Đặc sắc lễ hội té nước mừng năm mới ở một số nước Đông Nam Á
Giữa tháng 4, khi gió mùa Tây - Nam thổi, mùa mưa sắp đến, một số nước trong khu vực Đông Nam Á mới chính thức bước vào năm mới mở đầu bằng lễ hội té nước tưng bừng cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.
1. Bun mi pay - Lào
Năm mới của nhân dân các bộ tộc Lào bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 15/4 dương lịch. Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ.
Người Lào sống hiền lành và thiên về điều thiện. Trong ngày Tết, vui nhất là ở các chùa chiền. Người ta cho nước thơm (nước ngâm từ các loài hoa thơm) vào lọ, vào bình, vào xô, chậu… để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.
Tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những “gầu” nước dội lên khắp người khi đến thăm.
Người được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng sung sướng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến. Ngày đầu năm, ngoài tục vẩy nước, té nước còn diễn ra nhiều trò vui, khỏe gắn với sông nước, trong đó nhộn nhịp nhất là các cuộc đua thuyền. Tỉnh nào hầu như cũng mở hội đua thuyền. Mỗi vùng đều có các loại thuyền đua đẹp khác nhau, trang trí rực rỡ và độc đáo. Nhiều nhất là thuyền rồng, có thuyền độc mộc khoét từ một thân cổ thụ quý từ trên rừng già, có thuyền sơn son thếp vàng và khảm xà cừ những hoa văn lạ mắt. Những phường bạn chèo, mặc đồng phục đủ mầu, mái chèo loang loáng… Thuyền lướt sóng trước hết là liên hoan gặp mặt hằng năm tay bắt mặt mừng của đại biểu rừng đại ngàn với dòng chảy lớn của con sông Mẹ để dân làng bày tỏ sự tri ân với các vị Thần nước, với tổ tiên đã phù hộ cho được yên ổn làm ăn phong đăng, hòa cốc.
Những người không ra xem hội đua thuyền, lại có thú đón Tết bằng trò vui khác cũng từ sông nước. Họ rủ nhau ra bờ sông, xúc những xe cát đầy chở về đắp thành những núi cát nhỏ quanh các gốc cây cổ thụ nơi sân chùa. Ðỉnh núi cát, có cờ đuôi nheo, cờ phướn bằng những dải lụa mầu sắc. Có người chăng trên đỉnh và sườn núi cát những chỉ ngũ sắc. Trẻ em chạy vòng quanh các núi cát, người lớn ngắm nhìn và trò chuyện vui vẻ bên những công trình nghệ thuật và cầu nguyện sang năm mới có nhiều điều phúc như hạt cát trên núi sẽ đến với mọi người. Nhiều gia đình trong những ngày này lại ra sông thả cá, kiểu như lễ hội phóng sinh ở cố đô Huế của ta. Ngày hội thả cá trên sông cũng tấp nập không kém các trò vui khác. Dân Lào coi việc phóng sinh cá trong ngày Tết, để ước vọng quê hương mình trù phú, trên cánh đồng lúa thơm, dưới sông nước đầy cá béo.
Nhưng có một lễ hội được đông đảo người Lào tham gia trong ngày Tết là rước nữ chúa xuân. Tập tục này có từ thời xa xưa. Nữ chúa xuân, là nàng Xẳng Khản, một trong bảy người con gái của Thần bốn mặt – vị thần có công đem những điều tốt lành cho dân Lào. Theo đó, mỗi năm trước lễ hội, người ta thi hoa hậu để tuyển bảy cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang trong cuộc sống. Ðến giờ hoàng đạo, đoàn rước nữ chúa xuân thật tưng bừng. Một cô gái đóng chúa xuân một tay gươm, một tay cầm vòng lửa cùng sáu người em gái xiêm y rực rỡ ngồi trên xe mui trần trang hoàng lộng lẫy. Trong đoàn diễu hành, người ta mang mặt nạ Pu Nhơ và Nha Nhơ, theo truyền thuyết là người đàn ông và đàn bà đầu tiên sinh ra dân tộc Lào. Ði theo đoàn rước là một dòng người nối tiếp nhau vừa đi, vừa múa hát trong tiếng trống vang lừng. Người bên đường tươi cười té nước mát cho đoàn hội, chúc nhau những lời đẹp nhất của năm mới.
Những năm gần đây, Bun Pi May đã mang những nội dung mới. Ðó là dịp các cơ quan, công sở họp mặt tổng kết công tác năm vừa qua và phát động đợt thi đua mới để năm tiếp theo có thêm nhiều thành tích mới. Tiếp đó, là các hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn phù hợp đặc điểm dân cư, tập quán của từng vùng. Ðối với người Lào, vui là chính, ăn uống là phụ. Ở đâu có tiếng trống nổi lên và điệu múa lăm vông làm xốn xang lòng người thi ở đó vui thâu đêm suốt sáng.
