Gia Cát Lượng bậc cao nhân đa tài kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc: Một đời tận tuỵ phò vua giúp nước

08/11/2021 | 502

Gia Cát Lượng là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông có tài năng trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật cho tới giáo dục, phong thủy, phát minh kỹ thuật... Trong lịch sử, rất hiếm người có tài năng toàn diện trên khắp các lĩnh vực như ông. Cả đời Gia Cát Lượng "cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi", là nhân vật tiêu biểu cho trung thần và người thông thái trong văn hoá truyền thống Trung Quốc.

Vì sao Khổng Minh có thể tiên đoán trước được cái chết của mình, Chu Du và  Bàng Thống? | NTD Việt Nam (Tân Đường Nhân)

Theo Bách kho toàn thư mở, Gia Cát Lượng (181 – 234), tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh. Ông là quân sư xuất chúng của Lưu Bị nước Thục, thời hậu Hán. Gia Cát Lượng quê tại Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông).

Gia Cát Lượng là khai quốc công thần của nhà Thục Hán.

Về tài năng quân sự, trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả nhân vật Gia Cát Lượng là một vị thừa tướng có tài dùng binh "xuất quỷ nhập thần", có thể bấm quẻ đoán trước tương lai, hô mưa gọi gió, dùng lời nói hoặc thư từ để khích chết hàng loạt nhân vật khác như Chu Du, Vương Lãng, Tào Chân...

Sử gia Trần Thọ trong Tam quốc chí bình phẩm rằng đặc điểm của Gia Cát Lượng là rất thận trọng, "Trị quân là sở trường, kỳ mưu là sở đoản; lo liệu việc dân hơn là lo liệu việc tướng", nghĩa tài năng về chính trị của Gia Cát Lượng hơn hẳn tài năng về quân sự, và về mặt quân sự thì giỏi trị quân hơn là dùng quân.

Nhà nghiên cứu hiện đại Dịch Trung Thiên (tác giả sách Phẩm tam quốc) cho rằng nhận xét "tướng lược ứng biến, không phải là sở trường của Gia Cát Lượng" của Trần Thọ là đánh giá "mạnh dạn và đầy đủ". Theo Dịch Trung Thiên Gia Cát Lượng trong lịch sử giống như Tiêu Hà, không phải Trương Lương, Hàn Tín (nghĩa là chuyên trị quốc an dân chứ không phải điều binh khiển tướng, sau này nhà Thục Hán mất đi nhiều trụ cột thì Gia Cát Lượng mới phải lo cả việc quân), Dịch Trung Thiên cho rằng Gia Cát Lượng là nhà chính trị kiệt xuất, nhưng chưa hẳn đã là nhà quân sự kiệt xuất. Để Gia Cát Lượng lo việc nước là hay nhất, để Gia Cát Lượng trị quân cũng không có vấn đề gì, nhưng chỉ mình Gia Cát Lượng thì không đủ khả năng thống lĩnh ba quân đoạt thiên hạ.

Còn nhà sử học Nga B. L. Riftin tỏ thái độ không đồng ý với Trần Thọ trong việc đánh giá tài năng quân sự của Gia Cát Lượng. Trong Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc, ông cho rằng bộ sử của Trần Thọ có nhiều chỗ mâu thuẫn, thường gắn liền với những lí do có tính chất thiên vị cá nhân lộ liễu. Chẳng hạn như Gia Cát Chiêm, con trai Gia Cát Lượng, đã từng nhận xét coi thường Trần Thọ, và Trần Thọ đã trả thù khi viết trong sử sách là: “Chiêm chỉ biết đọc sách, tiếng tăm của ông ta vượt xa những cống hiến thực tế”. Trần Thọ nhận xét: "Trị quân là sở trường, kỳ mưu là sở đoản; lo liệu việc dân hơn là lo liệu việc tướng", tính chất thiên vị và có ý hạ thấp Gia Cát Lượng trong lời đánh giá như vậy đã bị các tác giả Tấn thư (một bộ chính sử khác) chỉ trích.

TV Show - Tài năng quân sự thực sự của Gia Cát Lượng tới đâu? (Hình 2).

Một phân tích khác thì cho rằng tài binh lược của Gia Cát Khổng Minh vẫn cao hơn Tư Mã Ý. Trong cuộc Bắc phạt vào tháng 5/231, dù điều kiện bất lợi hơn (viễn chinh đường xa, quân ít hơn, lương thiếu), nhưng Gia Cát Lượng đã thắng Tư Mã Ý trong tất cả các ý đồ tác chiến. Khiến quân Ngụy quân bại trận triệt để, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục “đóng cửa thủ vững”. Thế cục này được duy trì đến khi Lý Nghiêm không hoàn thành nhiệm vụ vận tải, khiến Thục quân cạn lương buộc phải rút về.

Về đối thủ của Gia Cát Lượng là Tư Mã Ý. Ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý đã nhìn thấy doanh lũy và công sự của quân Thục còn lưu lại, phải thốt lên rằng: "Thật thiên hạ kỳ tài vậy". Ở đây Tư Mã Ý khen là về tài trị quân, còn về việc dùng binh thì Tư Mã Ý bình phẩm về Gia Cát Lượng (được ghi trong Tấn thư - Tuyên Đế kỷ) như sau: "Lượng chí lớn nhưng không biết thời cơ, nhiều mưu nhưng ít quyết, thích quân nhưng không quyền", nghĩa là "chí hướng lớn lao nhưng không nắm bắt được thời cơ, mưu trí rất nhiều nhưng thiếu quyết đoán, thích dùng binh nhưng không biết quyền biến".

