Từ huy chương đồng Olympic đến nữ phó giáo sư trẻ nhất 2022

21/11/2022 | 263

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, một trong ba nữ ứng viên trẻ nhất đạt chuẩn phó giáo sư 2022, từng giành huy chương Olympic Hóa học quốc tế và tốt nghiệp thủ khoa ở Nga.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà hiện là giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tiến sĩ 36 tuổi từng có gần 9 năm học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ngành Hóa học tại Đại học Công nghệ Hóa học Ivanovo, thành phố Ivanovo, Nga. Đến nay, chị Hà là tác giả và đồng tác giả của 68 công trình khoa học, trong đó có 30 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín.

Chị Hà kể từng là học sinh giỏi Văn thời cấp hai, nhiều lần được chọn dự thi học sinh giỏi môn học này ở tỉnh Ninh Bình. Dù vậy, một ngày, Hà nói muốn chuyển hướng học các môn tự nhiên. Cô thử sức với môn Hóa và được cô Ngô Thị Tho - một giáo viên gần nhà kèm cặp.

"Cô nhận xét tôi tiếp thu được. Tôi say mê Hóa, thấy 'ôi sao thú vị quá' nhờ những bài giảng rất hay của cô", cô Hà nhớ lại. Năm 2001, Nguyễn Thị Thu Hà đỗ vào lớp chuyên Hóa, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Với sự kèm cặp của cô Tho, cũng là giáo viên lớp chuyên Hóa của trường, năm học lớp 11, Hà giành giải ba thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa. Năm 2003, chị Hà được giải nhì, rồi giành huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế (ICHO).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên khoa Hóa học, Đại học Sư Phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được tuyển thẳng vào khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, cô gái quê Ninh Bình giành học bổng du học Nga nhờ thành tích học tập xuất sắc ở kỳ một năm thứ nhất. Năm 2004, chị Hà lên đường sang Nga, trong nhóm sinh viên 8 người, gồm hai sinh viên ngành Toán và 6 sinh viên ngành Hóa. Họ phải học dự bị một năm tiếng Nga cùng một số môn học ở thành phố Lipesk, trước khi chuyển đến Inanovo học đại học.

Dù vậy, khi vào đại học, chị Hà không khỏi "hoảng hồn". "Hai tháng đầu tiên, tôi đi học mà không chép được gì. Tôi không nghe được các thầy cô nói", chị nhớ lại. Rào cản ngôn ngữ cũng khiến chị nhiều lần hiểu nhầm khi giao tiếp với người bản địa. Thậm chí, chị Hà từng dùng tiếng lóng để nói chuyện với giáo viên mà không hay biết.

"Thầy giáo ngạc nhiên nhưng cũng chỉ nhắc nhở lần sau không nói như vậy", chị Hà kể.

Để khắc phục, nữ sinh Việt cố gắng bám các chủ đề giảng viên nói ở trên lớp rồi về nhà đọc sách. Thời gian đầu, vốn từ còn hạn chế, nhiều từ chị Hà thường phải đoán nghĩa, nhưng dần dần tiếng Nga của chị khá hơn vì "nhìn mãi, nghe mãi cùng quen". Ngoài ra, theo chị Hà, nhờ có kiến thức nền tảng về các môn tự nhiên, chị và các bạn cũng nhanh chóng nắm bắt và hiểu được thuật ngữ chuyên ngành trong tài liệu, nhìn vào đề bài có thể đoán được yêu cầu, không bị ngợp khi học những kiến thức mới.

Một vướng mắc khác mà chị Hà và các bạn gặp phải là sự dè dặt của bạn bè trong lớp. Chị Hà nhớ lại, gần như tuần nào giáo viên cũng kiểm tra và yêu cầu làm bài tập nhóm để lấy điểm. Lớp có 26 người, có 6 sinh viên Việt Nam. Bạn cùng lớp e ngại khi kết nhóm vì sợ sinh viên Việt Nam không theo kịp. "Lúc đầu mọi người nghĩ kết nhóm với chúng tôi sẽ khiến họ chậm đi. Tôi chỉ biết nhắc nhở bản thân cố gắng", chị Hà cho biết.

TS Nguyễn Văn Thức, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, bạn cùng lớp ở Nga với chị Hà ngày đó, kể ngay cả các giáo viên cũng lo nhóm sinh viên Việt Nam khó theo kịp các bạn Nga. Nhưng sau đó, kết quả học tập của Hà và nhóm sinh viên Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại.

