Tướng do tâm sinh
Có thể nói, dung mạo của một người thay đổi tuỳ theo ý niệm thiện – ác trong tâm họ. Tính cách của một người đều thể hiện trên nét mặt. Thế mới nói, người thiện tâm ắt có phúc tướng tốt. Trung y thời cổ đại đã nói: Nếu nội tâm của một người tĩnh lặng, lạc quan, yên bình, từ bi, lương thiện thì cơ thể của người đó sẽ hoạt động một cách trơn tru và đương nhiên người ấy sẽ có được một sức khỏe tốt, tinh thần tốt, dung mạo phúc hậu cũng chính là phúc tướng.
Nhìn tướng không bằng nhìn tâm.
Thời cổ đại cũng có câu: “Hữu tâm vô tướng, tương trục tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt” (có tâm thì dẫu vô tướng, tướng cũng sẽ do tâm mà sinh; có tướng mà tâm vô, thì tướng ấy cũng tuỳ tâm mà tiêu mất), có thể thấy những lời này nói rõ: tướng mạo của một người sẽ theo tâm niệm thiện ác của người ấy mà biến đổi.
Dù hiện tại người ấy có tướng mạo hung ác song người ấy lại thường xuyên khởi tâm từ bi thì hung tướng kia dần dần sẽ chuyển thành cát tướng. Ngược lại, một người nếu hiện tại có vẻ mặt phúc tướng song nếu người ấy không biết hành thiện tích đức thường xuyên khởi nên ý niệm tham lam, oán hận… trong đầu vậy thì phúc tướng kia cũng dần dần biến mất.
Trong «Tứ Khố Toàn Thư» luận thuật rằng: “Vị tướng nhân chi tướng, tiên thính nhân chi thanh, vị thính nhân chi thanh, tiên sát nhân chi hành, vị sát nhân chi hành, tiên khán nhân chi tâm” (đừng nhìn tướng mạo người, trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta; đừng nghe thanh âm người, trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta; đừng quan sát hành vi người, mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta).
Điều đó cũng nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người, rằng biến hoá của diện tướng cũng là biến hoá của tâm biểu hiện ra bên ngoài. Chính vì thế, tâm là mấu chốt quan trọng nhất của tướng, nhìn tướng không bằng nhìn tâm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, khi trong lòng cảm thấy vui vẻ, dễ chịu, lượng máu chảy về phía bề mặt da sẽ tăng lên làm cho sắc mặt hồng hào và sáng bóng hơn. Những trạng thái cảm xúc không tốt như căng thẳng, ức chế, hốt hoảng, sợ hãi, nghĩ những việc ác sẽ làm rối loạn nội tiết khiến cho lượng máu cung cấp cho da sẽ giảm đi.
Từ đó, khiến sắc mặt mất đi vẻ sáng bóng mà trở nên khô sạm, đặc biệt là xuất hiện nhiều nếp nhăn. Nếu như tâm tình không tốt kéo dài trong một thời gian sẽ làm suy nhược thần kinh, mất ngủ, làm da bị lão hóa. Dần dà người này sẽ có dung mạo xấu xí và hung dữ.
Thiện tâm biến hung tướng thành phúc tướng
Ngày xưa có một thư sinh tên là Tiêu Danh Hùng. Anh ta cùng một số người bạn lên kinh thành dự thi. Hôm ấy đang trên đường vào kinh, lúc thuyền của họ bị dừng lại ở bên bờ sông thì vừa hay gặp một ông thầy tướng nổi tiếng trong vùng.
Ông thầy tướng nhìn thấy Danh Hùng liền nói: “Ánh mắt của cậu nhìn rất thất thần, mũi nổi rõ những tia máu màu đỏ, sắc mặt và màu da giống như màu gan lợn. Đây đều là điềm xấu. Cậu lần này vào kinh dự thi không những không đỗ đạt mà e rằng còn bị mất mạng. Ta nghĩ chi bằng cậu nên hồi hương thì hơn.”
Đột nhiên nghe được những lời nói này của thầy tướng nhưng trong lòng Tiêu Hùng không tức giận. Bởi lẽ trước đây anh ta từng đọc rất nhiều sách thánh hiền nên biết rằng tâm tướng còn tương xứng với thiện ác. Do đó, anh ta vội cảm ơn ông thầy tướng và không ghi nhớ những lời ấy.
