong khu, sau đó nhìn chiếc vòng đeo tay trên tay, họ mới biết Xixi đến chăm bố ở bệnh viện. 

Vào ngày 2 tháng 12, Wei Gang, phó trưởng khoa phẫu thuật, đã dẫn đầu nhóm thực hiện ca phẫu thuật cho anh Wu. Vào lúc 4 giờ chiều ngày hôm đó, trước khi anh Wu bước vào phòng mổ, Xixi đã mỉm cười và nói với cha rằng: “Bố, bố phải cố lên, đừng sợ!”

Sau khi thấy bố được đẩy trở lại phòng hồi sức, mặc dù được các nhân viên y tế sắp xếp chăm sóc đặc biệt, Xixi vẫn ở bên giường bố không rời một bước đến 4 giờ sáng.

hình ảnh

Nguồn hình: sohu

Dù ai cũng khen Xixi là cậu con trai rất tuyệt vời nhưng trong thâm tâm anh Wu thì lại cảm thấy đau lòng hơn là niềm tự hào. Trong ký ức của anh Wu, Xixi rất vui vẻ, nhưng vì bệnh tình của cha khiến cậu bé phải trưởng thành hơn rất nhiều.

hình ảnh

Nguồn hình: sohu

Trong thời gian ở bệnh viên chăm bố, Xixi liên tục nói rằng cậu bé rất nhớ thầy cô và các bạn cùng lớp, và mong được về nhà sớm và đến trường. "Đáng lẽ ở tuổi của Xixi không phải chịu đựng điều này. Nếu có thể, tôi hy vọng nó có thể lớn lên vô tư như những đứa trẻ khác. Chỉ cần có thể nhìn thấy con trai mình lớn lên, tôi rất mãn nguyện”. Anh Wu tâm sự.

2. Mẹ bỏ đi, ứa nước mắt bé gái 6t nhẫn nại chăm cha bại liệt: Nghĩa vợ chồng chẳng bằng tình thân

6 tuổi, thay vì được vui chơi, được mẹ cha chăm sóc, em phải hàng ngày chăm cha bại liệt, thay thế cho người mẹ đã bỏ nhà đi. Đúng là tình vợ chồng không bằng tình ruột thịt! 

hình ảnh

Cộng đồng mạng Trung Quốc cách đây 2 năm cũng từng chia sẻ câu chuyện bé gái 6 tuổi chăm bố ốm nặng trong hoàn cảnh mẹ bỏ nhà đi. Video đăng tải trên Weibo cho thấy cô bé thao tác nhanh thoăn thoắt, giúp bố mọi việc từ vệ sinh tới ăn uống. Bé sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy, thành thạo hơn cả người lớn.

hình ảnh

Bé gái thay mẹ chăm sóc cho cha khiến nhiều người phải bật khóc - Ảnh: VTC

Sáng ra, khi bố thức dậy, cô bé đưa bố vào xe lăn. Vì còn nhỏ, sức yếu, không thể tự tay bế bố, cô bé sử dụng ròng rọc giúp bố di chuyển từ giường ra xe lăn. Tiếp đó, bé lấy nước ấm lau mặt cho bố rồi nhanh chóng vào bếp chuẩn bị bữa sáng. Nấu xong, bé mang vào đút cho bố ăn từng thìa rất cẩn thận.

Vì còn nhỏ nên bé phải đứng trên ghế lên mới có thể đút thức ăn cho bố. Cho bố ăn xong, cô bé cẩn thận lau mồm cho bố, rồi lấy thuốc cho bố uống.

hình ảnh

Cô bé giúp bố di chuyển từ giường ra xe lăn - Ảnh: VTC

Clip này khiến trái tim cư dân mạng tan chảy vì xót thương, yêu mến lẫn khâm phục, bởi ở lứa tuổi này, phần lớn trẻ em vẫn còn nhõng nhẽo với bố mẹ, chưa tự giác làm việc nhà, thậm chí là các việc cá nhân, trong khi cô bé trong video cư xử như người lớn thực thụ.

