Hà Nội có ngân hàng sữa mẹ đầu tiên

24/03/2022 | 308

Thật cảm động khi mỗi ngày, có những người phụ nữ với tình thương bao la với trẻ nhỏ đã sẵn sàng sẻ chia những giọt sữa ngọt lành - liều thuốc đặc biệt với trẻ sơ sinh khác… để giúp các con khoẻ mạnh, phát triển tự nhiên.

Cau chuyen xuc dong ve nhung nguoi lam me cua nhieu em be hinh anh 1

Chồng và con của chị Nguyễn Thị Hải tại Ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Sữa mẹ thanh trùng được xem là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng. Tuy nhiên tại rất nhiều bệnh viện, hàng ngày có không ít trẻ sơ sinh sinh non, nhẹ cân hoặc có bệnh lý nền buộc phải điều trị tại các chuyên khoa sơ sinh. Nhiều em nhỏ đã phải chịu thiệt thòi không được tiếp cận với nguồn sữa mẹ sớm ngay từ khi sinh ra.

Hạnh phúc là cho đi

Sáng 22/3, chị Nguyễn Thị Hải (28 tuổi), ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng chồng và con gái 3,5 tháng đến dự Lễ Khai trương Ngân hàng sữa mẹ.

Chị Hải và nhiều người mẹ khác rất xúc động khi xem 1 video về những em bé được khoẻ mạnh, vượt qua bệnh tật nhanh chóng bởi sớm hưởng nguồn sữa mẹ thanh trùng từ những bà mẹ hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ.

Chị Hải tâm sự cách đây khoảng hơn 3 tháng, sau khi sinh con gái đầu lòng được 2 ngày, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để lấy máu gót chân xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lý cho con. Hai tuần sau chị quay lại chờ lấy kết quả. Trong lúc ngồi đợi, chị đã vô tình nhìn thấy thông tin tuyên truyền dán tại bệnh viện về việc kêu gọi các bà mẹ hiến sữa cho ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện đang triển khai thử nghiệm.

Cau chuyen xuc dong ve nhung nguoi lam me cua nhieu em be hinh anh 2

Gia đình chị Nguyễn Thị Hải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đọc những dòng slogan: "Mẹ có thể sinh ra một em bé nhưng có thể là mẹ của nhiều em bé khác" đã thôi thúc chị tham gia vào chương trình.

Không đắn đo, về nhà chị Hải bàn với gia đình và nhận được sự đồng ý và ủng hộ của cả nhà. Không những thế, gia đình còn mua thêm chiếc tủ lạnh để chị để bảo quản sữa đảm bảo sữa vô trùng. Sau đó chị đã liên hệ với bệnh viện để tham gia hiến nguồn sữa mẹ.

Chị Hải kể: "Khoảng 3 tháng nay, trung bình mỗi ngày chị vắt sữa ra được khoảng 5 bình, một tuần tích trữ được hơn 30 bình sữa mẹ, mỗi bình 250ml rồi cấp đông vào tủ lạnh. Sau mỗi tuần, sẽ có người đại diện Ngân hàng sữa sẽ đến lấy sữa và đổi bình mới để tích sữa cho những lần tiếp theo. Tôi và gia đình vui vì mình làm được điều ý nghĩa cho các em bé sinh non, nhẹ cân và bệnh nền chưa được tiếp cận sữa mẹ."

Chị Khánh Ly, cũng là một người hiến sữa cho Ngân hàng sữa mẹ trong suốt 7 tháng nay. Chị Ly chia sẻ chị có con sinh non 25 tuần điều trị tại bệnh viện. Hằng ngày nhìn thấy các em bé sinh non bị các bệnh về đường ruột, hô hấp nằm lồng kính mà không được bú sữa mẹ, chị thấy rất thương và muốn chia sẻ sữa của mình tới các con. Đến nay, con của chị Khánh Ly đã được bảy tháng tuổi, chị vẫn đang tiếp tục hiến tặng sữa mẹ cho Ngân hàng sữa mẹ.

“Tôi chỉ sinh ra một em bé, nhưng rất vui khi mình có cơ hội giúp đỡ cho nhiều em bé khác," chị Ly cho hay.

Hàng nghìn trẻ em được tiếp cận dòng sữa mẹ ngọt lành

Ngân hàng hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng sữa của mình. Nguồn sữa hiến tặng này được các bác sĩ chọn lọc từ những bà mẹ khoẻ mạnh. Sau đó, sữa được xét nghiệm để sàng lọc nguồn sữa đủ chất lượng trước khi thanh trùng, bảo quản trong điều kiện vô khuẩn và chuyển đến trẻ em cần sữa mẹ Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Hà Nội chính thức hoạt động

Cắt băng khánh thành Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi lễ khai trương Ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Nhi Trung ương diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội, bác sỹ CKII Lê Thị Hà - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết Ngân hàng Sữa mẹ đã nhận được gần 800 lít sữa mẹ hiến tặng từ 38 bà mẹ – là các sản phụ có con đang điều trị tại bệnh viện. Ngân hàng đã cung cấp sữa mẹ sau khi thanh trùng cho 280 trẻ, trong đó có 20 trẻ bị nhiễm Covid-19 hoặc có mẹ bị nhiễm Covid-19 ốm nặng không thể cho con bú.

