Nguyên tắc bàn tay trong việc khen con
Việc khen ngợi có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tự tin của mỗi đứa trẻ. Nên cha mẹ không nên tiết kiệm lời khen với con. Tuy nhiên, khen con cũng là một nghệ thuật cần học hỏi nghiêm túc và áp dụng một cách khéo léo sao cho con cảm nhận được nguồn động viên đúng mực từ đó phát huy hơn nữa những tiềm năng vốn có.
Dưới đây là những nguyên tắc "bàn tay 5 ngón" giúp cha mẹ khen ngợi con hiệu quả.
*Nguyên tắc 1: Không khen vào sản phẩm mà khen vào quá trình
Khi thấy con tự xúc ăn, thay vì khen "Con giỏi quá", cha mẹ nên nói: "Hôm nay có nỗ lực đấy. Mẹ thấy con xúc gọn và ít đổ hơn những lần trước".
Việc khen vào quá trình sẽ giúp trẻ hiểu rằng những nỗ lực của con khi thực hiện việc gì đó mới khiến mọi người để tâm, quan sát và đánh giá nhiều nhất. Nhờ vậy trẻ sẽ chú trọng và tiếp tục nỗ lực hơn để được người lớn công nhận, ngợi khen.
*Nguyên tắc 2: Không so sánh con mình với con nhà người ta
Trẻ con có một nỗi sợ vô hình mang tên "con nhà người ta". Việc cha mẹ hay so sánh với những đứa trẻ khác có thể khiến trẻ trở nên tự ti hoặc kiêu ngạo. Cha mẹ cần tuyệt đối tránh những từ ngữ chê bai và đặc biệt không bao giờ được chê trẻ ở giữa đám đông.
*Nguyên tắc 3: Không nên khen phẩm chất của con
️Không phải đứa trẻ nào cũng giỏi giang, thông minh. Nếu được cha mẹ khen quá nhiều những phẩm chất này, khi lớn lên nếu không thành công, chúng có thể thấy những lời khen trái với thực tế và trở nên thất vọng về bản thân mình.
Do vậy thay vì khen con thông minh, giỏi giang, cha mẹ có thể đề cập đến cảm xúc của mình, ví dụ: "Con làm được điều này bố/ mẹ rất vui và hạnh phúc. Bố/mẹ tự hào vì có con”.
*Nguyên tắc 4: Chú ý khen cả những điều nhỏ nhặt mà con không để ý
Hàng ngày, đến bữa cơm trẻ ung dung ngồi xem TV, nhưng hôm nay trẻ đột nhiên bê giúp mẹ cái xoong, cái bát. Khi ấy, ngay lập tức cha mẹ nên khen hành động này của trẻ.
️Trẻ con thường cực kỳ sung sướng về điều này. Việc khen trẻ cả những thứ chúng vô tình làm như thế sẽ giúp trẻ hiểu rằng, hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát và để tâm. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.
*Nguyên tắc 5: Truyền đạt lại lời khen của người khác đến trẻ
Cha mẹ nên tích cực truyền đạt lại lời của người khác khen con (đôi khi có thể là mượn lời người khác). Ví dụ thay vì khen con: “Con rất lễ phép với người lớn”, mẹ có thể mượn lời của bố hoặc hàng xóm: “Hôm nay đi qua nhà bác hàng xóm, bác ấy bảo mẹ, con rất lễ phép, lịch sự và biết chào hỏi người lớn đấy". Điều này làm lời khen trở nên khách quan hơn. Trẻ sẽ vui vẻ và những ngày sau đó luôn chào hỏi khi gặp mọi người.
Nguồn: vietnamnet.vn
Xem thêm