Nhiều người không tin nổi làm sao cô bé 6 tuổi có thể tự chăm sóc bản thân, nói gì tới việc lo cho người cha bị tàn tật nặng nề, nhưng cô nhóc đã chứng minh điều đó hoàn toàn có thể. Một video lan truyền từ Pear Video đã ghi lại cảnh em thành thạo lau vết thương, bón ăn, đọc sách, giúp cha ngồi vào xe lăn.

hình ảnh

Thay vì được vui chơi như đám bạn cùng trang lứa thì cả ngày phải chăm sóc cho cha, vệ sinh cho cha, đút cho cha ăn uống và xoa bóp tay chân - Ảnh: VTC

Với sự hỗ trợ của con gái, người bố dần vượt qua nỗi tuyệt vọng sau vụ tai nạn khiến anh như mất đi đôi chân. Anh mong tình trạng của mình sớm cải thiện để đỡ gánh nặng cho con.

Nhìn thân hình bé nhỏ gầy gò điều khiển máy móc để đỡ cha dậy, thay ga trải giường, khéo léo thay tấm lót sạch cho cha nằm, khéo léo không kém người lớn khiến nhiều người không khỏi xót xa.

“Khổ thân bé quá, mới 6 tuổi mà đã phải gánh tránh nhiệm nặng nề”; "Hi vọng mọi người có thể giúp đỡ hai bố con nhiều hơn để bé bớt khó khăn”; “Cô bé thật xứng đáng với lời khen ngợi của mọi người”... là những bình luận đầy ái ngại của người dùng mạng Trung Quốc.

Theo họ, người cha tuy bất hạnh vì bệnh tật nhưng bù lại, ông được an ủi vì có cô con gái như thiên thần.

3. Bé trai Mù Cang Chải xuống núi chăm mẹ trong bệnh viện

Hôm nay đi vào 1 quán cơm bình dân gần viện Yên Bái, gọi 1 suất cơm với đầy đủ những gì được gọi là "sang nhất". Ngồi xuống bàn ăn, nhìn đĩa cơm đầy ụ và nghĩ ăn sao cho hết.

Một cậu bé cũng bưng 1 đĩa cơm xuống ngồi cùng, nhìn gương mặt hốc hác, làn da ngăm đen, mặc chiếc áo thổ cẩm mỏng tanh và đôi dép lê tổ ong chỉ còn chút xíu nữa là đứt hết, cách ăn mặc của em cũng đoán là người dân tộc vùng cao.

Xót xa hơn là nhìn đĩa cơm chỉ có rau bắp cải luộc, lèo tèo một hai miếng đậu phụ lẫn mình trong màu trắng của chút xíu cơm.

- Em ăn ít thế ?

- Dạ, chỉ 5 nghìn tiền cơm nên được bấy nhiêu thôi anh.

Bất giác giật mình nhìn xuống đĩa cơm của mình, đĩa cơm 40 nghìn và đĩa cơm 5 nghìn.

- Em ở đâu, xuống thành phố làm gì ?

- Nhà em ở Mù Cang Chải, em xuống chăm mẹ em bệnh trong viện. Bố em đi nương trong rừng sâu, chăm dãy ngô để bán lấy tiền chữa bệnh cho mẹ.

- Nhưng em ăn ít vậy sao trông nổi mẹ ?

- Mỗi bữa em chỉ dám ăn thế này thôi, còn để tiền lo cho mẹ, em ra đây ăn rồi tiện mua cháo cho mẹ luôn.

Vừa nói cậu bé vừa chỉ tay vào chiếc âu nhựa đựng cháo.

- Mẹ em bệnh nặng lắm, người ta bảo phải xuống viện mới chữa được, ở nhà uống thuốc lá cây không khỏi được đâu, nhà em phải bán con trâu rồi, năm nay ngô cũng không được mùa, cái mưa, cái lạnh lam cho cả bản em khổ. Mỗi ngày em chỉ dám tiêu 14 nghìn thôi. 5 nghìn mua cơm ăn bữa trưa này, 2 nghìn cháo sáng cho mẹ, 2 nghìn cháo trưa với 5 nghìn cháo chiều hai mẹ con cùng ăn.

Tự nhiên thấy cay sống mũi quá, chẳng lẽ trên đời này nhiều người khổ thế, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra. Gắp vội mấy miếng thịt sang đĩa cơm cậu bé:

- Em ăn đi, anh không ăn hết được, em cứ ăn tự nhiên, đừng ngại.

Liền tay gắp phần nữa đĩa cơm sang, mắt cứ nhòa theo đĩa cơm trắng.

- Em cứ ăn hết đi, hết anh lại gọi.

- Em cảm ơn anh, em không ăn hết được, để lát em mang vào cho mẹ ăn cùng.

