Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

05/05/2022 | 489

Sự kiện Đức Phật đản sanh, đắc đạo và trở thành Đấng Giác Ngộ toàn năng đã trở thành một dấu son trong lịch sử nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nguồn tư liệu đồ sộ và phong phú về Phật giáo mà nhiều sự kiện trong cuộc đời Đức Phật vẫn còn những tồn nghi. Tuy nhiên có một điều khẳng định chắc chắn rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải chỉ là một nhân vật huyền thoại được tín đồ và quần chúng nhân dân thần thánh hóa.

Đức Phật đản sanh ngày 8/4 hay 15/4 âm lịch?

“Tháng tư ngày tám” từ xưa vẫn được coi là ngày Đức Phật hiển thế. Từ năm 1959 trở về trước, các nước có truyền thống Phật giáo vẫn tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên Đại hội Phật giáo Thế giới năm 1960 (họp ở Phnompênh, Campuchia) đã thống nhất lấy ngày 15/4 theo lịch mặt trăng làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh cho Phật tử toàn thế giới.

Sự “điều chỉnh” này là do đâu? Ngày Đức Phật đản sinh là ngày kỷ niệm Đức Phật ra đời, sao lại thay đổi? Và sự thực thì Đức Phật đản sinh vào ngày 8/4 hay 15/4? Nhiều người sẽ đặt câu hỏi như vậy.

Các kinh sách Phật giáo không ghi rõ ngày sinh của Đức Phật Thích ca mà chỉ chép lại Đức Phật đản sinh trong một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ. Chiếu theo lịch mặt trăng thì đó là tháng tư âm lịch, và theo lịch Ấn cổ, ngày trăng tròn chính là ngày mùng 8. Như vậy, ngày 8/4 theo lịch Ấn Độ cổ cũng chính là ngày rằm tháng tư theo lịch mặt trăng, hay âm lịch như chúng ta vẫn gọi.

Bối cảnh đản sinh đầy màu nhiệm

Đức Phật giáng sinh ở miền Trung Ấn Độ mà hiện nay được gọi là nước Nepal, một nước ở ven sườn dãy Hy mã lạp sơn, là dãy núi cao nhất thế giới  và tiếp giáp với nước Tây tạng. Nguyên Ngài là Thái tử nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu). Phụ hoàng tên là Tịnh Phạn vương Đầu-đà-na (Sudhodana) và Mẫu Hoàng tên là Ma-da (Maya). Họ của Ngài là Kiều-Đáp-Ma  (Gautama), được dịch là Cù-đàm và tên Ngài là Tất-Đạt-Đa (Siddhartha).

Truyện kể rằng: Một hôm vào lễ vía Tinh Tú, vua Tịnh Phạn mở tiệc vui chơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện xong, Hoàng Hậu Ma-da cùng gia đình ra ngoài thành để bố thí thức ăn và quần áo cho dân nghèo. Khi trở về cung an giấc, Hoàng Hậu nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên không trung bay xuống và sau đó lấy ngà mà khai hông bên hữu của bà mà chui vào. Hoàng Hậu bèn đem điều chiêm bao này thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ bèn cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng:”Hoàng Hậu sẽ sanh ra một quý tử có tài đức song toàn”.

Nhà vua rất vui mừng vì nghĩ rằng ngôi báu của Ngài từ đây có người truyền nối. Theo tục lệ của Ấn Độ thì Hoàng Hậu phải trở về nhà của cha mẹ là vua A Nậu Thích Ca (AnuShakya) ở nước Câu-ly (Koly) để cha mẹ chăm sóc trước khi sanh nở. Trên nửa đường đi về nhà cha mẹ, Hoàng Hậu cùng đoàn gia nhân tới vườn hoa Lâm tỳ ni (Lumbini) thì bình minh vừa ló dạng.

Trăng tháng tư - Lời con dâng Phật

Tương truyền rằng vì thấy vườn hoa tươi đẹp nên Hoàng Hậu Ma-da rảo bước ngắm hoa. Trông thấy nhánh hoa “vô ưu” mới nở vừa thơm vừa đẹp và cành lá sum suê nên Hoàng Hậu bèn lại gần và với tay bên phải để hái hoa thì Thái Tử bỗng đâu từ trong hông phải của bà chun ra. Khi đó bỗng nhiên từ dưới đất mọc lên một đóa hoa sen Thất Bảo lớn như bánh xe mà đỡ cho Ngài. Thái tử vừa giáng sinh thì bước đi bảy bước có bảy đóa sen đỡ chân. Một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng:”

"Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sinh tử
Ư kim tận hỷ

Có nghĩa là:

"Trên trời, dưới trời
Ta là người duy nhất
Kiếp này là kiếp cuối cùng của Ta
Vì không còn sinh tử nữa".

