Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2021: nhiệt huyết, hoài bão và đam mê cống hiến

07/05/2022 | 409

Tân Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2021 là anh Phùng Văn Đồng, từng được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu, đã có hơn 50 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế. Từng lựa chọn làm tiến sĩ trong nước dù có không ít cơ hội được ra nước ngoài, nhưng anh nói, với mình đó lại là một điều may mắn.

Hành trình 'săn' vật chất tối của tiến sĩ Việt

Con đường khoa học

GS.TS Phùng Văn Đồng sinh năm 1981 tại quê hương Phú Phương, Ba Vì, Hà Nội - một trong những miền đất giàu truyền thống hiếu học và lịch sử của cả nước. Mẹ GS Đồng là nông dân và bố anh là thợ điện dân dụng. Anh chịu ảnh hưởng từ mẹ về tính siêng năng, kiên trì trong lao động và từ bố về tính thực tiễn trong tiếp cận vấn đề. Tuy vậy, ngày bé anh mải chơi, không quan tâm nhiều tới việc học. Chỉ đến năm học lớp 9, khi gặp được những người thầy rất tốt, anh mới phát hiện ra những kiến thức thú vị trong môn Toán học và Vật lý, và khi đó anh mới thực sự ham học hỏi, tìm tòi, và sáng tạo ở lĩnh vực khoa học.

Công cụ toán học thể hiện mạnh và định lượng trong mỗi chủ đề của Vật lý đã kích thích anh chọn theo học chuyên ngành Vật lý lý thuyết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là cái nôi khá thuận lợi để anh  phát triển tình yêu với Vật lý một cách tự nhiên, sau đó có cơ hội được tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý lý thuyết.

Sau khi tốt nghiệp, Giáo sư Phùng Văn Đồng lựa chọn tiếp tục học cao học và làm tiến sĩ trong nước dù rằng ở thời điểm đó, có không ít người sau tốt nghiệp đều chọn cách ra nước ngoài học tập. Anh lý giải, bản thân khi ấy vốn đang được dẫn dắt bởi những giáo sư vật lý giỏi với các nhóm nghiên cứu tốt ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Hơn nữa, đối với nghiên cứu Vật lý lý thuyết, cốt yếu vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người.

Dù thực hiện nghiên cứu sinh hoàn toàn trong nước, nhưng chỉ trong năm đầu tiên, anh Đồng đã hoàn thành luận án tiến sĩ với 5 công trình về đề xuất và phát triển mô hình 3-3-1 tiết kiệm, đăng ở các tạp chí uy tín bậc nhất chuyên ngành (trong đó có 4 bài ở Physical Review D và 1 bài ở Physics Letters B), được đặc cách bảo vệ luận án cấp cơ sở thành công vào tháng 10/2007. Tuy nhiên, lúc này anh Đồng gặp phải khúc mắc vì luận án viết bằng tiếng Anh và phải tới 2 năm sau đó, vấn đề mới được tháo gỡ. Anh nhận bằng tiến sĩ vào năm 2009, khi đó đã có tổng 14 công trình.

Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ cấp cơ sở, Giáo sư Đồng mới chọn cách ra nước ngoài làm thực tập sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Gia tốc Năng lượng cao Nhật Bản (KEK, Japan), sau đó là Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN, Switzerland) và Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan (AS, Taiwan), nhằm mở rộng các hướng nghiên cứu. Sau khi hoàn thành các khóa thực tập sau tiến sĩ, anh quyết định quay trở về làm việc trong nước.

{keywords}

Khi được hỏi tại sao trở về nước khi đang có cơ hội làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp thuận lợi cho việc nghiên cứu, GS Phùng Văn Đồng chia sẻ rằng: Ở nước ngoài một thời gian, tôi nhận thấy bản thân nhận được nhiều về chuyên môn, nhưng cũng phải đánh đổi nhiều. Tôi yêu thích cuộc sống ở Việt Nam, thích được gặp gỡ bạn bè, nhóm nghiên cứu cũ, và cả gia đình nữa.

