Bức ảnh thay đổi số phận cậu bé không chân tay
Là nhân vật chính trong bức ảnh đạt giải tại cuộc thi ảnh quốc tế Siena 2021, cậu bé Mustafa và cả gia đình được tài trợ sang Italy sống và chữa trị. "Chúng tôi đang đến, cảm ơn các bạn", cậu bé Mustafa, hiện 6 tuổi, cười tươi nói trong một tin nhắn video, trước khi cậu, bố, mẹ và hai em gái lên máy bay đến nước Ý.
Hôm 21/1, gia đình Mustafa đáp chuyến bay xuống sân bay Rome.
Mustafa và cha và cha là nhân vật chính trong bức ảnh có tên "Gian khổ cuộc sống", được chụp vào tháng 1/2021 bởi nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Aslan. Người cha trong bức ảnh là anh Munzir al-Nazzal, người cũng mất một chân vì cuộc nội chiến ở Syria.
Gia đình Munzir al-Nazzal phải sang Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn, nhưng thứ khiến người cha lo lắng không phải cái chân đã mất mà là tương lai của con trai Mustafa. Cậu bé sinh ra đã không có tay chân do mắc chứng tetra-amelia, một chứng rối loạn bẩm sinh.
Bức ảnh gây xúc động mạnh, lan truyền khắp thế giới và đoạt giải "Bức ảnh của năm" trong cuộc thi ảnh quốc tế Siena 2021. Ban tổ chức giải mở cuộc quyên góp, liên hệ với các nhà ngoại giao, bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng và giáo phận Công giáo ở Siena, để cha con cậu bé được làm chân tay giả.
Luca Venturi, nhà sáng lập giải ảnh quốc tế Siena cho biết: "Bức ảnh ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Chúng tôi sẽ rất dằn vặt nếu không thể làm điều gì cho gia đình này".
Italy có thể cấp thị thực cho gia đình Munzir al-Nazzal vì lý do nhân đạo. Nhưng những người tị nạn cần được bảo trợ bởi một tổ chức địa phương để xử lý các thủ tục và hỗ trợ tài chính. Trong quá trình làm thủ tục, Luca Venturi vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình cậu bé qua mạng xã hội, sử dụng Google dịch để giao tiếp bằng tiếng Ả Rập.
Ông Venturi cũng gửi ảnh chụp từ trên không về trung tâm thành phố Siena, để giải thích cho gia đình Munzir al-Nazzal, những người sống không có TV trong một thập kỷ, về nơi họ sẽ sống.
Khi nhận được tin visa được cấp hồi đầu tháng, cậu bé Mustafa nhào lộn, cười lớn và hét lên với Venturi: "Cháu yêu chú". Không chân tay, cha thường phải bế Mustafa đi khắp nơi và em gái giúp cậu đi quanh nhà.
Sắp tới, các chuyên gia Italy sẽ gặp Mustafa để thiết kế chân tay giả cho cậu và cái chân giả cho ông bố. Việc điều trị của anh Munzir al-Nazzal có thể dễ dàng hơn vì đã trưởng thành, nhưng cậu bé Mustafa thì khó khăn hơn.
Gregorio Teti, giám đốc Centro Protesi Inail, một trung tâm chân tay giả, ở Vigorso di Budrio, miền bắc Italy, cho biết người cha có thể phục hồi khả năng vận động trong vài tuần, còn Mustafa cần điều trị trong thời gian dài. Cậu phải làm những bộ phận giả ở chi trên. Sau đó, các kỹ sư sẽ thiết kế các chi giả xung quanh hông.
"Đó là một kỹ thuật nhưng cũng là một đường cong tâm lý. Thế giới của cậu bé sẽ thay đổi và cần thời gian chấp nhận điều đó", Teti nói.
Khi Mustafa lớn lên, các bộ phận giả của cậu ấy sẽ phải được điều chỉnh để phù hợp với cơ thể đang thay đổi. Bộ phận cơ thể mới có thể sẽ cho phép Mustafa lái xe ô tô và tự chủ làm việc khi trưởng thành. Nhưng cậu cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức khi ra nước ngoài, học một ngôn ngữ khác và tạo dựng cuộc sống mới.
Bà Anna Ferretti, người phụ trách chi nhánh Caritas của thành phố, một hiệp hội viện trợ Công giáo, cho biết sẽ cấp cho gia đình anh Munzir al-Nazzal một căn hộ ở ngoại ô Siena. Hiệp hội trang trải các nhu cầu tài chính hàng ngày của họ trong một năm.
Theo bà Ferretti, vài gia đình người Syria đã định cư ở Siena nhiều năm trước sẽ giúp năm thành viên của gia đình anh Munzir al-Nazzal làm quen với cuộc sống mới. "Đây là một thành phố nhỏ và mạng lưới đoàn kết rất mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ cùng hỗ trợ họ", bà nói.
Nhật Minh - vnexpress (theo New York Times)
Cha và con cùng cười (hardship of life)
Bức ảnh thay đổi cuộc đời ông lão nhặt rác
Số phận của người mẹ trong 'bức ảnh chấn động Trung Quốc'
Chuyện tình thắm thiết gần trăm năm phía sau bức ảnh 'Nụ hôn'
Xem thêm