Cây Bao báp – Biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất khô cằn châu Phi
Cây Bao Báp là “Cây sự sống” (Trees of Life) có hình dáng đặc biệt, cao tới 30m, đường kính thân chừng 25m, có khả năng trữ lượng nước mưa khổng lồ... như là "món quà từ Đấng Sáng tạo" ban cho con người cùng muôn loài vạn vật nơi mảnh đất Châu Phi khô cằn nhất hành tinh.
Cây bao báp đã cùng con người tồn tại ở những nơi có điều kiện sống khắc nghiệt. Nó được xem như biểu tượng cho những vùng đất khô cằn của châu Phi. Đối với các cư dân châu Phi, cây bao báp rất bí ẩn vì loài cây này có khả năng sinh tồn rất mạnh mẽ.
Trên thế giới có 8 loài cây bao báp nhưng trong số đó, có 6 loài chỉ sinh trưởng ở Madagasca, còn lại một loài bản xứ của Australia và một loài phổ biến ở châu Phi. Cây bao báp thường sống ở những vùng bán khô cằn và nửa ẩm của châu Phi.
Cây bao báp còn được gọi là “cây lộn ngược” với những cành cây trơ trụi tựa như bộ rễ vươn lên bầu trời. Hình dáng của cây không ngừng thay đổi quanh năm. Cây bao báp thường cao khoảng 30 m với chu vi thân cây khoảng 25 m.
Loài cây này có khả năng dự trữ nhiều nước, giúp cây tồn tại qua những lúc khô hạn. Đó là đặc tính quan trọng để cây sinh trưởng ở những vùng đất khô cằn.
Khi trời mưa, nước mưa thấm dần vào trong thân cây bao báp. Cây có khả năng dự trữ đến 130.000 lít nước trong 4 tháng. Lượng nước này đủ để cây tồn tại qua những tháng khô hạn. Dù bao báp có thân cây gỗ nhưng rất khó xác định tuổi của nó. Tuy nhiên, sự to lớn của thân cây có thể cho ta biết sự tồn tại lâu năm của nó. Xác định niên đại bằng carbon là cách tốt nhất để con người biết được độ tuổi của cây bao báp. Một số loài cây bao báp có thể sống đến 2.000 năm, một số khác có thể sống đến 4.000 năm tùy thuộc vào môi trường.
Cây bao báp thường mọc từ hạt. Chỉ cần rơi xuống đất, đến mùa mưa, hạt nảy mầm thành cây. Trải qua nhiều năm tháng, với các chu kỳ khô – ẩm nối tiếp nhau, cây con dần trở thành những thân cây khổng lồ. Cây bao báp có sức sống phi thường, cây có tán rộng và vỏ trơn nhẵn. Đây là loài cây duy nhất trên thế giới có khả năng tái tạo vỏ.
Rễ cây bao báp bám chặt xuống đất nhưng chúng thường không ăn sâu hơn 5 m mà trải rộng ra xung quanh, đôi khi cách thân cây đến hàng chục mét. Loài cây này thích nghi với những nơi khô hạn, nhiều ánh nắng. Ở những nơi có lượng mưa khoảng từ từ 200 – 760 mm mỗi năm, mùa mưa kéo dài hơn 7 tháng và nhiệt độ không khí khoảng từ 15 – 300C, cây bao báp sẽ phát triển lá quanh năm.
Cây bao báp có ít lá. Lá của chúng dài khoảng 15 cm và có dáng như bàn tay con người, những đường gân lá không đối xứng nhau. 5 – 7 chiếc lá nhỏ đính tại một điểm của cuống lá chính, giống như những ngón tay nên được gọi là lá hình ngón. Lá cây bao báp thường rụng vào đầu mùa khô khiến cây chỉ còn lại những cành trơ trụi.
Đến cuối mùa khô, những chiếc lá mới bắt đầu xuất hiện, những cành cây non cũng dần phát triển và cây bắt đầu trổ hoa. Hoa bao báp khá lớn với cuống có thể dài đến 1 m. Hoa bắt đầu nở vào cuối buổi chiều, rạng rỡ nhất về đêm và bắt đầu héo rũ vào ngày hôm sau khi ánh nắng xuất hiện. Dù chỉ nở trong 12 giờ ngắn ngủi nhưng hương hoa thơm ngát vẫn kịp lan tỏa khắp nơi.