Sau thời gian làm postdoc, tôi nhận thấy về công việc và chuyên môn mình đã có sự trưởng thành nhất định. Đặc thù lĩnh vực tôi theo đuổi là Vật lý lý thuyết, vốn không phụ thuộc quá nhiều vào trang thiết bị thực nghiệm, do đó có thể làm việc ở bất kỳ đâu.

Nghiên cứu cơ bản vốn không có biên giới, vì học liệu, kết quả nghiên cứu cũng như thực nghiệm được cập nhật và phổ biến toàn cầu. Nếu thường xuyên cập nhật thông tin, trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong nhóm và quốc tế thì hầu hết trở ngại đều có thể được giải quyết.

Những thành tựu cơ bản:

Đầu tháng 3 vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công nhận giáo sư trẻ nhất năm 2021 là anh  Phùng Văn Đồng sinh năm 1981, hiện nay là giảng viên và trưởng nhóm nghiên cứu mạnh "Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học" của Trường Đại học Phenikaa.

GS Phùng Văn Đồng nhận bằng Tiến sĩ về Vật lý lý thuyết và Vật lý toán tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào năm 2009.

Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Gia tốc Năng lượng cao Nhật Bản (KEK, Japan), Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN, Switzerland) và Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan (AS, Taiwan).

Từ năm 2005 đến 2018, GS.TS Phùng Văn Đồng công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam với tư cách là thành viên nghiên cứu và Phó Giám đốc Trung tâm Vật lý lý thuyết.

Năm 2016, anh đã được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ với công trình nghiên cứu góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ. Công trình đã phát triển và hiệu chỉnh mô hình chuẩn 3-3-1 đã có thành mô hình 3-3-1-1 của vật chất tối trong vũ trụ thông qua sử dụng các tính chất đối xứng.

Giáo sư Đồng chia sẻ thêm thông tin về Công trình đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu mang tên “Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối” như sau: Công  trình  đó  đã đánh dấu bước đầu tôi đi vào lĩnh vực mới là vật chất tối. Ở đó, tôi đã phát triển một lý thuyết cho giải thích về sự tồn tại phổ biến của vật chất tối trong vũ trụ, bên cạnh ý nghĩa khác là cung cấp khối lượng neutrino.

Cách tiếp cận trên cho một gợi mở là các vấn đề của vật lý hạt và vũ trụ học có thể được xem xét trong một lý thuyết đơn, tuy nhiên nguồn gốc động lực của chúng, cũng như sự kết nối giữa vật lý hạt và vũ trụ sớm, chưa được làm rõ.  

Chúng tôi nhận ra rằng vật chất thông thường được chi phối bởi các tương tác cơ bản, do điện tích, tích yếu, tích mầu, và năng xung lượng sinh ra. Vậy có sự tương tự cho vật chất tối và các vật lý mới khác, do một loại tích mới, gọi là tích tối, sinh ra?

Tân Giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2021 sinh năm 1981, có hơn 50 công trình khoa học - Ảnh 1.

Tân Giáo sư Phùng Văn Đồng giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2021.

Sau một chuỗi những công trình về bất đối xứng trái phải, chúng tôi nhận thấy tích tối chính là ảnh của điện tích, với gương chính là tích B-L tồn tại trong mô hình chuẩn. Kết quả thu được khá ngạc nghiên, mọi hạt cơ bản ngoài sở hữu các tích động lực thông thường, còn có tích tối.

Tích tối động lực gây ra vật chất tối bền và phân bố của chúng ngày nay, ngoài ra tích tối sinh khối lượng neutrino, gây ra lạm phát vũ trụ sớm và bất đối xứng vật chất và phản vật chất được quan sát. Một số dị thường vật lý mới đo được gần đây có thể cũng được giải thích bằng tích tối.

