Từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cũ gây dựng đế chế nghìn tỷ, có sản phẩm quốc dân được lãnh đạo APEC sử dụng

15/04/2024 | 46

Sản phẩm của doanh nghiệp này gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Khởi nghiệp với 2 chỉ vàng và 1 chiếc xe đạp cà tàng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam. Nhưng cơ nghiệp nghìn tỷ của Thiên Long ban đầu được gây dựng nên chỉ từ 2 chỉ vàng, 1 chiếc xe đạp cà tàng và chuỗi ngày bán bút bi dạo của Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ.

Gia đình ông Cô Gia Thọ có truyền thống buôn bán ở khu chợ người Hoa tại quận 6. Bản thân ông, để giúp đỡ cho gia đình, ngày đạp chiếc xe cà tàng đi bán bút bi dạo khắp Sài Gòn. Trong suốt thời gian này, ông Thọ nhận ra, thị trường nhu yếu phẩm tại Việt Nam bấy giờ rất thiếu trong khi nhu cầu của người tiêu dùng thì lớn.

Khi ấy, thị trường trong nước chỉ có bút của Thái Lan. Bút bi hiếm đến mức, để có sản phẩm để sử dụng, nhiều người phải tái sử dụng bằng cách bơm mực vào chiếc bút đã được "cạn mực tới đáy". Chính ý nghĩ đó đã thúc đẩy ông gây dựng nên thương hiệu bút bi "quốc dân" Thiên Long.

Từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cũ gây dựng đế chế nghìn tỷ, có sản phẩm quốc dân được lãnh đạo APEC sử dụng- Ảnh 1.

Ông Cô Gia Thọ 

Năm 1981, sau khi tích cóp được 2 chỉ vàng, ông Thọ đã lập một cơ sở bút bi nhỏ. Thời gian đầu, ông đặt tên cho sản phẩm của mình là Vũ Trụ, sau đó đổi thành Thăng Long. Năm 1985, ông đổi tên doanh nghiệp thành Thiên Long. Thiên Long có ý nghĩa đặc biệt, một là mang ý niệm con rồng cháu tiên, hai là thể hiện mong muốn thuận buồm xuôi gió trên con đường khởi nghiệp của ông.

Khi đó, để có chi phí nuôi cơ sở sản xuất với khoảng 20 nhân công, ông Thọ đã phải vất vả nắng mưa, đạp xe khắp thành phố bán bút bi dạo. Ngoài ra, ông cũng phải kiêm rất nhiều công việc tại công ty nhỏ này, từ khâu sản xuất, giao hàng, bán hàng và thu tiền.

Để quảng bá cho những chiếc bút "made in Vietnam", công ty đã chào bán cho các tiểu thương ở chợ sỉ. Tuy nhiên, không phải tiểu thương, các khu chợ nào cũng ủng hộ hàng của Thiên Long. Chính vì vậy, ông Thọ cùng những cộng sự đầu tiên đã tự mình mang sản phẩm đi đến khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung và ngược lên phía Bắc.

Do nguồn vốn eo hẹp, ông Cô Gia Thọ phải áp dụng phương pháp tiền vòng quanh, nghĩa là trong một tuần làm việc ông chỉ có thể chi trả cho sản xuất được 3 ngày. Đến ngày thứ 4, ông sẽ mang sản phẩm đi bán tại các quầy báo ở Sài Gòn và thu tiền ngay tại thời điểm đó. Số tiền thu được sẽ tiếp tục được ông sử dụng để sản xuất thêm và phần lợi nhuận kiếm được sẽ được tích lũy dần để trả lương. 

Cũng bởi không có vốn, ông Thọ không dám bỏ mối hàng tại chợ Tân Bình, vì nếu để hàng tại các chợ, ông sẽ phải ngừng cung cấp theo đơn hàng sỉ bởi hồi còn làm thủ công, năng suất của công ty không có nhiều. Điều đó sẽ khiến công ty phải đối mặt với việc thu tiền chậm.

Dẫu vậy, vượt qua mọi khó khăn ban đầu, Thiên Long đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận, ghi dấu trên thị trường bằng loạt sản phẩm gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ Việt Nam.

Chủ tịch Thiên Long cho biết, ông không được trang bị kiến thức về kinh doanh nên phải luôn cố gắng học hỏi. Vào những năm 1990, ông Thọ đã lặn lội tìm đến những quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực bút bi như Thụy Sĩ và Đức để học kinh nghiệm và mua công nghệ mới về phục vụ sản xuất. Cùng với đầu bút nhập từ Thụy Sĩ, mực nhập từ Đức, sản phẩm bút bi TL-07 và TL-08 của Thiên Long đã tạo sự đột phá trong thị trường lúc bấy giờ.

Từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cũ gây dựng đế chế nghìn tỷ, có sản phẩm quốc dân được lãnh đạo APEC sử dụng- Ảnh 2.

Từ cơ sở sản xuất bút bi với 20 nhân công, đến nay, Thiên Long đã lớn mạnh, trở thành tập đoàn nghìn tỳ.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến yếu tố may mắn. May mắn đầu tiên đến với ông Thọ là năm 1992, cơ sở của ông được Sở Lao động Thương binh và Xã hội hỗ trợ chương trình vay vốn 200 triệu đồng không lãi suất đối với doanh nghiệp thuê xưởng với quy mô 200 công nhân. Từ 200 triệu này, ông Thọ đã mở rộng xưởng sản xuất và thuê 200 nhân công, tăng số lượng đơn hàng, tìm cách tiếp cận với những thị trường lớn hơn.

Cơ may thứ hai đến vào năm 1993, khi làn sóng các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) bước vào thị trường Việt Nam. Phía Đài Loan có chương trình hỗ trợ doanh dân trẻ gốc Hoa đi học về quản trị kinh doanh miễn phí tại Đài Bắc. Ông Cô Gia Thọ đã tận dụng cơ hội này để học hỏi và nâng cao kiến thức về quản trị kinh doanh.

Đến năm 2002, Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều chương trình học về quản trị kinh doanh, ông tiếp tục tham gia rất nhiều lớp học từ trong nước cho đến việc đi sang Mỹ để tham quan các mô hình nhà máy và gặp gỡ các giáo sư để học hỏi thêm.

"Thành công của tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt cả mà chỉ là sự học hỏi. Tôi thấy mình thiếu cái gì thì học cái đó, cũng như chúng ta thích ăn thì tìm ăn món đó. Tôi luôn khát khao học hỏi, không chỉ học người ngoài mà còn học từ chính nhân viên của mình. Khi công ty lớn mạnh, tôi tuyển kỹ sư giỏi, chuyên viên giỏi về làm cùng để qua đó học hỏi nhiều thứ từ họ", ông chủ Thiên Long chia sẻ.

Sự khác biệt của Thiên Long đến từ đâu?

Công cuộc kinh doanh của Thiên Long khá trầy trật. Phải đến năm 1996, Công ty TNHH SX – TM Thiên Long chính thức được thành lập thì Thiên Long mới đi vào ổn định và bắt đầu phát triển. Đây là thời kỳ đánh dấu giai đoạn phát triển mới cả về chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, đa dạng hoá mẫu mã và phát triển thị trường thiêu thụ trên toàn quốc.

Đến năm 2005, Công ty TNHH SX – TM Thiên Long chuyển mình thành công ty cổ phần với số vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian từ 2008 - 2011, Thiên Long một lần nữa tái cấu trúc, lần này là thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long, và đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM trong năm 2010 với số vốn điều lệ tăng lên 176,5 tỷ đồng và bắt đầu mở rộng thị trường ra quốc tế.

Vì đâu mà doanh nghiệp này phát triển một cách thần tốc chỉ trong một thời gian ngắn?

Đầu tiên phải kể đển hệ thống phân phối rộng khắp của Thiên Long. Ngay từ đầu, công ty đã rất chú trọng đến việc gây dựng hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp cả nước. Thiên Long định hướng mình là công ty đi bán văn phòng phẩm chứ không chỉ bán bút bi. Công ty có hệ thống đại lý phân phối, các điểm bán lẻ và cả những cửa hàng chuyên bán hàng văn phòng phẩm.

Thống kê mới nhất được Thiên Long đăng tải trên website chính thức của công ty thì hiện, doanh nghiệp này đã có sự hiện diện trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam. Cùng với đó, số điểm bán hàng trên toàn quốc cũng đạt tới con số 55.000 điểm. Sản phẩm của Thiên Long xuất hiện tại các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng, nhà sách, cửa hàng tiện ích... Đồng thời, công ty phân phối thông qua các kênh như kênh Thương mại điện tử, kênh Bán hàng trực tiếp cho trường học, doanh nghiệp (B2B)...