Đến lúc này thì chỉ còn biết trước mặt mình đĩa cơm đã hóa long lanh. Em còn lo cho cả mẹ trong những lúc đói khát. Em đáng mặt hơn hàng trăm, hàng vạn người ngoài xã hội kia coi cha mẹ như cỏ rác, mắng chửi, dọa nạt,hay nói đúng hơn là bất hiếu.

- Em còn đi học không, học lớp mấy rồi.

- Em không, em học hết lớp 3 thôi, rồi phải nghỉ, nếu còn đi học thì năm nay em học lớp 6 rồi đấy. Cô giáo ở bản cũng đến nhà khuyên em đi học, nhưng nếu em đi, mẹ em biết làm thế nào, tiền đâu mà đi học, em thèm cái chữ lắm, muốn đi học lắm, nhưng thôi để khi nào em không nghèo nữa.

Có lẽ thế em ak, "nghèo" không phải là cái tội, em nghèo tiền bạc, nhưng tấm lòng thì em có dư, anh cũng mong em thoát nghèo, mẹ em sớm khỏi bệnh, chỉ thế thôi, để em được sống đúng với tuổi thơ của mình. Đời còn nhiều mảnh đời cơ cực quá, ai cũng phải bon chen, nhưng ít nhất nhìn vào bản thân mình còn quá may mắn. Cậu bé nhanh chóng ăn và vội đứng dậy:

- Em phải vào đây không mẹ chờ.

Thấy cậu bé vội vàng, mình dúi vào tay cậu một trăm nghìn " Đây, anh không có nhiều, em cầm lấy mua cháo cho mẹ", cậu bé khước từ và không giám nhận. " Không sao đâu, anh cho, coi như anh cho mượn, sau này em giàu, mà có duyên gặp lại thì trả anh cũng được".Nhanh tay giành chiếc âu đựng cháu của cậu vào bảo bà chủ quán cho đầy một âu rồi đưa cho cậu bé.

- Em cứ vào với mẹ đi, anh thanh toán cho.

Thấy mắt cậu bé rưng rưng, rồi nhẹ nhàng nói " Em cảm ơn, cảm ơn anh đã cho em một bữa no bụng, cảm ơn anh"

Không em ak, anh mới phải cảm ơn em, cảm ơn em đã cho anh một cảm nhận, một góc khuất của những người trên bản cao. Hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến với em và gia đình. Sống mũi còn cay khi nghe những gì em nói, dắt xe khỏi quán, đầu còn vương vấn hình ảnh em, một người con hiếu thảo. Tự hỏi đến khi nào, mình mới bằng một nửa của em ???

4. Tận cùng nỗi đau 5 đứa con của đôi vợ chồng bị điện giật: Mồ côi mẹ cha, nợ lớn không tiền trả

Vụ điện giật xảy ra hôm 3/6/2019 ở Hà Tĩnh khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một cặp vợ chồng, khiến người dân địa phương và cộng đồng mạng hết sức bàng hoàng. Và đau xót hơn cả chính là tình cảnh khốn cùng của 5 đứa con, có em còn đang trong độ tuổi ăn học khi cùng lúc mất đi cả cha lẫn mẹ. 

hình ảnh

Đã sau khoảng 2 năm xảy ra sự việc nhưng người dân thôn Lương Trung, xã Ích Hậu, H.Lộc Hà vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa trước vụ việc 3 người: anh Lê Xuân Thuyết (48 tuổi), chị Hoàng Thị Hải (44 tuổi, vợ anh Thuyết) và ông Nguyễn Đức Thao (50 tuổi, bạn anh Thuyết) được phát hiện tử vong dưới cây cột điện sau nhà. Tang thương bao trùm khắp xóm nhỏ.

Nguồn tin từ Bào Hà Tĩnh , anh chị có 5 người con lần lượt là Lê Thị Tâm (SN 1996), Lê Xuân Thái (SN 2000), Lê Thị Duyên (SN 2002), Lê Thị Ánh Tuyết và Lê Thị Hồng Nhung (2012).

hình ảnh

Bữa cơm chan nước mắt của 5 đứa con mồ côi cha mẹ 

Những người trong gia đình cứ nhìn tấm di ảnh của anh chị mà bàng hoàng đau đớn. Các con còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi mất mát tận cùng khi trong nhà từ nay đã không còn thấy hình bóng bố mẹ.

hình ảnh

Ánh Tuyết và Hồng Nhung (chị em sinh đội) ngơ ngác nhìn người vào ra vì không hiểu đang có chuyện gì xẩy ra.