Trong buổi kiểm tra đầu tiên, chị Hà lên trả bài và được giáo viên chấm 4 điểm. "Tôi sốc, thắc mắc sao mình trả lời đúng hết mà lại được 4, cứ nghĩ phải điểm 10 hoặc điểm 5 (theo thang điểm của Nga)", chị Hà nhớ lại, nói sau đó chị mới biết, mỗi bài kiểm tra có một điểm số nhất định và 4 là điểm số tối đa của bài tập đó. Hết học kỳ một, điểm trung bình của tất cả sinh viên đều đạt loại xuất sắc và được xét học bổng. Với điểm số cao nhất lớp, 97/100 điểm, chị Hà nhận học bổng đặc biệt của trường, và duy trì điểm số từ 95/100 trở lên trong suốt bốn năm đại học.

Suy nghĩ của các bạn Nga về chị Hà và nhóm sinh viên Việt cũng thay đổi từ đó. Nhóm 6 sinh viên Việt Nam sau này còn hỗ trợ, giảng bài cho một số bạn Nga, tình bạn giữa họ cũng trở nên thân thiết hơn.

"Hà là người nổi trội nhất lớp vì thành tích học tập, nghiên cứu", thầy Thức nói, cho biết chị Hà thử sức ở các lĩnh vực và gần như đạt huy chương vàng trong tất các kỳ thi Olympic ở trường. Ngày đó, nhóm du học sinh rất thích đi thi, với lý do đơn giản, được giải là được thưởng tiền. Họ thường dành dụm khoản tiền học bổng và tiền thưởng từ các cuộc thi để mua vé máy bay và quà về Việt Nam vào dịp hè.

"6 sinh viên Việt Nam đều tốt nghiệp loại xuất sắc, riêng Hà là thủ khoa đầu ra. Cô ấy cũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước thời hạn, trong thời gian gần hai năm", thầy Thức cho biết thêm.

Gần chục năm đi học ở Nga, nhiều hôm chị Hà làm việc trong phòng thí nghiệm từ sáng đến 22h, lúc về, tuyết đã rơi trắng đường. Nếu như cô giáo hàng xóm là người đã kèm cặp, nhen nhóm tình yêu với Hóa học trong chị Hà, thì ở nước Nga, bà giáo Olga Valentinovna là người đồng hành với chị suốt từ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

"Cô Olga vô cùng cẩn thận và nghiêm khắc. Cô sửa từng từ, từng cách diễn đạt của tôi. Có lúc cô khen tôi 'viết như người Nga'", chị Hà nhớ lại, nói biết ơn khi trên hành trình đi học của mình, cô luôn gặp được những thầy cô giáo giỏi, tận tụy và tốt bụng.

Chị Hà cũng nhớ buổi tiệc "ngày của lớp" hàng tháng thời đại học, mọi người thường tụ họp ăn uống và chuyện trò vui vẻ. Tình cảm của những người bạn Nga giúp chị và các bạn vượt qua nỗi nhớ nhà.

Tiến sĩ Hà (thứ hai, hàng đầu từ phải sang) cùng các du học sinh Việt Nam trải nghiệm trượt tuyết năm 2011. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Hà (thứ hai, hàng đầu từ phải sang) cùng các du học sinh Việt Nam trượt tuyết ở Công viên Harinka, thành phố Ivanovo, năm 2011. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trở về Việt Nam năm 2013, chị Hà trở thành giảng viên tập sự tại khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Lúc mới về, tôi nói tiếng Anh lẫn tiếng Nga trong các buổi semiar của khoa, khiến không ai hiểu nổi", chị Hà nhớ lại. Gần hai năm đầu, chị chịu khó dự giờ của các thầy cô và đồng nghiệp để học hỏi kỹ năng sư phạm và soạn giáo án. Ngoài ra, chị tìm đọc tài liệu, thực tập với đồng nghiệp, hoặc lên mạng xem video bài giảng của giáo viên nước ngoài rồi học theo.

"Từ những trải nghiệm thời đi học, mình cũng phải thay đổi cách tiếp cận với từng học sinh để các em yêu môn học", chị Hà chia sẻ. Ba năm gần đây, nữ tiến sĩ dành thời gian ôn luyện tiếng Anh và hiện thành thạo để dạy một số môn học, cũng như viết, trình bày các báo cáo khoa học bằng ngoại ngữ này.

Ngoài giảng dạy và nghiên cứu, tiến sĩ Hà còn hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học và tham gia bồi dưỡng học sinh, sinh viên giỏi tham dự các kỳ thi Olympic Hóa học. Hồi tháng 7, đoàn bốn học sinh Việt Nam thi Olympic Hóa học quốc tế do chị tham gia hướng dẫn đều giành huy chương vàng.

"Tôi luôn tự nhủ cố gắng làm tốt nhất mọi công việc được giao để dù kết quả ra sao cũng cảm thấy không hối tiếc", cô Hà nói, cho biết may mắn khi gia đình cảm thông, tạo điều kiện và luôn ủng hộ trong công việc lẫn cuộc sống.


(*) Xem thêm

Bình luận