Máy bay không người lái Việt Nam chinh phục bầu trời thế giới

23/02/2024 | 284

"Trước khi đến đây, chúng tôi nhận định Việt Nam đi sau thế giới rất xa về mặt công nghệ. Nhưng chúng tôi bất ngờ khi thấy có công ty VN hoàn toàn có thể cạnh tranh, thậm chí vượt lên trên thế giới".

Đó là chia sẻ của vị giáo sư kinh tế người Anh nói khi ông đến Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu vị thế phát triển công nghệ của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Năm 2022, lần đầu được dẫn vào "đại bản doanh" Công ty TNHH Realtime Robotics Inc VN (RtR) - nơi sản xuất ra chiếc drone (máy bay không người lái), 2 vị giáo sư người Anh không khỏi ngạc nhiên vì đó chỉ là cơ sở khiêm tốn tại TP Thủ Đức (TPHCM).

Thế nhưng, điều khiến họ càng ngạc nhiên hơn nữa là từng chi tiết cơ khí, khung máy bay cho đến thiết bị điện tử bên trong đều được chế tạo trực tiếp bởi đội ngũ kỹ sư 9X Việt Nam. Đó là kết quả suốt 9 năm theo đuổi con đường nghiên cứu, phát minh và sản xuất máy bay không người lái của TS Lương Việt Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Realtime Robotics Inc VN (RtR).

Người Việt đầu tiên chế tạo máy bay không người lái đưa ra thế giới - 1

TS Lương Việt Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Realtime Robotics Inc VN (RtR).

Chiếc máy bay không người lái được sản xuất từ Việt Nam 

Ông có khi nào cảm thấy tự ti khi sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới lại được sản xuất ở một nơi chưa có tên trên bản đồ drone thế giới?

- Tôi phải tự hào hơn ấy chứ! (Cười!).

Bạn biết không, trong năm vừa qua, chúng tôi đã đón tiếp nhiều nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, lẫn chuyên gia công nghệ từ Mỹ, Israel, Nhật, và Singapore đến Việt Nam để tìm hiểu về công ty. Sau khi trực tiếp trải nghiệm phát minh Hera, tôi đọc được trong ánh mắt của họ sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Đó là khoảnh khắc vui và tự hào. 

Để chứng minh kỹ sư Việt Nam chế tạo 100% ra những chiếc drone HERA, tôi trực tiếp mời ông JT, chủ tịch Công ty phân phối drone RMUS tại Mỹ đến thăm công ty, chứng kiến tất cả quy trình chế tạo ra HERA.

Người Việt đầu tiên chế tạo máy bay không người lái đưa ra thế giới - 2

Ông JT (chủ tịch Công ty phân phối drone RMUS tại Mỹ) đến thăm và chứng kiến tất cả quy trình chế tạo ra HERA tại Việt Nam.

Tiếp theo đó, có một đơn vị muốn tìm hiểu, đầu tư vào Realtime Robotics VN. Nhằm đánh giá về mặt công nghệ, họ đã mời một chuyên gia đồng thời là chủ sở hữu một công ty Singapore chuyên gia công sản phẩm điện tử cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đến Việt Nam.

"Tại thời điểm hiện tại, HERA là máy bay không người lái duy nhất sở hữu 12 tính năng vượt trội và có sức chiến đấu mạnh mẽ nhất thế giới", SUANEWS một tạp chí chuyên viết bài về drone khẳng định.

Hôm đó, cô chuyên gia vừa xuống sân bay là đi thẳng lên xưởng của chúng tôi. Cô ấy quan sát rất kỹ mọi chi tiết. Sau đó ba tuần cô ấy tiếp tục đưa thêm toàn bộ đội ngũ quản lý cấp cao gồm Giám đốc điều hành, Giám đốc công nghệ, và một số quản đốc của công ty cô ấy qua tham quan lần nữa. 

