Nữ trưởng khoa 27 tuổi từ chức để làm lại từ đầu
"Năng lực nghiên cứu là mấu chốt quan trọng giúp các trường đại học của Việt Nam phát triển. Nếu như trường đại học có những giảng viên có khả năng nghiên cứu, công bố quốc tế thì mới có thể hòa vào dòng chảy của tri thức nhân loại, được góp 'tiếng nói chung'. Còn nếu không, 'chúng ta chỉ có thể ngồi xem những gì thế giới đang làm' và không thể hội nhập quốc tế một cách thực sự".
Hơn 20 năm trước, chị Nguyễn Thị Lan Hương là 1 trong 12 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân Sư phạm tiếng Anh, chị Hương được nhận vào công tác tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Thời điểm ấy, chị Hương cũng không ngờ đây lại là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của mình.
“Lúc ấy, trường vừa từ cao đẳng lên đại học nên còn khá non trẻ. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nhà trường và những giảng viên trẻ như chúng tôi bứt phá. Là một giảng viên ngoại ngữ mới ra trường, tôi luôn hăng say với việc tìm kiếm cơ hội để kết nối và hợp tác quốc tế”.
Trở thành tổ trưởng tổ hợp tác quốc tế, sau đó là Trưởng khoa Ngoại ngữ khi ở độ tuổi 27, chị Hương nói, đây là một vị trí đầy áp lực.
“Khoa khi ấy có 130 cán bộ, giảng viên, còn tôi mới chỉ 27 tuổi. Thế mạnh của tôi lúc đó có lẽ là tiềm năng phát triển chuyên môn và nhiệt huyết của tuổi trẻ”.
Chị Hương đã dành một khoảng thời gian đi từ Bắc vào Nam, tới nhiều trường đại học để học hỏi và tham khảo chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, nữ trưởng khoa trẻ cũng tận dụng sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, mời họ tới Việt Nam làm việc và cùng phát triển một số môn học.
Từng có những trải nghiệm thời đại học tại Việt Nam, chị Hương thẳng thắn nhìn nhận, có một số môn trong chương trình học “không có tác dụng gì nhiều, mất thời gian học nhưng không thể ứng dụng vào thực tế”.
Vì thế, khi được trao quyền là người quyết định đưa các môn học vào trong chương trình đào tạo bậc cử nhân khoá 1 của trường, chị đã xây dựng 4 môn học mới, đó là: Kỹ năng học đại học; Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng xin việc và Kỹ năng làm việc.
“Có thể ở thời điểm hiện tại, chủ đề việc làm, khả năng được tuyển dụng và tự tạo ra công ăn việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đang là đề tài nóng hổi ở khắp các trường đại học trên toàn cầu, nhưng cách đây 14 năm, vấn đề này vẫn chưa thực sự được chú trọng.
Lúc đấy, bản thân tôi cũng rất áp lực bởi không có nhiều người tin trường chúng tôi sẽ làm được. Nhưng 10 năm sau khi khoá đầu tiên ra trường, tôi vui mừng khi nghe các em chia sẻ, những môn học này đã giúp các em trang bị “áo giáp, vũ khí” kỹ càng để vượt lên trên ứng viên khác như thế nào khi đi xin việc cũng như làm việc”.
Chị Hương cũng cảm thấy may mắn khi ở thời điểm ấy, Ban Giám hiệu Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội luôn sẵn sàng tạo điều kiện để chị có thể thực hiện hoá những ý tưởng của mình.
Đến thời điểm hiện tại, những môn học do chị Hương đặt nền móng vẫn đem lại giá trị. Một số môn đã trở thành môn học bắt buộc tại trường.
Ở cương vị trưởng khoa, chị Hương đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng sau 9 năm công tác, nữ giảng viên nhận thấy, nếu ở tầm quốc tế, bản thân vẫn còn quá non trẻ.
“Tôi luôn đau đáu về nhiều vấn đề trong lãnh đạo và quản trị đại học ở Việt Nam. Vì thế, tôi nghĩ mình phải đi, sang một nước như Úc để tiếp tục học hỏi, sau đó sẽ trở về và làm tốt hơn vai trò của mình”, chị Hương nhớ lại.
