F0 lần thứ 2 vào BV dã chiến: 'Tôi sẽ mang năng lượng tích cực để 'lây nhiễm' cho các bệnh nhân'

31/08/2021 | 333

Sau khi điều trị khỏi Covid-19 trở về nhà, trong 1 lần ra đường mua đồ anh Kỳ thấy những xe 50 chỗ chở người bệnh, tiếng còi xe cứu thương inh ỏi trên đường, anh nghĩ mình phải làm gì đó trả ơn những ngày được điều trị Covid-19.

Gần 1 tháng trong bệnh viện dã chiến

Anh Nguyễn Hồng Kỳ, 34 tuổi, chủ một quán ăn nhỏ tại quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ, anh bị nhiễm Covid-19 từ đầu tháng 7. Khi đó, hàng xóm nhà anh lên BV Trưng Vương khám và test dương tính với Covid-19 nên cả hẻm phải phỏng toả. Sau đó vài ngày anh Kỳ bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở nhất là về ban đêm.

Phong toả tới ngày thứ 4, nhân viên y tế tới lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, anh Kỳ nhận được thông báo dương tính với Covid-19 và chờ xét nghiệm PCR khẳng định. Chỉ trong ngày, anh có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Hai vợ chồng anh Kỳ vội vàng khăn gói vài bộ quần áo, ít mì tôm, ấm siêu tốc… lên đường đi cách ly.

Ban đầu, anh được tập trung về trung tâm triển lãm của quận để gom đủ số người đưa vào Bệnh viện dã chiến. Bệnh viện dã chiến số 4 được trưng dụng từ chung cư tái định cư, chung cư bình dân. Mỗi phòng có 5 người, phòng rộng hơn có 7,8 người. Mọi người ngủ giường xếp. Anh Kỳ cho biết, F0 còn có giường ngủ còn nhân viên y tế, tình nguyện viên họ chỉ nằm ra sàn vì không có giường, sau này mới được cấp giường gấp. Anh Kỳ rất thông cảm và thương nhân viên y tế, các tình nguyện viên bởi họ làm việc không ngừng nghỉ.

Anh Kỳ ở viện Dã chiến số 4 cũng trải qua các triệu chứng sốt, mất vị giác, mất khứu giác, đau nhức mình mẩy. Mỗi lần sốt cao lại được nhân viên y tế hỗ trợ thuốc hạ sốt, vitamin C bổ sung. Ngoài ra, thực phẩm cung cấp 3 bữa. Buổi sáng là bánh bao, bánh giò… trưa và tối ăn cơm nhưng đủ món và thực phẩm cũng ổn.

Những ngày ở bệnh viện dã chiến, anh luôn giữ tinh thần lạc quan, không đọc những tin tức xấu lan truyền trên mạng xã hội. Sau 7 ngày anh cũng vượt qua các triệu chứng của Covid-19 nhưng chưa được ra viện vì chưa có kết quả xét nghiệm âm tính.

F0 lần thứ 2 vào BV dã chiến: Tôi sẽ mang năng lượng tích cực để lây nhiễm cho các bệnh nhân - Ảnh 1.

Phòng cách ly tại BV Dã chiến số 4.

 

Đến ngày 3/8 anh Kỳ và vợ mới được ra viện. Như vậy, anh Kỳ có thời gian điều trị từ 7/7 tới 3/8. Ở trong bệnh viện, anh chứng kiến đủ những cung bậc cảm xúc từ người khoẻ mạnh rồi trở nặng, người không triệu chứng, nhiều người chê bai bệnh viện thiếu thốn. Những người trở nặng đều là có bệnh lý nền đi kèm. Còn lại cứ bình tĩnh, khai báo sức khoẻ hàng ngày cho nhân viên y tế qua zalo và có triệu chứng thì được hỗ trợ thuốc.

F0 lần thứ 2 vào BV dã chiến: Tôi sẽ mang năng lượng tích cực để lây nhiễm cho các bệnh nhân - Ảnh 2.

