Cậu bé dù rất muốn sống cùng mẹ nhưng phải chờ đến 7 năm sau mới có thể quay lại gia đình khi mẹ cậu đã trở thành y tá và đủ tiền nuôi con.
Sau khi gia đình chuyển đến Michigan, Tom vừa đi học vừa kiếm công việc bán thời gian với thu nhập khoảng 0,35 USD/giờ cho nhà thờ.
Vào năm 13 tuổi, Tom chuyển trường nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm công việc làm thêm hỗ trợ gia đình như bán báo hay hái quả anh đào (Cherry) cho nông trường vào kỳ nghỉ hè.
Công việc này khá vất vả và đây cũng là lúc Tom nghĩ về khởi nghiệp khi ước mơ sáng tạo ra những chiếc máy hái anh đào tự động mà không cần nhiều nhân lực.
Những lúc rảnh rỗi khác, Tom đi câu cá và rao bán chúng qua từng nhà để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Dẫu vậy, ý tưởng thành lập doanh nghiệp của Tom cũng ngày một lớn dần và cậu bắt đầu xung đột với người mẹ.
Với quan điểm khác biệt, mẹ của Tom cho rằng 2 người con của mình nên kiếm công việc đàng hoàng, học hành tử tế hơn là suy nghĩ viển vông về khởi nghiệp.
Sau nhiều cuộc cãi vã, mẹ của Tom quyết định gửi 2 người con trở lại trại trẻ mồ côi.
Dẫu vậy Tom không chấp nhận số phận, cậu rời bỏ trại trẻ mồ côi để đi lang thang làm thêm bên ngoài, di chuyển từ trang trại này qua trang trại khác và cuối cùng xin việc trong một trung tâm giải trí bowling.
Mỗi tuần Tom làm 5 ngày từ 6h30 sáng đến nửa đêm. Dù vậy Tom vẫn kiên trì đi học vì hiểu rằng chỉ có tri thức mới giúp con đường khởi nghiệp của mình rộng mở hơn.
Khi lên cấp 3, Tom chuyển trường lần nữa và cậu cũng chuyển việc đến một trang trại hoang sơ không có điện.
Vừa làm vừa ở tại đây, cuộc sống của Tom không khác gì những kẻ vô gia cư. Ngôi nhà mà Tom ở thủng mái, chúng dột nắng mưa và rét lạnh vào mùa đông do không có điện cho máy sưởi.
Quần áo của chàng thiếu niên này sờn và thủng nhiều chỗ nhưng chẳng có tiền mua mới. Giày của cậu đã bong chóc và Tom phải di chân xuống đường khi bước đi học với hy vọng bạn bè không nhận ra.
Sau quãng thời gian quá khó khăn, Tom mong muốn được trở thành mục sư và ghi danh vào lớp đào tạo của nhà thờ.
Thế nhưng chỉ chưa đến 1 năm, cậu đã bị đuổi vì tính hiếu động không phù hợp với tiêu chuẩn của nhà thờ.
Lần này Tom quyết định trở về nhà với mẹ, nhưng bản thân người mẹ của Tom chẳng hiểu cho con trai và cả 2 tiếp tục cãi nhau về tương lai của Tom.
Thậm chí người mẹ đã gọi cảnh sát để bắt Tom đến trại tạm giam trẻ vị thành niên. Quá thất vọng, Tom thường lang thang quanh trường mà không chịu về nhà.
Mọi chuyện chỉ êm thấm khi người dì của Tom biết chuyện và đón cậu về sống chung.
“Bạn sẽ luôn nhận về những phản ứng tiêu cực khi làm gì đó. Nếu cứ lo nghĩ về chúng thì bạn sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì hết”, nhà sáng lập Tom Monaghan nhớ lại.
Thất học và khởi nghiệp với 77 USD
Ban đầu Tom chẳng còn quan tâm đến chuyện tốt nghiệp cấp 3 khi cuộc sống quá khó khăn. Thế nhưng khi nhìn thấy người dì chuẩn bị trang phục cho lễ tốt nghiệp của cậu, Tom đã thực sự xúc động.
Sau đó Tom đã nói chuyện với giáo viên để có thể giúp cậu ôn tập vượt qua kỳ thi nhằm không làm thất vọng người dì. Cuối cùng, cậu cũng tốt nghiệp cấp 3 dù đứng cuối lớp.
Do quá nghèo nên không thể vào học đại học, Tom quyết định nhập ngũ nhưng lại đăng ký nhầm vào hải quân thay vì ước nguyện bộ binh ban đầu.