Không đắn đo, chị xin học bổng sang Úc với thời gian học 1,5 năm và quyết định từ chức trưởng khoa.
Quyết định này của chị khiến gia đình, bạn bè can ngăn. “Có người phải phấn đấu cả đời mới đạt được vị trí ấy, tại sao lại phải đánh đổi?”
“Nhưng tôi nghĩ mình vẫn phải đi”, chị Hương nói. Chị cũng thẳng thắn trả lời: “Cơ hội còn ở phía trước. Sau này nếu có năng lực, khi mình quay trở về chắc chắn cũng sẽ được làm những việc mình yêu thích”.
Năm 2008, chị Hương lên đường sang Úc, trong khi chồng chị cũng đi làm việc một năm tại Nhật Bản và con phải gửi cho ông bà nội.
Môi trường tại Úc với chị Hương như thể “cá gặp nước”.
“Dù khi còn ở Việt Nam tôi đã có bằng thạc sĩ, nhưng rất khó khăn để học lên tiến sĩ do thiếu tài liệu quốc tế hay các mạng lưới kết nối. Vì thế, tôi không thể làm được đề cương nghiên cứu”.
Sang Úc, chị lựa chọn học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục.
Mất 9 năm để quay lại “điểm xuất phát”, chị Hương nói bản thân cũng vấp phải “sự khủng hoảng nho nhỏ” khi đối mặt với một vài câu hỏi như: “Tôi là ai”, “Tôi đang làm gì”.
“Chấp nhận làm lại từ đầu khi nhiều người bạn đã tốt nghiệp tiến sĩ, nhưng bù lại, tôi thấy mình có kiến thức quản trị đại học thực tế và có thể có tầm nhìn sâu rộng hơn”.
Những trải nghiệm trong quản lý khi còn ở Việt Nam đã giúp chị tốt nghiệp xuất sắc khoá thạc sĩ, đồng thời được nhận giải thưởng cho Luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất khóa học. Luận văn này sau đó cũng được chị xuất bản thành hai bài báo quốc tế.
Sau quãng thời gian đó, chị Hương tiếp tục xin học bổng tiến sĩ với thời gian 4 năm và trở thành cán bộ quản lý kiêm giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo nghiên cứu sinh tại ĐH Swinburne (Úc).
Đến thời điểm hiện tại, sau khi đã rời vị trí giảng dạy tại Trường ĐH Swinburne để làm việc cho UNESCO ở vị trí chuyên gia phân tích chính sách quản lý giáo dục đại học, các nghiên cứu của chị cũng vẫn tập trung vào lĩnh vực này.
Trong số các nghiên cứu của mình, chị Hương tập trung vào vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học.
Theo chị Hương, hiện nay, tỉ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ tại Việt Nam vẫn thấp, chỉ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó ở Úc, giảng viên có trình độ tiến sĩ đã đạt mức 80%.
“Đây là một khoảng cách rất lớn. Chúng ta phê phán việc đào tạo tiến sĩ hàng loạt ở Việt Nam, nhưng thực ra con số hiện nay vẫn còn quá nhỏ.
Theo thông lệ quốc tế, bằng tiến sĩ mới là bắt đầu con đường sự nghiệp hàn lâm. Ở nhiều nước, đó là điều kiện để theo đuổi sự nghiệp học thuật”.
Do đó, theo chị Hương, nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho việc phát triển đào tạo tiến sĩ, thậm chí, có thể đưa ra yêu cầu bắt buộc việc giảng viên cần phải có bằng tiến sĩ, nhưng cần có lộ trình.
Một vấn đề khác cũng thuộc mảng nghiên cứu chính đã được chị Hương xuất bản nhiều bài báo quốc tế là việc xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học Việt Nam.
Chị Hương cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào việc đào tạo ra các nguồn nhân lực cho xã hội chứ chưa làm được sứ mệnh rất nhiều trường đại học ở các nước tiên tiến đã làm, đó là tạo ra tri thức.