Chuyến xe trở lại bệnh viện dã chiến số 4 của Anh Kỳ

Sau khi về nhà, anh tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Một lần anh ra nhận đồ oder và thấy những chiếc xe chở F0, tiếng còi xe cứu thương kêu inh ỏi trên đường anh nhớ lại những gì mình đã trải qua. Anh nghĩ phải làm điều gì đó, chỉ 5 phút sau anh quyết định sẽ quay trở lại bệnh viện dã chiến. Gia đình anh Kỳ cũng ủng hộ quyết định này.

Tại phòng hồi sức cấp cứu:

Quay trở lại bệnh viện dã chiến không phải là do tái dương tính mà anh muốn làm tình nguyện viên để hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Anh đã từng mắc Covid-19 và chắc chắn vài tháng sau sẽ không nhiễm lại. Anh tin mình là “bất tử với virus SARS-CoV-2”.

F0 lần thứ 2 vào BV dã chiến: Tôi sẽ mang năng lượng tích cực để lây nhiễm cho các bệnh nhân - Ảnh 3.

Anh Kỳ chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại khu Hồi sức.

 

Khăn gói hành lý vào Bệnh viện dã chiến số 4 tại Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh nơi anh có hơn 20 ngày cách ly. Anh Kỳ được sắp xếp làm tại phòng hồi sức cho các bệnh nhân nặng nằm thở oxy. Anh được tập huấn cách hướng dẫn tập thở cho các bệnh nhân nặng và nhẹ. Và anh Kỳ cho rằng .

Khi làm tình nguyện viên trong bệnh viện, câu chuyện của bà Trà - 67 tuổi khiến anh Kỳ ám ảnh. Bệnh nhân này không có người thân bên cạnh. Anh Kỳ hàng ngày chăm sóc cho bà từ đút cháo, vệ sinh, thay tã, tập thở, động viên.

Ngày thứ 1: Bà còn minh mẫn, bà ăn không hết cháo, bà còn nói anh Kỳ là bớt ra 1 nửa ăn đi, bỏ đi lại phí. Bà ăn cháo nhưng không ăn thịt, đút trúng miếng thịt bà lại phun ra ngoài dù vẫn đang chụp máy thở oxy. Tã bà nặng, bà vẫn ngoắc tay nhờ thay tã. Bà vui vẻ tập thở rất giỏi, lượng oxy trong máu tăng lên 95,96%.

Ngày thứ 2: Anh Kỳ quay lại vào buổi sáng, mắt bà phủ kín ghèn, tay run cầm cập dù lượng oxy trong máu vẫn còn cao. Khi định bón cháo, bà không nghe, bà ú ớ, không nói được như ngày hôm trước được nữa.

Khi đỡ bà ngồi dậy thở, bà gật đầu đồng ý, bà ngồi dậy tập thở rất giỏi, nhưng không chịu ăn, cũng không uống nước do môi quá khô.

Sang chăm sóc cho bệnh nhân khác, đến chiều quay lại thì bà đang ở ranh giới sinh tử, xung quanh bệnh nhân các y bác sĩ, điều dưỡng vây kín, đang cố gắng giành lại sự sống cho bà, bởi thấy nồng độ oxy của bà vẫn là 95,96%.

Người bà chi chít dây, ống, kim tiêm, ống truyền dịch. Thấy các bác sĩ giơ ngón tay number one, anh Kỳ thở phào nhẹ nhõm và những giọt nước mắt cay cay lăn trên gò má vì quá vui mừng trước sự tận tụy của các y bác sĩ, trước sự 'ngoan cường' của bệnh nhân...

Đến tối, cuộc điện thoại từ phòng cấp cứu gọi cho bác sĩ ở chung phòng với anh Kỳ báo rằng bà Trà khó qua khỏi, rất yếu rồi. Anh câm lặng chỉ mong sáng mai vào phòng chăm sóc vẫn còn được chăm cho bà Trà. Đến sáng 19/8, anh Kỳ vui vì bà Trà vẫn đang gắng gượng, các bác sĩ vẫn tích cực giành lại sự sống cho bà.

Theo soha.vn


(*) Xem thêm

Bình luận