'Warren Buffett Nhật Bản': Bí mật số 1 của thành công giàu có và hạnh phúc trong cuộc sống chỉ gói gọn trong 1 từ duy nhất!
Những người kết nối với "maro" của mình sẽ tạo ra những tình huống đem lại lợi ích cho bản thân họ và cả người xung quanh.
Bài viết là chia sẻ của Ken Honda – tác giả của cuốn sách bán chạy "Happy Money: The Japanese Art of Making Peace With Your Money".
Bí quyết để có một cuộc sống hạnh phúc không phải là giàu có. Thế nhưng chúng ta thường thấy mọi người đều muốn có nhiều tiền hơn chứ hiếm ai nói rằng họ đã có quá nhiều hay vừa đủ.
Một trong những cá nhân đáng chú ý nhất trong 30 năm nghiên cứu về tiền bạc và hạnh phúc của tôi là doanh nhân và nhà đầu tư Nhật Bản Wahei Takeda.
Trước khi ông qua đời năm 2016 ở tuổi 83, tôi đã vinh dự được ông ấy cố vấn trong 15 năm. Người đàn ông thực sự hạnh phúc này đã dạy tôi ý nghĩa thực sự để sống một cuộc sống thành công và ý nghĩa.
Takeda từng nói với tôi: "Ngay cả khi bạn đang thắng ở cuối hiệp thứ chín trong bóng chày, điều đó cũng chưa đảm bảo bạn sẽ thắng chung cuộc. Trò chơi tiền bạc cũng như vậy. Dù bạn giàu có ở tuổi 30 hay 40, nó cũng không có nghĩa là bạn không thể gặp bất trắc và rơi vào cảnh nghèo túng".
Wahei Takeda (bên trái) và Ken Honda trong một lần hội ngộ năm 2012.
"Warren Buffett của Nhật Bản"
Thường được mệnh danh là "Warren Buffet của Nhật Bản", Takeda là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng và thành công nhất của đất nước mặt trời mọc.
Năm 2006, ông sở hữu cổ phần tại hơn 100 công ty lớn nhỏ và trở thành nhà đầu tư cá nhân số 1 ở Nhật Bản, theo Nikkei. Takeda là người sáng lập Takeda Conf Candy, công ty sản xuất bánh quy có hình dáng giống như những quả trứng nhỏ. Điều đặc biệt thú vị là nếu bạn đến thăm nhà máy, bạn sẽ thấy các công nhân đang nghe nhạc trong đó các ca sĩ nhí hát vang từ "arigato", có nghĩa là cảm ơn trong tiếng Nhật.
Chính vì vậy mà Tamago Boro, nhà phân phối lớn nhất của Takeda Conf Candy gọi sản phẩm của mình là "những chiếc bánh đã nghe ‘cảm ơn’ hàng triệu lần".
Takeda tin rằng việc đó sẽ nhắc nhở rằng chính sự làm việc chăm chỉ của nhân viên và sự trung thành của khách hàng là yếu tố giúp công ty tiếp tục phát triển.
Đây được coi là những chiếc bánh được nghe "cảm ơn" tới hàng triệu lần.
"Maro" – chìa khóa cho cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy
Tất cả những điều trên phản ánh triết lý của Takeda về "maro" (viết tắt của magokoro trong tiếng Nhật), có nghĩa là một trái tim chân thành. Bạn có thể nói rằng "maro" của mình rất mạnh mẽ khi bạn sống ngay thẳng.
Sự hài lòng và lòng biết ơn từ bên trong là bản chất của "maro". Và tôi biết chắc chắn rằng thành công của tôi ngày hôm nay là kết quả trực tiếp của những lời nhắc nhở liên tục của Takeda khi ông bảo tôi hãy "maro up" và chăm nói lời cảm ơn hơn.
Sau thành công trong lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo, Takeda quyết định dành nhiều thời gian hơn để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và được biết đến như một "nhà từ thiện cộng đồng".
Trong suốt sự nghiệp phi thường của mình, ông đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người trong việc quyên góp cho cộng đồng. Ông tin rằng lòng tốt và sự hào phóng mới là chìa khóa của hạnh phúc và thịnh vượng.
Đạt được trạng thái "maro"
Những người kết nối với "maro" của mình sẽ tạo ra những tình huống đem lại lợi ích cho bản thân họ và cả người xung quanh. Theo Takeda, khi "maro" của bạn phát triển, có ba điều xảy ra:
Một là bạn giống "nam châm" phát ra và thu hút năng lượng tích cực. Điều này sẽ tạo ra một chu kỳ hạnh phúc và dồi dào về nhiều mặt.
Hai là bạn trở nên đam mê cũng như tràn đầy năng lượng để hoàn thành những việc quan trọng với mình. Nó giúp bạn trực quan hơn, từ đó, bạn có thể chọn cách tốt nhất để sống cuộc sống của bạn. Khi làm những điều yêu thích nhất, bạn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới thú vị hơn.
Cuối cùng, khi bạn bày tỏ lòng biết ơn nhiều hơn với cuộc sống hàng ngày, cuộc sống sẽ đáp lại bạn. Sự biết ơn dễ lan tỏa nên mọi người cũng sẽ bày tỏ điều đó và đón nhận nhiều thứ tốt đẹp vào cuộc sống của họ.
Takeda nói rằng trong một xã hội mà phần đông bị ám ảnh bởi tiền bạc, cách đơn giản nhất để đạt đến trạng thái "maro" là bày tỏ lòng biết ơn và lan tỏa tới người khác thay vì luôn muốn hoặc yêu cầu nhiều hơn.
Nguồn: CNBC
Xem thêm