Ngoài ra, sau khi Thục Hán mất, Tấn vương Tư Mã Chiêu (con trai của Tư Mã Ý) đã ra lệnh cho Trần Hiệp phải tìm kiếm tư liệu để học tập binh pháp của Gia Cát Lượng. Nhà Tấn sau này còn truy phong miếu hiệu cho Gia Cát Lượng là "Võ Hưng Vương". Việc truy phong tước vị cho quan đại thần của triều đình đối thủ quả là điều rất hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc.

TV Show - Tài năng quân sự thực sự của Gia Cát Lượng tới đâu?

Ngày nay, nói về tài năng quân sự của Gia Cát Lượng vẫn là đề tài được rất nhiều người đưa ra mổ sẻ, ở các hội thảo khoa học cũng như các diễn đàn trao đổi. Tuy nhiên, phần đông ý kiến đều công nhận rằng, Gia Cát Lượng là người khiêm nhường, cẩn thận hiểu rõ và hết lòng với chức phận. Còn tài thao lược quân sự của ông không tới mức "xuất quỷ nhập thần" như truyền thuyết dân gian hay tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa mô tả, song cũng có được nhiều chiến tích đáng ca ngợi như, bình định Mạnh Hoạch chỉ trong thời gian ngắn, lập kế giết được 2 tướng giỏi của Ngụy, mấy lần đánh bại Tư Mã Ý, khiến quân Ngụy hoang mang tới mức chỉ chọn sách lược cố thủ trong thành lũy chứ không dám kéo ra giao chiến.

Những phát minh kinh điển nhất của Khổng Minh tiên sinh:

Gia Cát Lượng thấu hiểu trời đất, dụng binh như thần, sáng chế ra nhiều loại vũ khí và vật dụng càng chứng tỏ đại tài quân sự, thao lược của ông, khiến người đời nể phục.

1. Bát trận đồ

Bát Trận Đồ được xem là thế trận kinh điển do Gia Cát Lượng phát minh ra mà đến nay vẫn chưa ai phá nổi. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có cốt truyện Lưu Bị vì nóng lòng trả thù cho Quan Vân Trường mà bị đại tướng quân Đông Ngô là Lục Tốn đánh bại và ráo riết truy đuổi.

Gia Cát Lượng
Đến nay, Bát Trận Đồ của Gia Cát Lượng vẫn còn ẩn chứa khá nhiều bí ẩn không lời giải đáp.

Khi gần đến bến Ngư Phúc, Lục Tốn thấy phía trước có một luồng sát khí xông thẳng lên trời, càng về chiều, sát khí càng nhiều, Lục Tốn do dự, sai người thân tín đi xem xét kỹ, kết quả là bên bờ sông có xếp các đống đá lớn, không một bóng người. Lục Tốn càng nghi, cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Nơi này gọi là bến Ngư Phúc. Gia Cát Lượng khi vào Thục đã luyện binh ở đây, lấy đá xếp thành trận thế trên bến sông. Từ đó trở đi thường có khí tuôn như mây”. Lục Tốn nghe xong cưỡi ngựa lên sườn núi xem thạch trận, thấy đá xếp bốn phương tám hướng, đều có cổng, có cửa, bèn cười nói: “Đây là tà thuật làm mê hoặc người, có ích gì đâu”, rồi xuống núi dẫn quân xông thẳng vào trong trận xem xét. Nào ngờ Lục Tốn xông vào trận xong thì không tìm được lối ra, đại quân nước Ngô hoàn toàn bị nhốt vào trận đồ mà không thoát ra được. Sau đó may có nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn đã chỉ đường nên Lục Tốn mới thoát ra được.

Bát trận đồ căn cứ theo bát quái (8 quẻ) Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành 8 trận chính: Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán, Vân thùy. Được án theo bát môn (8 cửa) là sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, hưu.

Trong trận lấy 5 người làm 1 ngũ (ngũ hành), 55 người thành 1 đội (55 là số sinh thành của trời đất, trời 25, đất 30), 8 đội thành 1 trận (440 người), 8 trận thành 1 bộ (3.520 người) là trận tiểu thành. 8 bộ thành 1 tướng (28.160 người) là trận trung thành. 8 tướng là 1 quân (225.280 người) là trận đại thành. Từ bát quái sinh ra trùng quái (64 quẻ), lấy 8 làm cơ sở mà nhân lên, càng đông người thì trận càng lợi hại.

2. Trâu máy, ngựa gỗ

Ngựa gỗ, trâu máy được Gia Cát Lượng nghĩ ra khi đến Kỳ Sơn phạt Ngụy. Vì tình thế khó khăn nên ông phải tính kế lâu dài đánh quân Ngụy. Thời điểm đó là mùa mưa khiến cho việc vận chuyển lương thực khá khó khăn. Do đó, Khổng Minh bèn sáng tạo ra ngựa gỗ, trâu máy để giải quyết việc vận chuyển.

Trâu máy, ngựa gỗ
Ngựa gỗ, trâu máy được Gia Cát Lượng nghĩ ra khi đến Kỳ Sơn phạt Ngụy.

