Tiến sĩ có 15 bằng sáng chế Mỹ: mỗi người phải có mục tiêu phấn đấu và giáo dục hướng nghiệp là cực kỳ quan trọng
“Tôi may mắn có nhiều con đường tốt cho mình lựa chọn hơn so với những người bạn khác. Tôi cũng từng không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nhưng có thể tôi may mắn hơn, là cuối cùng vẫn lựa chọn được con đường đi phù hợp. Do đó, tôi nghĩ rằng, giáo dục hướng nghiệp là điều cực kỳ quan trọng với tất cả học sinh, nhất là ở cấp phổ thông”, anh Công nói.
“Phải có mục tiêu phấn đấu và giáo dục hướng nghiệp là điều cực kỳ quan trọng"
TS Trịnh Công (sinh năm 1983) là cựu học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ. Thế nhưng, anh lại chọn “rẽ hướng” sang Hóa và giành được giải Nhì quốc gia môn học này. Thành tích ấy cũng giúp anh được tuyển thẳng vào hệ Cử nhân tài năng Hóa học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Sau đó, anh được lựa chọn sang Nga, theo học hệ Kỹ sư Hóa học của Trường ĐH Tổng hợp Saint Petersburg, rồi anh tiếp tục học tiến sĩ tại University of Southern California (Mỹ).
Trải qua quá trình học tập và phấn đấu không ngừng, hiện nay, TS Công hiện là quản lý cao cấp của một nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Applied Materials – tập đoàn cung cấp nguyên liệu bán dẫn số một trên thế giới với doanh thu gần 20 tỉ USD. Là chủ nhân của 15 bằng sáng chế, trong đó có những sáng chế đã được các tên tuổi lớn ứng dụng để làm ra chip lõi, xử lý màn hình OLED trong điện thoại thông minh và máy tính.
TS Trịnh Công, người có có 15 bằng sáng chế Mỹ.
Mặc dù hiện tại hài lòng với con đường đi của mình, nhưng anh Công nói, bản thân cũng từng có lúc hoang mang giữa rất nhiều ngã rẽ vì thiếu sự định hướng nghề nghiệp ở thời điểm ấy.
“Điển hình như năm lớp 12, vì được giải quốc gia, tôi được chọn vào thẳng một ngôi trường đại học, thế nhưng tôi lại không biết nên chọn cái gì.
Ban đầu, tôi đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương vì nghe nói học tại đây ra trường sẽ rất giàu có. Nhưng khi mẹ dẫn đến trường, nhìn các bạn “bắn” tiếng Anh như gió, tôi nhận thấy đây không phải nơi phù hợp với mình.
Vì thế, tôi và mẹ quyết định rút hồ sơ và nộp thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Suy nghĩ khi ấy của tôi, chọn Sư phạm có nghĩa không phải đóng tiền học. Nhưng một lần nữa, tôi lại dao động với quyết định của mình.
Lần này, bố cùng tôi tiếp tục rút hồ sơ để nộp vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Dù chắc chắn đây là lựa chọn cuối cùng nhưng tôi vẫn muốn thử sức với việc thi đại học. Kết quả, tôi đỗ và lại lựa chọn một hướng đi khác, là vào học hệ Cử nhân tài năng Hóa học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
“Giáo dục hướng nghiệp là điều cực kỳ quan trọng với tất cả học sinh, nhất là ở cấp phổ thông”.
Nhưng học một kỳ tại đây, Công dần nhận ra môi trường này không phù hợp với mình.
“Tôi kỳ vọng nhiều điều hơn ở bậc học này. Nhưng những thứ tôi học được tại đây chỉ là việc giải các bài toán khó hơn, cân bằng những phản ứng phức tạp hơn. Sau một học kỳ ngồi giải bài tập, tôi cảm thấy vỡ mộng”.
Đó cũng là lý do anh quyết tâm phải tìm mọi cách để đi du học.
Song với vốn tiếng Anh gần như bằng không, việc xin được học bổng đi Anh, Úc hay Mỹ với anh là điều không thể.
“Tôi đã đi tìm kiếm thông tin ở rất nhiều nơi. May mắn, khi ấy Chính phủ có chính sách cấp học bổng đi du học cho sinh viên xuất sắc nhất của các trường. Vì thế, tôi bắt đầu đặt mục tiêu phải lọt vào nhóm những sinh viên xuất sắc”.
