Phát hiện một thảo nguyên được du khách nhận xét "Thụy Sĩ thu nhỏ" ngay miền Bắc cách Hà Nội gần 400km
Nhắc đến những thảo nguyên xanh ngát rộng mênh mông, dài vô tận đến đường chân trời, phần đông du khách sẽ nghĩ ngay tới những đất nước châu Âu xa xôi. Tuy nhiên cứ mỗi tháng 9, độ thu về, trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch, những hình ảnh về một thảo nguyên lại xuất hiện và nhận được sự quan tâm, quan trọng là, nó không phải ở châu Âu, mà ở ngay miền Bắc Việt Nam ta.
Những hàng sa mộc vươn cao giữa thảo nguyên xanh mướt (Ảnh: Trương Hoàng Kha)
Rộng hàng trăm ha, thảo nguyên xanh mướt này không phải ở một đất nước châu Âu xa xôi nào đó mà ở ngay miền Bắc Việt Nam ta. Ai sau khi xem xong những bức hình về thảo nguyên này cũng phải trầm trồ với vẻ đẹp của nó, không nghĩ ngay trên dải đất hình chữ S lại có địa điểm không thua kém gì nước ngoài như thế này. Đặc biệt vào thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ, cảnh vật nơi đây sẽ còn hiện lên lung linh, huyền ảo hơn nữa.
Địa điểm đang được nhắc tới chính là thảo nguyên Suôi Thầu, Hà Giang, hay còn được nhiều du khách ưu ái đặt cho biệt danh "Thụy Sĩ giữa lòng Hà Giang".
Những hình ảnh về thảo nguyên Suôi Thầu xuất hiện trên mạng xã hội và nhiều người không tin rằng, nó ở ngay miền Bắc Việt Nam (Ảnh Lê Sỹ - Group Check in Việt Nam)
Suôi Thầu cách TP Hà Giang khoảng 150 km về phía Tây. Nơi đây nằm cách thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang khoảng 5 km và ở độ cao trên 1.200 m so với mặt nước biển. Vị trí chính xác của thảo nguyên là thuộc địa bàn xã Nàn Ma, nơi kết nối huyện Xín Mần (Hà Giang) và huyện Bắc Hà (Lào Cai). So với nhiều địa điểm du lịch khác ở Hà Giang nói riêng cũng như ở khu vực vùng núi miền Bắc nói riêng, thảo nguyên Suôi Thầu vẫn là một cái tên chưa thực sự được nhiều du khách biết tới, vẫn còn xa lạ và mới mẻ.
Tuy nhiên với vẻ đẹp tự nhiên vô thực, nơi đây mang trong mình tiềm năng phát triển du lịch lớn, hứa hẹn trở thành một trong những địa điểm không thể không đến khi tới Hà Giang, nhất là vào mùa hoa tam giác mạch.
Đường tới thảo nguyên Suối Thầu
Để di chuyển tới thảo nguyên Suối Thầu, nếu xuất phát từ thủ đô Hà Nội, du khách sẽ phải chia chặng đường thành 2 chặng. Bởi ở Hà Giang, huyện Xín Mần, nơi có thảo nguyên được đánh giá là huyện khó khăn nhất về hạ tầng giao thông và tính kết nối, so với các huyện khác. Tuyến đường tới huyện tuy đã có những vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các phương tiện vận chuyển hành khách.
Chặng đầu tiên từ Hà Nội tới Hà Giang, du khách có thể tùy chọn phương tiện từ xe máy, ô tô hay xe khách, xe giường nằm. Đây là chặng đường khá quen thuộc với các tín đồ du lịch.
Địa điểm thích hợp nhất ở Hà Giang để dừng chân, đổi chuyến tới Suối Thầu là thị trấn Cốc Pài - trung tâm huyện Xín Mần. Du khách sẽ từ đây bắt đầu chặng thứ 2. Quãng đường tuy chỉ dài khoảng 6km tuy nhiên là đường đèo nhỏ, gập gềnh, quanh co. Phương tiện phù hợp nhất ở chặng 2 này là xe máy.