Kể về hoàn cảnh của gia đình, giọng anh Hoàng Văn Dũng (em của chị Hải) như nghẹn lại: “Chị gái tôi lập gia đình với anh Thuyết vào năm 1994, thời ấy kinh tế khó khăn nên phải bươn chải khắp nơi, làm đủ nghề mà vẫn thiếu ăn.

Chưa được bao lâu thì anh Thuyết bị bệnh viêm khớp, viêm gan B nên không thể lao động, cả nhà đều trông vào việc buôn bán ngoài chợ của chị. Cuộc sống khốn khó nên 3 cháu Tâm, Thái, Duyên đều nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê trong miền Nam. Không ngờ sự việc đau lòng lại “vận” vào cuộc đời hai vợ chồng anh như thế này.

Anh chị ra đi để lại 5 đứa con bơ vơ giữa cuộc đời, trong đó 2 cháu út sinh đôi ốm đau thường xuyên. Hai bên nội ngoại kinh tế khó khăn, ông bà đều đã già cả, rồi ai sẽ nuôi dưỡng, chăm lo, vun vén cho cuộc sống sau này của các cháu.”

hình ảnh

Người thân của vợ chồng anh Thuyết khóc ngất trước sự việc xảy ra

Nhìn hai tấm di ảnh trên bàn thờ nghi ngút khói, đứa con gái cả là em Lê Thị Tâm nghẹn giọng: “Bọn em giờ đây mồ côi cả cha lẫn mẹ rồi… Em phải mạnh mẽ lên vì còn 4 em thơ và một người bà tuổi đã cao, thường xuyên đau ốm cần người chăm sóc.

Hồng Nhung sinh ra đã bị hở hàm ếch, phải chữa trị nhiều lần. Trong khi gia đình còn khoản nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng cần phải lo liệu, xoay xở để trả.”

Tâm cho biết: “Em đã lấy chồng còn đi làm ăn xa trong Cà Mau nên thời gian tới phải vào đó tiếp. Có lẽ phải để em Thái và Duyên nghỉ ở nhà ai thuê gì làm nấy, để lo cho 2 em học hành, hương khói bố mẹ. Nghĩ về tương lai mà thấy bi đát quá, em cũng không biết rồi đây sẽ xoay xở như thế nào nữa.”

5. Cha mất, mẹ bỏ đi, cậu bé 9 tuổi mò cua, bắt ốc nuôi chị gái khờ khạo

Không còn cha mẹ, chị gái lại khờ khạo, mới 9 tuổi nhưng Vũ thành trụ cột của gia đình. Để có con cá, con ốc cậu bé phải đánh đổi bằng tay chân trầy xước, mặt mũi lấm lem bùn đất.

Cha của chị em Nguyễn Cẩm Tiên (13 tuổi, ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) và Nguyễn Trường Vũ (9 tuổi) mất hơn 3 năm trước. Mẹ các em thì đã bỏ đi từ hồi nào, cả Tiên và Vũ đều không nhớ cả hình hài lẫn tên của mẹ.

Cha mất, mẹ bỏ đi, cậu bé 9 tuổi mò cua, bắt ốc nuôi chị gái khờ khạo - 1

Vũ mồ côi cha, mẹ bỏ đi lại phải lo cho chị gái khờ khạo (Ảnh: Nguyễn Cường).

Gia tài mà cha để lại cho chị em Tiên chỉ có căn nhà nằm cuối con kênh được quây bằng những tấm tôn, trong nhà ngoài chiếc võng, mấy cái nồi, vài cái ghế con và một chiếc tivi cổ lỗ sĩ thì cũng chẳng còn gì đáng giá vài chục ngàn đồng.

Nhà Tiên không có đường vào, cách con lộ gần nhất phải ngót 2 cây số đường sông. Chị em Tiên muốn đi học, đi khám bệnh hay đi làm bất kỳ điều gì cũng đều phải nhờ ghe của hàng xóm chở đi.

Từ ngày con trai mất thì bà Huỳnh Thị Thâu (85 tuổi) đã đến ở cùng, chăm lo cho các cháu. Mắt bà bị mắt, chân chậm nên suốt ngày cũng chỉ luẩn quẩn rau cháo quanh nhà, nhắc nhở các cháu học hành, ăn uống.