Đây là công trình đánh dấu bước đầu anh đi vào lĩnh vực mới là vật chất tối. Công trình đã nhận được khoảng 80 trích dẫn, gợi mở cách tiếp cận các vấn đề của vũ trụ sớm dựa trên nguyên lý đối xứng chuẩn.

Một công trình đặc biệt về tích tối nữa đó là “Nguyên lý đảo cho khối lượng neutrino và vật chất tối”. Với công trình này, anh đã khám phá ra một tích tối động lực chi phối các giả thuyết của vật lý hạt và sự diễn tiến của vũ trụ sớm, cũng như cấu trúc vật chất ở thang lớn của vũ trụ ngày nay. Công trình này đã được đăng ở Tạp chí chuyên ngành Physical Review D Rapid Communication rất uy tín của Hội Vật lý Mỹ (American Physical Society).

Không chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học, giáo sư Phùng Văn Đồng còn là một nhà giáo luôn tâm huyết, hết lòng vì học trò. Anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, luôn cập nhật, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại để có thể truyền thụ kiến thức cho sinh viên, học viên một cách hiệu quả nhất. Nhờ đó, học trò luôn cảm thấy thú vị và say mê học tập trong mỗi giờ giảng của giáo sư Đồng. Anh cũng thường xuyên tham gia giảng dạy bậc sau đại học và tính tới hiện tại anh đã hướng dẫn 25 thạc sĩ và 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, GS.TS Phùng Văn Đồng đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của Tập đoàn Phenikaa giai đoạn 2010 – 2020; Danh hiệu Chiến sỹ Thi đua yêu nước lần thứ X của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung Ương; Giải thưởng Nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết; Nishina Fellowship for Foreign Researchers của Tổ chức Nishina Memorial Foundation, Nhật Bản; Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và Công nghệ… cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Đến nay, tân GS Phùng Văn Đồng công bố gần 60 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI với trích dẫn khoảng 1700 lần và chỉ số H-index 24, chủ nhiệm 7 đề tài khoa học cấp quốc gia.

GS Đồng cho rằng, trở thành giáo sư khi còn trẻ nghĩa là anh sẽ có nhiều thời gian và cơ hội để đóng góp vào nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.

Số lượng công trình hay bài báo quốc tế không quan trọng bằng kết quả mang tính đột phá

Thời gian qua, báo chí nhắc nhiều tới tính liêm chính khoa học, tính minh bạch của các bài báo quốc tế. Bệnh thành tích ảo trong nghiên cứu đang khiến nhiều người trong giới trăn trở. Trước câu hỏi lựa chọn giữa số lượng các công trình, bài báo công bố quốc tế hay chất lượng, tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu, GS Đồng cho rằng, các bài báo quốc tế chỉ thể hiện quá trình nghiên cứu, nhằm tiệm cận đến chân lý mà nhà khoa học cần đạt tới. Do đó, qua công trình này hay công trình sau nữa, chất lượng nghiên cứu phải dần dần được nâng cấp để đi đến kết quả cuối cùng lột tả quy luật của tự nhiên. Đó là những công trình chất lượng, mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển khoa học. 

Nói tới đây, GS Đồng kể lại niềm vui khi anh nghiên cứu thành công công trình được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu. Để có được công trình ấy, nhóm GS Đồng phải đầu tư rất nhiều công sức và trí lực, trải qua một số nghiên cứu trước đó. Thế nhưng, tìm ra những kết quả mới cũng là yếu tố thôi thúc các nhà khoa học không ngừng sáng tạo và phát minh. Trên chặng đường này, GS Đồng đề cao chữ “tâm sáng” của người làm khoa học. Với anh, trong nghiên cứu, nếu không có tính trung thực và liêm chính, thì nhà khoa học rất khó đi xa với nghiệp nghiên cứu, cũng như tiệm cận được với những kết quả mang tính cách mạng, đóng góp vào tri thức của nhân loại.