Đoạn đường từ Hà Giang lên đến thảo nguyên Suôi Thầu được đánh giá là khó đi (Ảnh Phuong Mai Tran - Group Check in Việt Nam)
Tổng thời gian để du khách tới được thảo nguyên sẽ lâu hơn so với những địa điểm nổi tiếng khác ở Hà Giang, khoảng gần 7 giờ đồng hồ. Song khi đến nơi, mọi cố gắng của du khách khi trải qua thời gian dài di chuyển, đoạn đường khó đi, sẽ được đền đáp xứng đáng bởi khung cảnh nơi thảo nguyên rộng lớn. Du khách Trần Mai Phương Mai đến từ Hà Nội chia sẻ trong một hội nhóm du lịch: "Hành trình đến với thảo nguyên Suôi Thầu - Xín Mần vô cùng gian nan. Nhưng đến nơi thì thật sự không uổng công".
Vẻ đẹp xứng danh "Thụy Sĩ giữa lòng Hà Giang"
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thảo nguyên Suôi Thầu có diện tích lên tới hàng trăm ha, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Xung quanh thảo nguyên có khoảng 60 hộ dân sinh sống, đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Từ Suôi Thầu, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn về các xã Pà Vầy Sủ, Chí Cà, Thèn Phàng, Cốc Rế, hay thị trấn Cốc Pài cách đó 6km.
Tất cả những gì khiến du khách bị "mê hoặc" bởi nơi đây chính là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, cùng bầu không khí trong lành, không chút khói bụi mà nơi thành phố xô bồ không thể có được.
Mỗi mùa, thảo nguyên Suôi Thầu "khoác lên mình một chiếc áo" khác nhau. Mùa xuân, hoa cải nở rộ. Mùa hè, sắc xanh của nương ngô, ruộng lúa dịu mát vô cùng. Mùa thu là thời điểm giao thoa: lúa chín vàng, tam giác mạch đầu mùa nở hoa, tạo cảm giác nhẹ nhàng, nên thơ. Sang đông, phần lớn thảo nguyên sẽ chuyển sang sắc hồng trắng kéo dài đến tận chân trời, tạo nên khung cảnh rất lãng mạn xen lẫn những hàng sa mộc vươn cao giữa thảo nguyên mênh mông.
Suôi Thầu những ngày đầu thu (Ảnh: Lệ Huyền)
Thảo nguyên Suôi Thầu khi nhìn từ trên cao, với những mảng màu khác nhau, tạo nên một bức tranh hoàn hảo (Ảnh Meogiastudio)
Du khách lưu lại những tấm hình đẹp khi ở thảo nguyên Suôi Thầu (Ảnh Hoàng Minh Thương, Nguyễn Thu Hương - Group Check in Việt Nam)
Điểm xuyết ở một vài thời điểm khác trong năm, xuất hiện cả các sắc như nâu, vàng của những ruộng lúa, ruộng ngô hay những bụi cây sa mọc dọc các cánh đồng, hay dòng sông, con suối nhỏ nơi chân núi. Tất cả những màu sắc ấy hòa quyện vào nhau để trong những tấm hình, thước phim từ flycam (camera trên cao), thảo nguyên Suối Thầu hiện lên như một bức tranh hoàn hảo, được vẽ nên bởi mẹ thiên nhiên.
Nhiều du khách chưa từng đến Suôi Thầu sau khi thấy những bức ảnh trời xanh, mây trắng, thảo nguyên tuyệt đẹp ở nơi đây nhận xét, trông khung cảnh "không giống thật", hoặc "ở ngoài đời chắc chắn sẽ không được như trên ảnh". Tuy nhiên, những du khách đã trải nghiệm khẳng định "trên ảnh sao thì ngoài đời khung cảnh Suôi Thầu thật sự như vậy".