Ngã” ở đây là chấp ngã nghĩa là chấp thân, tâm này thật sự là  “ Ta” và  “Cái Của Ta”. Đức Phật không phủ nhận thân này là ta hay những vật sở hữu mà chúng ta dày công gầy dựng là của ta, nhưng Ngài chỉ nhắc nhở rằng cái Ta hay cái của Ta chỉ là dựa trên quy ước, trên danh nghĩa của cuộc đời thế thôi. Nếu con người chấp cứng vào nó thì đây là những sợi dây vô hình cột chặt con người vào cảnh khổ, không có lối thoát từ kiếp sống này và đến biết bao kiếp sau nữa. Tại sao? Bởi vì khi còn chấp là còn dính mắc, còn bị ràng buộc trong thế gian. Từ chấp ngã mà gốc rễ  tham, sân, si mới có cơ hội phát tác. Tùy theo cường độ tham sân si nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà thọ sanh nơi các cõi trời (thiên thượng) hay đọa ở các cõi địa ngục (thiên hạ). Từ đó, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có thể hiểu rằng: “Ta từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều khi sanh lên các cõi trời, lắm lần đọa vào các địa ngục, đầu dây mối nhợ không do đâu khác hơn là tham, sân, si đẩy đưa đến ngã chấp mà không thấy rõ bản chất “vô ngã, duyên sanh” từ thân, tâm đến hoàn cảnh chung quanh”. Đó là lời khai thị và cũng là lời cảnh cáo ngay từ buổi bình minh của đời Ngài.

Trong khi đó, Phật giáo Đại thừa giải thích câu: “Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn” là “Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý nhất”. Nhưng tại sao lại là đấng tôn quý nhất? Bởi vì chữ “Ngã” trong câu này có nghĩa là “Chân Ngã” tức là “Phật tánh”. Vì là Phật tánh cho nên trên trời, dưới đất không có gì quý bằng.

Bây giờ, hãy lắng nghe Đức Phật diễn tả lại cuộc hành trình đó trong kinh Pháp Cú câu 154:

Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...” .

Kẻ làm nhà ở đây là tham lam ái dục, là độc đầu tiên trong tam độc tham, sân, si. Nhà là tấm thân do ngũ uẩn giả hợp. Cột kèo... là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi nghĩa là Đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Nói rõ hơn là Ngài đã thành tựu tuệ giác siêu việt nên không còn bị nghiệp lực đẩy đưa đây đó, lên xuống trong ba cõi sáu đường. Do vậy Ngài tuyên bố câu:

Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” nghĩa là vì chưa tìm ra nguyên nhân, nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sanh tử luân hồi. Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ thì sanh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa. Vì vậy muốn liễu sanh thoát tử thì bắt buộc phải thực chứng chân lý “Vô Ngã”.

Tuy nhiên, kinh điển Nguyên thủy Pali không hề nói đến việc Thái tử sinh ra từ hông phải của Hoàng hậu Ma-da. Trong Trường Bộ Kinh Tập 1, Kinh Đại Bổn 14 có câu:”Này các Tỳ kheo! Pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát Tất Đạt Đa từ bụng mẹ sanh ra, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy”. Như thế theo kinh tạng Nguyên thủy, sự đản sanh của Đức Phật là một con người bình thường, Hoàng hậu Ma-da cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đến ngày khai hoa nở nhụy, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi đứa trẻ khác trên thế gian này.

Lễ Phật Đản: Nguồn gốc, Nghi thức và Những điều cấm kỵ

Đây là ngày mồng tám tháng tư (năm 624 trước Tây lịch). Thái Tử được đặt tên là Tất-Đạt-Đa (Siddhartha) và cũng theo tục lệ của Ấn Độ thì người con phải lấy họ mẹ là Thích Ca. Hoàng Hậu Ma-da tạ thế sau khi sanh Thái tử được bảy ngày. Mặc dầu chết sớm, nhưng Hoàng Hậu rất vui mừng vì đã sanh ra được một quý nhơn và bà nghĩ rằng mình đã làm tròn nhiệm vụ cao quý đó cũng như đã rửa sạch những nghiệp báo trên đời này. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho em gái của Hoàng hậu là bà Ma-ha-Bà-xà-ba (Mahaprajapati) nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn.