Đưa con đi khám, người mẹ có quyết định bất ngờ khi thấy slogan trên tường bệnh viện
Quy trình thu thập và bảo quản sữa mẹ hiến tặng khắt khe, đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho trẻ

Nhìn con đang được điều trị tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Phượng (33 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, chị sinh non lúc 28 tuần tuổi, bé chỉ nặng 900g. Do mắc Covid-19, nên sau khi sinh chị Phượng chưa có sữa cho con bú. “Tôi đã rất lo lắng khi không có sữa cho con bú, nhưng rất may mắn khi con chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương, con đã được các y bác sĩ chăm sóc và được ăn sữa mẹ từ Ngân hàng Sữa mẹ của Bệnh viện. Tôi cảm thấy rất vui và an tâm khi mặc dù không có sữa mẹ ruột nhưng con vẫn được ăn sữa mẹ”, chị Phượng chia sẻ.

Hà Nội: Khai trương Ngân hàng Sữa mẹ đầu tiên - Khoa học và đời sống

Ảnh minh hoạ (nguồn: Viện Nhi TW)

Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong bảy Ngân hàng sữa mẹ và Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh đang hoạt động tại Việt Nam. Đây cũng là Ngân hàng Sữa Mẹ đầu tiên tại Hà Nội và là Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên trên cả nước được thiết lập và vận hành tại bệnh viện chuyên khoa nhi.

Bác sỹ Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: “Sữa mẹ thanh trùng được xem là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện.”

Theo nghiên cứu, sữa mẹ thanh trùng dùng thay thế tạm thời sữa mẹ đẻ, giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong vòng 28 ngày đầu đời, giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch tới 10 ngày so với sử dụng sữa công thức.

Những chiếc máy vắt sữa được đặt tại nhiều buồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Seán Farrell - Đại diện Chương trình Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam chia sẻ: “Ireland tự hào hỗ trợ thành lập mạng lưới Ngân hàng sữa mẹ ở Việt Nam, đem lại cơ hội sống và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho những trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý, nhiễm COVID-19 - là đối tượng thiệt thòi nhất trong xã hội. Nhân đây, tôi muốn tôn vinh những bà mẹ hiến tặng sữa và nhân viên Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như tại các Ngân hàng sữa mẹ khác trên cả nước. Chính các bạn là những con người thầm lặng đang hằng ngày làm nên những điều kì diệu.”

Nguồn sữa được hiến tặng tại Ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Nhi Trung ương.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Thạc sỹ Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết quy trình vận hành các Ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam được xây dựng dựa trên những thực hành tốt nhất của quốc tế, được quy định rõ trong Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật thiết lập và vận hành Ngân hàng sữa mẹ của Bộ Y tế.

Đó là quy trình như bao gồm các bước xét nghiệm sữa mẹ hiến tặng trước và sau thanh trùng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ sơ sinh khi sử dụng. Các bà mẹ đăng ký hiến sữa cần đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe, bao gồm việc thực hiện xét nghiệm máu định kỳ.

Chính thức có Ngân hàng Sữa mẹ đầu tiên tại Hà Nội

Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ sớm trong giờ đầu sau sinh sẽ có nền tảng sức khoẻ tốt hơn.

Thời gian qua, Ngân hàng sữa mẹ đã hỗ trợ hơn một nghìn trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương được hưởng trọn vẹn lợi ích của sữa mẹ. Trong thời gian tới, Ngân hàng sữa mẹ có thể tăng công suất hoạt động, cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho các bệnh viện tại Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng./.

Sữa mẹ thanh trùng được xem là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và phòng chống bệnh tật. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong những tháng đầu đời, trẻ được bú mẹ có cơ hội sống cao gấp 6 lần so với những trẻ không được bú mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến sau 24 tháng có thể giảm hơn 800.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, tương đương với 13% tổng số tử vong.

Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng may mắn được bú sữa của mẹ đẻ mình. Tại Việt Nam, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp, được ước tính 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020 theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng.

Bác sĩ CK II Lê Thị Hà,  cho biết, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận, chăm sóc và điều trị 4500 – 5000 trẻ Sơ sinh bị bệnh nặng: sinh non, nhẹ cân, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh… cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu “dinh dưỡng điều trị”, hỗ trợ cho quá trình hồi phục. Nhưng do trẻ được điều trị tại bệnh viện khác nên khi chuyển viện thường không có mẹ đi cùng  hoặc mẹ bị bệnh nặng cần điều trị tại bệnh viện sản… nên trẻ chưa có sữa mẹ kịp thời làm chậm quá trình dinh dưỡng đường ruột.

Các nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ thanh trùng dùng thay thế tạm thời sữa mẹ đẻ khi chưa có sữa mẹ ruột, giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong vòng 28 ngày đầu đời, giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch tới 10 ngày so với sữa công thức.

Theo Vietnam+ & vietnamnet.vn


(*) Xem thêm

Bình luận