Thực tế, nhiều giáo sư sau khi nhận giải Nobel có số lượng công bố không nhiều, đặt biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Họ đã làm một bài toán trong nhiều năm và đi đến các kết quả lột tả chân lý, được thực nghiệm kiểm chứng. Đây là những công trình ảnh hưởng.

Tôi cũng biết có những nhóm nghiên cứu số lượng thành viên khá đông, nhưng mỗi năm họ chỉ công bố vài bài báo rất công phu. Tiêu chí của họ là phải tìm ra kết quả tốt nhất hoặc có ích cho cộng đồng chuyên môn.

Mặc dù số lượng công bố là cần thiết để dần dần gia tăng chất lượng của nghiên cứu, nhưng nếu không thu được những kết quả mang tính đột phá, thì có tới 100 công trình cũng không ý nghĩa. Nhóm chúng tôi cũng đang phát triển bám theo tiêu chí đó.

Với người làm khoa học, hạnh phúc là khi giải được bài toán khó & nỗi  trăn trở về lớp nhân sự kế thừa

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, đào tạo nghiên cứu, cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, Giáo sư 8x cũng gặp phải khá nhiều khó khăn.

Anh nói: "Khó khăn trong nghiên cứu là bị kẹt trước các bài toán ý nghĩa, chưa có lối thoát. Thời gian này tốn rất nhiều năng lượng để tìm lời giải. Thường suy nghĩ đủ, tính toán đủ và thảo luận đủ thì ánh sáng cuối đường hầm xuất hiện và bất ngờ, đem lại cảm giác khó tả".

“Điều thú vị nhất trên hành trình làm nghiên cứu khoa học là gặp phải những bài toán khó, tưởng chừng không vượt qua nổi. Có những công trình phải mất tới cả năm, thậm chí vài năm để thực hiện. Nhưng điểm trũng của khó khăn cũng chính là nơi kiến thức được sinh ra và là động lực để phát triển. Khi lao động đủ, đến một lúc ta sẽ “thông được đường” và thu về niềm vui lớn.

Cảm giác vui sướng rất mạnh của tôi là khi tôi nghiên cứu công trình được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vào năm 2016. Lý thuyết mà tôi dựa trên đã tồn tại từ rất lâu, nhưng không ai phát hiện ra đặc tính của nó là nó có thể chứa một đối xứng mới cho vật chất tối. Công trình ấy vẫn tiếp tục dẫn đường cho các phát triển của nhóm chúng tôi sau này. Đó chính là niềm vui lớn nhất của người làm khoa học”.

Theo GS Đồng, niềm hạnh phúc của những người làm nghiên cứu là khi giải được những bài toán khó, đặc biệt là khi bỏ ra rất nhiều công sức để đi tới được kết quả cuối cùng.

GS Đồng tâm sự: "Tôi thường làm những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản, sao cho đồng nghiệp, nghiên cứu sinh, và sinh viên có thể hiểu được. Tuy nhiên, cái khó nhất là họ phải có tính độc lập và phản biện vấn đề, dần dần lĩnh hội kiến thức, giải quyết bài toán. Thực tế có một số bạn không vượt qua được. Những bạn làm được điều đó sẽ tiến xa trên con đường nghiên cứu".

Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2021: Hạnh phúc là giải được bài toán khó - 3

Tân GS Phùng Văn Đồng: "Tôi thường làm những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản, sao cho đồng nghiệp, nghiên cứu sinh, và sinh viên có thể hiểu được".

Điều mà vị giáo sư 8x còn đang trăn trở là làm sao phát triển các lớp nhân lực kế cận cho công tác nghiên cứu khoa học trong nước, nhất là trong ngành vật lý năng lượng cao và vũ trụ học nhằm đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục và xây dựng nguồn nhân lực nước nhà.