Du khách Thương Thương đến từ Hà Nội, mới có chuyến đi tới Suôi Thầu vào dịp 2/9 vừa qua chia sẻ: "Khung cảnh ở đây đẹp thật sự. Những bức hình mình up lên Facebook thậm chí không cần qua bất kỳ xử lý chỉnh sửa hay thêm hiệu ứng nào". Thậm chí có du khách còn nói rằng, cảnh ở Suôi Thầu nhìn qua ảnh đã đẹp, nhưng bên ngoài còn đẹp hơn: "Nhìn ảnh đã đẹp nhưng nhìn thực tế còn đẹp hơn gấp nhiều lần", du khách Loan Trần nói thêm.
Những hình ảnh chụp ở thảo nguyên Suôi Thầu được du khách Thương Thương đến từ Hà Nội chia sẻ và nói rằng không cần hiệu ứng chỉnh sửa nào (Ảnh Facebook Thương Thương)
Lệ Huyền, một du khách từ Hà Nội vừa có chuyến đi 3 ngày 2 đêm tới Hà Giang (1-3.9). Điểm đến Huyền mong chờ nhất chính là Suôi Thầu - nơi mà cô bị thu hút qua những bức ảnh đẹp tựa trời Âu.
Một góc thảo nguyên xanh mướt (Ảnh: Lệ Huyền)
Lệ Huyền cho biết. "Khung cảnh tại Suôi Thầu còn đẹp hơn trong ảnh rất nhiều, mộng mơ, nên thơ, hùng vĩ. Nhìn qua ảnh, du khách thường tưởng tượng về những thảo nguyên châu Âu nhưng đến tận nơi mới có thể cảm nhận trọn vẹn nét đẹp vùng cao của Hà Giang với tam giác mạch, ruộng bậc thang, khí hậu mát lành...", Huyền bật mí.
Huyền tới thảo nguyên vào 15 giờ chiều, dạo bộ quanh các bãi cỏ, đồng tam giác mạch và chờ ngắm khoảnh khắc nắng mặt trời chiếu xuống dòng sông (Ảnh: Lệ Huyền)
Khí hậu ở thảo nguyên Suôi Thầu mát mẻ. Sáng sớm, du khách có thể săn biển mây bao phủ núi đồi. Chiều tà là khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp.
Hai nữ du khách mê mải chiêm ngưỡng vẻ đẹp Suôi Thầu (Ảnh: Lệ Huyền)
Trên thảo nguyên, bà con người Mông thường trồng các loại cây lượng thực như lúa, ngô, dược liệu... Khi cây lương thực đến mùa thu hoạch, bà con tranh thủ trồng thêm một số loại cây hoa phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu như hoa tam giác mạch, hoa cải... vừa cung cấp thực phẩm hằng ngày, vừa làm du lịch. Du khách có thể vào chụp ảnh tại cánh đồng tam giác mạch với giá vé 40.000 đồng/người lớn; 20.000 đồng/trẻ em.
Cô gái La Mộc (quê Hà Giang) vừa từ Hà Nội trở về thăm quê và check-in bộ ảnh với thảo nguyên Suôi Thầu. Theo chia sẻ của Mộc, du khách nên kết hợp cung Bắc Quang - Quang Bình - Đèo Gió - Xín Mần hoặc Bắc Quang - Su Phì - Xín Mần - Quang Bình - Đèo Gió để có thể chiêm ngưỡng mùa lúa chín bản Phùng, Thông Nguyên, có nhiều góc chụp ảnh vô cùng đẹp.
Chuyến này, Mộc dành 2 ngày 1 đêm trải nghiệm cung đường khoảng 100km Bắc Quang - Quang Bình - Đèo Gió - Xín Mần. "Khi tới thảo nguyên, mình như vỡ òa vì khung cảnh tươi đẹp, thanh bình hiện ra trước mắt. Góc nào cũng rất ấn tượng khi lên ảnh, đặc biệt là cánh đồng tam giác mạch hướng nhìn ra đồi núi và dòng sông", Mộc chia sẻ.