đầu.
Hậu quả là cậu sẽ học đại học muộn 2 năm so với thông thường vì chương trình đào tạo hải quân lâu hơn so với bộ binh.
Bất chấp khó khăn, Tom cho rằng nếu mình sống sót được trong hải quân thì có thể khởi nghiệp được dễ dàng sau đó.
Quãng thời gian sau đó, Tom tập trung cải thiện thể chất và tinh thần, đọc sách về khởi nghiệp và ước mơ xây dựng nên đế chế cho riêng mình.
Năm 1959, Tom rời hải quân với 2.000 USD tiền tiết kiệm. Số tiền này được Tom để dành làm học phí đại học, nhưng nhanh chóng bị một kẻ lừa đảo lấy hết.
Kết quả là Tom phải cuốc bộ ngang nước Mỹ từ SanDiego về quê nhà Ann Arbor.
Tại quê hương, Tom ở trọ cùng người em Jim và làm giám sát cho một từ báo địa phương.
Sau một thời gian làm việc Tom góp đủ tiền đi học đại học tại đây nhưng lại tạm hoãn chỉ sau 3 tuần vì không có tiền mua sách.
Để kiếm thêm thu nhập, Tom quyết định đi gõ cửa từng nhà để mời mua báo tháng, đồng thời chấp nhận vận chuyển báo đến tận nhà miễn phí.
Đây cũng là thời điểm Tom nhận ra tiềm năng của ngành giao hàng tại Mỹ.
Vào năm học tiếp theo, Tom đã có đủ tiền đi học cũng như mua sách, nhưng anh lại bỏ một lần nữa vì quá bận kiếm tiền và không có thời gian làm bài.
Ở tuổi 23, Tom phải vất vả để kiếm tiền mưu sinh và chẳng có thời gian học hành.
Cuộc đời của Tom khi đó dường như không có tương lai cho đến khi một cơ hội xuất hiện.
Người em Jim của Tom phát hiện ra một cửa hàng pizza mang tên DomiNick’s đang rao bán lại với giá khá rẻ.
Chính Jim đã đề nghị Tom hợp tác mua lại cửa hàng để người anh trai có thời gian đi học.
Trong tài khoản của Tom lúc này chỉ còn 77 USD (gần 2 triệu đồng) và anh đã không ngần ngại vay 500 USD từ ngân hàng.
Trớ trêu thay, người em Jim bắt đầu sợ hãi khi vay tiền ngân hàng khởi nghiệp cũng như từ bỏ công việc giao thư ổn định của mình.
Chỉ 6 tháng sau đó, Jim bỏ cuộc và để Tom tự xoay sở với đống hỗn độn còn lại thay vì được đi học như mong muốn.
Mặc dù khá thất vọng nhưng Tom vẫn quyết định cố gắng trở thành nhà hàng pizza lớn nhất Mỹ, qua đó thỏa mãn khát vọng khởi nghiệp từ bé của mình.
“Tôi cảm thấy những bước lùi trong cuộc đời là công cụ để mình học hỏi. Tôi coi chúng là nền đá tảng để bước lên phía trước chứ không phải là những thất bại. Đó chỉ là thất bại khi bạn ngừng cố gắng, và tôi thì không bao giờ từ bỏ”, Tom Monaghan nhớ lại.
Sống lang thang
Ước mơ tuy lớn nhưng công việc làm ăn của Tom chẳng thuận lợi.
Nhà hàng pizza của cậu thua lỗ hàng tuần và đến khi hết tiền, Tom buộc phải từ bỏ thuê nhà để sống lang thang và ngủ tại chính cửa hàng nhằm duy trì công việc kinh doanh.
Bản thân Tom còn chẳng dám ăn pizza trong nhà hàng trừ khi chúng bị cháy khét không bán được.
Vào một ngày, nửa số nhân viên cửa hàng của Tom bỏ việc và anh quyết định giảm số loại pizza phục vụ.
Bất ngờ thay, tuần đó lợi nhuận của cửa hàng lại tăng lên. Kể từ đó, Tom tập trung đơn giản hóa thực đơn và hướng đến giao hàng nhanh miễn phí cho thực khách.
Với lợi thế là cửa hàng pizza đầu tiên tại Mỹ làm như vậy, Tom bắt đầu có lãi và mở được cửa hàng thứ 2.
