Hành trình tìm đến giấc mơ giáo dục xứ Kiwi của nữ giảng viên Việt

18/11/2021 | 325

Năm 2020, chị Nguyễn Thị Thủy Minh trở thành giảng viên khoa Văn học Anh và Ngôn ngữ, ĐH Otago, sau 12 năm làm việc tại ĐH Công nghệ Nanyang Singapore. Quyết định này đến từ tình yêu dành cho nền giáo dục New Zealand từ khi còn học Tiến sĩ.

Chị Nguyễn Thị Thủy Minh (Minh Nguyễn) trở thành giảng viên khoa Văn học Anh và Ngôn ngữ, Đại học Otago - trường đại học lâu đời và đẹp nhất New Zealand, từ đầu năm 2020 đến nay. Sự nghiệp mới tại "xứ sở Kiwi" đồng nghĩa với việc chị phải chia tay công việc gắn bó suốt 12 năm tại Học viện Giáo dục Quốc gia, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, với vai trò là Phó Giáo sư có biên chế (Associate Professor with tenure) và Phó chủ nhiệm Khoa phụ trách nghiên cứu (Deputy Head, Research). Động lực đằng sau quyết định này xuất phát từ tình yêu chị dành cho nền giáo dục New Zealand từ những ngày tháng còn học Tiến sĩ.

Mối nhân duyên từ 20 năm trước

Nhớ lại lần bén duyên đầu tiên với New Zealand thông qua học bổng Chính phủ New Zealand, chị Minh cho biết đó là khởi đầu của nhiều trải nghiệm và cơ hội về sau.

"Lựa chọn công việc giảng dạy ở bậc đại học đòi hỏi sự trau dồi liên tục kiến thức và kỹ năng nghiên cứu. Đó là động lực để mình làm nghiên cứu bậc tiến sĩ. Một khi đã quyết tâm theo đuổi con đường nghiên cứu, mình mong muốn được làm việc với một Giáo sư đầu ngành Ngôn ngữ Ứng dụng tại Đại học Auckland. Mình biết đến Giáo sư do đã từng tham khảo sách của thầy thời điểm còn học Thạc sĩ ở Úc".

Vào những năm 2000, khi cơ hội làm nghiên cứu Tiến sĩ ở phương Tây chưa nhiều, chị Minh vẫn quyết định nộp đơn vào Đại học Auckland, New Zealand. May mắn đã mỉm cười khi vị Giáo sư đầu ngành đã đồng ý nhận lời hướng dẫn chị. Niềm vui lại được nhân đôi khi chị đồng thời nhận được học bổng Chính phủ New Zealand trong suốt 4 năm nghiên cứu.

Hành trình tìm về giấc mơ giáo dục xứ Kiwi của nữ giảng viên Việt - 1

Dù cơ hội làm nghiên cứu Tiến sĩ ở phương Tây chưa nhiều vào những năm 2000, chị Minh vẫn quyết định nộp đơn vào Đại học Auckland, New Zealand để được làm việc với một Giáo sư đầu ngành Ngôn ngữ Ứng dụng.

Tình yêu với nền giáo dục xứ Kiwi và động lực để trở về

Mối nhân duyên này đã tạo điều kiện để chị Minh được tiếp cận với một môi trường giáo dục tiên tiến đề cao tư duy cởi mở.

Một trong những ưu thế của nền giáo dục New Zealand là sự linh hoạt đề cao tính độc lập. Chị Minh cho biết, Giáo sư hướng dẫn sẽ đánh giá kiến thức nền và kỹ năng nghiên cứu trước, thay vì bắt buộc nghiên cứu sinh phải đăng ký học các khóa chuyên ngành. Sau quá trình đánh giá, nghiên cứu sinh đạt yêu cầu về chuyên môn sẽ được chủ động trong quá trình nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Giáo sư. Tuy nhiên, môi trường đề cao tính độc lập không có nghĩa là nghiên cứu sinh phải đơn độc trong bốn bức tường.

"Các khoa thường tổ chức hội thảo định kỳ cho nghiên cứu sinh trình bày nghiên cứu và lấy ý kiến đánh giá từ các Giáo sư. Trường cũng thường mời các Giáo sư đầu ngành đến để tạo điều kiện mở rộng mạng lưới kết nối học thuật cho nghiên cứu sinh. Ngoài ra, trường còn khuyến khích và hỗ trợ tài chính để nghiên cứu sinh trình bày và công bố nghiên cứu ở các hội nghị quốc gia và quốc tế lẫn các tạp chí khoa học uy tín", chị bổ sung.

Một ưu thế khác mà chị Minh rất ấn tượng về New Zealand đó chính là sự cởi mở trong tư duy giáo dục. Điều này thể hiện rất rõ trong các lớp học chị đã tham gia, khi giảng viên cho phép chị lựa chọn hình thức kiểm tra và bài tập về nhà. Tùy vào phương pháp học và điểm mạnh của mình, người học được thoải mái lựa chọn đề tài cũng như hình thức nộp bài.