Ngựa gỗ có cơ cấu máy móc ở bên trong, ngựa gỗ tự đi khoảng 10km mà không cần lực đẩy, cứ hết 10km lại cài lại cơ cấu bên trong để chạy tiếp.

3. Nỏ Gia Cát

Để đối phó với quân Ngụy của Tào Tháo, Gia Cát Lượng đã cải tiến nỏ nguyên nhung thành Nỏ Gia Cát. Loại nỏ này được làm bằng sắt, dài 8 tấc, mỗi lần bắn ra được 10 mũi tên. Trong thời Tam Quốc, nỏ này có tên gọi khác là Thôi Sơn hay Liên Châu, nỏ sở hữu uy lực mạnh mẽ và được xem là vũ khí tầm xa đáng sợ nhất lúc bấy giờ.

Nỏ Gia Cát
Nỏ này là loại nỏ mà Gia Cát Lượng đã cải tiến.

Năm 1964 các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở xã Thái Bình gần Thành Đô máy nỏ bằng đồng ghi lại được làm vào ngày 30 tháng 2 năm Cảnh Diệu thứ 4 thời hậu chủ Lưu Thiện (tức hai mươi bảy năm sau ngày Gia Cát Lượng mất). Nỏ này là loại nỏ mà Gia Cát Lượng đã cải tiến.

Ngoài ra, Khổng Minh Gia Cát Lượng còn có những phát minh khiến người sau nể phục như: Bánh bao, khóa Khổng Minh, chiến xa… Trong lịch sử Tam Quốc, Gia Cát Lượng được xem là người quân sư tài ba lỗi lạc nhất bên Lưu Bị.

4. Bánh Màn Thầu

Bánh màn thầu
Ngày nay, Man đầu đã thành Màn Thầu mà chúng ta thường biết.

Sau chuỗi sự kiện “thất cầm thất thả” Nam Man Vương Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã hoàn toàn thu phục được vị Man Vương này. Tuy nhiên trên đường quay về Thành Đô, quân đội của nhà Thục đã không thể vượt qua được sông Lô Thủy, vì đây là một con sông lớn, nước sông chảy xiết. Sau đó Mạch Hoạch đã cho Gia Cát Lượng biết rằng, muốn vượt sông phải có vật hiến tế ném xuống sông, đó là thủ cấp của 50 nam giới. Tuy nhiên Gia Cát Lượng lại không muốn mất đi bất kỳ tính mạng nào nữa, sau đó ông đã nghĩ ra một loại bánh nhỏ có hình dạng đầu người, trong đó chứa nhân thịt, và sau đó ném xuống sông. Ông gọi chúng là “bánh đầu người dã man” (Man đầu). Và đến ngày nay, Man đầu đã thành Màn Thầu mà chúng ta thường biết.

5. Khổng Minh đăng (Đèn Khổng Minh)

Đèn Khổng Minh
Khổng Minh đăng được cho là phát minh khi Gia Cát Lượng bị vây hãm bởi quân đội nhà Ngụy của Tư Mã Ý ở Bình Dương.

Đây là một kiểu sơ khai của khinh khí cầu mà chúng ta đã biết được Gia Cát Lượng phát minh nhằm truyền tín hiệu quân sự. Nó được mang tên ông, gọi là đèn Khổng Minh (Khổng Minh đăng). Khổng Minh đăng được cho là phát minh khi Gia Cát Lượng bị vây hãm bởi quân đội nhà Ngụy của Tư Mã Ý ở Bình Dương. Lực lượng tiếp viện sau đó đã nhận được tín hiệu trên bọc giấy của đèn lồng và sau đó đã nhanh chóng đến tiếp viện cho Gia Cát Lượng. Cũng theo một số thông tin, do đèn lồng làm giống với hình chiếc mũ mà Gia Cát Lượng hay đội, nên nó đã được đặt theo tên của ông.

6. Bàn Cờ Khổng Minh

Cuộc sống trong quân đội xưa không chỉ có binh đao, luyện cung kiếm, trận pháp. Các danh tướng xưa cũng rất quan tâm đời sống tinh thần cho binh sĩ của họ. Thời Tam quốc cũng vậy, nếu như ta thường thấy Bắc Ngụy có trò tựa như đá bóng ngày nay, thì Gia Cát Lượng lại phát minh ra một loại cờ giúp quân sĩ giải trí, ngày nay gọi là bàn cờ Khổng Minh. Tương truyền đây là một trò chơi trí tuệ, tuy nhiên quy tắc lại khá đơn giản. Đến nay vẫn chưa rõ luật chơi của loại cờ này như thế nào.

7. Khóa Khổng Minh

Khóa Khổng Minh
Ngày nay, món đồ chơi trí tuệ này khá phổ biến tại Trung Quốc.

Khóa Khổng Minh, tương truyền xuất hiện trong khoảng từ cuối thời Xuân Thu cho tới thời Chiến Quốc do Lỗ Ban sáng chế ra. Trong thời Tam Quốc, được cho là do Gia Cát Lượng sáng chế. Khóa Khổng Minh thực chất là một món đồ chơi, do các thanh gỗ cài vào nhau, sau đó thách đố người khác tháo ra. Cài vào vốn dĩ đã khó, tháo ra lại càng là một vấn đề nan giải. Đến ngày nay, món đồ chơi trí tuệ này khá phổ biến tại Trung Quốc và một số nước châu Á.

