Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

09/11/2020 | 837

Mỗi người chúng ta không phải sống đơn lẻ trên hành tinh này, mà đều có sự giao hoà với mọi người  xung quanh và tất cả muôn loài. Vậy không nên sống với tâm ích kỷ, mà ngược lại với lòng yêu thương trao đi, rồi bạn sẽ nhận về hạnh phúc.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Trong cuộc sống luôn cần có những tấm lòng biết yêu thương và sẻ chia, phải biết cho đi thì mới có thể nhận lại được. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, dường như con người càng trở nên khép mình, thiếu quan tâm đến những người xung quanh hơn.

Cho và nhận – đó là một mối quan hệ nhân quả. Cho mang ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ. Đó có thể là những việc nhỏ nhặt như dắt một bà cụ qua đường, bẻ chiếc bánh mì làm đôi cho người bạn nghèo cùng lớp, hay đôi khi chỉ là một lời nói động viên, một nụ cười hiền, một ánh mắt cảm thông...

Nhận là những gì ta được đền đáp lại. Từ xưa, khi còn thuở ấu thơ, ta vẫn thường được nghe các mẹ, các bà kể câu chuyện về những cô Tấm, nàng Lọ Lem hiền lành được ông Bụt, bà Tiên giúp đỡ khi gặp họa nạn. Đó chẳng phải là cho đi và nhận lại đấy sao?

Nhiều khi, bản thân cho đi nhiều điều nhưng lại không biết được rằng mình đã được nhận lại từ người khác từ lúc nào. Có một câu chuyện kể rằng một cô gái đi trên đường bất chợt gặp một người ăn xin. Thương cho ông lão đã già mà vẫn phải sống cơ cực, nghèo khổ, cô muốn gửi cho ông một chút gì đó để cho ông đỡ vất vả. Tuy nhiên khi lục lọi khắp người, cô lại không tìm thấy gì để có thể cho ông lão. Cảm thấy áy náy, cô lại gần và cầm tay ông lão, xin lỗi ông vì không có gì cho ông. Nhưng thật bất ngờ, ông cụ đã nói rằng: “ Cháu đã cho ông rất nhiều rồi”. “Hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”, và thứ mà cô gái đã trao cho ông lão, có lẽ ở đây ai cũng hiểu, đó chính là niềm thương cảm, là hơi ấm của tình người. Tình thương của cô đã giúp cho ông lão cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Chính bản thân cô cũng phần nào cảm thấy ấm lòng vì thấy việc mình làm phần nào cũng đem lại giá trị cho người khác.

Cái sự nhận lại này đôi khi không phải là trong phút chốc mà có được. Trồng cây phải lâu năm thì mới có được ngày hái quả, sẽ có một lúc nào đó khi gặp khó khăn, bạn sẽ gặp được sự giúp đỡ của những người mà có khi chính bản thân mình không quen biết. 

Một câu chuyện khác khó tin nhưng có thật như sau: Một cái cây đã bị cưa mất gốc nhưng cái cây bên cạnh đã giúp nó sống sót khỏe mạnh bằng chất dinh dưỡng của mình.... Đó chính là sự kì diệu của thiên nhiên. Đó chính là sự nâng đỡ nhau qua khó khăn. Là con người, đừng bao giờ thờ ơ trước sự khó khăn của người khác, bởi vì "Mỗi người khi sinh ra đều có 2 bàn tay, một bàn tay giúp mình và một bàn tay để giúp đời".

Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ mà không hề đòi hỏi sự báo đáp. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Hoặc thậm chí, khi nhìn thấy những người đang cần sự giúp đỡ của mình, thì điều đầu tiên họ nghĩ là tính toán xem làm thế nào để có lợi cho mình. Họ không quan tâm đến những người xung quanh, chỉ biết giữ lấy của riêng mình. Gieo nhân nào gặt quả nấy, khi gặp khó khăn, họ sẽ bị người khác quay lưng vì trước kia chính họ đã sống quá thờ ơ với mọi người.

Khi ta trao yêu thương cũng là lúc ta nhận lại hạnh phúc, xây dựng và nuôi dưỡng cho tâm hồn giàu đẹp. Cho và nhận – tưởng chừng như là những khái niệm đơn giản nhưng để hiểu và làm được thì không hề dễ dàng. Khi cho đi ta cũng cần phải có tuệ giác (cho ai, cho cái gì, bao nhiêu, cách cho, khi nào cho...) để hành động cho đi thực sự có ý nghĩa tích cực với người nhận. Một điều đặc biệt lưu ý là cho đi với tâm không mong cầu, không toan tính thiệt hơn thì bạn mới có thể nhận được phước báu ngày sau.

Cho và nhận thể hiện sự quan tâm và yêu thương giữa người với người và giữa người với vạn vật trong thế giới tự nhiên. Cuộc sống thật ý nghĩa khi chúng ta biết cho đi. Bạn cứ hãy rộng lòng cho đi khi có thể rồi sẽ được nhận lại nhiều hơn thế. Giá trị của sự cho đi không nằm ở hiện vật mà nằm ở cách chúng ta cho đi với thái độ đồng cảm và động viên chân thành hay không? Cho đi là một cách chúng ta gieo "hạt lành" cho "cây phước" trổ "quả ngọt" trong tương lai. Do đó cho đi là hạnh phúc, cho đi là còn mãi...

Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Thắm Lê


(*) Xem thêm

Bình luận