Vì sao WB đề xuất người lao động cần học 4 bộ kỹ năng mới?
Nhu cầu việc làm và kỹ năng lao động đã có thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi người lao động cần có sự thích ứng tốt hơn để đáp ứng.
Kỹ năng thấp làm giảm năng lực cạnh tranh
Bà Steffi Stallmeister, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: việc làm và nhu cầu về kỹ năng đang thay đổi nhanh chóng. Điều tra Lao động việc làm Việt Nam năm 2020 cho thấy: các công việc đòi hỏi kỹ năng giản đơn, thủ công (thâm dụng lao động) đang giảm dần. 8/10 nghề phát triển nhanh nhất đòi hỏi cả kiến thức chuyên môn nghề nghiệp ở cấp độ cao hơn và phạm vi kỹ năng rộng hơn. Vì vậy, lực lượng lao động cần được trang bị nhiều kỹ năng hơn để tiến lên các giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo và mở rộng nền kinh tế dịch vụ giá trị cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng lao động tại Việt Nam có kỹ năng thấp. Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp 103/141 quốc gia về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại; thứ 116 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp. Trong khi các nước trong khu vực như Singapore xếp thứ 2, Nhật Bản đứng thứ 5.
Vì độ vênh lớn giữa yêu cầu công việc và năng lực, kỹ năng của người lao động khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng. Theo khảo sát kỹ năng và doanh nghiệp của WB năm 2019 với các doanh nghiệp Việt Nam, có 73% doanh nghiệp khảo sát gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng quản lý và lãnh đạo; 68% gặp khó khăn khi tuyển lao động có chuyên môn kỹ thuật, 54% gặp khó khăn khi tuyển lao động có kỹ năng cảm xúc xã hội.
Bà Steffi Stallmeister, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới
Nguyên nhân của thực trạng này, theo bà Steffi Stallmeister, do khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông thấp. Cũng theo kết quả điều tra Lao động việc làm Việt Nam, chỉ có 1 trong số 4 người lao động hoàn thành chương trình giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học khiến tỷ lệ nhập học sau phổ thông của Việt Nam chỉ đạt 28,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nhập học trung bình là 55,1% ở các nước có thu nhập trung bình cao.
Nhìn vào trình độ kỹ năng, chỉ có 11% lực lượng lao động ở Việt Nam có bằng cấp sau phổ thông. Bên cạnh đó, lực lượng lao động nói chung chỉ có số năm đi học trung bình 8 năm trong khi sẽ tiếp tục làm việc trong nhiều năm. Nếu trình độ học vấn tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, tỷ trọng lao động có bằng cấp sau phổ thông sẽ chỉ tăng tối đa lên tới 15% vào năm 2050. Con số này kém xa các quốc gia tương đương khác trong khu vực ASEAN.
“Kéo” doanh nghiệp tham gia đào tạo kỹ năng nghề
Để giải quyết những thách thức trên, WB đề xuất 5 giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần cải thiện giáo dục và đào tạo để thanh niên hoàn thành chương trình, bằng cấp giáo dục sau phổ thông đáp ứng nhu cầu kỹ năng của các nhà tuyển dụng.
Thứ hai, cần nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại để họ có thể đóng góp một cách hiệu quả trong suốt thời gian làm việc.
Nhu cầu việc làm và yêu cầu kỹ năng thay đổi đòi hòi người lao động cần được đào tạo kỹ năng liên tục
Thứ ba, đào tạo sinh viên và người lao động bốn bộ kỹ năng mới để giúp tăng năng suất và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Theo WB, đó là phổ cập kiến thức số được định nghĩa là khả năng sử dụng công nghệ; các kỹ năng hành vi xã hội được định nghĩa là làm việc theo nhóm và giao tiếp, nhấn mạnh các nghề dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao; kỹ năng nhận thức bậc cao được định nghĩa là sự sáng tạo; khả năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề làm nền tảng cho đổi mới sáng tạo và kỹ năng xanh, cần thiết để giảm tác động tiêu cực tới môi trường và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu hướng tới nền kinh tế sạch hơn, thích ứng với khí hậu hơn và hiệu quả hơn.
Thứ tư, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển kỹ năng. Tăng cường liên kết ngành và nghiệp là một cách hiệu quả để cải thiện mức độ phù hợp của các chương trình giáo dục sau phổ thông và đáp ứng nhu cầu kỹ năng của doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của doanh nghiệp được thực hiện có hệ thống theo một số cách như: tạo cơ hội thực tập cho sinh viên đại học; cơ hội làm việc tại công ty dành cho nghiên cứu sinh, giảng viên và chuyên gia trong ngành với tư cách là giảng viên thỉnh giảng; doanh nghiệp và trường đại học cần có sự trao đổi, tham vấn thường xuyên để đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu kỹ năng đang thay đổi.
Thứ năm, đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động tích hợp, được cập nhật thường xuyên và dễ dàng truy cập nhằm tạo điều kiện cho người lao động, sinh viên, cơ sở đào tạo và cố vấn nghề nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt về lộ trình nghề nghiệp và chuyển đổi công việc.
Theo diendandoanhnghiep.vn
Xem thêm