Nữ Tiến sĩ Việt duy nhất lọt vào top 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022
Việt Nam có 35 nhà khoa học vào top nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới 2022, trong đó Tiến sĩ Lê Thái Hà là nhà khoa học nữ duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Lê Thái Hà sinh ngày 4/11/1988 tại Hà Nội, là cựu học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô sang Singapore du học nhờ giành được học bổng. Cô từng theo học chuyên ngành Kinh tế của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Năm 24 tuổi, cô hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ trong 2 năm với điểm số cao nhất khóa là 4.92/5. Đây là điều chưa từng có tiền lệ ở trường NTU.
Nhờ thành tích tốt nghiệp sớm và kết quả xuất sắc mà Thái Hà được nhận học bổng toàn phần 4 năm, học thẳng lên tiến sĩ. Cô là người trẻ nhất trong nhóm nghiên cứu sinh khi đó.
Gây chú ý hơn, Thái Hà còn bảo vệ luận án tiến sĩ về lĩnh vực Kinh tế năng lượng sớm, chỉ sau 2 năm. Chuyện này khiến mọi người rất ngạc nhiên.
Năm 2022, dư luận xôn xao trước thông tin một nữ khoa học người Việt Nam được vinh danh trong BXH của GS John P.A.loannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ). BXH được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus với nhiều tiêu chí. Nó được NXB Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus) công bố. Nữ TS. Lê Thái Hà xếp hạng 49.666, tiếp tục là nhà khoa học nữ duy nhất của nước ta có mặt trong danh sách, tăng hơn 24.000 bậc so với bảng xếp hạng năm 2021.
Khi trở về nước, TS.Lê Thái Hà bắt đầu sự nghiệp với công việc giảng dạy kinh tế tại Đại học RMIT Việt Nam. Cô nổi lên là một giảng viên kinh tế trẻ năng động, đặc biệt gây ấn tượng trong lĩnh vực nghiên cứu với thành tích công bố quốc tế đáng nể.
Cô đã công bố khoảng 70 bài báo nghiên cứu khoa học trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín, bao gồm bao gồm nhiều tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế ứng dụng, kinh tế năng lượng và môi trường như Energy Economics, Energy Journal, Energy Policy, Renewable Energy, Resources Policy, Economic Modelling, International Review of Financial Analysis, Empirical Economics, Annals of Operations Research, Applied Economics, and Australian Tax Forum,...
Tất cả các bài báo nghiên cứu khoa học của cô đều thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có khoảng 85% thuộc nhóm Scopus Q1 hoặc ABDC (Australian Business Deans Council), với chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*.
Trước khi gia nhập Đại học Fulbright Việt Nam, TS.Lê Thái Hà đảm nhiệm vị trí giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam. Ngoài ra, cô là giảng viên khách mời cho một số chương trình như Khóa học "Phát triển Việt Nam: Lịch sử, môi trường & văn hóa" dành cho sinh viên của Đại học Dartmouth (Mỹ), Khóa học "Chính sách và Kinh tế Năng lượng" của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (Chương trình học bổng YSEALI của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)...
Không những thế, TS. Lê Thái Hà còn là thành viên trẻ nhất (và là nữ duy nhất) của Hội đồng khoa học ngành Kinh tế nhiệm kỳ 2022-2024 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Cô đã từng tư vấn cho Ngân hàng Thế giới (World Bank), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA)...
Đồng thời, cô là người sáng lập và Tổng Biên tập của Tạp chí khoa học Fulbright Review of Economics and Policy. Đồng thời cô còn đảm nhiệm vai trò biên tập cho một số tạp chí học thuật quốc tế uy tín khác như Journal of Economic Asymmetries (Elsevier), Journal of Economic Development (được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia của Hàn Quốc), Singapore Economic Review (một trong những tạp chí kinh tế lâu đời và uy tín nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) và “Springer New Monograph Series, New Frontiers in Regional Science: Asian Perspectives” (Springer Nature).
TS. Lê Thái Hà nhận được được nhiều giải thưởng và tài trợ nghiên cứu uy tín như Tài trợ Thương mại và Phát triển Thái Bình Dương (PAFTAD) dành cho Học giả Trẻ năm 2013, Giải thưởng Tài trợ Liên bang về Ngoại giao Nhân dân của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018 và Tài trợ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) vào năm 2019 và 2022 với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu.
Nhận xét về nữ tiến sĩ này, đồng nghiệp của cô ở Đại học New South Wales, Australia – GS Trần Nam Bình dành nhiều lời khen ngợi. Ông cho biết mình rất ấn tượng với cô gái này về khả năng vượt trội trong nghiên cứu các lĩnh vực kinh tế. Dù tài giỏi nhưng Thái Hà lại rất thân thiện, dễ gần.
Lê Thái Hà xếp hạng nổi tiếng thứ 87717 trên thế giới và thứ 4 trong danh sách Tiến sĩ nổi tiếng. Từ năm 2022, cô còn là Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture.
Trong tương lai, bên cạnh công việc quản lý và nghiên cứu, cô hy vọng dành được nhiều thời gian hơn để tiếp tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đến các bạn sinh viên, học viên có đam mê nghiên cứu để khiến vai trò của người phụ nữ trong nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao hơn.
Theo nguonluc.com.vn
Xem thêm