Giáo sư Đồng cho rằng Nhà nước cần thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực tương lai. Hợp tác giúp cho số lượng và chất lượng nghiên cứu được cải thiện và có thể cùng nhau giải quyết các bài toán lớn. Đào tạo giúp cho kiến thức luôn được làm mới, có nguồn nhân lực bổ sung, nếu thầy chưa giải được bài toán thì hậu bối sẽ tiếp tục công việc. Đó là những bài toán của người Việt chúng ta.

Mặc dù vậy, giáo sư tỏ ra lạc quan: "Tôi nhận thấy lực lượng nghiên cứu trẻ đang khá phát triển, nhất là ngành vật lý, vật liệu, hóa sinh và môi trường, một phần được đào tạo trong nước và phần đông đã hoàn thành tiến sĩ từ nước ngoài về. Đây là lực lượng cần được trọng dụng, ưu tiên phát triển. Họ chính là những người thầy, sẽ đào tạo ra những thế hệ trẻ hơn, nghiên cứu tốt hơn cho đất nước.

Ngoài ra, để có nguồn nhân lực nghiên cứu dồi dào và mạnh trong tương lai, nhằm sánh ngang với các nước phát triển, Giáo sư Đồng cho rằng Nhà nước cần có chiến lược phát triển và đầu tư cụ thể, tham vấn các chuyên gia xuất sắc trong và ngoài nước. Cần hoạch định đa dạng các hướng nghiên cứu, bổ nhiệm giáo sư và chuyên gia vào đó, nhận nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo trực tiếp, cũng như giới thiệu, gửi học sinh trong nước ra nước ngoài đào tạo". 

Bên cạnh đó, cũng cần phải khuyến khích các nhà khoa học có năng lực mở nhóm nghiên cứu và xây dựng các trường phái nghiên cứu ngay trong các trường đại học, gắn liền với trách nhiệm đào tạo; mạnh dạn ghi nhận những công bố có chất lượng và những luận án tiến sĩ có kết quả nghiên cứu xuất sắc. 

Giáo sư 8x cũng thừa nhận rằng, mặc dù trước đây đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta luôn có những công trình tốt, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, gắn với tên tuổi các nhà khoa học tiền bối.

Sau đó, để gia tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu, chúng ta đã phát triển các nhóm nghiên cứu gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực ngay trong các trường đại học, với điều kiện nghiên cứu, sự đầu tư từ các quỹ và các trường tư, và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế được cải thiện. Đây là hướng đi đúng.

Và, sự đầu tư mạnh mẽ của Quỹ NAFOSTED trong hơn 10 năm qua, với sự chú trọng vào chất lượng công bố, cũng giúp thu hoạch được nhiều công trình công bố tốt, tăng tiến theo từng năm.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, mặc dù số lượng các công bố của Việt Nam có tăng lên vượt bậc, nhưng cần mạnh dạn nhìn nhận rằng, số lượng các công trình chất lượng tăng không tương ứng. Điều này có thể do một số nhóm chưa ý thức được tầm quan trọng của chất lượng nghiên cứu, cũng như xây dựng được đóng góp nội lực.

Giáo sư Đồng cũng gợi mở thêm rằng cần tận dụng sự đóng góp vào phát triển khoa học từ các trường tư, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng khoa học quốc tế đến Việt Nam làm việc và đào tạo. Gs 8x dẫn chứng rằng đây là bài học có ích từ các nước như Trung Quốc và Singapore.       

Mặt khác, Giáo sư Đồng thẳng thắn chỉ ra rằng, các nghiên cứu viên Việt rất giỏi, nhưng tính hợp tác trong nghiên cứu và trách nhiệm với đào tạo nguồn nhân lực chưa cao. "Thực vậy, khi có trao đổi khoa học và hoạt động đào tạo mạnh mẽ, các bạn sẽ đi xa hơn nhiều với các ý tưởng nghiên cứu, dần dần giải quyết các bài toán lớn. Trong nhóm chúng tôi, các thành viên cần phát huy hai vai trò đó".

Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2021: Hạnh phúc là giải được bài toán khó - 2

Giáo sư Phùng Văn Đồng (ngoài cùng bên trái ảnh) cùng các học trò (Ảnh: NVCC).