Vui từ trong nhà ra ngoài ngõ, vui làm cho đêm lăm vông như ngắn lại, nhưng dù vui đến mấy người Lào vẫn giữ được bản chất hiền hòa, lối ứng xử mềm mại và luôn coi trọng giá trị nhân bản. Chính vì vậy mà ở tất cả các cuộc vui chơi không hề xảy ra chuyện to tiếng, cãi vã hoặc ẩu đả nhau làm ảnh hưởng sự bình yên vốn có của bản làng.
2. Songkran - Thái Lan
Đây là lễ hội té nước đón mừng năm mới vô cùng đặc sắc và thú vị diễn ra ở trên toàn nước Thái Lan. Dù mỗi địa phương có nét đặc trưng riêng, nhưng bạn ở Bangkok, Pattaya hay Chiang Mai đều có thể “xõa” hết mình cùng lễ hội. Trong đó, thủ đô Bangkok mà đặc biệt là đường Khao San, quảng trường Hoàng gia Rattanakosin, đường Phra Athit, Santhichaiprakan và Wisut Krasat là những nơi diễn ra lễ hội sôi động nhất và tràn ngập sắc màu. Trang phục sặc sỡ, âm nhạc, nhảy múa, và họ té nước vào nhau bằng những xô, chậu, súng nước, vòi phun nước... làm ướt sũng từ đầu đến chân trong cái nóng oi bức của tháng 4 khiến ai cũng thích thú.
Tại Chiang Mai - nơi vẫn giữ nguyên cái tết cổ truyền với những nét đẹp truyền thống, bạn có thể té nước hoa nhài vào tượng Phật hay người lớn tuổi, lễ buộc chỉ cổ tay, xây dựng tháp cát, xuống phố xem biểu diễn truyền thống phong cách Lanna… Còn ở Pattaya nhộn nhịp với các cuộc diễu hành trên con đường bãi biển, cuộc thi nhan sắc và tài năng hoa hậu Songkran.
3. Thingyan - Myanmar
Đây là ngày tết cổ truyền đón năm mới quan trọng nhất của người Myanmar, và té nước là một phần đặc trưng không thể thiếu của lễ hội này. Lễ hội diễn ra từ 11 – 16/4 trên toàn quốc nhưng sôi động nhất là ở những thành phố lớn như Yangon và Mandalay. Ngay từ sáng sớm, người người, nhà nhà đi chùa lễ Phật, làm lễ phóng sinh và thưởng thức điệu múa cổ truyền hòa trong tiếng nhạc tưng bừng chào đón năm mới.
Sau lễ nghi mang đậm sắc thái tôn giáo tại đền chùa là đến lễ hội té nước vui nhộn. Giống như Thái Lan, nhiều người tham gia lễ hội té nước Thingyan cũng đổ ra đường phố, dùng vòi phun, ống dẫn nước, máy bơm nước cùng các dụng cụ xô, chậu để té nước vào nhau tạo ra không khí vô cùng sôi động thay cho lời chúc tốt lành đầu năm. Đây cũng là thời điểm nóng nhất trong năm nên việc dội nước như thế rất được nhiều người hưởng ứng.
4. Bom Chaul Chnam - Cam Pu Chia
Lễ hội té nước Bom Chaul Chnam diễn ra từ 13-15/4, tổ chức cùng lúc với những ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của Campuchia. Vào những ngày này người dân mang hoa tươi và lễ vật dâng lên chùa, nghe giảng kinh, thực hiện nghi thức tắm Phật, cắm cờ hoa lên bảo tháp, đắp cát và sau đó đổ ra đường chào đón năm mới với nghi thức dội nước lên nhau.
Không chỉ người bản xứ mà những du khách nước ngoài cũng vô cùng háo hức tham gia lễ hội té nước. Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch, ai nấy đều hòa vào màn té nước vui nhộn trong tình thân ái. Mọi người chuẩn bị riêng cho mình các dụng cụ để tham gia té nước như xô, chậu, súng nước, vòi phun,… cùng với đó là dịch vụ hỗ trợ cung cấp nước cho người tham gia càng làm tăng phần lôi cuốn.
Những điều lưu ý trong lễ hội té nước
- Tham dự lễ hội bạn phải trang bị súng bắn nước. Đó không chỉ là cách tham dự lễ hội mà còn là cách bảo vệ chính bạn.
- Bảo vệ các đồ dùng cá nhân quý giá bằng các túi chống nước chuyên dụng. Những đồ giá trị khác bạn có thể để lại khách sạn.
- Tránh xa các con phố đông đúc, đông người.
- Trang phục gọn gàng, bạn nên mặc áo thun sẫm màu, quần short.
- Không nên té nước lên các nhà sư, người lớn tuổi và trẻ nhỏ.
- Không nên té nước vào người đang lái xe vì có thể gây tai nạn giao thông.
---
Nếu như các bạn là người ưa kiểu du lịch trải nghiệm, khám phá văn hoá ở những miền đất mới và có điều kiện thì không thể nào bỏ qua những lễ hội trên. Giờ mới là đầu tháng 4 thôi, hãy lên lịch trình và chuẩn bị bay thôi, để tới đây kịp hoà mình vào trong những dòng nước mát lành và may mắn nhé.
Theo: dulichlao.com & viettravel.com
Xem thêm