Trên thực tế Tom vô cùng hối hận ngay sau khi ký hợp đồng thuê lại mặt bằng bởi việc mở rộng kinh doanh khá rủi ro. Thế nhưng thỏa thuận đã ký và anh cũng đã mua thiết bị nên đành cố làm theo.
May mắn thay, cửa hàng thứ 2 của Tom cùng cơ sở ban đầu đều kinh doanh phát đạt.
Họ bán hàng nghìn pizza mỗi tuần và trở thành quán pizza đông khách nhất nước Mỹ thời gian đó. Phần lớn khách hàng của Tom là sinh viên hay những người lười ra ngoài ăn.
Công việc kinh doanh của Tom ngày càng phát đạt và khi mở đến chi nhánh thứ 3, chủ cũ của DomiNick’s Pizza gọi yêu cầu anh thay đổi tên nhà hàng do khách dễ bị nhầm lẫn. Vậy là cái tên Domino’s Pizza ra đời từ đó.
Thế nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Việc kinh doanh càng phát triển thì càng khó giữ cân bằng giữa chất lượng và thời gian giao hàng.
Bởi vậy Tom yêu cầu nhà sản xuất tạo nên những chiếc hộp gấp có lỗ để giữ nếp cho bánh cũng như bảo quản độ tươi lâu hơn.
Ý tưởng của Tom khá rẻ và hiệu quả, qua đó trở thành tiêu chuẩn của ngành giao pizza.
Không dừng lại đó, Tom còn phát triển nhiều tiêu chuẩn khác cho ngành như túi giữ nhiệt, băng chuyền pizza…
Suýt phá sản
Cuối thập niên 1960, Tom tham dự một khóa học về nhượng quyền thương hiệu và đã gặp Ray Kroc của McDonald’s cũng như Josh Brown của KFC.
Đây là những người đã biến một quán ăn nhỏ thành chuỗi thương hiệu nổi tiếng và chúng tạo cảm hứng cho Tom làm tương tự.
Năm 1969, Domino mở tới 32 chi nhánh nhưng phần lớn chúng buộc phải đóng cửa sau đó vì không hiệu quả.
Riêng Tom nợ tới 1,5 triệu USD và ông buộc phải nhượng quyền kiểm soát lại cho ngân hàng nhằm tránh phá sản.
Thế nhưng khi ngân hàng đem những chuyên gia đến điều hành, tình hình còn tệ hơn bởi họ nâng giá sản phẩm và hạ chất lượng pizza.
Chưa đầy 1 năm sau, ngân hàng buộc phải trao lại quyền điều hành cho Tom.
Tình hình vô cùng căng thẳng khi các chi nhánh nhượng quyền kiện Tom, còn nhà cung cấp thì bị nợ tiền hàng nhiều tháng.
Tom thuyết phục họ rằng ông chỉ cần tiền ăn và thuê nhà để tiếp tục mở cửa hàng trả nợ là đủ.
May mắn thay chỉ 1 năm sau Tom đã trả nợ được hết và bắt đầu công cuộc đổi mới mô hình kinh doanh.
Khi đó các cửa hàng nhượng quyền của Domino không phải trả phí ban đầu nữa mà họ chỉ cần trụ được ít nhất 1 năm là có thể thông qua. Tất nhiên phí nhượng quyền hàng năm thì vẫn còn.
Quyết định mới này của Tom thành công rực rỡ khi vào năm 1983, Domino’s có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn Mỹ, mức tăng trưởng 3.000%.
Sau đó Tom đề ra chính sách khách hàng sẽ được miễn phí pizza nếu nhận giao hàng muộn hơn 30 phút. Ngay lập tức số cửa hàng của Domino’s tăng lên đến hơn 5.000 chỉ chưa đầy 1 năm sau.
Hiện Domino’s Pizza là hãng giao hàng pizza lớn nhất trên thế giới. Tổng giá trị của Domino’s hiện nay hơn 12 tỷ USD và có chi nhánh tại hơn 83 quốc gia.
Bản thân Tom Monaghan cũng trở thành tỷ phú vào năm 1998 khi đã ngoài 50 tuổi sau quyết định bán lại 93% cổ phần doanh nghiệp cho Công ty Bain Capital với giá 1 tỷ USD.
Hiện dù ở tuổi 86 nhưng Tom vẫn dành phần lớn thời gian của mình cho các hoạt động từ thiện.
Đây chính là câu chuyện về Tom, một đứa trẻ mồ côi gặp nhiều bất hạnh đã biến một cửa hàng pizza nhỏ thành đế chế tỷ USD.
Theo cafef.vn
Xem thêm