“Rất nhiều người cho rằng nếu không có nghiên cứu khoa học thì các trường đại học cũng chỉ là trường phổ thông cấp 4 mà thôi”, chị Hương nói.
Chị cũng cho rằng, năng lực nghiên cứu là mấu chốt quan trọng giúp các trường đại học của Việt Nam phát triển. Nếu như trường đại học có những giảng viên có khả năng nghiên cứu, công bố quốc tế thì mới có thể hòa vào dòng chảy của tri thức nhân loại, được góp “tiếng nói chung”. Còn nếu không, “chúng ta chỉ có thể ngồi xem những gì thế giới đang làm” và không thể hội nhập quốc tế một cách thực sự.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải có năng lực tự tạo ra tri thức phù hợp với thực tiễn của đất nước mình dựa trên những phát triển của quốc tế.
Nữ tiến sĩ gợi ý, để phát triển được năng lực nghiên cứu khoa học, Việt Nam phải có một vài trường đại học ở top trên “hòa nhập được với dòng chảy của tri thức” và có những chuyên gia đầu ngành để truyền lại cho các trường top sau.
“Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng, trong tất cả các cấp bậc xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học thì Việt Nam đang ở bậc thấp nhất, tức mới đang bắt đầu xây dựng năng lực nghiên cứu”.
Chúng ta có thể có một số công trình tiêu biểu nhưng nó mới chỉ giống như “một hòn đá ném vào ao bèo”. Chúng ta chưa thực sự tạo ra một nội lực nghiên cứu quốc gia vững mạnh làm cơ sở để phát triển và bứt phá. Điều này rất đáng lo ngại, và thực sự đáng tiếc, vì Việt Nam đang có dân số trẻ, còn rất nhiều tiềm lực để phát triển”
Nhưng không phải trường nào cũng có năng lực để đầu tư vào công bố quốc tế vì đó là một “trò chơi” rất đắt và tốn kém vô cùng.
“Cái Việt Nam cần làm là thực hiện song song cả hai, tức có một đội ngũ tiếp cận được với tri thức quốc tế và chuyên xuất bản quốc tế. Đồng thời, có một điều quan trọng hơn nữa là sứ mệnh chuyển giao tri thức và hợp lý hóa để những tri thức ấy có thể ứng dụng vào thực tiễn, tạo ra giải pháp cụ thể cho địa phương.
Những nghiên cứu khoa học của Việt Nam phải gắn chặt với mục tiêu phát triển của xã hội”, chị Hương đề xuất.
TS Nguyễn Thị Lan Hương đang chủ trì dự án nghiên cứu về chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo nữ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam” do Quỹ Cựu học sinh, sinh viên của Chính phủ Úc tài trợ. Chị cũng đang cộng tác với các giáo sư ở Anh và Pháp thực hiện đề tài nghiên cứu về 'Con đường sự nghiệp của Hiệu trưởng các trường đại học' ở Anh, Pháp, Úc, và Việt nam. Bên cạnh đó, chị cũng là người sáng lập và điều hành chương trình “Phát triển nhà nghiên cứu Việt” - RDP (Research Development Program), một sáng kiến cộng đồng được khởi xướng thông qua mạng lưới Tri thức Việt Nam toàn cầu (iVANet) nhằm kết nối, tôn vinh và phát triển nghề nghiệp cho các ứng cử viên nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh và tân tiến sỹ người Việt Nam trên toàn cầu. Trong 3 năm qua, chương trình đã tổ chức 17 hội thảo trực tuyến, kết nối với nhiều giáo sư, tiến sỹ đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các cá nhân có tầm ảnh hưởng, làm việc trong các tổ chức tên tuổi trên thế giới và Việt Nam. Các cuộc hội thảo xoay quanh bốn lĩnh vực chính, bao gồm: Bản chất của việc học Tiến sỹ; Phát triển các kỹ năng nghiên cứu; Phát triển các kỹ năng mềm trong quá trình nghiên cứu; và Phát triển nghề nghiệp. |
Thúy Nga - Phương Thu (vietnamnet.vn)
Xem thêm