Sĩ tử may mắn nhất lịch sử khoa cử Việt Nam: bỏ giấy trắng mà vẫn đỗ tiến sĩ và được lưu danh trên bảng vàng

08/07/2022 | 286

Khoa thi Quý Hợi (năm 1623) đặc biệt, độc nhất vô nhị, khi có một sĩ tử là Nguyễn Trật để giấy trắng nhưng vẫn được đề danh khắc bia đỗ tiến sĩ. Câu chuyện ly kỳ này từng diễn ra dưới thời Hậu Lê. Trường hợp này thật đúng với câu "thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Nhưng có lẽ may mắn của ông không tự nhiên có mà do ông có tấm lòng lương thiện đã gieo nhiều nhân tốt trong tiền kiếp đến hiện thời nên ông mới dễ dàng vượt qua bao thử thách một cách lạ lùng và kỳ diệu đến thế.

Nguyễn Trật sinh năm 1573, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tương truyền ông là người cao lớn khỏe mạnh, lại hiền lành siêng năng. Vậy nhưng vì tối dạ nên dù đọc sách nhiều, Nguyễn Trật không nhớ nổi mấy trang. Thế là sau một thời gian miệt mài, ông cuối cùng cũng phải bỏ cuộc, không còn màng đến sách vở nữa.

Tuy nhiên, như một mối lương duyên kỳ lạ, dù quyết chí dứt hẳn đường khoa cử, nhưng rồi, Nguyễn Trật lại quay lại với giấc mộng khoa cử, sau khi có người khuyên bảo.

Đi thi vì lời khuyên của người lạ

Theo sách Tang thương ngẫu lục, không còn vương vấn con đường công danh, khoa cử, nhưng lúc bấy giờ có một thầy địa lý đi chơi qua làng Nguyệt Yên, thấy Nguyễn Trật hiền lành, lễ độ nên đã khuyên ông nên tiếp tục con đường khoa cử.

Sau khi được thầy địa lý khuyên bảo, Nguyễn Trật lại tìm thầy miệt mài kinh sử, chăm chú việc đèn sách. Năm ông 40 tuổi, triều đình mở khoa thi Hội, Nguyễn Trật một lần nữa miễn cưỡng lều chỏng đi thi. Biết học trò của mình hiền lành, lễ độ nhưng tối dạ nên thầy giáo dặn các học trò khác khi vào trường thi thì nhớ tìm cách giúp đỡ cho Nguyễn Trật.

Lúc bấy giờ nhà Lê Trung Hưng vừa đánh bại nhà Mạc nên kinh thành Thăng Long còn rất lộn xộn, việc thi cử còn lỏng lẻo. Nhờ thế mà khi đi thi, Nguyễn Trật được bạn bè giúp đỡ mà đỗ Hương cống và lọt vào kỳ thi Hội.

Đến kỳ thi Hội năm 1623 thời vua Lê Thần Tông, Nguyễn Trật về Kinh dự thi. Nhờ bạn bè giúp đỡ ông vượt qua được trường nhất, trường nhì và trường ba.

Đến trường tư thì bạn bè của Nguyễn Trật hầu như đã rơi rớt hết cả. Chẳng còn ai giúp Nguyễn Trật khi ông thi trường tư, cũng là kỳ thi cuối cùng của thi Hội.

Trường thi ngày xưa. Ảnh: Tư liệu

Cuốn “Tang thương ngẫu lục” mô tả rằng: Đến trường tư, trước đó mấy ngày, bạn cùng trọ một nhà đều lo đi sắm sửa thêm các thứ cần thiết để vào trường thi, ông ở nhà nằm ngủ ngày, trong giấc chiêm bao, thấy có một vị thần đến, kêu to lên rằng: Khương khương! Tỉnh dậy ông nghĩ: Hai chữ Khương cùng âm (một chữ là họ hoặc tên người, một chữ là gừng), ta cứ thử mang theo gừng xem sao.

Hôm vào trường tư, ông mang theo gừng thật. Thế rồi chiều tối hôm ấy, ở lều bên cạnh có một thí sinh vật vã ôm bụng kêu đau, hỏi ra mới biết đó chính là viên nho sinh quê ở làng Bột Thái. Ông đem nước gừng đổ cho uống. Lát sau, người ấy lấy quyển thi của mình ra và nói: "Đây là bài thi rất đắc ý của tôi nhưng chưa đề tên vào, nay xin tặng ông để đền ơn. Xin ông cõng tôi ra khỏi trường, tôi dầu có chết cũng chẳng ân hận gì nữa".

Ông nghe lời, cõng viên Nho sinh ra khỏi trường. Sau đó, viên Nho sinh này lại phát bệnh mà mất.
Nguyễn Trật nhận bài thi của Nho sinh này, nhưng vì bài thi làm chưa xong nên ông viết thêm phần cuối cho xong, ghi tên mình vào rồi nộp cho quan trường.

Khi các quan chấm thi thấy bài của Nguyễn Trật thì thấy làm rất hay, nhưng đến phần sau thì câu văn kém hẳn nhưng vẫn chấm nằm trong 7 người đỗ đầu được vào thi Đình.

Không làm được bài vẫn đỗ tiến sĩ

Có 3.000 sĩ tử lọt vào đến thi Hội, chọn ra 7 người đỗ và vào đến thi Đình. Trong khi bạn bè người làng đều thi rớt cả thì Nguyễn Trật vẫn lọt được vào danh sách thi Đình. Điều này khiến nhiều người quen biết vô cùng kinh ngạc, bàn tán xôn xao.

Đến kỳ thi Đình, vì học lực không giỏi, đề thi khó nên Nguyễn Trật không làm được. Tới quyển số bảy, không biết viết gì, ông nộp nguyên giấy mà không có chữ nào. Cho rằng Nguyễn Trật kiêu ngạo nộp giấy trắng, không chịu làm bài, triều đình rất tức giận, dự tính không treo bảng vàng cho ông đậu.

Trong khi triều đình dự định xóa tên ông khỏi tất cả kỳ thi, xử phạt thì đột nhiên chúa Trịnh Tùng ốm nặng qua đời. Trịnh Tráng lên thay nhưng gặp phải sự chống đối quyết liệt của anh trai là Trịnh Xuân, Trịnh Tráng phải bỏ chạy về Hải Dương rồi cùng vua Lê về Thanh Hóa.

 

Trong lúc hỗn loạn, Nguyễn Trật có công hộ giá nhà vua Lê và chúa Trịnh. Nhờ có công, cuối cùng ông không còn bị triều đình trừng phạt nữa, lại cho đỗ tiến sĩ.

Bia tiến sĩ khoa Quý Hợi (1623) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chép rằng "ngày lành tháng tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, sáu người còn lại đều cho đỗ đồng tiến sĩ xuất thân".

Vậy là từ thân phận của một nho sinh phạm trường quy, "phạm tội" kiêu ngạo với triều đình, Nguyễn Trật may mắn thoát nạn, được chấm đỗ tiến sĩ, tên tuổi được lưu danh trên bảng vàng danh giá.

Sau khi được chấm đỗ Nguyễn Trật, ra làm quan cho triều Lê Trung Hưng, ông thăng dần đến chức Công khoa Đô Cấp sự trung. Dù ông không có văn hay, nhờ tính tình hiền lành, thương yêu dân chúng, thanh liêm nên ông được triều đình và người đời rất yêu mến, xưng gọi với cái tên trìu mến: Ông Nghè Nguyệt Viên.

Tổng hợp

(*) Xem thêm

Bình luận