Nhằm giải quyết các tồn tại của Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học, GS Đồng đã đề xuất xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh ở Trường Đại học Phenikaa. Có được sự đầu tư từ phía Nhà trường, nhóm nghiên cứu của GS Đồng hội tụ nhiều nhà nghiên cứu chủ chốt và trẻ, có kiến thức chuyên sâu tốt. Với tiềm lực đó, nhóm của GS Đồng mạnh dạn đề xuất kết hợp với các nhóm nghiên cứu khác trong trường (gồm 6 nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý và nhiều nhóm nghiên cứu tiềm năng) mở chương trình đào tạo cử nhân Vật lý tài năng, theo ba hướng trọng điểm là Vật lý năng lượng cao, Thiên văn và vũ trụ học, và Vật lý thực nghiệm, nhằm đào tạo ra những cử nhân vật lý giỏi cho chuyển tiếp làm tiến sĩ. Họ sẽ nguồn nhân lực tinh hoa, đóng góp vào sự phát triển nghiên cứu và đào tạo của đất nước sau này, đồng thời tạo ra những kết quả nghiên cứu đột phá và ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Bên cạnh đó, hằng năm, nhóm của GS Đồng công bố trên dưới 10 công trình về các vấn đề được đề xuất. Kết quả của nhóm nghiên cứu đã đóng góp ý nghĩa đưa Trường Đại học Phenikaa lên đỉnh bảng Nature Index của Việt Nam và Việt Nam lọt vào top 50 quốc gia trên bảng Nature Index. Đây là bảng xếp hạng chất lượng nghiên cứu của các trường đại học và các quốc gia của Tổ chức Nature Research danh tiếng. 

Định hướng nghiên cứu tương lai

Sau khi đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu và có những bài báo khoa học chất lượng quốc tế, GS Đồng khẳng định sẽ tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu: "Vấn đề khối lượng neutrino và sự tồn tại phổ biến của vật chất tối là hai bài toán hóc búa, có liên quan với nhau và ảnh hưởng ý nghĩa đến sự hình thành và diễn tiến của vũ trụ.

GS.TS Phùng Văn Đồng cũng đặt ra mục tiêu rõ ràng trong công việc nghiên cứu sắp tới của mình đó là giải quyết những vấn đề cốt lõi của vật lý năng lượng cao và vũ trụ học, như khối lượng neutrino, bất đối xứng vật chất phản vật chất, vật chất tối, và năng lượng tối, nhằm vén mở về sự phát triển của Vũ trụ sau Big-bang cho đến ngày nay.

Khái quát về sự hình thành vũ trụ | KalzenNetwork

Với cương vị là một Giáo sư trẻ, nhiệt huyết và dày dặn kinh nghiệm, cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, vị Giáo sư 8X nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong chặng đường phía trước khi anh sẽ là một trong những đầu tàu trong lĩnh vực khoa học tại Việt Nam.

Có thể nói, GS.TS Phùng Văn Đồng luôn để lại ấn tượng tốt về hình ảnh một nhà giáo, nhà khoa học tận tụy, trách nhiệm và hết lòng vì công việc. Với anh, niềm hạnh phúc bình dị mà thật ý nghĩa, trân quý đó chính là đào tạo ra những thế hệ học trò thành đạt, nghiên cứu và triển khai những công trình khoa học tiên phong được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Tin rằng, trên những cương vị công tác quan trọng hiện đang đảm nhiệm tại Trường ĐH Phenikaa, GS.TS Phùng Văn Đồng sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa những dấu ấn đậm sâu, góp sức cho sự phát triển, nâng tầm và hội nhập của nền khoa học công nghệ nước nhà trong tương lai không xa.

Thắm Lê tổng hợp theo vtv.vn, dantri.com.vn, vietnamnet.com.vn & daidoanket.vn

 

(*) Xem thêm

Bình luận