8. Chiến xa

Chiến xa
Chiến xa giúp công phá thành địch.

Để công phá cổng thành địch, Gia Cát Lượng đã chế tạo ra chiến xa, sau đó bộ binh sẽ đi theo tràn vào thành địch.

Tài tiên tri như thần

Gia Cát Lượng là vị tướng kiệt xuất trong lĩnh vực quân sự, không những thế ông còn là một vị tiên tri vô cùng vĩ đại. Nhắc đến ông là nhắc đến một cao nhân “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, có tài tiên đoán mọi việc cực chuẩn xác.

Những chuyện Khổng Minh xem bói, đoán trước tương lai được kể khá nhiều trong dã sử và chính sử. Chuyện nổi tiếng nhất là việc ông khiến Lưu Bá Ôn - danh tướng văn võ song toàn thời nhà Minh - phải phục sát đất, dù Lưu sinh sau Khổng Minh tới hơn 1.000 năm.

Trong phiên bản được nhiều người ưa thích nhất, Lưu Bá Ôn có lần thân chinh dẫn tướng sĩ vượt núi băng rừng truy kích quân địch, không may ngã vào một hang núi. Lần mò trong hang, Lưu gặp tấm bia đá khắc 14 chữ "Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn". Dưới bia khắc dòng chữ nhỏ "Gia Cát Lượng thủ bút".

Hình vẽ Gia Cát Lượng.
Hình vẽ Gia Cát Lượng.

Hàng chữ kia mang nghĩa: "Gia Cát Lượng xứng đáng là quân sư của mọi thời đại, nhưng làm tướng thống nhất sơn hà thì có Lưu Bá Ôn". Sau tấm bia còn vẽ đường rời khỏi hang núi, nhờ đó Lưu Bá Ôn thoát khỏi cảnh chết đói chốn hoang vu.

Còn trong Gia Cát Lượng dã sử thì viết, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dặn dò con cháu: "Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại họa chết người. Tới lúc ấy, hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng".

Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế. Nghe tin trong số quan quân triều đình có viên tướng quân là hậu thế của Gia Cát Lượng, Viêm bèn nghĩ cách trừng trị người này.

Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát. Trên Kim điện, Viêm cất lời hỏi: "Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?".

Kẻ "tội đồ" bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn của Gia Cát Lượng. Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem. Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: "Ngộ hoàng nhi khai" (nghĩa là Đúng hoàng thượng mới mở ra xem).

Đám binh sĩ bèn dâng thư lên vua. Trong thư có mấy chữ: "Xin lùi ba bước". Tư Mã Viêm dù nghi ngờ nhưng vẫn làm theo. Vừa đứng vững đã nghe thấy một tiếng "rầm", chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành.

Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: "Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta". Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này.

Ngoài ra, những lời tiên tri của Khổng Minh trong cuốn Mã Tiền Khóa (trước ngựa gieo quẻ) vẫn là một bí ẩn mà nhiều người chưa thể lý giải hết. Tương truyền, đây là những bài thơ mà ông sáng tác trong những lúc nhàn hạ khi ở quân ngũ, dự đoán đại sự trong thiên hạ theo từng thời đại lịch sử.

Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi, người ta xem lại mới thấy Khổng Minh tiên tri chính xác. Đương nhiên, những người phản đối cho rằng, đó chỉ là cách suy diễn của đời sau, khi sự đã rồi. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu tiên tri lại đưa ra biện giải riêng.

5 bài học dạy con giá trị đến muôn đời của Gia Cát Lượng

Cách nhìn người của Gia Cát Lượng

Trong bộ sách Tướng Uyên, Khổng Minh từng đưa ra nhận xét về tính cách con người rằng: "Tính người thật khó hiểu. Dung mạo bất nhất, hành động trăm ngàn lối. Kẻ trông hiền lành nhu thuận mà vô đạo, kẻ bề ngoài cung kính mà trong lòng trí trá vô lễ. Kẻ trông rất hùng dũng nhưng lại nhát sợ. Kẻ có vẻ thật tận lực mà rất bất trung".Trong bộ sách này, ông đưa ra 7 cách để hiểu được lòng người bao gồm: "Đem điều phải lẽ trái hỏi họ để biết "chí hướng" / Lấy lý luận dồn họ vào thế bí để biết "biến thái" / Lấy mưu trí trị họ để trông thấy "kiến thức" / Nói cho họ những nỗi khó khăn để xét "đức dũng" / Cho họ uống rượu say để dò "tâm tính" / Đưa họ vào lợi lộc để biết tấm lòng "liêm chính" / Hẹn công việc với họ để đo "chữ tín".

Nhờ những phép thử rất hữu hiệu này mà Gia Cát Lượng đã giúp cho Thục vương Lưu Bị chọn lựa ra những người có đủ cả tài, đức, trí, dũng, chính, tín; xây dựng nên triều đại nhà Thục hùng mạnh, sánh ngang hai cường quốc bên cạnh là Ngụy và Ngô.

Những tiên lượng trước về vận mệnh của bản thân

Khi ra Kỳ Sơn lần thứ sáu, Khổng Minh lâm bệnh nặng, cho quân đóng ở gò Ngũ Trượng, tránh giao chiến với quân Ngụy. Ông bèn dùng phép dâng sao, trong vòng 7 ngày bày ra 49 cây đèn quay quanh cây đèn chủ mạng của ông nhằm xin trời cao cho kéo dài mạng sống.