Mặc dù công ty điện tử của Singapore tạo ra doanh thu 500 triệu USD, có tổng cộng hơn 3000 công nhân, nhưng khi làm việc, tôi chưa từng thấy tư cách của kẻ bề trên mà luôn là sự thích thú và ngưỡng mộ.

"Sản phẩm mang lại lợi ích cao, chẳng có lý do gì để bán giá rẻ"

Từ khi đưa ra thị trường nước ngoài, tôi được biết một chiếc HERA của ông có giá trị cao hơn lên đến 20% so với các sản phẩm cùng dòng. Điều gì khiến ông định vị giá trị một sản phẩm công nghệ "made in Việt Nam" như vậy?

-Tất cả nằm ở giá trị bạn mang lại sẽ như thế nào so với giá cả. Nếu giá mình cao hơn 20% mà sản phẩm đảm bảo mang lợi ích mang tăng thêm 100%, thì khách hàng sẽ chọn.  Chiến lược của tôi là lợi ích phải đi cùng với giá cả chứ không nhất thiết luôn luôn nhắm tới giá bán sản phẩm rẻ nhất.

Một khi chiếc drone của RtR có những phát minh đột phá, đem lại lợi ích to lớn thì không có lý do gì chúng ta phải bán rẻ hơn so với các nước khác. Và trong thực tế khách hàng cũng thấy lợi ích mang lại sẽ gấp đôi, thậm chí ở lĩnh vực quốc phòng là gấp 5 đến 10 lần, trong khi giá cả đôi khi chỉ cao hơn 20% thôi.

Thứ nhất là hiệu quả sức nâng. Cụ thể, đối với mẫu drone M350 của DJI, Trung Quốc 1 lít thể tích chỉ nâng được khoảng  30gram, trong khi 1 lít thể tích của HERA Việt Nam thì nâng được 360gram. Việc máy bay không người lái chứa gọn vào ba lô cá nhân mà vẫn có sức nâng lên đến 15 ký, có thời gian bay (không tải) đến 58 phút, mang lại hiệu quả cao, làm được rất nhiều việc.

Thứ 2 là yếu tố không gian, làm sao chế tạo ra drone vừa nhỏ gọn nhất nhưng lại rộng rãi để mang nhiều thiết bị nhất. Thời điểm đó, drone Trung Quốc chỉ mang được 1 camera dưới bụng, còn HERA đã mang cùng lúc 4 camera, giúp thu được lượng dữ liệu gấp 3 đến 4 lần, trong cùng 1 chuyến bay.

Ngoài ra, HERA còn có khả năng mang và thả 9 vật cùng lúc. Điều này rất quan trọng trong lĩnh vực quân sự và cứu hộ cứu nạn.

Người Việt đầu tiên chế tạo máy bay không người lái đưa ra thế giới - 3

HERA trong buổi bay chứng thực tại Đức (Ảnh: Huy Hậu).

 Và đối tác Mỹ sau đó đã được thuyết phục như thế nào?

- Phải nói là may mắn khi khách hàng đầu tiên của chúng tôi là một nhà phân phối drone chuyên nghiệp của Mỹ. Thời điểm đó, họ đã bán drone khắp thế giới hơn 10 năm cho lực lượng cảnh sát, các công ty điện lực… Vì vậy, họ là chuyên gia, đủ khả năng đánh giá nhanh chóng drone nào có khả năng vượt trội, mà chúng tôi không cần phải thuyết phục gì nhiều.  

"Lý do RMUS lựa chọn HERA không chỉ bởi câu chuyện về cuộc đời của Quốc, mà còn là khả năng sáng tạo của con người và được sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, HERA hiện đang là sản phẩm drone độc đáo nhất, có thể mang 3 tải cùng lúc, sức nâng tối đa 15kg, gấp gọn và cơ động, tích hợp AI tại biên và có các tải độc đáo nhất dành cho các ứng dụng công nghiệp", đại diện của Rocky Mountain Unmanned Solutions, nhà phân phối máy bay không người lái lớn nhất tại Mỹ chia sẻ.

