Hiểu đúng về thiền và trí tuệ

15/11/2021 | 471

Có lẽ nhiều người đang sai lầm trong quan niệm và cách hành thiền. Không phải cứ thiền là phải ngồi yên mà thực tế chúng ta có thể thiền trong các tư thế khác nhau. Khi nói “thiền trong cuộc sống hằng ngày”, ta nên hiểu thiền ở đây là sự duy trì chánh niệm, tỉnh giác nơi thân và tâm trong mọi hoạt động. Khi thiền đúng thì trí tuệ sẽ phát sinh và thân tâm ngày càng an lạc hơn.

🍀 THIỀN 🍀

🌻Có một hiểu lầm rất lớn, đó là cho rằng thiền tức là thiền định. Khi dịch các sách dạy về thiền thì người ta hay thêm vào chữ định, thành ra chữ thiền thường đi cùng chữ định.

🌻Thiền theo tiếng Pali chỉ là jhāna (chánna) có nghĩa là "thắp sáng", và từ thứ hai là bhāvanā tức là "phát huy". Tâm địa nơi mỗi người tự nó đã sáng rồi, nhưng thường bị che lấp nên giờ phát huy ánh sáng có sẵn ấy lên thôi. Giống như Ngài Bách Trượng từng nói :"Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu", nếu tâm rỗng lặng, tức ngũ uẩn không khởi thì trí tuệ tự chiếu. Chỉ cần buông ra thì trí tuệ tự chiếu liền.

Lợi Ích Tuyệt Vời Từ Những Chuyến Dạo Chơi Ngoài Thiên Nhiên

Ảnh minh hoạ từ internet.

🌟  TRÍ TUỆ 🌟

🌻Trí tuệ là gì? Đơn giản khi Thầy đưa tay lên, ai cũng liền thấy rõ phải không? Đó là trí tuệ, nó vốn bình thường như vậy chứ không phải là cái gì cao siêu, ghê gớm.

🌻Biết nhiều không phải là trí tuệ, mà chính là "sở tri chướng". Trí tuệ là thấy mọi sự "như thị" tức như nó đang là, còn khi cho là, phải là tức sở tri chướng.

🌻Nhìn ai cũng biết "ruột gan" người ta chỉ là "sở tri" chứ không phải trí tuệ.

🌻Chữ "định" trong thiền định cũng chưa phải là Chánh Định trong Giới-Định-Tuệ và Bát Chánh Đạo, mà chỉ là định trong Sắc Giới và Vô Sắc Giới tức vẫn còn trong Tam Giới, chưa giác ngộ giải thoát.

🌻Trong Giới-Định-Tuệ thì câu "Giới sinh Định, Định sinh Tuệ" cũng hay bị hiểu lầm. Thầy thì thấy ngược lại, Giới nặng quá thì trở ngại cho Định, Định mạnh quá thì trở ngại cho Tuệ.

🌻Một người chỉ lo giữ Giới sao cho thật trong sạch thì không bao giờ Định được cả, một người ngày nào cũng chăm chỉ ngồi thiền vào Định thì đâu con biết rõ những gì đang xảy ra mà có Trí Tuệ.

🌻Chữ sinh trong câu "Giới sinh Định, Định sinh Tuệ" nên hiểu là Giới - Định - Tuệ như 3 yếu tố cùng nương nhau, tương tác với nhau, hỗ trợ lẫn nhau.

🌻Khi Thầy cầm ly nước lên, tay cầm vững chính là Giới, lúc đó tâm không nghĩ lung tung là Định, và ngay đó luôn biết rõ từng diễn biến nơi thân-tâm chính là Tuệ.

🌻Ba yếu tố Giới-Định-Tuệ luôn có mặt đầy đủ và đi cùng với nhau trong mọi diễn biến của đời sống thì mới thành công, và tâm mới cân bằng nên mới có thể thấy ra sự thật. Vì vậy không thể tách chúng ra mà rèn luyện riêng từng cái được...

🌻Như vậy thiền có thể thực hiện trong mọi tư thế, trong mọi hoạt động của đời sống chứ không phải chỉ khi ngồi. Các phương pháp thiền như theo dõi hơi thở, hay chú tâm vào chóp mũi, vv... chỉ là phương tiện, mà đã là phương tiện thì chỉ tùy căn cơ từng người mà áp dụng chứ không nên áp dụng chung cho tất cả mọi người.

🌻Thí dụ người này ngồi chưa yên được thì có thể thử theo dõi hơi thở, hay chú tâm vào điểm nào đó cho tâm dần lắng lại. Khi đã quen rồi thì khi đi cũng như vậy, khi ăn cũng như vậy, chứ không phải bị trói buộc vào phương pháp, cứ ngồi theo dõi hơi thở "miết" mà bị mắc kẹt.

🌻Phương tiện chỉ là hỗ trợ lúc ban đầu, được rồi thì bỏ đi. Như Đức Phật đã nói "Pháp như thuyền đưa người qua sông, pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp".

🌻Khi Thầy giảng tại một trường thiền bên Canada, người sáng lập trường thiền có hỏi Thầy "Nếu như vậy thì có cần phải ngồi thiền không?", vì ở đó ngày nào người ta cũng ngồi thiền. Thầy trả lời "Tuyệt đối không ngồi thiền, nhưng thiền bất cứ khi nào ngồi". Hai điều này khác xa nhau:

🌻"Thiền khi ngồi" tức là: Khi ngồi đây mà những gì đang xảy ra nơi thân-tâm mình đều thấy biết rõ ràng tức đang thiền, khi ngồi lái xe cũng vậy, ngồi trên xe buýt cũng vậy, và xin lỗi ngay cả khi ngồi trong nhà vệ sinh cũng vậy. Tất cả chỉ là soi sáng lại mình ngay lúc đó một cách tự nhiên vô tâm.

🌻Thầy nói "thiền bất cứ khi nào ngồi" vì đang chia sẻ về ngồi thiền, chứ thiền có thể xảy ra là mọi lúc mọi nơi, trong mọi tư thế và diễn biến của đời sống.

🌻Còn "Ngồi thiền" thì lại khác: Là phải bắt tay thế này, nhắm mắt thế kia, tập trung thế nọ. Là ép mình vô một khuôn khổ nào đó, tức là hoàn toàn bị "bản ngã" hay người hướng dẫn giật dây, thân-tâm mình trở thành con rối cho bản ngã, cho người khác.

Tìm lá bồ đề: 2016

🌻Đó chưa phải là tự soi sáng chính mình, là "tự thắp đuốc lên mà đi" như Đức Phật đã dạy...

🌾🌾🌾🌾🌾🌾

Thầy Viên Minh trả lời Hỏi & Đáp của các Phật Tử tại Paris 2018.

🌾🌾🌾🌾🌾🌾

Xin mời nghe thêm Nguồn: YouTube Quán Nguyên

Theo Đức Trí (Facebook)


(*) Xem thêm

Bình luận