Nồng nàn Tây Nguyên: Huyền thoại loài hoa báo nắng

10/12/2021 | 471

Từ xưa, hoa dã quỳ được người dân Tây Nguyên coi là loài hoa báo nắng. Dã quỳ nở báo hiệu mùa khô về. Lúc này người dân bận rộn với vụ thu hoạch cà phê chín đỏ. Những đứa trẻ ở các buôn làng tíu tít bên khóm hoa. Hoa nở bừng rực vàng cả đất trời nơi một ngọn núi lửa đã tắt tạo nên thương hiệu du lịch cho miền đất đỏ bazan đầy nắng và gió.

 

Dã quỳ bừng sắc những ngày đầu thu, núi lửa Chư Đăng Ya, Gia Lai hóa 'nàng  thơ'

Núi lửa Chư Đăng Ya được bao phủ bởi sắc vàng rực rỡ của Hoa Dã quỳ

Thổn thức mùa Hoa vàng mang màu nắng

Một sáng chớm khô, cái lạnh còn luồn trong gió, cô bạn đồng nghiệp thì thầm qua điện thoại: “Mùa dã quỳ về rồi, đi làm bộ ảnh lưu giữ kỷ niệm thôi”. Nghe xong, tim tôi lại xao xuyến, thoảng ngửi thấy mùi hương hăng hắc đang lan tỏa giữa núi đồi Tây Nguyên.

Chúng tôi ngược về buôn làng ở huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), cảm xúc đan xen khó tả, cuộc sống hiện đại cuốn con người vào thế giới ảo, vùi đầu vào chiếc điện thoại thông minh, những giây phút lang thang trên con đường rợp vàng dã quỳ khiến ta như được trở về với thiên nhiên núi rừng. Khung cảnh óng ả làm người dân quên đi bức bối, lo lắng trong những tháng ngày của dịch bệnh COVID-19. Dã quỳ như gom hết nắng trong năm để khoe sắc, nở cả trong thinh lặng.

Theo dấu sắc hoa dã quỳ, mùa vàng Tây Nguyên | VIETRAVEL

Đôi bạn trẻ lưu giữ khoảnh khắc lãng mạn giữa đồi hoa.

Nơi buôn làng sâu hun hút màu xanh của lá, vàng rực của hoa len lỏi từ triền đồi xuống các trục đường chạy dài tít tắp. Khuôn mặt già Ama Khuyên (huyện Cư M’gar) kiêu hãnh dưới đóa dã quỳ đang vươn mình uống nắng trời. Già thầm thì trong từng câu nói, dã quỳ sống giữa đại ngàn, chẳng ai trồng, không ai chăm sóc, hoa vẫn tự tin vươn mình khoe sắc, thu hút bao ánh nhìn, níu chân lữ khách đắm chìm say mê trước thảm hoa vàng rực. Nhiều người gọi dã quỳ là cúc quỳ, hướng dương dại.

Theo Dấu Sắc Hoa Dã Quỳ, Mùa Vàng Tây Nguyên - KontumTrip

Hoa dã quỳ níu chân bao lữ khách chụp hình, ngắm nhìn

Khuôn mặt già Ama Khuyên trầm ngâm, bà con buôn làng yêu dã quỳ, loài hoa bền bỉ trổ hoa khi trăm loài cỏ, cây khát cháy trong mùa khô. Dã quỳ âm thầm hé nụ, khai mầm, khi cánh hoa tàn, sẽ ẩn mình trong lòng đất, sau đó kiên cường vươn lên vàng rực. Lá dã quỳ còn được người dân nấu nước tắm cho lũ trẻ làng để tránh ghẻ lở, mụn nhọt.Già Ama Khuyên kể giai thoại được truyền miệng bao đời nay về loài hoa có sức sống mãnh liệt này. Mặc dù, tôi được nghe nhiều già làng ở các buôn làng kể với cốt truyện không mấy khác nhau, nhưng cách kể của họ thấm đẫm sự huyền bí. Chuyện xưa kể rằng, ở một làng nọ, có đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Hằng ngày, chàng K’lang vào rừng săn bắn, nàng H’linh ở nhà xe sợi dệt vải. Đêm về, họ quây quần bên bếp lửa sống những ngày tháng hạnh phúc. Một ngày nọ, K’lang vào rừng đến tối không thấy về, lo chàng gặp chuyện chẳng lành, nàng H’linh đi tìm. Trong giấc ngủ thiếp đi giữa rừng vì mệt, nàng mơ thấy K’lang. Tỉnh dậy, theo giấc mơ nàng đến con suối thấy K’lang bị trói chặt với đầy mũi tên găm vào người, nàng bò tới ôm lấy K’lang. Larihn - con trai tộc trưởng Lasiêng vì quá yêu H’linh, trong cơn hận tình hắn bắn mũi tên vào người K’lang vô tình trúng H’linh. Về sau, nơi đôi uyên ương chết mọc lên một loài cây, hoa có màu vàng rực, bà con đặt tên là dã quỳ.