Hôm sau, ở tầng trên của chiếc thuyền có một người tỳ nữ hắt nước xuống sông thì không may làm rơi chiếc vòng tay bằng vàng. Chiếc vòng tay bằng vàng ấy rơi đúng vào khe hở của chiếc thuyền và bị một người phụ thuyền nhặt được, giấu vào trong ngực. Một lát sau, trên thuyền xảy ra một trận huyên náo.
Nữ chủ nhân trách mắng người tỳ nữ kia lấy trộm chiếc vòng tay vàng ấy nhưng người tỳ nữ một mực không nhận. Cuối cùng, không còn cách nào khác, tỳ nữ nhảy qua cửa sổ của thuyền xuống dòng sông tự vẫn.
Vốn là người bơi giỏi nên vừa nhìn thấy có người nhảy sông tự vẫn thì Tiêu Hùng vội vàng nhảy xuống ứng cứu. Anh ta không những vớt được người tỳ nữ mà còn âm thầm tìm hiểu và khuyên người phụ thuyền kia trả lại vòng vàng cho họ. Nhờ thế chẳng những tỳ nữ được minh oan mà người phụ tàu cũng không bị mang tiếng ác.
Hình minh họa
Thật là một công đôi việc. Bởi vì sóng gió quá lớn nên thuyền của họ bị dừng ở đó hơn mười ngày. Vừa khéo Tiêu Hùng lại gặp được ông thầy tướng mấy ngày trước. Tuy nhiên lần này vừa nhìn thấy Tiêu Hùng, ông chăm chú nhìn anh ta một hồi rồi đột nhiên chắp tay chúc mừng, nói: “Công tử có thiện hạnh! Gặp dữ hóa lành, đã đem toàn bộ ác khí hóa thành ánh sáng cát tường hết. Thật sự là đáng mừng!”
“Vì sao ông lại nói như vậy?”, Tiêu Hùng hỏi.
Ông thầy tướng liền trả lời: “Chiếc mũi của tướng công trước có màu đỏ nhưng hiện giờ đã biến thành màu vàng nhạt. Hai hàng lông mày lúc trước có màu tía nhưng hiện giờ đã trơn bóng, hai con mắt hiện ra ánh sáng như mắt long lân vậy. Sắc mặt hiện ra ngũ sắc, ngài nhất định đỗ đạt trong kỳ thi này.”
Nghe xong, Tiêu Hùng lắc đầu nói: “Thuyền của chúng tôi đã bị gió làm trì hoãn nhiều ngày nay, không thể đi được, cho dù hôm nay có đi được thì ngay cả đến nơi cũng chưa chắc kịp, nói gì đến công danh đây?”
Ông thầy tướng nhìn kỹ lại một lần rồi ngắt lời nói: “Tôi quan sát khí sắc của công tử, đã cải họa thành lành. Công tử kỳ này nhất định đỗ đạt, tiền đồ rộng mở. Cho dù không tới được trường thi thì cũng có thể gặp được hoàng ân đặc biệt. Vì vậy, công tử nhất định không thể không đi tiếp!”
Tiêu Hùng bởi vậy đã quyết tâm tiếp tục vào kinh. Khi anh ta đến kinh thành thì nghe thấy tin trường thi bị cháy, toàn bộ bài thi bị thiêu rụi. Vì vậy, Hoàng Đế hạ lệnh tổ chức thi lại, Tiêu Hùng nhờ đó mà có thể được tham dự. Quả nhiên trong kỳ thi ấy, Tiêu Hùng đỗ trạng nguyên. Trước khi yết bảng, trẻ con cùng nhau hát câu đồng dao: “Trường trung bất thất hỏa, na đắc trạng nguyên tiêu?” ý tứ chính là “Nếu trường thi không bị cháy, thì nơi ấy sao có được trạng nguyên họ Tiêu được đây?”
Như thế có thể thấy rằng, tướng chính là “quả” của tâm, một khi thiện tâm khởi lên có thể biến hung tướng thành phúc tướng, gặp dữ hóa lành.
Theo phunu.news
Xem thêm