Đến ngày thứ bảy, Tư Mã Ý nhìn thiên tượng biết Khổng Minh bị bệnh, cho quân đến thăm dò trước trại thách đánh. Ngụy Diên chạy vào trướng báo tin, chẳng ngờ đạp mạnh quá làm tắt ngọn đèn chủ vị.

Khương Duy giận lắm, rút gươm muốn giết Ngụy Diên, Khổng Minh cản lại, than rằng: "Số trời như thế, không sao trái được". Ông gọi Khương Duy lại truyền thụ 24 thiên binh thư do ông viết ra.

Sau đó, ông dặn các tướng phải đề phòng quân Ngụy tới đánh và Ngụy Diên làm phản cùng kế sách đối phó. Sau Thục chủ sai sứ tới hỏi việc hậu sự, Khổng Minh đáp rằng Tưởng Uyển có thể thay ông làm thừa tướng, sau đó là Phí Y, nói tới đó thì mất, hưởng dương 54 tuổi.

Sau khi Khổng Minh mất, Ngụy Diên quả nhiên làm phản nhưng Khổng Minh đã tiên đoán trước nên bày kế cho Mã Đại chém chết Ngụy Diên. Tư Mã Ý tới đánh, quân Thục đẩy xe có tượng gỗ Khổng Minh ra trận, Tư Mã Ý sợ hãi bỏ chạy, hỏi các tướng rằng đầu mình có còn không. Thế là quân Thục rút an toàn trở về Thành Đô. Sau này trong dân gian có câu: "Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống".

Thái độ của Khổng Minh Gia Cát Lượng khi mưu sự không thành, số mệnh sắp  tận - Hồ Sơ Danh Nhân

Một điển tích khác liên quan đến con cháu đời sau của ông. Chuyện kể rằng trước khi Gia Cát Lượng qua đời, ông để lại một túi gấm và dặn con cháu đời sau nếu gặp nguy khốn hãy mở ra: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại hoạ chết người. Tới lúc đó hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.

Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế và có ý định trừng trị một số quan quân triều đình là hậu duệ của Gia Cát Lượng. Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát. Trên thánh đường Tư Mã Viêm cất lời hỏi: “Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?”. Hậu duệ nhà Gia Cát bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn dò của Gia Cát Lượng. Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem.

Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: “Ngộ hoàng nhi khai” (có nghĩa phải là hoàng thượng mới mở ra xem). Trong thư có mấy chữ: “Xin lùi ba bước”. Tư Mã Viêm hơi hoài nghi nhưng cũng lập tức làm theo. Nhưng khi nhà vua vừa lùi ba bước thì bỗng nghe thấy một tiếng “rầm”, chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành.

Tư Mã Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: “Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta”. Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này.

Sử sách Trung Quốc cũng có ghi lại rằng: trước khi chết, Gia Cát Lượng nói với các tướng sỹ của mình rằng, sau khi ông chết thì đem bỏ xác vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sỹ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm mộ.

Quân sỹ theo lời dặn của Gia Cát Lượng, buộc dây thừng vào quan tài rồi khiêng theo đoàn quân rút lui về phía Hán Trung. Cứ khiêng đi như vậy một thời gian rất lâu nhưng dây vẫn không đứt.

Bỗng nhiên, khi tới núi Định Quân thì đột nhiên sợi dây thừng rất chắc chắn bỗng dưng đứt bật ra, quan tài rơi xuống đất. Quân sỹ vội đặt quan tài xuống rồi tìm xẻng để đào huyệt hạ quan tài xuống. Nhưng khi binh lính vừa tản ra đất tại nơi đặt quan tại bỗng sụp xuống, vừa khít lấp trọn quan tài của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng dặn dò quân lính không chon theo bất kỳ tài sản hay vật tuỳ táng nào, mộ huyệt chỉ vừa khít quan tài, không xây lơn, không trồng cây hay ám hiệu đánh dấu để bị phát hiện.

Tại sao Gia Cát Lượng tài trí kiệt xuất như vậy mà lại đoản thọ?

Mắc nhiều bệnh trọng

Gia Cát Lượng qua đời tại Ngũ Trượng Nguyên vì bệnh tật, "Tam quốc diễn nghĩa" và "Tam quốc chí" đều không ghi chép lại rõ ràng.

Căn cứ vào thói quen sinh hoạt của Gia Cát Lượng được miêu tả trong "Tam Quốc diễn nghĩa", chúng ta đại khái có thể suy đoán, rất có thể ông mắc bệnh về đường tiêu hoá cùng bệnh về tim và mạch máu não.

"Tam quốc diễn nghĩa" nhiều lần miêu tả cảnh Gia Cát Lượng thổ huyết, rất có thể đó là triệu chứng do loét đường tiêu hoá gây nên. Theo tài liệu "Bệnh ký học" chuyên ngành, khi người bị loét đường tiêu hoá phát bệnh, họ luôn gặp phải hiện tượng đi ngoài ra phân đen và nôn ra máu. Nguyên nhân chủ yếu gây ra do mạch máu dưới vết loét bị bào mòn rạn nứt.

Trong cuộc đời Gia Cát Lượng, thời gian làm việc và nghỉ ngơi của ông không khá thất thường, không hình thành được thói quen tốt.

 Nguyên nhân thực sự khiến Gia Cát Lượng qua đời khi mới 54 tuổi - Ảnh 1.