Chúng tôi đến thăm thì chỉ có bà Thâu và Tiên ở nhà, bà ngồi võng còn Tiên thì nằm xoài giữa nhà học online, 2 chị em không có bàn hay góc học tập. "Cô chú chờ một chút, thằng Vũ nó đang đi đắp ruộng cho người ta để kiếm cá ăn, nó về ngay bây giờ", bà Thâu nói.

Cha mất, mẹ bỏ đi, cậu bé 9 tuổi mò cua, bắt ốc nuôi chị gái khờ khạo - 2

Để bắt được những con cá con cho bữa tối, đôi tay cậu bé 9 tuổi không tránh khỏi lấm lem, trầy xước (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chờ một lúc thì Vũ cũng về, trên tay xách một cái xô, bên trong có mấy con cá nhỏ. Để đổi lại ít thức ăn là mặt, tay chân, quần áo em đều lấm lem bùn đất, đôi tay Vũ cũng chi chít những vết trầy xước to nhỏ khi phải bới đất, kéo cành rào ở các ao đìa.

Nhà nghèo, thiếu sự chăm sóc của mẹ từ nhỏ nên dù là chị nhưng Tiên có phần khờ khạo, chậm chạp, đến nay vẫn chưa biết tự vệ sinh cá nhân hay làm bất kỳ điều gì. Vũ cũng trở thành cậu bé lầm lì, ít nói và khi nào cũng mang đôi mắt đượm buồn.

Cha mất, mẹ bỏ đi, cậu bé 9 tuổi mò cua, bắt ốc nuôi chị gái khờ khạo - 3

Đôi mắt Vũ đượm buồn khi được hỏi về hoàn cảnh của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngày ngày, Tiên chỉ ở nhà học hoặc chơi, Vũ nếu không học thì sẽ đi quanh ấp xem ai có việc gì thì làm hộ. Ngày nào Vũ tìm được việc làm thì 3 bà cháu có cá ăn, nếu ngày nào có nhiều cá thì Vũ nhốt lại chừa cho ngày khác. Những ngày mưa gió không làm được gì thì 3 bà cháu phải chấp nhận ăn rau cháo.

Cha mất, mẹ bỏ đi, cậu bé 9 tuổi mò cua, bắt ốc nuôi chị gái khờ khạo - 4

Vũ và bá nội (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Tôi thì già cả, mắt mờ, tay yếu nên không làm được gì nữa, ở với các cháu là ở để bảo ban vậy thôi. Cháu gái thì lớn nhưng khờ quá, không biết gì cả, thức ăn phải chờ chàu trai đi kiếm về, cá ốc có gì ăn đó.

Đêm nằm ôm cháu ngủ, lắm lúc ngủ không được, thấy buồn khổ nhưng cũng chẳng khóc được", bà Thâu với khuôn mặt già nua, âu sầu nói về hoàn cảnh gia đình.

Cha mất, mẹ bỏ đi, cậu bé 9 tuổi mò cua, bắt ốc nuôi chị gái khờ khạo - 5

Vì không có bàn học nên Tiên nằm biệt giữa nhà học bài. Điện thoại chị em Tiên đang sử dụng được mạnh thường quân cho (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND xã Đông Bình cho biết hoàn cảnh của chị em Tiên dù đã được địa phương và những người xung quanh quan tâm rất nhiều nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

"Với khả năng của địa phương thì xã chỉ có thể hỗ trợ gạo ăn hằng ngày cho các cháu, vừa rồi thì xã cũng đã vận động hỗ trợ được một chiếc điện thoại cho 2 chị em học online. Đại diện địa phương, tôi rất mong hoàn cảnh của chị em bé Tiên được quý mạnh thường quân gần xa quan tâm, giúp đỡ", ông Bình nói.

Bạn đọc hữu duyên muốn đóng góp động viên cháu Vũ thì xin truy cập vào nguồn tin gốc tại trang dantri.com.vn qua đây.

---------

Chắc chắn còn rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội này mà không thể kết hết ra đây. Khi kể về những câu chuyện như trên không phải để thêm buồn mà để chúng ta đồng cảm, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, yêu thương và cũng là để thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người trên đời này và thêm trân quý những gì đang có. Nếu có thể hãy rộng lòng giúp đỡ những mảnh đời khốn khổ và nguyện cầu cho họ vơi dần hết đắng cay...

Tổng hợp theo webtretho.com & dantri.com.vn

 


(*) Xem thêm

Bình luận