Ngoài ra, giảng viên sẽ không truyền đạt kiến thức một chiều, mà chú trọng hướng dẫn người học tự chuẩn bị bài vở, sau đó tạo điều kiện để cả lớp phân tích và trao đổi với nhau. Thông qua những buổi tranh luận thường xuyên trên lớp, người học sẽ được tiếp xúc với nhiều quan điểm trái chiều, từ đó đào sâu hơn kiến thức sách vở.

"Điều này rất quan trọng trong ngành Khoa học Nhân văn và Xã hội, vì các kiến thức không mang tính rạch ròi giữa đúng và sai. Phương pháp học tập cởi mở này giúp người học trở thành chủ sở hữu kiến thức của mình, thay vì thụ động ghi nhớ kiến thức từ người khác.", chị khẳng định.

Khi nhắc đến trải nghiệm cá nhân đáng nhớ trong thời gian học Tiến sĩ, chị Minh vui vẻ kể lại những lần gặp thầy cô hướng dẫn. Chị cho biết, các Giáo sư luôn thoải mái và sẵn sàng trao đổi về nghiên cứu ngoài bối cảnh văn phòng, trường học. Chính sự cởi mở ấy cho chị cảm giác được tôn trọng và lắng nghe. Càng được trải nghiệm nền giáo dục xứ Kiwi, chị càng được truyền cảm hứng với nghề giảng viên. Có lẽ tình yêu chị dành cho New Zealand cũng được hun đúc từ đó.

Hành trình tìm về giấc mơ giáo dục xứ Kiwi của nữ giảng viên Việt - 2

Nhờ vào trải nghiệm giáo dục tại xứ Kiwi, chị Minh càng được truyền cảm hứng với nghề giảng viên.

Mảnh đất "màu mỡ" gieo mầm tương lai

Ai cũng bất ngờ khi chị Minh quyết định rời bỏ vị trí và cuộc sống nhiều người mơ ước tại Singapore để trở lại New Zealand. Nhưng đối với chị, tình yêu dành cho New Zealand luôn có sức hút mạnh mẽ mang chị đến gần với nền giáo dục của đảo quốc này; hơn nữa, sự chuyển đổi này mang đến lợi ích lâu dài cho con chị.

Một trong những điều làm chị hạnh phúc cho đến hiện tại là đang từng bước hoàn thành nguyện vọng cho con chị được trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến như chính chị đã từng.

Hành trình tìm về giấc mơ giáo dục xứ Kiwi của nữ giảng viên Việt - 3

Chị Minh chia sẻ, chị mong muốn con chị được được trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến tại New Zealand như chính chị đã từng.

Chị cho biết, một nền giáo dục tiên tiến chỉ có thể đến từ một xã hội tiên tiến. Là một trong những nước đầu tiên công nhận quyền bầu cử của phụ nữ và hôn nhân đồng giới, xã hội New Zealand luôn đề cao sự đa dạng và tôn trọng sự khác biệt. Theo đó, nền giáo dục New Zealand luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển cá nhân và phát huy thế mạnh của mỗi người ngay từ khi còn bé.

Đơn cử ngay trong trường tiểu học của con chị; dù các em được xếp theo cùng độ tuổi trong lớp, nhưng mỗi học sinh sẽ được giáo viên dạy theo phương pháp khác nhau. Cụ thể, một học sinh nếu có kỹ năng đọc tốt thì sẽ được giảng dạy ở trình độ cao hơn, còn với những em chưa biết ghép vần thì sẽ được giáo viên kèm cặp thêm. Riêng với các em có năng khiếu hay thiên hướng về một lĩnh vực nhất định, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các em phát triển tài năng trong lĩnh vực yêu thích.

Không chỉ dừng lại ở đó, các em luôn được khuyến khích bày tỏ ý kiến và được lắng nghe trong sự tôn trọng từ người lớn. Các giáo viên tại đây luôn nói chuyện với học sinh trong tư thế ngang tầm mắt trẻ. Thậm chí, các em còn được tham gia đóng góp ý tưởng của mình về Khoa Nhi của một bệnh viện mới sắp được xây dựng trong thành phố. Dự án của các em sau khi hoàn thành được mang đi triển lãm và mở cửa cho công chúng đến xem.

Mãn nguyện với công việc và cuộc sống hiện tại, chị Minh chia sẻ, để có thể tiến xa trên con đường học thuật, ngoài may mắn, thì còn cần đến sự đầu tư tìm hiểu để lựa chọn chuyên ngành hẹp và người hướng dẫn tại các trường đại học uy tín.

"Ngoài ra, thế giới học thuật thực sự rất nhỏ, mọi người đều quen biết lẫn nhau thông qua việc trích dẫn và hợp tác nghiên cứu. Vì vậy, việc xây dựng uy tín và mở rộng mạng lưới quan hệ (networking) cũng rất quan trọng để có thêm nhiều cơ hội công việc", chị Minh bổ sung.

Trường Thịnh - dantri.com.vn


(*) Xem thêm

Bình luận