Gia Cát Lượng được ghi lại là người có chế độ ăn uống ngủ nghỉ không khoa học, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ông.

Thời trẻ, tính tình ông phóng khoáng, khi thì chèo thuyền con đi du ngoạn giang hồ, khi thì viếng thăm người tu hành trên núi cao, khi thì tìm bạn bè nơi thôn xóm, khi thì vui với việc cầm kỳ trong động phủ. Có thể nói, Gia Cát Lượng ăn không theo suất, ngủ không theo giờ, thiếu rèn luyện cơ thể một cách tích cực và điều độ.

"Tỉnh giấc trong căn lều cỏ, ngoài kia mặt trời chưa lên" là chân dung cuộc sống của ông.

Từ sau khi cùng Lưu Bị xuống núi, Gia Cát Lượng càng thiếu những hoạt động chân tay cần thiết. Mỗi lần đánh trận ông chỉ đều "phe phẩy quạt lông, ngồi trên xe đẩy", cơ thể giữ ở một tư thế trong thời gian dài ắt sẽ ảnh hưởng tới tiêu hoá thức ăn.

Ngoài ra, Gia Cát Lượng còn là một người nghiện công việc đến quên ăn quên ngủ, điều này càng tăng thêm gánh nặng cho chức năng hệ tiêu hoá.

Vào lần Bắc phạt cuối cùng, sức ăn của Gia Cát Lượng giảm sút nghiêm trọng. Tin tức này đúng lúc lại bị đối thủ một mất một còn của ông là Tư Mã Ý biết được. Khi ấy Tư Mã Ý đã nói: "Khổng Minh ăn ít làm nhiều, liệu còn sống được bao lâu?"

 Nguyên nhân thực sự khiến Gia Cát Lượng qua đời khi mới 54 tuổi - Ảnh 2.

Hình ảnh Gia Cát Lượng trên phim truyền hình. Mỗi lần xuất chinh, ông đều ngồi trên xe đẩy ra chiến trường.

Trong "Tam quốc diễn nghĩa" cũng có nhiều đoạn miêu tả về việc Gia Cát Lượng ngất xỉu. Đây là dấu hiệu của nhiều loại bệnh, ví dụ như cao huyết áp, xuất huyết não, thiếu máu, hạ đường huyết.

Những bệnh kể trên có liên quan trực tiếp với áp lực công việc lớn, chịu kích thích thần kinh trong thời gian dài, cảm xúc không được điều tiết, mất cân bằng dinh dưỡng.

Đối diện với quá nhiều áp lực

Gia Cát Lượng là một người nội tâm vô cùng nhạy cảm, ông không thể giải quyết khó khăn một cách nhẹ nhàng, mỗi một sơ suất trong công việc đều sẽ mang tới gánh nặng tinh thần rất lớn cho ông.

Hơn nữa ông còn là một người coi trọng thể diện, Bắc phạt nhiều lần thất bại, không thể thực hiện lời hứa với người đời khiến ông vô cùng sốt ruột, lo canh cánh trong lòng. Cái chết liên tiếp của những đại tướng bên mình càng khiến ông đau lòng không thôi.

Lần thứ hai Bắc phạt, nhìn thấy con trai Triệu Vân đến báo tang, Gia Cát Lượng quăng chén xuống đất, nói: "Tử Long chết rồi!" Ông còn giậm chân khóc rằng: "Tử Long qua đời, đất nước mất đi rường cột, ta cũng mất đi một cánh tay!"

Lần Bắc phạt thứ ba, Gia Cát Lượng dùng mưu kế khiến Tư Mã Ý thất bại thảm hại, nhưng bỗng nghe có người báo Trương Bào qua đời, vậy là Khổng Minh bật khóc nức nở, miệng ói máu tươi, ngất lăn ra đất, từ đó, ông ốm liệt giường không dậy được, quân Thục không thể không từ bỏ tấn công, rút về Hán Trung.

Năm xưa Lưu Bị qua đời vì bệnh, cũng chẳng thấy Gia Cát Lượng đau lòng tới mức ấy, tại sao tổn thất một đại tướng lại khiến ông đau đớn cực độ? Đó là bởi cuộc chiến kéo dài tới thời điểm này, Thục Hán đã rơi vào tình trạng thiếu binh ít tướng.

 Nguyên nhân thực sự khiến Gia Cát Lượng qua đời khi mới 54 tuổi - Ảnh 3.

Hình ảnh Gia Cát Lượng trên phim truyền hình.

Cái chết của Trương Bào đồng nghĩa với việc sức tấn công của Khổng Minh lại yếu đi một phần, giành thắng lợi sẽ càng khó khăn hơn.

Lần Bắc phạt thứ sáu, Gia Cát Lượng bỗng nhận tin Quan Hưng qua đời vì bệnh. Khổng Minh khóc nức nở, ngất lăn ra đất, hồi lâu mới tỉnh lại.

Các tướng khuyên can hết lần này đến lần khác, Khổng Minh than rằng: "Đáng thương thay cho một người trung nghĩa, ông trời không cho sống thọ! Lần này ta ra trận, lại thiếu đi một đại tướng rồi!"

Nhiều lần đánh Trung Nguyên không thành công, nội tâm Gia Cát Lượng đã trở nên vô cùng mong manh, không thể chịu đựng thêm đả kích nữa.

