Cô bé bán diêm - Một hình ảnh đáng thương đêm giao thừa và một câu chuyện nhân văn sâu sắc
Như một giọt nước ngọt ngào và long lanh, Truyện ngắn Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen lặng lẽ đọng lại trên chiếc lá héo khô của tình đời, tình người. Giọt nước tinh khôi mà Andersen đã dành hết trái tim mình để vun vén ấy chính là một giọt nước thần tiên, giọt nước của ngôn từ cổ tích, từ tình yêu thương con người đến cháy bỏng...
Cô bé bán diêm mang trên mình một số phận bất hạnh đến cùng cực: mẹ mất sớm, bà cũng đã qua đời, cô bé sống cùng người cha nghiện ngập và tàn bạn trong một căn gác xép tồi tàn, bẩn thỉu và tối tăm. Mọi nhu cầu tối thiểu và giá trị của cuộc sống chân thực, đối với cô bé dường như đã không tồn tại. Và tàn nhân hơn, hình ảnh con người cùng sự sống, gần như chẳng liên quan gì đến cô bé. Tất cả chìm trong bóng tối của vũ trụ và của tình người. Tất cả, những gì sinh động nhất chỉ là những cái bóng đen lặng lẽ, âm thầm, vội vã, lướt qua cô trong đêm tối mịt mờ.
Andersen lại đặt nhân vật trong một không gian khắc nghiệt, đầy thử thách: đó là đêm giao thừa giá rét và tăm tối. Vào đêm đó, cô bé bán diêm khốn khổ đã chết. Em đã ra đi cùng với những giấc mơ giản gị mà đối với em là những giấc mơ bất tận không thể thành sự thật. Đó là giấc mơ được no đủ, đó là giấc mơ được có quần áo ấm để mặc và giấc mơ được gặp người bà mà em hằng yêu kính. Ở trên cuộc đời này, có lẽ sẽ chẳng bao giờ những số phận nghèo khổ như em có thể biến những giấc mơ của mình trở thành hiện thực được. Bởi vậy Andersen đã đưa họ đến một thế giới khác. Nơi đó có thể che chở đùm bọc và bảo vệ những linh hồn khốn khổ này.
Truyện của Andersen khép lại nhưng lòng người đọc vẫn không nguôi băn khoăn, trăn trở, day dứt suy nghĩ về con người, cuộc đời, về tình người, tình đời. Nhà văn không né tránh hiện thực nghiệt ngã. Cô bé có tâm hồn trong sáng, thánh thiện ấy đã chết, chết trong chính đêm giao thừa, trong cái đói, cái rét hành hạ. Một năm mới sang hứa hẹn những khởi đầu mới nhưng cô bé đã kết thúc cuộc hành trình của mình tại chính ngưỡng cửa của năm mới.
Chẳng có cơ hội, chẳng có tương lai nào cho em. Đó là một hiện thực tàn nhẫn. và tàn nhẫn hơn nữa, chẳng có tình yêu thương nào dành cho em. Trước khi chết vì đói, vì rét, em đã chết vì chính sự lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn, ích kỉ của con người. Em không dám về nhà vì sợ những lời chửi mắng, đánh đập của bố, em trơ trọi, bơ vơ, tuyệt vọng chống chọi với cái giá rét trước ánh mắt vô cảm, thờ ơ của những người qua đường, em cô đơn, buồn tủi khi mọi người vui vẻ, hân hoan đón chào năm mới, em nằm đó trong những lời đàm tiếu vô tâm của mọi người. Em từ giã cõi đời, giã từ cuộc sống vì không ai thương em, không ai che chở, bảo vệ em.
Cái chết của em mãi mãi để lại nỗi xót thương vô hạn, niềm day dứt khấp khởi trong lòng mỗi người. Ngay khi nhân loại đã ý thức rõ được những nhu cầu sống, quyền được sống hạnh phúc của trẻ em thì ở đâu đó, trong thế giới này, vẫn còn có những em bé bất hạnh như em bé bán diêm. Chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, suy giảm kinh tế thế giới,… phủ trùm bóng đen khủng khiếp xuống số phận biết bao em bé tội nghiệp, vốn chưa có đủ khả năng để tự sinh tồn. Trong góc tối, những ngã đường, trên bãi rác thải,… có biết bao em bé đã lặng lẽ ra đi. Có lẽ, trong tâm trí của các em, nơi cuộc sống chưa kịp làm hoen ố đi, cũng đã có những mơ ước lung linh trước khi đi vào bóng tối.
Phải chăng, những tham vọng của loài người đang dần dần lấy đi sự hồn nhiên của trẻ thơ và biến thế giới này thành một thế giới của những quan hệ vật chất khô khan giữa những thiết bị vô tri, vô cảm. Thế giới này sẽ ra sao khi trẻ con không được tôn trọng, bị “tước đoạt” sự hồn nhiên và bị “huỷ hoại” niềm tin cổ tích? Thế giới này sẽ ra sao nếu tất cả trẻ con đều không tin “ông già Noel”, “bà chúa Tuyết”, “nàng tiên Cá”… là có thật? Thế giới này sẽ ra sao nếu tất cả trẻ con đều không tin rằng muôn loài, hoa lá, cỏ cây cũng có linh hồn, cũng biết đớn đau và khát khao được sống? Và thế giới này sẽ ra sao khi những đứa trẻ con bị sớm thành người lớn đó trưởng thành và làm chủ hành tinh này?