Khi hoa đã được thụ phấn, các cánh hoa sẽ dần rơi rụng và trái bắt đầu phát triển. Trái bao báp có rất nhiều hạt bên trong, thường được gọi là “bánh mì dành cho khỉ” và có nhiều nước. Trái bao báp dài khoảng từ 20 – 40 cm và rộng 15 cm. bên trong chứa bột như bột sắn, có vị hơi chua, rất bổ dưỡng và có chứa nhiều vitamin C hơn cam và nhiều canxi hơn sữa bò. Ở nhiều nơi, người ta dùng trái bao bap chế biến thành nhiều món ăn rất ngon.
Một cây bao báp to lớn có thể tự tạo nên hệ sinh thái riêng hỗ trợ sự sống của nhiều loài sinh vật, từ những loài hữu nhũ to lớn đến những con vật nhỏ bé. Chim làm tổ trên những cành cây, khỉ đầu chó ăn trái cây bao báp, các loài côn trùng và dơi hút mật hoa, đồng thời thụ phấn giúp cho hoa, voi có thể với lấy những cành cây để ăn lá.
Có thể nói, cây bao báp là cây của cuộc sống. Nó mang lại nhiều nguồn lợi cho con người. Từ lá, trái, hạt, vỏ đến rễ cây đều được con người dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Người châu Phi thường lột vỏ cây bao báp lấy những sợi bên trong về bện dây thừng. Dù cây bị cắt vỏ, nhưng chúng vẫn không chết. Tuy nhiên, việc đó để lại những vết sẹo trên thân. Trái bao báp có thể được chế biến thành nhiều món ăn và thức uống, lá cây có thể dùng làm rau trong những bữa ăn hằng ngày hay được dùng để làm thuốc chữa những bệnh như tiêu chảy, sốt. Cây bao báp còn là nguồn cung cấp nước quan trọng đối với nhiều người vì trong thân cây có chứa rất nhiều nước.
Cây bao báp có mối quan hệ mật thiết với con người cả trong cuộc sống hằng ngày lẫn thế giới tâm linh. Từ lâu, cây bao báp được xem là loài cây bí ẩn, chúng thường xuất hiện trong những truyền thuyết và chuyện thần thoại. Ở những quốc gia khác nhau, cây bao báp mang ý nghĩa thiêng liêng khác nhau.
Ở Senegal, cây bao báp được xem như tháp vật tổ. Ở miền Bắc Namibia, nó được cho là giúp môi trường trong lành. Tương truyền, những ai gây ô nhiễm cho các vùng đất xung quanh cây bao báp thì sẽ bị nhốt bên trong thân cây to lớn. Ở Bostwana, những cư dân sống trong rừng tin rằng, hoa của cây bao báp dù chỉ nở một đêm nhưng đó là nơi trú ẩn của các linh hồn, nếu ai hái hoa sẽ bị sư tử ăn thịt.
Đối với nhiều người, cây bao báp là hình ảnh đẹp để ngắm nhìn. Những cành cây chơi vơi trên bầu trời tựa như bộ rễ của cây. Dù có khả năng sinh tồn rất cao nhưng hiện, số lượng cây bao báp đang dần suy giảm ở nhiều vùng đất thuộc châu Phi. Sự biến mất của cây bao báp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc phá rừng của con người để lấy đất làm nông nghiệp hoặc chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, chúng còn chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, lượng mưa hàng năm giảm, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây bao báp.
Cây Bao Báp đúng nghĩa là cây bao bọc, nuôi dưỡng sự sống cho muôn loài ở Châu Phi. Song đã đến lúc, mọi người cần bảo vệ lại chúng, thậm chí tạo điều kiện để những cây Bao Báp con mọc lên, phát triển tốt, thì mối quan hệ cộng sinh đó mới bền vững lâu dài mãi về sau.
Theo THVL
Xem thêm