Tủ sách nhỏ - ý nghĩa lớn

14/10/2024 | 22

Năm 2009, ở một thị trấn nhỏ tại Hudson, Wisconsin, một người đàn ông tên Todd Bol đã có một ý tưởng rất đơn giản: Anh dựng một tủ sách nhỏ trước sân nhà mình. Đó chỉ là một tủ sách gỗ nhỏ xinh, không cầu kỳ gì cả, nhưng nó mang ý nghĩa lớn đối với anh – một cách để tưởng nhớ người mẹ đã khuất, một giáo viên yêu sách suốt đời. Tủ sách ấy mở cửa cho tất cả mọi người: Ai muốn đọc thì cứ lấy sách, ai có sách muốn chia sẻ, cứ đặt vào tủ.

Ít ai ngờ, từ tủ sách nhỏ này mà một phong trào toàn cầu đã ra đời. Little Free Libraries dần trở thành một hiện tượng, với hàng ngàn tủ sách mọc lên khắp nơi trên thế giới. Những tủ sách miễn phí này vừa là nơi trao đổi sách, vừa là cầu nối giữa con người, nơi những câu chuyện được sẻ chia, cộng đồng gắn kết với nhau hơn.

Mình ao ước, ở Việt Nam cũng có những tủ sách nhỏ như thế. Hình ảnh những tủ sách nhỏ xuất hiện trên các con đường, nơi ai cũng có thể dừng lại, chọn một cuốn sách yêu thích và ngồi đọc, thực sự khiến mình cảm thấy phấn khởi. Trong một đất nước mà văn hóa đọc chưa được chú trọng lắm, những tủ sách này có thể là sự khởi đầu nhỏ, nhưng rất ý nghĩa, giúp mang tri thức đến gần hơn với mọi người.

Nếu bạn cũng yêu thích ý tưởng này, thì cùng đọc cuốn "Little Free Libraries & Tiny Sheds" của tác giả Philip Schmidt với mình.

Philip Schmidt hướng dẫn từng bước cách dựng tủ sách, và thậm chí gợi ý về cách tạo những không gian nhỏ, gọn gàng nhưng đầy sáng tạo trong gia đình bạn. Đây là một cuốn sách dễ hiểu, đơn giản và thiết thực – rất phù hợp cho những ai muốn góp phần xây dựng cộng đồng.

Các quốc gia như Mỹ, Canada hay Úc đều có Little Free Libraries. Dân chúng nơi đây đều quen thuộc với hình ảnh những tủ sách nhỏ trên đường phố. Từ thành thị đến nông thôn, sách đều trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người. Thậm chí, ở nhiều nơi, tủ sách còn được trang trí đẹp mắt, trở thành một tác phẩm nghệ thuật nhỏ, phản ánh nét văn hóa và sự sáng tạo của từng địa phương.

Mình tin nếu ở Việt Nam cũng có nhiều tủ sách nhỏ như vậy thì thói quen đọc sách sẽ dần được khơi dậy. Và từng bước, chúng ta có thể xây dựng nên một cộng đồng đọc lớn mạnh. Bởi vì, văn hóa đọc, sẽ không chỉ dừng lại ở việc chúng ta cầm sách lên và đọc, mà còn nằm ở sự bình đẳng — trong việc tiếp cận tri thức. Bình đẳng — là khi mọi người đều có cơ hội đọc sách như nhau, và tri thức được chia sẻ, lan tỏa khắp nơi.

Tri thức không chỉ đến từ những gì chúng ta học trong trường hay qua các khóa học ngắn hạn.

Thi thức chính là có thể tự đọc và tự học mỗi ngày.

Khi có thể giúp bản thân mình, con cái mình, bạn bè và những người xung quanh xây dựng thói quen đọc sách, chính là lúc chúng ta bắt đầu vun đắp cho quá trình TỰ HỌC SUỐT ĐỜI – một hành trình không có điểm dừng.

“I do believe something very magical can happen when you read a good book” —J.K. Rowling

Phạm Li Li


(*) Xem thêm

Bình luận