Khi thị trường bút bi vẫn đang trên đà tăng trưởng cao, công ty đã chú ý mở rộng phân khúc sản phẩm. Cách đi của Thiên Long là phủ kín các phân khúc thị trường và nhóm tuổi khách hàng, đáp ứng nhu cầu phổ thông lẫn đặc thù. Hiện nay, Công ty có 4 nhóm sản phẩm chính, bao gồm dòng bút viết (phổ thông và cao cấp), dụng cụ mỹ thuật, dụng cụ văn phòng và dụng cụ học sinh. Những sản phẩm này giúp Thiên Long khai thác tối đa giá trị trong suốt cuộc đời của khách hàng, từ nhỏ cho đến trung niên, từ học sinh cho đến người làm văn phòng.

Bên cạnh đó, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty mỗi năm đưa ra thị trường hơn chục sản phẩm mới, trong đó sẽ có hơn 2 sản phẩm là mới hoàn toàn tăng thêm tệp khách hàng cũng như mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. "Chúng tôi đang có mấy chục nghìn điểm bán và nếu không có đủ loại sản phẩm mà dù nhu cầu sử dụng ít thì khách hàng lại phải đi tìm ở những nhà cung cấp khác... Nếu chúng tôi không có đủ sản phẩm đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu thì vô hình chung lại làm khó chính khách hàng của mình", bà Trần Phương Nga - CEO Thiên Long bộc bạch.

Từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cũ gây dựng đế chế nghìn tỷ, có sản phẩm quốc dân được lãnh đạo APEC sử dụng- Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất bút bi tại Thiên Long.

Tuy nhiên, điểm tạo ra sự khác biệt của Thiên Long so với các đối thủ trên thị trường lại đến từ công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới mà công ty đang sở hữu. Trong một bài phỏng vấn, ông Cô Gia Thọ lý giải: "Mình là công ty cấp của mình là cấp sản xuất nên đầu tư về kỹ thuật và phải triển sản phẩm là vấn đề quan trọng nhất, thiết yếu nhất".

Ban đầu, Thiên Long phải đi mua khuôn, mua máy móc thiết bị, mực, mua đầu bút. Trong hơn 40 năm của Thiên Long thì có đến gần 30 năm, công ty phải nhập đầu bút của Thụy Sỹ. Nguyên nhân là bởi kỹ thuật sản xuất đầu bút rất cao, đòi hỏi sự đầu tư lớn. Bên cạnh đó, công đoạn sản xuất hoàn toàn tự động hóa nên phải có đủ sản lượng thì hoạt động đầu tư mới đem lại hiệu quả nên mãi sau này Thiên Long mới đầu tư sản xuất. Và tất cả các máy móc, thiết bị của Thiên Long đều được nhập khẩu từ Thụy Sỹ.

Đến thời điểm hiện tại, công ty bán bút bi "quốc dân" này đã tự sản xuất được từ khuôn, máy móc thiết bị, mực cho đến cả đầu bút - sản phẩm đồi hỏi kỹ thuật cao, không phải quốc gia nào cũng có thể làm được. Tất cả đã tạo ra một dây chuyền khép kín.

Theo Báo cáo thường niên 2022, bộ phận Công Nghệ của Thiên Long hoàn toàn đáp ứng 90% nhu cầu máy móc thiết bị nội bộ, bên cạnh hoạt động thiết kế chế tạo máy móc thiết bị cho khách hàng ngoài. Tỷ lệ tự động hóa tại nhà máy Thiên Long đã được nâng lên 81,38% so với 78,86% vào cuối năm 2021.

Mặc dù giá chỉ rơi vào khoảng 5.000 - 7.000 đồng nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất là cao mới thành được chiếc bút bi. Một chiếc bút có nhiều bộ phận từ nhựa đến kim loại. Trong đó, đầu bút và mực là linh hồn của cây bút. Trong một bài phỏng vấn hồi năm 2023, bà Trần Phương Nga tự hào cho biết, đến nay cũng chỉ có khoảng 20 nước hoàn toàn tự làm ra được đầu bút, và Thiên Long đã làm chủ về công nghệ sản xuất đầu bút. "Đa số máy móc - thiết bị sản xuất đầu bút của chúng tôi đều được nhập khẩu từ Thụy Sỹ với độ chính xác khi gia công tính bằng 1/1000 mm", bà Nga cho hay.

Để kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm, Thiên Long có Phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, được trang bị các thiết bị chuyên dùng như máy thử bút của Đức, máy đo quang phổ hấp thu, máy đo độ dẫn điện, máy lão hóa, độ nhớt, độ pH, độ ẩm... Song song với đó, trước khi sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng, công ty có một bộ phận chuyên dùng thử. Chiếc bút không chỉ được thử viết bằng máy mà còn cần có bàn tay con người viết thử để cảm nhận thực tế cây bút như thế nào.

