Đôi bờ thương nhớ

29/08/2022 | 302

Khi những giọt nước đầu tiên của dòng sông bắt nguồn từ các khe suối lạnh giá trên cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc), con sông có hành trình thiên lý vạn dặm, qua rất nhiều địa danh và nền văn hoá khác biệt nhau (Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) để rồi xuôi về vùng đồng bằng châu thổ ấm áp và trù phú, sau cùng là hoà vào lòng biển Đông. Đó là câu chuyện về con sông mẹ Mekong kỳ vĩ và khúc cuối nguồn của nó là đôi bờ sông Hậu mênh mang...

Về mặt địa lý, Sông Hậu được chia tách và bắt nguồn từ biên giới Việt Nam  - Campuchia, nó từng được người Pháp gọi là sông Bassac (Ba Thắc), và trong suốt hành trình êm đềm kéo dài cho đến cửa Trần Đề, trước khi đổ ra biển lớn, nó đã kịp hình thành dọc theo 2 lưu vực 3 vùng đô thị lớn và sầm uất nhất miền Tây Nam Bộ là Châu Đốc, Long Xuyên và Cần Thơ.

Cầu Cần Thơ - 18 góc ảnh và flycam siêu cao siêu đẹp

Cây cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

Nào chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình từ Cần Thơ, thành phố được mệnh danh là Tây Đô và thủ phủ miền Tây. Từ Cần Thơ nếu đi ngược lên hướng Tây Bắc dọc theo sông Hậu thì tả ngạn bao gồm các vùng đất: Vĩnh Long, Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự và Tân Châu, còn hữu ngạn bao gồm Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, An Phú (An Giang). Có thể nói, vùng châu thổ rộng lớn mà sông Hậu chảy ngang qua chính là vùng canh tác lúa rộng lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nguồn lợi về kinh tế nông nghiệp và giao thương đường thuỷ chính là nét đặc trưng tạo nên một phần rất quan trọng của vùng đất chín rồng.

Sự trù phú của vùng đồng bằng đã tạo nên nét văn hoá độc đáo mà lại hài hoà với điều kiện tự nhiên. Đi dọc 2 bờ sông Hậu, ta phát hiện ra rằng, hầu hết những khu chợ nổi hoạt động tấp nập nhất miền Nam đều tập trung trên những nhánh sông này. Đó chính là chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), Cái Răng (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang).

Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ - Trải nghiệm độc đáo tại miền Tây sông nước

Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ

Dọc theo sông Hâu, ngoài những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay của Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên, ta sẽ bắt gặp những làng bè nuôi cá, có nơi làng bè kéo dài hàng km. Ngoài nguồn lợi thuỷ sản thu được từ bè, cuộc sống lênh đênh trên bè cũng được ghi nhận là lối sống đặc trưng riêng của người dân bản xứ, thong thả mà phóng khoáng.

Đầu nguồn là biên giới nên sông Hậu cũng mang về miền đất lành văn hoá của người Khmer, mà sự giao thoa giữa các dân tộc Việt - Khmer - Chăm trong suốt quá trình khai hoang mở cõi đã tạo nên sự độc đáo hiếm có trong lịch sử hình thành miền Tây Nam Bộ. 

Đến 'xứ sở cây thốt nốt' Tịnh Biên mùa nước nổi - iVIVU.com

Hàng cây Thốt nốt ở Tịnh Biên - An Giang

Cả 2 bên bờ sông Hậu, ta có thể ghé thăm một số ngôi chùa Khmer nổi tiếng ở Sóc Trăng và An Giang hay ghé thăm làng nghề dệt truyền thống ở Tân Châu, hoặc vào một thôn xóm nào đó ở Tịnh Biên để uống ly Thốt nốt ngọt lịm và xem những người bản địa chế biến thứ nước thơm ngon này thành những viên đường Thốt nốt hương vị đồng quê chất phác.

Vào mùa lúa chín, dọc khắp các cánh đồng thẳng cánh cò bay vùng tứ giác Long Xuyên, hoạt động gặt đập diễn ra tấp nập, máy móc chạy rầm rập từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác, người nông dân luôn tất bất cho vụ mùa bội thu. Trong khi đó, trẻ con chạy nhảy trên đồng thả diều hay bắt chuột đang chạy ra từ những mảnh ruộng mới gặt xong.

Những thảm lúa vàng mênh mông sắp sửa bước vào mùa thu hoạch ở An Giang.

Tình người ở đôi bờ sông Hậu cũng khiến du khách xúc động. Cái chất hiền hoà, phóng khoáng của dòng sông dường như cũng thấm vào tâm hồn của người bản xứ. Bởi người miền Tây nổi tiếng hào sảng, hiền hoà suốt bao đời nay. Từ câu ca dao trong lời ru của mẹ, câu hò tiếng hát mát rượi trên những khúc sông xanh, đến câu vọng cổ ngọt như mía lùi làm mềm lõng người lữ khách. Ở dọc bờ sông, trên những cánh đồng hay lênh đênh trên những ngôi nhà bè mát rượi, nếu ta nghe thấy một giọng ngâm trầm ấm, một tiếng phách nhịp nhàng, một tiếng gõ song lan nghe đanh gọn thì thế nào tiếp sau đó cũng sẽ là một câu vọng cổ như "suối nguồn rót mật vào tai", nhất là lúc người nghệ sĩ miệt vườn xuống xề nghe rung động tâm hồn biết bao...

Sông Hậu, | Mytour.vn

Vậy đó, đi dọc sông Hậu cứ như đi giữa đôi bờ thương nhớ với hành trình gom góp những yêu thương. Đoạn cuối cùng của một dòng sông trước khi vươn ra biển lớn, có phải sông cũng "ôm" trong lòng một hoài bão lớn lao, về một vùng đất đầy khí chất và nhiệt huyết. Vùng đất ấy sẽ vươn lên mạnh mẽ như tên gọi của nó: chín rồng (Cửu Long).

Nguồn: Heritage In-Flight Magazine (Vietnam Airlines)

---

Top 10 Con sông nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam

Sông Nhật Lệ - Dòng sông hiền hoà cùng dòng chảy lịch sử dân tộc và nuôi dưỡng bao thế hệ người con Quảng Bình

 


(*) Xem thêm

Bình luận