Theo La Mộc, thời điểm đẹp nhất để đến Suôi Thầu là tháng 6 hoặc mùa thu. Tuy nhiên, trước khi lên đường, du khách nên theo dõi kĩ dự báo thời tiết. Trời mưa, đường sẽ rất khó đi (Ảnh: La Mộc)
"Con đường chinh phục thảo nguyên hơi vất vả nhưng cảnh vật rất xứng đáng", Mộc chia sẻ (Ảnh: La Mộc)
Gần thảo nguyên Suôi Thầu không có nhà nghỉ nên du khách chỉ có thể nghỉ tại thị trấn Cốc Pài (Xín Mần - Hà Giang), huyện Bắc Hà (Lào Cai) hoặc tại Bản Phùng (Hoàng Su Phì - Hà Giang).
(Ảnh: Lệ Huyền)
Bên cạnh du ngoạn, ngắm cảnh đơn thuần, hiện nay nhiều du khách còn lựa chọn hình thức cắm trại trên thảo nguyên. Các vật dụng thiết yếu như lều trại, bàn ghế, đồ ăn, nước uống du khách nên tự chuẩn bị, bởi khu vực quanh đây hoang sơ, chưa cung cấp nhiều dịch vụ. Thi thoảng, du khách còn có thể bắt gặp những người dân bản địa hay những em bé đang vui đùa, hoặc tham gia các hoạt động lao động, sản xuất trên thảo nguyên.
Nhiều du khách lựa chọn cắm trại giữa thảo nguyên (Ảnh Trần Quang Tú - Group Check in Việt Nam)
Thảo nguyên Suôi Thầu vẫn là địa điểm du lịch tự nhiên, chưa có sự can thiệp nhiều từ con người. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Xín Mần (Hà Giang) Phạm Duy Hiền, quan điểm của tỉnh và huyện là phải giữ được cảnh quan của thảo nguyên, vì hiện nay không còn nhiều khu vực như ở đây.
Huyện có định hướng không tác động đến vùng lõi, chỉ phát triển dịch vụ ở phần ngoài; đồng thời tính tới phương án sau này, phát triển du lịch sẽ theo hướng du lịch trải nghiệm, không có phương tiện cơ giới ra vào. Thay vào đó là dịch vụ đưa đón khách du lịch bằng xe thô sơ của bà con bản địa. Mục đích là vừa giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, vừa tạo việc làm cho người dân.
Bên cạnh điểm nhấn Thảo nguyên Suôi Thầu, huyện Xín Mần có khá nhiều điểm du lịch độc đáo khác, như Bãi đá cổ Nấm Dẩn, Thác Tiên Đèo Gió, Suối khoáng Quảng Nguyên. Du khách tới đây có thể kết hợp nhiều địa điểm để có một chuyến hành trình trọn vẹn nhất.
Gợi ý một số chi phí khi tới thảo nguyên Suôi Thầu:
- Xe khách, xe giường nằm từ Hà Nội - Hà Giang: ~350.000 đồng/người
- Thuê xe máy từ Hà Giang - Suôi Thầu: ~200.000 - 250.000 đồng/người
- Thuê phòng nghỉ qua đêm trong TP.Hà Giang: ~200.000 - 400.000 đồng/người/đêm
- Chi phí chụp ảnh, mua quà lưu niệm: ~100.000 đồng/người
- Chi phí ăn uống tùy thuộc vào lịch trình, điều kiện, nhu cầu của từng du khách
Nếu ưa khám phá và trải nghiệm không gian xanh mát bao la, bạn hãy "xách balô lên và đi" khi có thể nhé.
Tổng hợp theo cafef.vn & vietnamnet.vn
Xem thêm