Bất chấp những khó khăn, bất hạnh và sự đối xử không công bằng của cuộc đời, Andersen đã mang đến thế giới này một câu chuyện cảm động, một câu chuyện được viết nên từ một bộ óc thông minh, một trái tim nhân hậu và một cái nhìn hồn nhiên trong trẻo về cuộc sống. Một câu chuyện được viết nên với lòng yêu thương và “kính trọng” trẻ em, một câu chuyện mang niềm tin bất diệt về sức mạnh của điều thiện và sự chiến thắng của lòng nhân ái…
Ánh lửa sáng từ que diêm của cô bé nghèo đánh lên trong đêm giao thừa thắp lên ngọn lửa trong trái tim của mỗi con người và tiếp tục giữ ấm ngọn lửa yêu thương của nhân loại. Trong ánh lửa nhỏ bé nhưng mạnh mẽ ấy, có lò sưởi, có ngỗng quay, có cây thông Noel, có người bà yêu thương, có thiên đàng, và tất nhiên, có cả cái chết, những vì sao đổi ngôi. Giọt nước và ánh lửa, phản chiếu cuộc đời một cách trung thực nhất, đồng thời cũng huyền ảo nhất của Andersen.
Hai trăm năm đã trôi qua, biết bao thế hệ trẻ em của thế giới này đã được lớn lên bằng dòng sữa mẹ và ước mơ về một thế giới thần tiên mà Andersen đã tạo ra… Ở đó, con người sống với lòng dũng cảm của “chú lính chì”, lòng nhân hậu của “bác sồi già”, sự trung thực của “cô bé với đôi giày đỏ”, tình yêu của “nàng tiên cá” và niềm lạc quan, yêu đời của “chú hoạ mi” cùng những mộng tưởng xa xăm của cô bé bán diêm trong đêm giao thừa. Ở đó, vạn vật trong vũ trụ, từ những nhành cây, chiếc lá, bông hoa đến chú vịt con xấu xí, bầy chuột đồng nghịch ngợm, cô thiên nga xinh đẹp…đều có linh hồn và tiếng nói, đều tồn tại cùng với con người trong một thế giới chung, một thế giới được “vận hành” theo quy luật của lòng nhân ái và điều chí thiện sẽ chiến thắng cái tàn ác, sự bao dung và chính trực sẽ chiến thắng những lọc lừa, giả dối và tàn bạo…
Mọi thứ rồi sẽ đi qua, chỉ còn tình người ở lại. Hai trăm năm cũng đủ dài để loài người nhận ra rằng Andersen không chỉ là một nhà văn của trẻ thơ: ẩn chứa đằng sau mỗi câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ của ông là một câu chuyện ngụ ngôn viết cho người lớn, những câu chuyện ngụ ngôn làm thức tỉnh tình đời, tình người ở con người, nó truyền cho chúng ta niềm tin, sức mạnh và tình yêu cuộc sống. Nó dẫn dắt ta đến với thế giới của tình yêu thương, nơi đó, mỗi con người cần được tôn trọng, chia sẻ, yêu thương, gắn kết. Nó nhắc nhở ta về vai trò và ý nghĩa của gia đình, thức tỉnh trách nhiệm của chúng ta đới với gia đình. Nó khẳng định không có thế giới nào tươi đẹp, con người được hạnh phúc bằng thé giới cuộc sống trên mặt đất này, trong gia đình, với những người thân yêu.
Câu chuyện 'Cô bé bán diêm' quả thực đã khơi dậy hơi thở cuộc sống, tình yêu thương con người ở người đọc. Không hẳn ở lớp ngôn từ sóng sánh cổ tích mà chính ở bởi những khát vọng, ước mơ, hoài tưởng của cô bé mãi mãi lan tỏa vào lòng nhân loại, cho đến khi nào trái tim nhân loại còn thổn thức, lí trí nhân loại còn trăn trở thì những hoài vọng ấy hãy còn tiếp tục sưởi ấm, thôi thúc con người vươn lên.
Có lẽ sẽ không là cường điệu khi nói rằng chính những câu chuyện cổ tích dành cho người lớn của Andersen đã góp phần đưa nhân loại vượt qua hai thế kỷ đầy biến động… Hãy yêu quý và tôn trọng trẻ em, hãy nuôi dưỡng sự hồn nhiên và lòng nhân ái, hãy yêu và nhìn thế giới này bằng trái tim và đôi mắt trẻ thơ…Đó chính là thông điệp mà Andersen cùng những câu chuyện cổ tích của mình muốn gửi đến cho nhân loại…
Theo theki.vn
Xem thêm