Hành trình bay khắp thế giới của Thiên Long

Tại Hội nghị APEC 2006 ở Hà Nội Thiên Long đã tài trợ 10.000 sản phẩm các loại cho các đại biểu. Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC đã sử dụng bút RB02 của Thiên Long, trong khi đó, tất cả đại biểu tham dự hội nghị sử dụng sản phẩm B - Master. "Đây là cơ hội tốt để Thiên Long quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường xuất sang các nước trong khu vực, thông qua các doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo APEC", ông Trịnh Thế Hảo, Giám đốc tiếp thị công ty Thiên Long cho biết.

Những năm đầu 2000, Thiên Long đã tiến ra nước ngoài. Thời điểm đó, Thiên Long đã bỏ ra hàng trăm triệu kinh phí tham dự hội chợ văn phòng phẩm lớn nhất thế giới Paperworld tại Đức nhằm tìm kiếm khách hàng. Đơn hàng xuất khẩu đầu tiên mà Thiên Long có là từ thị trường Campuchia, sau đó mở rộng dần ra các nước Đông Nam Á khác rồi đến châu Âu. Với mục tiêu trở thành thương hiệu bút bi hàng đầu, Thiên Long liên tục cải tiến sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và chú trọng đến việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.

Từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cũ gây dựng đế chế nghìn tỷ, có sản phẩm quốc dân được lãnh đạo APEC sử dụng- Ảnh 7.

Gian hàng của Thiên Long tại Global Sourcing Fair Việt Nam 2023

Song song với đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, Thiên Long cũng đã áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ. Công ty đã ứng dụng công nghệ và số hóa để duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, quá trình này được đẩy mạnh sau thời gian diễn ra dịch Covid-19.

Hoạt động kinh doanh của Thiên Long hiện đang thực hiện trên nền tảng công nghệ SAP-Hana cốt lõi, kết hợp liền mạch với nhiều hệ thống vệ tinh chuyên biệt, đảm bảo sự liên kết dữ liệu liên thông đảm bảo dữ liệu thông suốt và tức thời.

Bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử được coi là một trong những bước đi thành công của Thiên Long khi áp dụng quá trình chuyển đổi số. Bà Tạ Hồng Diệp, Giám đốc Kinh doanh của Thiên Long cho biết, Thiên Long đã tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong nước và gian hàng của công ty luôn giữ vị trí dẫn đầu ngành hàng văn phòng phẩm sau 7 năm gia nhập.

Năm 2023, tại thị trường nội địa, doanh thu thương mại điện tử của Thiên Long đã tăng trưởng 208% so với năm 2022, với mức tăng trưởng trên các kênh chủ lực lần lượt là Shopee (300%), Website (137%), Lazada (129%)... 

Nhận thấy Tiktok là một nền tảng tiềm năng nên Thiên Long cũng thành lập kênh Thiên Long Shop và đã thành công thu hút một lượng lớn khách hàng mới. Công ty đã nhận được các đánh giá tích cực từ mạng lưới nhà sáng tạo nội dung, các short video clip quảng cáo bắt mắt cùng các phiên livestream bùng nổ doanh thu. Chỉ sau vài tháng thành lập, Thiên Long Shop trên Tiktok trở thành TOP 5 nhà bán hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất quý 3/2023 và quý 4/2023.

Từ 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cũ gây dựng đế chế nghìn tỷ, có sản phẩm quốc dân được lãnh đạo APEC sử dụng- Ảnh 9.

Đồ họa: PL

Cũng trong năm 2023, Thiên Long quyết định mở rộng sang Bắc Mỹ dù đây là thị trường khó tính. Để tấn công thị trường này, Thiên Long chính thức tham gia bán hàng toàn cầu qua Amazon. "Đây là bước đi chiến lược của chúng tôi nhằm tiếp cận người tiêu dùng quốc tế và tạo chỗ đứng trên thị trường toàn cầu cho thương hiệu văn phòng phẩm quốc gia của Việt Nam", bà Trần Phương Nga - CEO Tập đoàn Thiên Long chia sẻ.

Đến nay, sản phẩm của Thiên Long xuất hiện tại 67 quốc gia. Qua nhiều năm phát triển, Thiên Long đã xây dựng được một thương hiệu mạnh, không chỉ được biết đến ở Việt Nam mà còn vươn ra thị trường thế giới, trở thành niềm tự hào của ngành văn phòng phẩm Việt Nam.

Nguồn: Soha & Kênh Youtube Maybe Podcast

 

(*) Xem thêm

Bình luận