Thấy Tư Mã Ý chỉ lo phòng thủ, Gia Cát Lượng không thể dùng mưu để thắng, đành gửi gắm hy vọng vào quân liên minh với Đông Ngô, cùng nhau hành động.

Ai ngờ lại thêm một tin dữ nữa truyền đến: "Vua nước Nguỵ Tào Duệ nghe tin Đông Ngô tiến quân theo ba đường, bèn dụ đại quân đến Hợp Phì, lệnh cho Mãn Sủng, Điền Dự, Lưu Thiệu chia làm ba đạo quân đón địch.

Mãng Sủng tính kế đốt sạch lương thảo và vũ khí của Đông Ngô, khiến quân Ngô điêu đứng. Lục Tốn dâng tấu lên vua nước Ngô, giao hẹn sẽ đánh gọng kìm trước sau, không ngờ người đưa bản tấu lại bị quân Nguỵ bắt được giữa đường, vì thế mưu kế đã bị lộ, quân Ngô chưa đánh đã rút."

Khổng Minh nghe xong thư này thì thở dài một tiếng, không khỏi ngất xỉu, ngã vật ra đất, hồi lâu ông mới tỉnh lại.

Sau lần liên thủ tấn công này của Ngô và Thục bị Tào Nguỵ làm cho tan rã, Gia Cát Lượng hoàn toàn suy sụp.

Khổng Minh than rằng: "Lòng ta hoang mang, bệnh cũ tái phát, e rằng không thể sống tiếp." Ban đêm Khổng Minh ra khỏi màn trướng quan sát thiên văn, ông vô cùng sợ hãi, vào màn trướng nói với Khương Duy rằng: "Mệnh của ta sắp kết thúc rồi!"

 Nguyên nhân thực sự khiến Gia Cát Lượng qua đời khi mới 54 tuổi - Ảnh 4.

Hình ảnh Gia Cát Lượng ốm bệnh nằm trên giường.

Những cái chết liên tiếp của các tướng lĩnh tài ba trong chiến dịch Bắc Phạt, đặc biệt là lão tướng Triệu Vân là những cú đả kích mạnh mẽ giáng vào tinh thần của Khổng Minh khiến ông mỗi lúc một suy sụp. Kết hợp với sực lao lực, ăn ít làm nhiều và những trọng bệnh có sẵn trong người, Gia Cát Lượng khó có thể chống đỡ lại được.

Cuối tháng 8 năm Kiến Hưng thứ 12 (tức năm 234), ông qua đời vì ốm bệnh ngay trong chiến dịch Bắc Phạt lần thứ 6, thọ 54 tuổi.

Những bí ẩn chưa lời giải về mộ Khổng Minh Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng cả đời tận trung vì sự nghiệp chấn hưng nhà Thục Hán, để lại danh tiếng lẫy lừng, thế nhưng nơi an táng thật sự của ông ở đâu thì cho đến nay vẫn chưa tìm được, hậu thế chỉ còn biết tưởng tượng suy đoán. Vậy vì sao lại không ai biết mộ của Gia Cát Lượng ở đâu?

Giả thuyết thứ nhất

Mọi người thường cho rằng sau khi Gia Cát Lượng chết thì chôn ở núi Định Quân, thực ra đấy chỉ là ngôi mộ giả của ông.

Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, vì không muốn hậu thế biết mộ của mình nên trước lúc lâm chung đã sắp xếp: khi chôn ông chỉ cần có chín người, tám người khiêng quan, một người đốt lửa, sau khi xong việc thì trả công cho họ tám lạng bạc.

Như vậy, sau khi sự việc xong thì số bạc đó phải chia thế nào cho 9 người? Nếu không có người đốt lửa thì việc phân chia vừa đều cho mỗi người một lạng bạc. Trong lúc 8 người kia đang bàn bạc thì người châm lửa ở một bên vừa làm cơm vừa tính toán, anh ta nhận thấy số bạc này không dễ chia, nếu xui xẻo có lẽ mình không có phần, chi bằng hãy hạ độc thủ với họ và toàn bộ số bạc này sẽ thuộc về mình. Thế là người đốt lửa bèn tìm thuốc độc rồi cho vào trong nồi, chờ 8 người kia trở lại ăn uống.

Một lúc sau 8 người kia xong việc, họ đã bàn trước cùng nhau, vừa quay ra liền hợp lực đánh chết người đốt lửa. Nhưng sau khi bọn họ ăn uống no say xong, trong lúc đang chuẩn bị chia bạc thì thuốc độc cũng vừa ngấm khiến không ai thoát khỏi cái chết. Vì thế ngày nay không còn ai biết mộ của Gia Cát Lượng ở đâu.

Mọi người vẫn cho rằng sau khi Gia Cát Lượng chết thì chôn ở núi Định Quân.
Mọi người vẫn cho rằng sau khi Gia Cát Lượng chết thì chôn ở núi Định Quân.

Giả thuyết thứ hai

Nói về những câu chuyện thần bí thuộc loại hàng đầu thì không ai qua được nhà chính trị Gia Cát Lượng Khổng Minh kiệt xuất thời Tam Quốc. Tương truyền thuộc hạ của Gia Cát Lượng vì nửa đêm không cẩn thận đã đá phải cây đèn làm tắt lửa khiến phép trường thọ bị phá hỏng, từ đó vị quân sư nước Thục lâm bệnh nặng. Trước lúc lâm chung ông dặn dò Lưu Thiện sau khi cho thi thể ông nhập quan thì nhờ 4 binh sĩ khiêng đi về phía nam, đến chỗ nào mà gậy bị gãy hoặc dây bị đứt thì chôn ông ở đấy.

