Cô gái chăn trâu người Dao du học châu Âu thay đổi định kiến thế giới
01/12/2023
|
244
Yến từng phải nghỉ học sớm, nhưng giấc mơ thoát nghèo đã thôi thúc cô trở lại trường học. Cô lần lượt đỗ đại học, đi du học và giúp thay đổi định kiến giới "con gái không cần học cao".
Con đường ngược chiều từ bản làng biên giới đến 2 nước châu Âu
"Con gái thì học hết lớp 9 là được rồi, biết viết chữ với tên là được rồi. Học nhiều làm gì?", câu nói ấy từng ám ảnh Chảo Thị Yến một thời gian dài. Suốt 3 năm, cô mắc kẹt giữa khát khao đến trường và quan niệm đóng đinh của gia đình và cộng đồng rằng "con gái không cần học cao".
Yến sinh ra trong một gia đình đông anh em ở bản Ngám Xá, xã Nậm Chạc - một xã biên giới vùng cao thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai. Từ khi bắt đầu được đến trường, Yến đã say mê học và luôn đứng đầu lớp.
Tuy nhiên, hết cấp 2, Yến buộc phải nghỉ học ở nhà đi hái rau sang Trung Quốc bán và sang Trung Quốc làm thuê. Cô từng nghĩ, cuộc đời mình sẽ đi theo lộ trình giống như bao phụ nữ Dao Tuyển trong cộng đồng, đi làm kiếm sống mưu sinh, đến chừng 17-18 tuổi thì lấy chồng, sinh con.
Song niềm khao khát đến trường vẫn cứ âm ỉ cháy. Mỗi buổi đi làm, Yến lại nhớ da diết ngày còn đến trường, đôi lúc, lại vô thức vẽ một phép tính hay đọc đôi dòng chữ trên nền đất. Có buổi đi chăn trâu gần trường cấp 2, Yến lén đứng bên cửa sổ nghe thầy giáo giảng bài.
Thầy giáo cũ biết Yến rất muốn đi học nên đã nhiều lần đến nhà thuyết phục bố mẹ cô. "Thầy ở cách nhà tôi 3-4km nhưng tuần nào cũng đi bộ đến 2-3 lần để xin bố mẹ cho tôi đi học. Bố tôi thì giữ quan điểm cũ còn thầy thì lần nào cũng nhấn mạnh mục tiêu "học để thoát nghèo".
Thương con gái, sau nhiều cuộc trò chuyện với thầy giáo, bà Lý Thị Hoa cũng đồng ý cho Yến viết tiếp giấc mơ con chữ. Thời gian đầu, ông Chảo Kim Sơn chưa thật ủng hộ, nhưng sau này, ông và vợ cũng làm đủ nghề, chấp nhận bán dần trâu, bò để có tiền cho con ăn học.
Thời ấy, các gia đình Dao Tuyển ở bản Ngám Xá không có nhà nào cho con gái đi học cao. Ai cũng bảo "tội gì phải cho đi học, sau này về lại nuôi nhà chồng" nhưng bà Hoa nghĩ, con trai hay con gái đều là con mình.
Vượt qua định kiến, Chảo Thị Yến viết tiếp giấc mơ còn dang dở. Yến mất 1 học kỳ để vươn lên vị trí đứng đầu lớp. Thấy học trò thông minh, có khả năng nắm bắt nhanh nhạy, các thầy giáo của trường đã phải soạn riêng giáo án, ra bài tập riêng cho Yến.
Năm 2010, Chảo Thi Yến trở thành người đầu tiên của xã biên giới vùng cao xuống dưới xuôi học đại học. Ngôi trường mà Yến chọn là Đại học Lâm Nghiệp bởi thời điểm đó chứng kiến những cơn lũ quét tàn khốc, Yến quyết định chọn làm công việc liên quan đến bảo vệ rừng.
Trên hành trình từ bản Ngám Xá về xuôi học đại học, Yến nhận ra, không chỉ đồng bào mình mà còn rất nhiều người cô gặp, dù có học thức vẫn ôm định kiến "con gái không cần học cao, không nên mơ mộng nhiều" mà nên đi theo lựa chọn an toàn là xin một công việc ổn định, lấy chồng, chăm lo cho gia đình.
Cô gái trẻ không khỏi chạnh lòng. Yến nghĩ, chỉ có một cách duy nhất đó là phải học tập chăm chỉ, thực hiện ước mơ của mình.
Xem thêm