Ngày đản sanh Thái tử, khắp nơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa kết trái, trên không thì chim chóc múa ca và hào quang chiếu sáng cả mười phương. Đức vua cha vui mừng khôn xiết và Ngài cho mời các vị tiên tri đến xem tướng cho Thái tử. Có vị đạo sĩ nổi tiếng tên là A Tư Đà (Asita) lúc đó đang tu trên núi Tuyết sơn, được chư Thiên mách bảo, bèn xuống núi đến cung vua để chào mừng và xem tướng cho Thái tử. Gặp Thái tử, đạo sĩ A Tư Đà bỗng nhiên chấp tay vái chào với thái độ hết sức cung kính. Đạo sĩ tuy cười mà vẻ mặt thoáng buồn. Ông nói là rất vui mừng vì :“Thái Tử có 32 tướng tốt xuất hiện nên sau này sẽ thành một vị Thánh”, nhưng ông buồn vì ông tuổi đã quá cao, ắt phải qua đời nên không có cơ hội được trực tiếp giáo huấn bởi vị Thánh nầy để được giải thoát. Nghe xong nhà vua không được vui cho lắm vì Ngài chỉ muốn con mình làm một vị vua để nối dõi tông đường mà thôi. Vì thế mà nhà vua muốn đổi số mệnh cho con mình nên đặt tên cho Thái tử là Tất-Đạt-Đa, theo tiếng Phạn có nghĩa là kẻ sẽ giữ chức vị mà mình phải giữ. Chức vị mà nhà vua muốn ám chỉ ở đây là ngôi vua, nhưng nhà vua đâu có ngờ rằng chức vị sau nầy của con Ngài chính là chức vị Phật.

Những tố chất phi thường

Khi Thái Tử lên bảy tuổi, nhà vua cho mời tất cả những vị thầy giỏi nhất trong nước để chỉ dạy cho Ngài. Thái tử làu thông các môn văn học và ngôn ngữ học. Ngài tiếp tục chuyển qua môn công kỹ nghệ học, rồi đến Y học. Sau đó Ngài còn hấp thụ cả về Luận lý học cũng như Đạo học. Riêng về Đạo học, Thái tử được dạy về 4 sách của các Thánh Vệ Đà (Veda). Đây là những sách nói về các Thánh của Bà La Môn. Kinh Phật nói rằng chỉ trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã làu thông tất cả 5 môn học và 4 sách Vệ Đà trên. Đến năm 13 tuổi, Thái tử bắt đầu học võ thuật. Nhờ có sức khỏe phi thường, Thái tử học môn gì cũng giỏi. Đặc biệt là môn bắn cung, trong một cuộc hội thi, Thái tử đã bắn một mũi tên xuyên qua 7 lớp trống đồng, trong khi những người giỏi nhất khác chỉ bắn xuyên được ba lớp trống đồng mà thôi. Chẳng bao lâu Thái tử đã trở thành một vị văn võ song toàn khó một ai sánh kip. Song song với sự phát triển về tài năng, đức độ của Ngài cũng phát triển một cách vô cùng nhanh chóng và sâu rộng. Tình thương của Ngài đối với mọi người và mọi vật bao la cao cả.

Chúng ta cùng xem tóm tắt cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sanh đến khi thành đạo qua bộ phim hoạt hình sau đây:

Sáng soi Phật Đản

Ngày Phật Đản muôn đời con vẫn nhớ

Pháp thân Người chuyên chở bóng chân thường

Người về đây bao đau khổ nhiễu nhương

Tan theo gió, hoà trong làn sóng nước.

Ngàn năm trước vẫn còn đầy ô trược

Giấc chiêm bao sao thấy mộng đêm dài

Cuộc trần ai chìm đắm luỵ bi ai

Say hay tỉnh con thơ nào có biết.

Ngày Phật Đản thấy lòng mình da diết

Cũng vì ai có mặt Bụt - Như Lai

Xin Ngài về mang lại ánh ban mai

Bình minh sáng, soi tâm hồn đen tối.

Ngày Phật Đản, Phật mở đường, khai lối

Nẻo luân hồi muôn thuở phải đi ra

Ngài về đây mang nhung gấm Lục hoà

Cõi Tịnh độ từ Ta bà hiển hoá! 

Tổng hợp theo thuvienhoasen.org, phatgiao.org.com, Ngôi Nhà Phật Pháp 

-----

Bát chánh đạo: con đường chuyển hoá nỗi khổ niềm đau và đạt tới sự an lạc mãi mãi


(*) Xem thêm

Bình luận