Khuê Văn Các - Biểu tượng của Hà Nội

01/11/2021 | 935

Nhắc đến Văn Miếu Quốc Tử Giám là nhớ đến Khuê Văn Các, nhìn thấy hình ảnh Khuê Văn Các là nhớ đến Hà Nội thủ đô yêu dấu của chúng ta. Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, nhỏ nhắn và đơn giản. Đây là kiểu kiến trúc rất đặc trưng của người Việt, biểu tượng của văn hóa, văn hiến của Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Khuê Văn Các- kiến trúc cổ mang phong cách đặc trưng văn hóa Việt

Khuê Văn Các được Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) cho xây dựng vào năm 1805. Công trình là một lầu vuông 8 mái, gồm 4 mái thượng và 4 mái hạ, được xây trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng xây cao hơn so với mặt đất khoảng 1m. Tầng dưới là 4 cột trụ hình vuông với họa tiết cầu kỳ, bốn bề để trống. Tầng trên là kiến trúc gỗ 2 tầng, mái cũng gồm 2 tầng và được lợp ngói ống. Bốn cạnh gác có diềm gỗ được chạm trổ tinh vi, xung quanh là lan can hình con tiện. Ở bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ tròn xung quanh có những thanh gỗ tỏa ra bốn phía, tượng trưng cho các tia sáng của sao Khuê.

Trên gác có treo tấm biển sơn son thếp vàng đề 3 chữ Hán: “Khuê Văn Các”, nghĩa là “gác Khuê Văn”. Xung quanh 4 mặt gác đều có câu đối mang nội dung tôn vinh vẻ đẹp của gác Khuê Văn và đạo học dài lâu. Theo cách lý giải của người xưa, “Khuê” là tên một ngôi sao trong chòm 28 sao. Chòm sao Khuê có 16 ngôi, sắp xếp khúc khuỷu giống như hình chữ Văn. Trong sách “Hiếu kinh” có ghi: “Khuê chủ văn chương”, tức sao Khuê là sao chủ của văn chương.

Đặc biệt, những ô cửa sổ tròn trên gác Khuê Văn tượng trưng cho bầu trời, được thiết kế để khi ánh nắng chiếu qua sẽ phản chiếu xuống giếng Thiên Quang bên dưới, tượng trưng cho mặt đất. Lối kiến trúc này mang tư tưởng triết lý sâu xa của người xưa, ý nói đây là nơi tập trung mọi tinh hoa của trời đất và đề cao văn hóa Nho học Việt Nam.

Khuê Văn Các

Khuê Văn Các nhìn từ phía Hồ Thiền Quang 

Được thiết kế theo lối kiến trúc tam quan truyền thống của người Việt, Khuê Văn Các là cổng chính, hai bên là hai cổng Bí Văn (văn chương trau chuốt, sáng sủa) và Súc Văn (văn chương hàm ý, súc tích).

Với những tư tưởng, triết lý sâu xa, tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt, Khuê Văn Các được coi là biểu trưng cho nền văn hiến Việt Nam. Năm 1999, Khuê Văn Các chính thức được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng là trân trọng và phát huy truyền thống nêu cao tinh thần hiếu học của người Việt, thể hiện tầm nhìn và định hướng coi trọng giáo dục của đất nước trong tương lai. Do đó, Khuê Văn Các chính là biểu tượng xứng đáng cho thủ đô của nước Việt.

Biểu tượng Khuê Văn Các mang tính ứng dụng cao 

Một mẫu biểu trưng, biểu tượng ngoài yêu cầu về tính thẩm mỹ, sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hiện còn cần có tính ứng dụng, thuận tiện cho việc in ấn, phóng to, thu nhỏ, đắp nổi, dễ thể hiện trên các loại chất liệu, công trình kiến trúc.

Khuê Văn Các có một số nét cách điệu đơn giản mang tính ứng dụng cao. Đây là tác phẩm của họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn, người Hà Nội, hiện đang sống tại Pháp. Nhân vật này cũng là tác giả của logo chùa Cầu - biểu trưng của thành phố Hội An nổi tiếng. 

Khuê Văn Các

Khuê Văn Các - biểu trưng Hà Nội được thiết kế trang trí đèn đường thủ đô

Kể từ khi Khuê Văn Các được công nhận là biểu trưng của Thủ đô, thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng rộng rãi trong tổ chức các lễ hội kỷ niệm… Đặc biệt là từ sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (vào năm 2010) biểu trưng Khuê Văn Các đã trở thành hình ảnh thân thuộc, gắn bó,  mang tính biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Có thể nói Tháp Rùa - hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long… có lịch sử lâu đời hơn Khuê Văn Các, cũng là một phần không thể  thiếu, in đậm trong tâm trí mỗi người khi nhớ về truyền thống, lịch sử Hà Nội. Song biểu tượng cần bao hàm sự khái quát, truyền thống và hiện đại, mang tính giáo dục, làm rõ đặc trưng nổi bật của Thăng Long - Hà Nội. Do vậy, Khuê Văn Các thực sự là biểu trưng, biểu tượng xứng đáng, niềm tự hào của thủ đô, của người Việt. 

Theo Nhịp Sống Hà Nội & Du lịch Việt Nam

 


(*) Xem thêm

Bình luận