Huyền Thoại Gia Đình Khoa Bảng Của Cố Giáo Sư Nguyễn Lân

24/12/2021 | 378

Dân gian có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”. Dòng họ Nguyễn Lân có thể nói là “danh gia vọng tộc”, các thế hệ đều có những nhà khoa học, trí thức nổi tiếng. Văn hóa nêu gương, người đi trước dìu dắt người đi sau xây đắp nên hình mẫu một gia đình hiếu học, tài hoa. 

Đại gia đình tri thức - Danh gia vọng tộc 

Hiếm gia đình nào có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như gia đình cố Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân (1906-2003). Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.

Cố Giáo sư Nguyễn Lân là giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam. Ông cống hiến trọn đời cho nền giáo dục, được xem là người có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam.

Huyền thoại một gia đình - Báo Người lao động

Cố giáo sư Nguyễn Lân và vợ - bà Nguyễn Thị Tề

Vốn là một cậu bé nhà nghèo, được người anh họ nuôi ăn học, song Giáo sư Nguyễn Lân lại có một người vợ hiền, đẹp, là con gái nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp. 
Nhờ đức độ của ông Nguyễn Lân - bà Nguyễn Thị Tề mà đại gia đình lớn của ông bà (với gần 60 người) luôn giữ được nền nếp gia phong, trên kính dưới nhường, anh em yêu quý nhau.

Nghị lực và lửa yêu nghề của Giáo sư Nguyễn Lân đã truyền lại cho 8 người con, tất cả đều hiếu học. Dù theo đuổi những chuyên ngành khác nhau nhưng cả 8 người con - 7 trai 1 gái - của cố Giáo sư Nguyễn Lân đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học - nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất (người con cả của giáo sư Nguyễn Lân): Người Việt Nam đầu tiên được cựu tổng thống Nga Vladimir Putin phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga năm 2001.

Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (người con thứ hai): Nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Giáo sư - tiến sĩ - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng (người con thứ ba): Một trong những nhà khoa học đầu ngành vi sinh vật học, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Cường (người con thứ tư): Nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia đầu đàn của bộ môn cổ nhân học; Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, giảng viên Khoa Lịch sử - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng (người con thứ năm): Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng (người con thứ sáu): Giảng viên Bộ môn Hệ thống điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Giáo sư - tiến sĩ - thầy thuốc nhân dân Nguyễn Lân Việt (người con thứ bảy): Viện trưởng Viện Tim mạch, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Trung (người con út): Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Không chỉ 8 người con ruột mới là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà nhiều con rể, con dâu của ông cũng là những trí thức có uy tín. Các con dâu nhà Nguyễn Lân phần lớn là giáo viên, bác sĩ... Truyền thống hiếu học của gia đình còn lan tỏa sang thế hệ thứ ba. Tính đến 3 đời, con trai con gái, dâu rể, các cháu, gia đình Nguyễn Lân có gần 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. 

Con trai cả của gia đình huyền thoại Nguyễn Lân qua đời - Giáo dục Việt Nam

Bảy con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân (từ trái qua): Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung (Ông Nguyễn Lân Tuất và người con thứ hai - bà Nguyễn Tề Chỉnh - đã mất). Ảnh: Cường Nguyễn

GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Muốn con hơn cha, hãy sống tử tế

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với GS, TS, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân Dũng xung quanh chủ đề này...

“Các con giỏi hơn tôi”

Phóng viên (PV): Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, ông và bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu có hai người con là Nguyễn Lân Hiếu và Nguyễn Kim Nữ Thảo-đều là những nhà khoa học đang có nhiều cống hiến. Nhiều người nói anh Hiếu, chị Thảo giỏi hơn bố mẹ, ông nghĩ sao về đánh giá này?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Đúng quá chứ! Tôi là NGND, vợ tôi là Thầy thuốc Nhân dân, cả hai chúng tôi đã có quá trình phấn đấu rất tốt. Nhưng thực tế, con chúng tôi còn hơn cha, hơn mẹ. Tại sao như vậy? Tôi có hai đứa con, Nguyễn Lân Hiếu là anh cả. Hiếu thì chuyên sâu về tim mạch, hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội-một bệnh viện lớn. Vợ tôi thấy rất thú vị khi hằng tuần theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trợ giúp các bác sĩ ở bệnh viện nhỏ, vùng sâu, vùng xa, và Hiếu thường xuyên điều khiển những cuộc họp đó. Vợ tôi bảo được hiểu, học hỏi thêm rất nhiều điều dù trước đây, vợ tôi từng là Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một trong những bệnh viện lớn của đất nước.

Con thứ hai của tôi là Nguyễn Kim Nữ Thảo, hiện là giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nghiên cứu cùng chuyên ngành với tôi. Khi tôi sang Mỹ xem Thảo bảo vệ luận văn tiến sĩ, tôi giật mình vì cùng ngành nhưng nhiều thứ tôi không hiểu. Thảo được học về sinh học phân tử, điều mà tôi không được đào tạo và ở nước mình trước đây còn thiếu điều kiện để thực hiện. Chính vì thế nên sau này, tôi quyết tâm tìm cách có đủ các trang thiết bị cần thiết về Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội)-nơi tôi công tác để các bạn trẻ có thể tiếp cận được với sinh học phân tử, có thể xác định gen, phân loại vi sinh vật nhờ nắm được trình tự gen, những thứ mà thế hệ tôi chưa làm được.

GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng và vợ - Đại tá, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Ảnh: Đăng Khôi

Tôi tự hào về hai con bởi các cháu sống tử tế, phấn đấu với tất cả sức lực của tuổi trẻ để trở thành những trí thức mà như tôi nói là đã có những mặt giỏi hơn bố mẹ. Tất nhiên, chúng tôi nhiều tuổi hơn thì đã có nhiều cống hiến hơn, nhưng về từng lĩnh vực thì lớp trẻ giỏi hơn. Lấy riêng ví dụ về ngoại ngữ, tôi cũng được khen là sử dụng được 4 ngoại ngữ, đã in cuốn Từ vựng tiếng Anh tối thiểu, sắp in cuốn Từ vựng tiếng Pháp tối thiểu, nhưng quả thực tiếng Anh không giỏi như các cháu. Chứng kiến Hiếu và Thảo làm việc ở những hội thảo quốc tế, các cuộc họp trực tuyến, tôi phục lắm vì hai cháu sử dụng ngoại ngữ rất lưu loát.

Giáo dục bằng nêu gương

PV: Thưa GS, theo ông, sự thành công của anh Hiếu và chị Thảo bắt nguồn từ đâu?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Đầu tiên, chắc chắn phải từ sự nỗ lực của chính bản thân các cháu. Ngoài ra không thể thiếu sự giáo dục của gia đình. Tôi nghĩ tại sao con tôi rất đáng yêu và đáng tự hào vì nhiều lẽ:

Lẽ thứ nhất vì bố mẹ sống tử tế. Bố mẹ sống tử tế thì con mới sống tử tế được. Hiếu sinh năm 1972, có hoàn cảnh ra đời rất đặc biệt. Có bầu chưa được một tháng, vợ tôi đã xung phong đi chiến trường Quảng Trị, tôi thì tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Chúng tôi vẫn giữ bức ảnh chụp vợ tôi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Hiếm trường hợp nào đang mang thai mà xung phong đi chiến dịch, không những thế lại là con gái một bộ trưởng, mọi điều kiện đều đang rất tốt. Nhưng vợ tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình là bộ đội mà không đi chiến trường thì vô lý. Tôi lúc bấy giờ lo lắm, đến khi bụng rất to, vợ tôi mới trở về sinh cháu. Bức ảnh và câu chuyện đó khiến Hiếu sau này khi lớn lên, thấy mẹ mình sống như thế, tự cháu suy nghĩ mình phải sống thế nào cho xứng đáng...

Hơn nữa, truyền thống gia đình cũng ảnh hưởng rất nhiều. Ông nội cháu là NGND Nguyễn Lân, ông ngoại là Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cả hai đều sống rất giản dị, trung thực. Các cháu thấy ông nội, ông ngoại, bố mẹ sống tử tế thì các cháu sẽ tự giác sống tử tế. Tôi thấy cuộc sống không cần nhiều tiền, chỉ cần sống bằng tiền lương. Sống giản dị, làm công việc mình yêu thích, mình có năng lực thì sẽ không nghèo, làm gì cũng có thêm tiền. Bạn thấy đấy, tôi có thiếu gì đâu? Nhà cũ của tôi cả 4 tầng đều là sách, bây giờ tôi không biết sẽ dùng làm gì, có lẽ sẽ tặng một thư viện nào đó. Tôi chỉ mang đến đây những quyển mà tôi đang làm việc. Quần áo, nhà cửa, sách vở, của cải... đủ dùng là tốt lắm rồi.

Điều đặc biệt bên trong ngôi nhà của giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Lẽ thứ hai là chúng tôi cho các cháu sức khỏe. Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc kháng chiến, vợ chồng tôi vẫn bảo đảm cho các cháu đủ dinh dưỡng, luôn khuyến khích các cháu tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Lẽ thứ ba là các cháu được động viên học với một động cơ tích cực. Những lần đi nói chuyện, tôi vẫn hỏi các cháu học phổ thông là “học để làm gì?”. Nhiều cháu trả lời học để đỗ đại học, học để sau này đỡ khổ... tôi bảo không phải, học để trở thành con người độc lập, tự do! Bác Hồ dạy: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Điều đó không chỉ đúng với dân tộc mà đúng với từng con người. Trước hết là độc lập, tự do trong suy nghĩ, đủ bản lĩnh để không bị gò ép bởi người khác. Tự do lựa chọn con đường đi của chính mình. Tự do kiến tạo nên tương lai của mình. Tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Tự do thức tỉnh theo mọi điều mình hằng mơ ước. Vì thế, chúng tôi thường nhắc nhở các cháu học cho mình, không phải học cho thầy cô, không phải học cho bố mẹ.

