Bà lão 70 tuổi nấu 120 suất cơm mỗi ngày tặng người khó khăn
Bà My đã 70 tuổi nhưng mỗi ngày vẫn thức dậy từ 3h sáng để nấu 120 suất cơm phát miễn phí cho người khó khăn. Cụ bảo: "Ai đã từng khổ cũng sẽ đồng cảm với cái khổ của người khác".
Thuê nhà mở quán "bán cơm 0 đồng"
Cụ bà Nguyễn Thị My (70 tuổi) kinh doanh quán cơm chay nhỏ trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh). Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, bà tận dụng quán của mình và chút tiền dành dụm dưỡng già để nấu cơm chay tặng những lao động nghèo.
Suốt từ đầu mùa dịch, bà My làm 120 phần cơm miễn phí mỗi ngày. Cứ đều đặn 3h sáng hàng ngày, bà thức dậy thổi lửa nấu cơm để kịp có những suất cơm sáng cho mọi người.
Ngay cả những hôm trái gió trở trời, lưng đau, gối mỏi nhưng bà Nguyễn Thị My vẫn không ngừng "bán cơm 0 đồng", vì sợ khách quen tưởng quán cơm 0 đồng của bà nghỉ, bữa sau không ghé lại.
Bà lão 70 tuổi tâm sự, động lực lớn nhất để bà duy trì công việc này suốt 5 tháng qua chính là ánh mắt hạnh phúc của chú thợ hồ, của cô vé số, của những lao động nghèo khi cầm trên tay hộp cơm ngon, san sẻ với họ nỗi lo về bữa ăn hằng ngày giữa mùa dịch giã.
"Tôi không có tiền để làm những việc lớn lao, chỉ hy vọng góp được chút sức giúp họ no bụng qua mùa dịch...", bà Nguyễn Thị My chia sẻ.
Theo bà My, dù là cơm 0 đồng nhưng suất cơm bà nấu vẫn ngon, chất lượng như khi bà bán trước dịch. Bà đặt cả tấm lòng vào từng miếng đậu hũ, từng cọng rau, luôn cố gắng chế biến và nêm nếm sao cho thật vừa miệng.
"Nhìn người ta ăn ngon, khen tấm tắc rồi hôm sau quay lại lấy, có người ăn không đủ phải xin thêm hộp nữa mà tôi vui quá chừng!", bà My cười vui vẻ tâm sự.
Đến nhận 3 hộp cơm vào trưa 30/9, bà Lê Thị Hồng (66 tuổi) cho biết rất quý mến và cảm phục bà My.
"Cơm ở đây rất ngon, tôi lấy về phân phát lại cho những người khó khăn trong xóm. Những hôm siết chặt giãn cách, gia đình tôi cũng kẹt lắm, may nhờ có cơm của bà nên cũng đỡ được phần nào", bà Hồng bộc bạch.
"Thấy người ta khó khăn, tôi cầm lòng không nổi"
Bà Nguyễn Thị My quê gốc ở Cần Thơ, cùng chồng lên TPHCM chữa bệnh mấy năm nay.
Bà My kể, trên đường đi chùa về, bà tình cờ thấy có người làm rơi bao đồ nên bà đến phụ đỡ lên xe.
"Đang ôm thì nghe lưng mình kêu một tiếng "rắc", tôi có linh cảm chẳng lành. Sau đó, tôi chạy chữa khắp nơi dưới quê nhưng không khỏi nên phải lên thành phố chữa trị", bà My nhớ lại.
Những ngày lên thành phố chữa bệnh, bà cùng chồng thuê nhà mở quán bán thức ăn chay để có thêm thu nhập bù viện phí, rồi duy trì công việc cho đến nay.
Trước dịch, hầu hết tiền lời từ quán cơm này được bà dùng để mua thuốc nam về nấu phát miễn phí cho những người mắc bệnh như bà mà không có điều kiện chạy chữa.
Ngày rằm, mùng 1 hằng tháng, bà nấu hàng trăm suất cơm chay tặng miễn phí ở bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Rồi dịch bệnh bùng phát, bà chuyển sang nấu cơm 0 đồng, để ở cái bàn nhỏ trước nhà cho ai cần thì đến lấy, hay ai đi ngang tiện đường thấy cần thì lấy.
Những ngày TPHCM siết chặt việc đi lại, bà nhờ tình nguyện viên chở hộ cơm của bà đến những khu vực phong tỏa, những xóm trọ để phát cho bà con gặp khó khăn.
Ở cái tuổi đáng lẽ đang an hưởng tuổi già, nhiều người vẫn khuyên bà không nên lao lực, nấu đến 120 phần cơm mỗi ngày. Chồng bà là ông Trần Văn Hồng (87 tuổi) cũng rất lo lắng khi thấy vợ cực nhọc.
Dù vậy, trước sự kiên quyết và tấm lòng của vợ, ông Hồng cũng ủng hộ, cố gắng góp sức phụ vợ sơ chế rau củ, làm bớt công việc nặng cho bà.
Cô chủ nhà cũng sợ tôi bệnh nên khuyên đừng làm nữa. Con cháu tôi làm ăn xa nghe vậy cũng xót lắm, không có cho tôi làm - bà My kể.
"Nhưng thấy cảnh người ta khó khăn, nhất là người ở tỉnh tha phương cầu thực đang chật vật kẹt lại thành phố, lấy hộp cơm rồi cảm ơn rối rít là tôi cầm lòng không nổi...", bà My nghẹn ngào nói thêm.
Phương Nhi - Lại Hậu (dantri.com.vn)
Xem thêm