Đúng như kỳ vọng, năm 2003, chàng sinh viên lớp Cử nhân tài năng Hóa được lựa chọn sang Nga, theo học hệ Kỹ sư Hóa học của Trường ĐH Tổng hợp Saint Petersburg.
Anh từng theo học hệ Kỹ sư Hóa học của Trường ĐH Tổng hợp Saint Petersburg.
Học tập tại ngôi trường mới, Công phải “đánh vật” với việc học ngôn ngữ. Lúc nào, cậu sinh viên người Việt cũng đem theo bên mình hai cuốn từ điển nặng trịch để học tiếng Nga. Với vốn kiến thức Toán từ những năm cấp 3, Công thường xuyên giảng bài Toán khó cho các sinh viên Nga; đổi lại, các bạn cùng lớp sẽ dạy anh học tiếng.
Gần một năm vừa học ngôn ngữ, vừa học chuyên ngành, khi việc nói tiếng Nga đã dần trôi chảy, Công lại bắt đầu “lùng sục” tới các phòng thí nghiệm để xin tham gia nghiên cứu.
Môi trường học không nặng nề lý thuyết, ưu tiên việc thực hành khiến Công cảm thấy như “trút bỏ gánh nặng”. Những năm tháng ngồi trên giảng đường, Trịnh Công đã là tác giả chính của 4 bài báo khoa học. Các giáo sư trong trường đều đánh giá, đây là thành tích vượt trội mà một sinh viên đại học, đặc biệt là một sinh viên quốc tế gặp rào cản ngôn ngữ đạt được. Công cũng giành giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường vào năm thứ 4 đại học.
Mọi thứ diễn ra suôn sẻ khiến Công chắc mẩm mình sẽ trụ lại tại Nga và tiếp tục học lên tiến sĩ. Nhưng đến cuối năm 2006, trong một lần đại diện cho trường tới Phần Lan tham dự một hội nghị khoa học quốc tế, Công đã có cơ hội tiếp xúc với một số sinh viên, mà sau này anh nói: “Tôi như được khai sáng”.
“Sang Phần Lan, tôi gặp được một anh sinh viên gốc Á có chiếc laptop đẹp tuyệt, mỏng và nhẹ. Tò mò, tôi cũng lân la tới, dùng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình để hỏi đây là loại máy gì. Cậu sinh viên này trả lời một câu rất dài mà tôi chỉ kịp nghe: “Apple”. Hôm đó, tôi đã dành cả đêm tìm hiểu trên Internet xem “Apple” là gì. Sau đêm ấy tôi nghĩ, “khoa học của Mỹ đỉnh cao thật”.
Chiếc máy ấy, theo lời của cậu sinh viên, có giá 2.000 USD. Trong khi đó, học bổng của tôi tại Nga chỉ vỏn vẹn 300 USD/ tháng. Cậu bạn nói rằng, chiếc máy này chỉ bằng một tháng học bổng bên Mỹ. Lúc ấy tôi mới biết được rằng, hóa ra đi học tiến sĩ bên Mỹ còn có thêm tiền”.
Sau chuyến đi đó, Công bắt đầu quyết tâm tìm kiếm học bổng đi du học Mỹ. Đến bây giờ anh vẫn cho rằng, đó là một quyết định khá “liều” vào thời điểm ấy, khi vốn tiếng Anh của anh gần như bằng không.
Bỏ ước muốn giáo sư để làm kỹ sư
Trở lại Nga, không thể học tiếng Anh tại các trung tâm do chi phí quá đắt đỏ, sau nhiều lần đắn đo, Công quyết định mua sách về tự học.
“Nói về chuyện học tiếng Anh cũng có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tôi mua tất cả các bộ sách, từ TOEFL, English Grammar in Use, VOA Special English… đến học tiếng Anh online với giá 15-20 USD/ tháng. Để có thêm tiền học tiếng Anh và mua tài liệu, mỗi ngày sau giờ học và tới phòng thí nghiệm, tôi mở tiệm cắt tóc tại phòng ký túc xá với giá chỉ bằng một nửa ngoài tiệm”.