Ngay lập tức họ đã đặt hàng ngay 10 chiếc HERA, với giá trị 400.000 USD, và ứng trước 75% số tiền để tôi chế tạo.

Đặc biệt, hiện nay HERA đầu tiên của chúng tôi đã được RMUS cung cấp cho Viện Nghiên cứu Los Alamos National Laboratory - là phòng Lab chế tạo bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Đây có thể được xem là sự kiện đáng tự hào của một sản phẩm công nghệ đến từ Việt Nam.

"Một quốc gia muốn hùng cường phải phát minh những thứ vượt trội hơn thế giới đang có"

Khi nghe tin về HERA, nhiều người không bao giờ tin một sản phẩm công nghệ lại được sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là bởi những kỹ sư Việt Nam…

-Ngay thời điểm đầu tiên nghiên cứu về drone, tôi đã xác định mình phải có phát minh vượt trội và bán được ra thị trường thế giới. Nếu chỉ nhắm đến sản xuất cho thị trường trong nước, và chấp nhận không dám cạnh tranh với Mỹ, châu Âu, và dựa vào con đường bảo hộ phi công nghệ như cấm nhập khẩu, thì không thể bền vững.

Một quốc gia muốn vươn thành cường quốc bắt buộc phải phát minh ra những thứ vượt trội hơn cái mà thế giới đã có. Nếu chọn cách dễ hơn là bắt chước, làm thuê cho các nước giàu thì mình mãi làm thuê cho họ, luôn bị kẹt lại ở thế giới thứ ba.

Tôi tin chất xám của người Việt Nam đủ phát minh ra những sản phẩm hàng đầu thế giới.

Và cũng đúng với con đường lịch sử phát triển của các nước khác trên thế giới. Trước đây Trung Quốc, Hàn Quốc đều đi lên từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất bằng phát minh, sáng chế. 

Người Việt đầu tiên chế tạo máy bay không người lái đưa ra thế giới - 4

HERA được quốc tế đánh giá cao và đưa vào ứng dụng ở nhiều lĩnh vực (Ảnh: Huy Hậu).

Nhìn lại quá khứ, sản phẩm điện tử Hàn Quốc từng có mấy chục năm bị nhận định là hàng cấp hai so với Nhật Bản, thế nhưng giờ đây họ đã đánh bại Nhật Bản khi có phát minh nổi bật. Ví dụ màn hình tinh thể lỏng của tivi Samsung đã hoàn toàn thắng thế trước Nhật.

Trung Quốc của 20 năm trước từng nổi tiếng làm hàng dỏm, hàng giả, thế mà giờ họ đang sở hữu những công ty với những phát minh hàng đầu thế giới như công nghệ 5G của Huawei. 

Gần đây nhất, Samsung đầu tư 20 tỷ USD nhằm xây dựng 6 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Điều đó chứng minh họ tin tưởng vào năng lực, trí tuệ của người Việt Nam có thể giải quyết các bài toán R&D cho thế giới.

Căn nhà được bán và niềm tin chắc chắn vào trí tuệ Việt Nam

Quay trở lại quá khứ, điều gì khiến ông ban đầu mong muốn start-up về mảng công nghệ, đặc biệt thiết bị máy bay không người lái?

-Tôi có thời gian sinh sống tại Mỹ và nhận thấy drone là một ngành tương lai, chắc chắn Việt Nam sẽ ứng dụng, có điều chúng ta đang đi sau thế giới.

