Rừng cây khoác lá đỏ soi bóng mặt hồ tựa chốn tiên cảnh ở Cao Bằng mùa đông
Cao Bằng mùa nào cũng khiến du khách phải 'say mê quên lối về'. Những ngày cuối thu đầu đông, rừng cây quanh hồ Bản Viết lại khoác lên mình chiếc áo vàng, đỏ, đẹp tựa chốn bồng lai.
Nằm tách biệt với thành phố nhộn nhịp, ồn ào, xung quanh được bao phủ bởi những hàng cây xanh mướt, những ngọn núi hùng vĩ khiến khung cảnh hồ Bản Viết mang một vẻ đẹp hoang sơ, yên bình.
Đây là hồ nước nhân tạo có diện tích khoảng 5ha, nằm ẩn mình giữa rừng núi Trùng Khánh, cách TP Cao Bằng khoảng 58km. Hồ Bản Viết có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch, gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trekking và du lịch cộng đồng.
(Ảnh: Cao Bằng Hóng)
Ấn tượng với mùa thu thơ mộng của Bản Viết, anh Lê Huy Hoàng (36 tuổi, Hà Nội) đã dành thời gian để trải nghiệm thiên nhiên nơi đây.
Anh thừa nhận mình bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của rừng cây sau sau nơi đây, nhất là khi cuối thu, cả rừng cây chuyển màu vàng, cam, đỏ, bao phủ xung quanh mặt nước phẳng lặng màu xanh ngọc.
Khung cảnh hoang sơ, tĩnh lặng đẹp đến nao lòng (Ảnh: Huy Hoàng)
Theo khoa học, cây sau sau còn có tên là phong hương, bạch giao hương. Thân sau sau cao, to, thẳng, vỏ cây màu trắng đục, có những đốm loang màu ghi nên vào mùa đông trông hao hao như những cánh rừng bạch dương ở một số nước phương tây.
Lá cây sau sau thay đổi theo mùa. Mùa xuân khi chồi non mới chớm nở, lá có màu xanh non, mùa hè màu xanh đậm tươi mát, mùa thu lá ngả vàng và mùa đông là khi cả hồ Bản Viết sẽ được khoác lên mình một chiếc áo đỏ.
Những hàng cây sâu sâu đua nhau thay màu áo mới (Ảnh: Huy Hoàng)
Anh Hoàng cho biết, dù không phải lần đầu được săn đón khoảnh khắc bình minh: từ lúc mặt trời ửng đỏ đến khi xuất hiện những tia nắng đầu ngày chiếu qua những tán lá, nhưng anh cảm thấy mãn nhãn, choáng ngợp trước vẻ đẹp siêu thực của cảnh sắc quanh hồ Bản Viết.
Khung cảnh mờ ảo lúc sáng sớm, những người bản địa bắt đầu đi bè đánh cá trên hồ, tất cả tạo nên một bức tranh yên bình (Ảnh: Huy Hoàng)
(Ảnh: Huy Hoàng)
Anh Hoàng chia sẻ: “Vào lúc sáng sớm, khi tiết trời còn lành lạnh, sương còn đọng lại trên mặt hồ là khoảnh khắc thích hợp nhất để săn những bức ảnh “đắt giá”. Với những bức ảnh này, mình đặt vào đó toàn bộ tâm tư tình cảm dành cho Bản Viết và cảnh sắc nơi đây.”
Nếu như anh Hoàng phải lặn lội từ xa đến đây ngắm cảnh thì anh Nguyễn Sơn Tùng lại là người con Cao Bằng. Dù đã quá quen thuộc nơi đây, nhưng vẫn chưa bao giờ anh Tùng hết “ngẩn ngơ” trước cảnh sắc thiên nhiên hồ Bản Viết.
Vào những ngày rảnh rỗi, anh Tùng thường “lang thang” khắp Cao Bằng để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của quê hương, vừa làm tư liệu cho các sản phẩm quảng bá du lịch, vừa để thỏa mãn sở thích xê dịch và tận hưởng cuộc sống một cách bình dị nhất.
Hồ Bản Viết được bao bọc bởi những ngọn núi trùng điệp (Ảnh: Sơn Tùng)
Anh Tùng chia sẻ: “Mặc dù là người Cao Bằng nhưng mỗi lần đến đây mình vẫn không khỏi ngỡ ngàng, trước vẻ đẹp của sông nước, núi rừng. Đó là khung cảnh bình yên đến lạ, mặt hồ phẳng lặng như tờ được vây quanh bởi sắc đỏ đẹp đến “ngây người” không khác gì trong các bộ phim mà hồi nhỏ được xem trên màn ảnh".
Không gian thơ mộng, yên bình của hồ Bản Viết (Ảnh: Sơn Tùng)
Mặc dù thời điểm nào Bản Viết cũng đẹp, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là khoảng 5 - 6h sáng, là lúc sương giăng kín mặt hồ: khung cảnh mờ ảo, lạnh, hơi buồn, nhưng có cái thú vị riêng.
Đến khoảng 8h sáng khi mặt trời lên hẳn thì tất cả hiện ra rõ nét hơn, sắc đỏ cũng tương phản với mặt hồ hơn tạo nên một chốn “bồng lai tiên cảnh” giữa đời thực.
Ngoài ra, khoảnh khắc chiều tà với ánh hoàng hôn đỏ rực buông xuống trên mặt hồ cũng mang đến vẻ đẹp lung linh, chiều lòng du khách.
Thời điểm sáng sớm khi ánh mặt trời soi rọi xuống mặt hồ (Ảnh: Sơn Tùng)
Nếu muốn hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành và chìm đắm trong khung cảnh lãng mạn, nên thơ thì du khách nên một lần đặt chân đến Bản Viết - Cao Bằng.
(Ảnh: Sơn Tùng)
Từ Hà Nội, du khách di chuyển theo cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, rẽ vào Quốc lộ 3A tới thị trấn Trùng Khánh và đi tiếp về hướng Bắc 13 km. Hồ nằm gần khu du lịch Bản Giốc, thuận lợi để tham quan.
Cung đường ven hồ bằng phẳng, rộng rãi nên ô tô đi lại dễ dàng. Xung quanh có những bản làng đá cổ của người Tày để du khách khám phá. Thời tiết ở nơi đây khá lạnh, buổi sớm chỉ từ 3 - 10 độ C nên du khách cần chuẩn bị áo khoác dày, mũ len, găng tay...
Nguồn: vietnamnet.vn
Xem thêm