Suốt hơn 1 năm quyết tâm tự luyện và đứng trước gương học phát âm, từ con số 0, anh Công đã đạt 92/120 điểm TOEFL iBT và có thể tự viết thư “apply” học bổng.
TS Công là một trong 100 nhà khoa học người Việt trên thế giới tham gia Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Nhờ hồ sơ mạnh, chàng trai người Việt đã được 6 ngôi trường tại Thụy Sĩ, Đức và Mỹ chấp nhận. Năm 2008, anh quyết định lựa chọn theo đuổi việc học tiến sĩ tại University of Southern California (Mỹ) với lý do “trót mê mẩn một giáo sư của trường”.
“Khi tìm hiểu về trường, tôi biết tới thầy – một nhà khoa học có những nghiên cứu rất thực tế về màn hình OLED và các thiết bị điện tử từ vật liệu hữu cơ. Vì thế, ngày đầu tiên tới trường, tôi đã tới thẳng lab của thầy và đưa ra đề nghị: ‘Em chọn trường chỉ vì quá thích lab của thầy. Em rất mong được nghiên cứu tại đây”.
Cũng nhờ câu nói đó, anh đã được nhận vào làm việc tại lab và bắt tay vào nghiên cứu ngay từ năm đầu tiên tới Mỹ.
Nhưng việc nghiên cứu vốn không cho kết quả ngay tức thì. Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu với nhiều thất bại, Công 2 lần muốn dừng việc học tiến sĩ.
“Sau 3 năm thất bại, tôi quyết định bỏ ra 2 tuần, ngồi suy nghĩ về các dự án mình đã làm, phân tích lý do thất bại và quyết định dừng lại tất cả những dự án không có tiềm năng, mặc dù rất tiếc công sức mình đã bỏ ra trong suốt 3 năm.
Tôi đã đi nói chuyện với các giáo sư trong khoa, các nhà nghiên cứu khác và tự vạch ra hai hướng nghiên cứu hoàn toàn mới. Tôi cũng trao đổi với các giáo sư thường xuyên hơn để các ý tưởng của mình luôn được mở rộng và chấp nhận lắng nghe những lời phê bình, góp ý”.
Sau 6 tháng, hướng nghiên cứu mới của anh Công đã có kết quả tốt và nhận về bằng sáng chế đầu tiên nhờ sự tình cờ trong khi tranh luận với một nhà nghiên cứu cùng lab.
Trong 2 năm cuối của chương trình nghiên cứu sinh, anh Công bứt phá với 3 bằng sáng chế và 6 bài báo khoa học được công bố. Trong số các nghiên cứu được cấp bằng, có nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực pin mặt trời làm từ nguyên liệu hữu cơ.
“Nếu như pin mặt trời truyền thống từ vật liệu Si rất to và nặng thì với công nghệ này, pin sẽ rất nhẹ, có thể treo lên cửa sổ bằng kính và cho phép nhìn xuyên qua được. Nó cũng có thể dùng như lớp sơn phát điện năng lượng mặt trời để phủ lên các vật dụng ngoài trời”.
Trịnh Công là quản lý cao cấp về phát triển sản phẩm tại Applied Materials.
Mọi thứ suôn sẻ nhưng anh Công nói, với ngành học của mình, nếu trở về Việt Nam sẽ rất khó có cơ hội làm việc.
“Tôi cũng chưa muốn tham gia giảng dạy hay nghiên cứu. Học xong, tôi muốn áp dụng những kiến thức được học vào thực tế ngay. Vì thế, tôi đã đặt mục tiêu phải tới Thung lũng Silicon - vùng đất lành cho các tài năng công nghệ và là mảnh đất phát triển cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ”.
Và anh đã đặt chân tới Thung lũng Silicon vào năm 2013. 8 năm sau, anh trở thành quản lý cao cấp của một nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Applied Materials – tập đoàn cung cấp nguyên liệu bán dẫn số một trên thế giới với doanh thu gần 20 tỉ USD.
“Tôi đã làm việc rất chăm chỉ kể cả cuối tuần, luôn xung phong làm những việc khó. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Tôi nhận ra mình phải có kỹ năng làm việc nhóm, biết dùng kiến thức và sự hiểu biết của mình để tạo sự ảnh hưởng,...