Bừng tỉnh một vùng đất

RỰC RỠ MÙA HOA DÃ QUỲ Ở TÂY NGUYÊN | Antamtour.vn

Cơn gió chiều khô khiến cái lạnh càng se sắt hơn. “Năm nay dịch quá, lại lỡ hẹn núi lửa Chư Đăng Ya, chỉ khi được đắm chìm giữa không gian mênh mông ấy mới cảm được hết cái đẹp hoang dã, phóng khoáng của dã quỳ”, cô bạn nói trong tiếc nuối. Ngọn núi lửa nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ, mỗi năm bừng rực dã quỳ vàng cả đất trời. Nơi ấy được chọn làm điểm tổ chức lễ hội hoa dã quỳ hằng năm, thu hút nhiều du khách đến ngắm hoa, chụp ảnh. Mùa hoa, những em bé đồng bào bản địa nơi đây đi dọc các cung đường chọn những bông hoa dã quỳ thật đẹp kết thành vòng hoa đội đầu, sau đó đi bộ lên núi lửa Chư Đăng Ya bán cho khách với giá ba đến năm nghìn đồng một vòng. Số tiền này các em dành dụm mua vở hay món đồ chơi mình thích.

Theo dấu sắc hoa dã quỳ, mùa vàng Tây Nguyên | VIETRAVEL

Những già làng quanh đây nói rằng, Chư Đăng Ya theo tiếng đồng bào Gia Rai có nghĩa là củ gừng dại. Liên quan tới tên gọi ấy có một câu chuyện truyền miệng được người già trong làng kể lại cho thế hệ trẻ mỗi khi quây quần bên bếp lửa. Ngày xưa ấy, dưới chân núi có một cụ bà sinh sống trong ngôi nhà sàn nhỏ. Ngày nọ, bà đau bụng quằn quại, nhờ thầy lang trong vùng chữa trị nhưng không khỏi. Bà gắng sức leo lên ngọn núi gần nhà hy vọng tìm được thứ gì đó có thể giảm cơn đau. Bò lên tới đỉnh núi, bà thấy đám gừng mọc tươi tốt, nghĩ rằng cây Yàng (thần) ban. Bà khấn vái xong, đào lấy củ ăn thử, cơn đau dịu dần, bà đào thêm ít củ mang về nhà ăn thì bệnh khỏi hẳn. Câu chuyện của bà truyền khắp vùng và từ ấy người đồng bào Gia Rai gọi ngọn núi ấy là Chư Đăng Ya.

Mùa hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya - VnExpress Du lịch

Dưới các thung lũng, người đồng bào hiện còn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống hấp dẫn. Những năm gần đây, khu vực này trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng bởi những triền hoa dã quỳ trải dài miên man từ hai bên đường dẫn đến chân đồi tới miệng núi lửa.

Ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, năm trước, tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya dù chỉ mấy ngày, nhưng bà con trổ tài ẩm thực được du khách ưa thích như: Cơm lam, gà nướng, cùng các món ăn dân dã; có một nhóm xe ôm gần chục người chuyên chở khách lên đỉnh núi lửa, nên người dân có thêm thu nhập. Đến với lễ hội, du khách có dịp tìm hiểu sâu về không gian văn hóa cồng chiêng, tạc tượng, dệt thổ cẩm... của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Nồng nàn Tây Nguyên: Huyền thoại loài hoa báo nắng ảnh 1

“Năm nay chúng tôi chăm sóc hoa dã quỳ từ đường vào đến quanh núi lửa Chư Đăng Ya đẹp lắm, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên mọi thứ phải hoãn. Xã đang căng mình chống dịch, đảm bảo an sinh cho người dân, cán bộ cùng bà còn đổi công cắt lúa hỗ trợ những người phải cách ly ở nhà”, ông Nội cho biết thêm.

Trong nắng gió khô hanh, sắc vàng dã quỳ vẫn bung ra từ bản năng sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy của nàng H’linh và chàng K’lang.

Theo Báo tiền phong online


(*) Xem thêm

Bình luận