Sở hữu rừng tre dân làng đột nhiên có hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm
“Gần như là không làm gì thêm mà tiền cứ từ trên trời tự rơi xuống, quá vui mừng luôn ấy chứ!”
Sáng thứ bảy ngày 30/12/2023, dân làng thôn Song Nhất, huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang đồng loạt dậy sớm hơn thường nhật. Mọi người hồ hởi gọi nhau cùng đến tập trung tại nhà văn hóa thôn từ rất sớm.
Bất chấp cái rét cắt da cắt thịt của những ngày đông, trên gương mặt dân làng luôn thường trực nụ cười rạng rỡ. Mọi người có mặt tại đây đều đang chờ đợi một "món quà" đặc biệt. Đó chính là khoản tiền "lãi" khổng lồ đến từ việc "bán không khí". Cụ thể hơn, đó là khoản tiền bán "không khí" trong rừng tre tại thôn Song Nhất, huyện An Cát.
Đứng trước sự việc mua - bán "không khí" này, không ít người dân trong thôn còn chưa hết cảm giác từ bỡ ngỡ, không thể tin nổi, đến vỡ òa.
"Không thể ngờ là không khí trong rừng tre thực sự có thể bán lấy tiền", anh FangQi, một người dân của thôn Song Nhất, vẫn chưa hết bất ngờ khi biết rằng rừng tre tại quê hương mình có thể sinh ra tiền một cách thần kỳ như vậy.
Bà ZhuFuGui vui vẻ cầm trên tay tờ chi phiếu trị giá 3.900 NDT (tương đương khoảng 13 triệu VNĐ), nói: "Rừng tre bao năm nay vẫn chăm như vậy, tự nhiên năm nay lại được thêm một khoản tiền. Gần như là không làm gì thêm mà tiền cứ từ trên trời tự rơi xuống, quá vui mừng luôn ấy chứ!"
Bà Zhu với nụ cười rạng rỡ. Ảnh: Baijia Hao
Không chỉ riêng dân làng thôn Song Nhất, mà người dân của 166 thôn làng khác thuộc huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang cũng nhận được niềm vui tương tự.
Theo thống kê, khoản tiền mà 51.000 hộ dân tại 167 thôn thuộc huyện An Cát nhận được là 300 triệu NDT, tương đương hơn 1.000 tỷ VNĐ.
"Thật sự là không thể tin nổi" trở thành câu cửa miệng của đa số người dân Song Nhất trong buổi sáng thứ Bảy kỳ lạ này.
Vậy rốt cuộc việc mua - bán "không khí" này là gì?
Thực chất, khoản tiền 300 triệu NDT được chia cho người dân tại huyện An Cát đến từ khoản tiền bán "tín chỉ carbon".
Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ thể hiện một trong những biện pháp chủ chốt nhất được thiết lập với mục đích làm giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Một cách khái quát nhất, tín chỉ carbon có thể coi là một loại "giấy phép", cho phép chủ sở hữu nó được quyền phát thải khí carbon dioxide (CO2), hoặc các loại khí thải nhà kính khác được quy đổi tương đương ra CO2, với số lượng phát thải bằng đúng số lượng tín chỉ mà họ sở hữu.
1 tín chỉ tấn CO2 được phép phát thải ra môi trường.
Ví dụ, nhà máy A chỉ được phép xả thải 10 tấn CO2 một năm, nhưng thực tế sản xuất kinh doanh của họ lại cần xả thải 15 tấn CO2, thì nhà máy A phải mua thêm 5 tín chỉ carbon nữa, mới đáp ứng đúng quy định của nhà nước sở tại về bảo vệ môi trường.
Do đó, các xí nghiệp, nhà máy, công ty trong quá trình sản xuất, kinh doanh phát thải CO2 hoặc gây phát thải các loại khí nhà kính khác vượt mức sẽ "đóng vai" bên đi mua tín chỉ carbon.
Ngược lại, chính là những người sở hữu nguồn tài nguyên có khả năng hấp thụ CO2, góp phần làm giảm khí thải nhà kính và sự nóng lên của toàn cầu, sẽ "đóng vai" người bán tín chỉ carbon.
Hẳn nhiên, rừng là nguồn tài nguyên quan trọng nhất để tạo ra các tín chỉ carbon.