Tôi nghĩ rằng các bậc bố mẹ nên quan niệm hạnh phúc của các con mình là hạnh phúc của chính mình. Và muốn có hạnh phúc đó thì hãy tạo cho con những điều kiện tốt nhất để tiếp thu tri thức, đâu phải là tiền bạc. Chúng tôi đều là những cán bộ khoa học, đều không dư dả về tài chính nhưng luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các con học tập, đặc biệt bồi dưỡng cho các cháu ý thức tự vươn lên. Thảo từ khi học phổ thông đã được giải quốc tế về sinh học. Cháu đi Mỹ học tiến sĩ bằng học bổng. Hiếu thì đi Pháp. Tôi nhớ khi đó gia đình quá nghèo, thầy của Hiếu bảo với vợ chồng tôi là cố mua cho cháu cái vé máy bay. Sau này, theo tự thuật của cháu mới biết có lúc cháu vừa đi rửa bát thuê, vừa đi học. Hai cháu học bằng chính sức của các cháu, không phải bằng sự giúp đỡ tài chính của bố mẹ hay của ai khác.

Cho con tri thức, chớ cho tiền

PV: Vậy thưa GS, những bậc cha mẹ cần lưu ý điều gì khi nuôi dạy con trẻ? Tôi cũng thấy nhiều ý kiến cho rằng có những mốc thời gian phát triển quan trọng trong cuộc đời của đứa trẻ mà cha mẹ cần hết sức lưu tâm. Ông nghĩ sao về điều này?

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi thấy một đứa trẻ từ lúc sinh ra đã phải quan tâm rồi, và quá trình này liên tục, không có mốc thời gian nào là quan trọng hay không quan trọng hết. Ngoài sức khỏe, cần quan tâm đến chuyện học hành. Chúng tôi không bao giờ nhắc cháu phải nhất lớp. Các bố mẹ hay thích cháu phải nhất lớp, điểm cao, tôi chỉ xem cháu có thích học không, làm sao để các cháu thích học, tạo mọi điều kiện cho cháu được học. Hiếu đỗ 3 trường đại học, nhưng khi đó, bà nội và bà ngoại cháu bị ốm, cháu phải chăm sóc nên cháu tự chọn trường y. Còn con gái tôi, ai cũng bảo tại bố làm đầu ngành vi sinh vật học nên muốn nhét con vào. Kỳ thực tôi có bắt cháu đâu, cháu đến phòng thí nghiệm, tự soi kính hiển vi và thấy hóa ra vi sinh vật không đơn giản, những xạ khuẩn, vi tảo thật đẹp lắm, nên cháu tự thích, tự chọn ngành. Giờ cháu đang đào tạo thế hệ sau bằng niềm vui, sự thích thú của cháu.

Điều đặc biệt bên trong ngôi nhà của giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Cho nên, con cái giỏi hơn mình là chuyện hoàn toàn khả thi. Muốn như thế, mình phải có ý thức để cho con cái giỏi hơn mình, đừng nghĩ mình giỏi hơn các con, cái gì mình nói là các con phải nghe theo và đừng quyết định hộ cuộc đời các con. Khi gặp một chuyện gì hay, tôi đều kể cho các con nghe, như trường hợp bạn Trần Hồng Giang ở Nam Định. Giang bị tai nạn, liệt cả chân cả tay. Thấy Giang nằm thu lu trên giường, tôi nghĩ cuộc đời kết thúc ở đấy. Nhưng tôi không ngờ, Giang không những tự học tốt nghiệp cấp 3, có tiếng Anh bằng C mà hiện còn phụ trách hai trang web của giới văn nghệ Nam Định, sử dụng máy tính rất thành thạo để sáng tác thơ văn. Thế thì anh gõ máy tính bằng cách nào? Giang ngậm đũa vào miệng và dùng má đẩy con chuột. Không ai ngờ anh làm được việc đó và trở thành một nhà văn có tiếng. Chỉ với những tấm gương như thế, tôi kể cho các con nghe, động viên các cháu rằng mình được sung sướng, lành lặn, được học hành tử tế thì phải vượt lên! Biết bao nhiêu gương tốt xung quanh ta và tôi nghĩ sự nghiệp giáo dục phải thay đổi. Đừng cố nhồi nhét kiến thức mà dạy cho trẻ biết ham kiến thức, tự tìm kiếm kiến thức và chủ yếu là đào tạo con em mình thành những người tử tế.

Tôi thấy hạnh phúc nhất không phải là giàu có mà là gia đình yên ấm, con cái tử tế, yêu thương bố mẹ. Tôi thấy rất nhiều người giàu có nhưng không có được điều ấy. Vậy tiền nhiều để làm gì? Tôi thấy tiền nhiều, con cái dễ hư bởi chúng nghĩ tiền nhiều thì để cho chúng chứ để cho ai mà chúng không tiêu, từ đó triệt tiêu sự phấn đấu. Cho nên tôi tự đặt ra một mục tiêu là: “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc”. Quan trọng là đừng sống như tồn tại, sống phải có ý nghĩa, sống phải cống hiến, sống để sau này người ta biết rằng mình đã từng sống ở trên đời này.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo QĐND


(*) Xem thêm

Bình luận