Lạm phát kích hoạt cuộc chiến tiền tệ thế giới
USD quá mạnh làm các nước phải nâng giá nội tệ để giảm tổn thương khi nhập khẩu thời lạm phát. Cuộc chiến tiền tệ manh nha từ đó.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay siết chặt tiền tệ để chống lạm phát, USD đã tăng mạnh 7% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác cũng tất bật tìm cách chế ngự cơn bão giá đang ập đến trong "sân nhà". Vì vậy, giờ họ cũng không ngần ngại công khai quan điểm, sẽ làm đồng nội tệ mạnh lên để giảm chi phí nhập khẩu.
Đó là một hình thức can thiệp khá hiếm và chỉ riêng một vài động thái nhỏ cũng có thể làm biến động thị trường. Hôm 16/6, Thụy Sĩ gây bất ngờ cho các nhà giao dịch với lần tăng tỷ giá đầu tiên từ năm 2007, đưa đồng franc vọt lên mức cao nhất trong bảy năm. Vài giờ sau, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo tăng tỷ giá và dự báo còn vài đợt tăng lớn hơn.
Trước đó, vào tháng 2, Nhà kinh tế Isabel Schnabel, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo đồng euro đã suy yếu so với USD. Tháng 4, đến lượt Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Tiff Macklem đề cập việc đồng đôla Canada yếu đi.
Giá trị của tiền tệ đã nổi lên như một phần ngày càng lớn của phương trình lạm phát. Nhà kinh tế học Michael Cahill của Goldman Sachs Group nói rằng ông không thể nhớ lần gần đây nhất mà ngân hàng trung ương các nước đua làm cho đồng tiền của mình mạnh hơn là khi nào. Tức là đã lâu rồi không có tình trạng này.
Thế giới ngoại hối gọi đó là "cuộc chiến tiền tệ ngược" vì trong hơn một thập kỷ qua, các quốc gia thường làm ngược lại. Họ chủ động làm đồng tiền của mình yếu hơn để bán được hàng ra nước ngoài với giá cạnh tranh hơn, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng giờ đây, với chi phí của mọi thứ từ nhiên liệu, thực phẩm đến các thiết bị gia dụng tăng cao (mà nhiều nơi phải nhập khẩu), việc tăng cường sức mua đột nhiên trở nên quan trọng hơn.
Ảnh đồ họa hình tượng hóa về vị thế trung tâm của USD trong khả năng kích hoạt cuộc chiến tiền tệ hiện nay giữa các đồng tiền lớn. Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, đó là một trò chơi nguy hiểm. Nếu không được kiểm soát, sự cạnh tranh quốc tế này nguy cơ gây ra sự biến động lớn về giá trị của các loại tiền tệ chi phối nhất. Đồng thời, các nhà sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu, chi tiêu tài chính của các công ty đa quốc gia cũng bị ảnh hưởng xấu. Gánh nặng lạm phát thì càng lan ra trên toàn thế giới.
Cuộc chiến ngoại hối vốn là một trò chơi có tổng bằng không - sẽ có kẻ thắng và người thua. Alan Ruskin, Trưởng bộ phận chiến lược quốc tế tại Deutsche Bank cho biết mọi quốc gia đều có mong muốn như nhau (là chiến thắng). Nhưng "không thể có điều đó trong thế giới tiền tệ", ông nói.
Một trong những can thiệp quy mô lớn đáng chú ý nhất của chính phủ vào thị trường tiền tệ là vào năm 1985. Giá trị của đồng USD đã tăng vọt trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Ronald Reagan do lãi suất dài hạn tăng, mức cao nhất so với đồng bảng Anh.
Ban đầu, Nhà Trắng coi đây là sự tôn vinh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, nhưng những hạn chế đã nhanh chóng hiện ra. Ông Reagan đã phải chịu áp lực từ các nhà sản xuất Mỹ, những người ngày càng thấy khó tiếp thị hàng hóa ra nước ngoài.
Lee Morgan, cựu giám đốc điều hành tập đoàn máy móc Caterpillar, ước tính hàng trăm công ty Mỹ đã mất hàng tỷ USD đơn đặt hàng quốc tế hàng năm vào tay các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản do đồng USD mạnh hơn ở thời điểm đó.