Đầu tiên khi trở về Việt Nam tôi chỉ có ý định triển khai ứng dụng drone tại Việt Nam như cung cấp dịch vụ drone cho nông nghiệp, xây dựng, kiểm tra điện cao thế…

Từ năm 2014, tôi mua drone trên thế giới về để tìm cách ứng dụng. Lúc đó ngành drone còn sơ khai. Các nhà sản xuất quảng cáo drone làm được 10, thực tế chỉ làm được 2 hoặc 3. Do đó công ty bắt buộc phải "độ" lại sản phẩm của họ. Ví dụ camera kém thì mình dùng loại tốt hơn. Và bắt đầu tham gia chế tạo từng phần.

Giai đoạn 3 năm đầu tiên có thể nói là 3 năm học việc - tìm hiểu xem thế giới chế tạo drone như thế nào. 

Ba năm kế là 3 năm đuổi kịp thế giới. Công ty có thể chế tạo ra drone có tính năng tương đương với thế giới. 

Ba năm gần đây là giai đoạn vượt lên trên thế giới, khi chiếc drone Việt Nam tích lũy nhiều phát minh vượt trội.

Tuy nhiên tốc độ phát triển công nghệ rất nhanh và liên tục. Bởi vậy muốn cạnh tranh trên con đường dài thì chúng tôi phải tiếp tục duy trì được tốc độ phát minh đi trước đối thủ, đi trước các nước. Hiện nay, điều đó vẫn được RtR duy trì. Sau HERA, công ty đã nhận thêm 3 bằng sáng chế mới, trong đó có OmniSight gimbal, là một phát minh đột phá khác. 

Người Việt đầu tiên chế tạo máy bay không người lái đưa ra thế giới - 5

TS Lương Việt Quốc bên cạnh phát minh của mình trong các buổi bay thử nghiệm tại quốc tế (Ảnh: Huy Hậu).

Bắt đầu bằng con đường đầy khó khăn như vậy, có bao giờ ông nghĩ đến tình huống xấu nhất?

-Đúng là con đường start-up luôn có muôn vàn khó khăn: nhân sự, tài chính, thị trường, công nghệ,...  Thời điểm đầu, ngành drone tương đối mới tại Việt Nam, nhân lực giỏi về drone không có, nên chúng tôi phải tự lớn lên cùng nhau. Khó khăn về tài chính thì start-up nào cũng phải đối mặt. Thứ ba là khi sản phẩm thành hình lại đến việc tìm kiếm khách hàng.

Trong các khó khăn: nhân sự, tài chính, thị trường, công nghệ,... tôi cho rằng khó khăn về công nghệ là gốc rễ. Khi đã có phát minh đột phá, việc gọi vốn sẽ trở nên dễ dàng, tìm kiếm khách hàng cũng đơn giản hơn, đồng thời người tài sẽ về với mình vì họ nhìn thấy được tương lai.

Là một start-up, có người đã bán nhà bán cửa để rồi ra đường, có người cũng bán nhà đấy nhưng tới được đích, có người thì còn 5 nhát cuốc nữa sẽ tìm thấy kho báu nhưng chọn dừng lại... Sẽ không có một công thức chung nào mà tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, mình đánh giá xác suất thành công ở mức nào để quyết định bước tiếp hay không. 

Đến năm 2018, mặc dù chưa có phát minh đột phá nào nhưng tôi vẫn quyết định bán nhà, vì tôi tin rằng con đường R&D sẽ thành công. 

Và bằng chứng là HERA (cùng nhiều phát minh tiếp nối) đã ra đời ngày hôm nay, công ty chúng tôi đang bước vào giai đoạn cất cánh.

Trong năm mới Giáp Thìn 2024, ông đặt kỳ vọng gì hơn cho sản phẩm của mình?

-Theo kinh nghiệm của đối tác Mỹ, tốc độ tăng trưởng của chúng tôi sẽ tăng trưởng gấp 3 lần trong mỗi năm. Vì vậy, vào năm 2024, chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp thị trường thế giới 600 sản phẩm HERA, mang lại lợi nhuận 15 triệu USD.

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị này!

Nguồn: dantri.com


(*) Xem thêm

Bình luận