Với di ngôn của vị Thừa tướng lập bao công lao cho nhà Thục Hán, Lưu Thiện sao có thể chối từ? Thế rồi Lưu Thiện lệnh cho 4 binh sĩ cường tráng khiêng quan tài Gia Cát Lượng đi về hướng nam. Bốn người khiêng một ngày một đêm, cuối cùng sức lực cạn kiệt nhưng cây đòn vẫn chưa gãy, thừng cũng không đứt. Họ liền bí mật bàn với nhau: "Thừa tướng đã chết, triều đình phái chúng ta khiêng quan tài vào nơi rừng hoang núi sâu, đến nhân viên đi hộ tống cũng không có ai, chúng ta vì ai mà phải vất vả thế này, hãy cứ cho chôn ở đây cho xong đi!".

Bàn xong họ liền đào hố chôn Gia Cát Lượng. Sau khi trở về họ bẩm báo lại rằng đã chôn Thừa tướng như dặn dò xong rồi. Lưu Thiện nghe bẩm báo thì thấy không hợp lý, băn khoăn tại sao cây đòn gãy và thừng đứt sớm thế? Thế là liền cho bắt bốn tên lính thẩm vấn. Bốn tên lính không chịu nổi hành hạ thể xác đành khai nhận. Lưu Thiện nghe xong thì phẫn nộ, phán tội khi quân rồi cho chém đầu. Nhưng cũng vì thế mà không ai còn biết mộ Gia Cát Lượng ở đâu nữa.

Có thể nói, Gia Cát Lượng sớm đã tính toán sau khi mình chết thì nước Thục cũng sẽ bị diệt trong tay họ Tư Mã, và chúng sẽ đào mộ ông lên, vì thế mà ông phải tự đạo diễn vở kịch chôn cất để hy vọng giữ được yên tĩnh nơi ông an nghỉ. Tào Tháo và Khổng Minh đều dùng cách này để xử lý việc hậu sự của mình, nhưng kẻ trước bị cho là loại "gian tà", kẻ sau lại cho là "cơ trí". Vấn đề tinh tế và tế nhị này thật đáng để suy ngẫm.

Người ta thường cho rằng mộ Vũ Hầu ở phía nam tỉnh Thiểm Tây chính là nơi an nghỉ của Gia Cát Lượng, cho rằng sau lần thứ 5 diệt Ngụy thất bại, ông buồn phiền sinh bệnh, qua đời trong doanh trại ở vùng Ngũ Trượng Nguyên. Triều đình Thục Hán theo di mệnh đưa ông an táng ở núi Định Quân (huyện Miễn ngày nay), tuy nhiên thực tế đây không phải là mộ thật.


Có nhiều người lại nghĩ mộ Vũ Hầu ở phía nam tỉnh Thiểm Tây mới chính là nơi an nghỉ của Gia Cát Lượng chứ không phải ở núi Định Quân.

Ở khu mộ Gia Cát Lượng có đôi cây quế rất lớn, người đời gọi là "hộ mộ song quế", nằm ở ngay trước mộ, giống như hai vệ sĩ đứng gác. Cây quế cao 19 mét, đường kính hơn 1 mét, được trồng từ thời Tam Quốc.

Vì Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị xây dựng nhà Thục Hán, làm quan đến Thừa tướng Võ Hương hầu, nên người ta gọi khu mộ địa này là Võ Hầu từ. Võ Hầu từ xây dựng sớm nhất ở cạnh mộ Võ Hầu, dưới núi Định Quân (tỉnh Thiểm Tây). Nghe nói Võ Hầu từ ở Thiểm Tây là miếu thờ Gia Cát Lượng duy nhất do Hoàng đế Lưu Thiện (vua cuối nhà Thục Hán) hạ chiếu cho xây dựng, so với Võ Hầu từ ở Thành Đô còn sớm hơn 500 năm.

Trước mộ Gia Cát Lượng có 2 tấm bia. Bia bên trái lập năm Giáp Ngọ triều Minh Vạn Lịch, bia bên phải lập năm thứ 13 triều Ung Chính nhà Thanh. Trên tấm biển có ghi chữ "Song quế lưu phân". Từ chuyện bí mật về nơi an táng này cho thấy, ngay cả với oan gia cừu thù thời đó thì Tào Tháo và Gia Cát Lượng vẫn là cao nhân hiếm thấy trên thế gian.Đền thờ Khổng Minh ở Thành Đô, Trung Quốc.
Đền thờ Khổng Minh ở Thành Đô, Trung Quốc. (Ảnh: Wordpress).

Tài năng lỗi lạc, trí tuệ tinh thông cùng với lòng trung hiếu sắt son, Khổng Minh - Gia Cát Lượng luôn được hậu thế tôn vinh, trân trọng. Sử sách ghi nhận ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao tài ba, và là một nhà tiên tri kiệt xuất thời Tam quốc.

Thắm Lê tổng hợp

Theo khoahoc.tv, nguoiduatin.vn, cafebiz.vn, phamlaw.com

Truyền kì về người vợ “ma chê quỷ hờn” của Gia Cát Lượng


(*) Xem thêm

Bình luận