Tôi đã dành rất nhiều thời gian đào tạo các kỹ sư mới đến, mặc dù bản thân không được trả lương hay giao nhiệm vụ. Đây chính là cách tôi tạo sự ảnh hưởng và giành được sự tin tưởng của đồng nghiệp và ban lãnh đạo”.TS Trịnh Công hiện là chủ nhân của 15 bằng sáng chế đã cấp và đang chờ phê duyệt sáng chế về vật liệu nano tiên tiến và xử lý chất bán dẫn. Những sáng chế của anh đã được nhiều tên tuổi lớn ứng dụng để làm ra chip lõi, xử lý màn hình OLED trong điện thoại thông minh và máy tính.
Học gì để trở nên giàu có trong tương lai?
Từng đi tới một số trường cấp 3 và cả trường đại học để trò chuyện với nhiều bạn trẻ, TS Công thường nhận được câu hỏi: “Làm sao để ra trường đạt mức lương 2.000 - 10,000 USD?”; “Học gì để trở nên giàu có trong tương lai?”
Anh cho rằng, thay vì đặt câu hỏi đó, sinh viên cần nghĩ đến việc làm gì để nâng tầm giá trị bản thân lên cao hơn. Khi đó, sẽ có người chấp nhận trả hàng nghìn USD/ tháng cho chất xám của bạn hoặc chính bạn cũng có thể tự tạo lập một công ty có giá trị riêng cho mình.
“Có 3 yếu tố sẽ giúp bạn định hướng nghề nghiệp tương lai. Đó là đam mê, khả năng của bản thân và nhu cầu, xu hướng của xã hội.
Nếu không có đam mê và khả năng ở lĩnh vực mình dự định theo đuổi thì dù công việc ấy có đem lại mức lương cao và khiến bạn trở nên giàu có thì bạn cũng sẽ thấy lạc lõng.
Để khám phá khả năng của bản thân, bạn có thể tham gia vào một công việc thực tế để thử sức. Giống như việc tôi đã từng luôn tò mò liệu mình có khả năng với khoa học hay không. Vì thế, tôi đã xin vào làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của một vị giáo sư ngay từ năm 1 đại học.
Nhưng để xác định được hướng đi nghề nghiệp, chỉ có đam mê và khả năng thôi vẫn chưa đủ. Bạn cũng cần phải xác định xem nhu cầu và xu hướng của xã hội ra sao trong thời điểm đó”.
TS Trịnh Công đưa ra gợi ý: “Trong kỷ nguyên Internet, dù ngành nghề của bạn là gì, tiếng Anh là kỹ năng rất quan trọng. Thế giới có một kho tàng kiến thức khổng lồ bằng tiếng Anh mà chúng ta có thể tiếp cận từ bất cứ nơi đâu.
TS Trịnh Công, chủ nhân của 15 bằng sáng chế Mỹ
Bên cạnh đó, ngành khoa học máy tính lại càng quan trọng hơn. Trong điều kiện của Việt Nam hiện tại, học ngành khoa học máy tính sẽ có cơ hội rất lớn, lại không cần phải đầu tư cơ sở vật chất nhiều.
Vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) đã phát triển rất mạnh và được nhắc đến nhiều là do sự phát triển vượt bậc của phần cứng cùng tốc độ tính toán của các con chip”.
Là một người nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, anh Công cho biết, trong vòng 5-10 năm tới, sự phát triển của công nghệ bán dẫn sẽ càng bứt phá mạnh hơn, ứng dụng rộng rãi khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Đây sẽ là “đất diễn” cho các kỹ sư công nghệ thông tin.
“Nếu Việt Nam xây dựng được một đội ngũ kỹ sư phần mềm giỏi, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu”.
“Giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông là rất quan trọng. Nó sẽ kích thích đam mê khám phá của học sinh thay vì giải các bài tập khô khan nhàm chán. Nếu giỏi tiếng Anh và công nghệ, người Việt trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội và giá trị của bản thân cũng sẽ được nâng cao”, anh Công chia sẻ.
Khi nói chuyện với nhiều bạn trẻ, TS Công thường nhận được câu hỏi: “Làm gì để ra trường đạt mức lương 2.000 hay 10.000 USD?”. Anh cho rằng, thay vì đặt câu hỏi đó, hãy nghĩ đến việc làm thế nào để nâng giá trị bản thân.
Thúy Nga (vietnamnet.vn)
Xem thêm