Vào tháng 9/1985, lãnh đạo Fed đã gặp gỡ các đồng nghiệp Pháp, Đức, Nhật Bản và Anh tại khách sạn Plaza ở New York. Trong cái được gọi là "Hiệp ước Plaza", họ đã đưa ra một kế hoạch khiến đồng tiền của Mỹ giảm giá 40% trong hai năm tiếp theo, cho đến khi các bộ trưởng tài chính ký "Hiệp định Louvre" ở Paris để chấm dứt nỗ lực này.
Kể từ đó, các chính phủ hiếm khi can thiệp rõ ràng vào giá trị đồng tiền. Nhưng vẫn có những hành động quy mô nhỏ hơn. Vào năm 2010, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đã nhắc đến "cuộc chiến tiền tệ" khi ông cáo buộc các quốc gia bao gồm Thụy Sĩ và Nhật Bản cố tình làm suy yếu đồng tiền của họ để tăng khả năng cạnh tranh ở nước ngoài. Căng thẳng làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển.
Hay trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã khiến một số chuyên gia nước ngoài bất bình khi từ chối cho phép đồng nhân dân tệ mạnh lên, nhằm giúp hàng xuất khẩu nước này duy trì mức giá rẻ. Chính ông Donald Trump cũng đã dùng câu chuyện tỷ giá nhân dân tệ trong chiến dịch tranh cử của mình.
Khi Mỹ và Trung Quốc ăn miếng trả miếng thuế quan trong nhiệm kỳ của ông, Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ giảm sâu dưới ranh giới mà họ đã không vượt qua trong hơn một thập kỷ. Động thái khi ấy làm dấy lên cảnh báo rằng tiền tệ có thể được "vũ khí hóa" và khiến Bộ Tài chính Mỹ gắn mác Trung Quốc là "thao túng tiền tệ".
Có lẽ không quốc gia nào ngày nay nỗ lực giữ chặt giá trị đồng tiền của mình như Nhật Bản. Thống đốc Ngân hàng trung ương (BOJ) Haruhiko Kuroda tiếp tục đưa ra lập trường ôn hòa, đồng thời thừa nhận rằng sự lao dốc của đồng yen là không tốt cho nền kinh tế. Đồng tiền này đã giảm hơn 18% trong năm nay và các nhà giao dịch ngoại hối đang ngày càng đặt cược vào ngày BOJ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đổi lập trường của họ.
Trong cuộc chiến tiền tệ ngày nay, USD mạnh lên được cho là sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu mục tiêu kiềm chế lạm phát của Fed không thành công. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh cam kết rằng tỷ giá hối đoái là "do thị trường quyết định". Nhưng dù sự thật có vậy hay không thì các chính trị gia vẫn ăn mừng khi USD tăng giá.
Thượng nghị sĩ Pat Toomey thuộc Đảng Cộng hòa của bang Pennsylvania cho rằng Fed phải duy trì nỗ lực này chống lạm phát. Theo ông, sức mạnh của đồng USD là "giúp ích rất nhiều". Nhưng Mỹ có thể không được hưởng lợi lâu. Việc tăng tỷ giá của Thụy Sĩ và Anh đã đè nặng lên đồng USD, mà trước đó vào tháng 6 đã ghi nhận mức giảm hai ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
Giáo sư kinh tế Jeffrey Frankel của Đại học Harvard cho biết, các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước xuất khẩu như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, là những nước dễ bị tổn thương nhất. "Điều tồi tệ nhất trong các nền kinh tế mới nổi là để đồng tiền của bạn giảm giá so với USD khi bạn đang mắc nợ bằng USD", ông nói.
Chính xác thì một đồng tiền mạnh hơn sẽ làm giảm lạm phát đến mức nào vẫn chưa rõ ràng. Nhưng dù sao, nhà kinh tế trưởng toàn cầu Nathan Sheets của Citigroup, người trước đây làm việc cho Bộ Tài chính và Fed, cho rằng trong thời đại lạm phát tràn lan này, đồng tiền mạnh hơn vẫn là chuyện tốt. Theo ông, trước đây đồng USD tăng 10% sẽ kéo giảm lạm phát khoảng nửa điểm phần trăm. Ngày nay, nó có thể kéo giảm được đến một điểm phần trăm.
Phiên An (theo Bloomberg)
Xem thêm