Rừng tre ở huyện An Cát là một trong những rừng tre có diện tích lớn nhất toàn Trung Quốc. Với số lượng khổng lồ ước tính được là hơn 170 triệu gốc cho đến thời điểm cuối 2023, đây được xem là một ‘bể chứa carbon’ khổng lồ. Một lá phổi xanh giúp lọc không khí cực quý báu của Chiết Giang nói riêng, Trung Quốc nói chung.
Để có được đợt phát giá đầu tiên trị giá 300 triệu NDT này, từ trước đó rất lâu chính quyền tỉnh Chiết Giang đã kết hợp với Trường Đại học Nông Lâm Chiết Giang tiến hành nghiên cứu và xây dựng các đài quan trắc đo lường khả năng hấp thụ carbon của rừng tre tại An Cát. Những đài quan trắc đặc biệt này được xây dựng và đo lường liên tục trong hơn 10 năm liên tiếp.
Đài quan trắc đo lường khả năng hấp thụ carbon được xây dựng ở rừng tre An Cát (ảnh trái) và Trung tâm quản lý giao dịch tín chỉ Carbon (bên phải)
Qua đo lường đánh giá, họ phát hiện cây tre tạo ra lượng oxy nhiều hơn 35% so với hầu hết các loại cây gỗ thông thường. Thêm nữa, tre có thể hấp thụ lượng cacbon nhiều hơn từ 7% đến 30% so với những loại cây thân gỗ có tốc độ sinh trưởng nhanh như linh sam, bạch đàn.
Giáo sư Trường Đại học Nông Lâm Chiết Giang, ông ShiYongJun cho biết: "Qua nghiên cứu, một năm mỗi mẫu tre tại An Cát có khả năng xử lý 1.6 tấn carbon. Công năng của rừng tre trong việc xử lý carbon là cực lớn".
Từ những nghiên cứu đánh giá cẩn thận, chính quyền tỉnh Chiết Giang thiết lập Trung tâm thu trữ, giao dịch tín chỉ carbon ngay tại huyện An Cát. Đồng thời, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển giao quyền sử dụng rừng tre cho hợp tác xã.
Trên thực tế, người dân vẫn được canh tác, khai thác sử dụng tre để buôn bán nhưng sẽ có thêm sự hướng dẫn và đồng ý của chính quyền. Tất cả nhằm mục đích chung, đó là có thể xây dựng một bể chứa carbon khổng lồ từ rừng tre.
Người dân huyện An Cát vẫn có thể khai thác và bán tre như bình thường, đồng thời nhận thêm một khoản tiền lớn từ việc bán tín chỉ carbon từ rừng tre mà gần như không phải làm thêm bất cứ việc gì.
Hiện tại, toàn huyện An Cát đã quy hoạch hơn 840.000 mẫu trồng tre. Mỗi năm rừng tre tại An Cát giúp xử lý hơn 1,4 triệu tấn carbon. Với đơn giá hiện tại hơn 210 NDT/tấn, mỗi năm toàn huyện An Cát ước tính thu về khoản tiền khổng lồ khoảng 300 triệu NDT (hơn 1.000 tỷ VNĐ), như câu chuyện nêu trên.
Bên cạnh việc xây dựng bể chứa carbon từ rừng tre, chính quyền địa phương cũng tìm hướng phát triển ngành nghề thủ công cho người dân tại An Cát. Với mô hình "lãi kép" từ rừng tre như hiện tại, người dân có thể yên tâm canh tác.
Biển tre tại huyện An Cát giúp người dân hưởng "lãi kép". Ảnh: Baidu
Được hưởng "lãi kép" từ rừng tre, cô gái trẻ ZhuYuanHong, sống tại thôn Song Nhất, vô cùng phấn khởi nói: "Với mô hình này mọi người đều được trả công, các khu rừng sẽ được bảo vệ và môi trường sẽ ngày một cải thiện".
Bí thư chi bộ thôn Song Nhất, ông ZhuXueXing cho biết chia sẻ: "Trong tương lai chúng tôi sẽ tăng cường bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời tận dụng những nguồn tài nguyên sẵn có. Biến non xanh nước biếc thành rừng vàng biển bạc".
Trung Quốc đi đầu về thị trường tín chỉ carbon
Trung Quốc đang là thị trường cung cấp tín chỉ carbon lớn nhất thế giới, gấp 3 lần liên minh châu Âu. Mục tiêu của Trung Quốc là mở rộng ngành tín chỉ carbon, bán ra khắp các lĩnh vực có mức khí thải vượt mức quy định. Từ đó giúp giảm thiểu khí thải nhà kính và góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Đời sống & Pháp luật
Xem thêm